Phương Mỹ Chi tiết lộ sốc chuyện học ở trường quốc tế: Bị tẩy chay vì lý do không tưởng, từng khóc rất nhiều nhưng cái kết lại quá "ngầu"
Tẩy chay là một dạng bắt nạt về cảm xúc. Nó để lại vết sẹo lớn trong lòng, và rất khó để phục hồi.
Nhắc đến khái niệm bạo lực, chúng ta có thể nghĩ ngay đến đánh đập, gây tổn thương về mặt thể chất. Tuy nhiên, bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng đang trở thành nỗi ám ảnh với học sinh khi được "cộng thêm" những hành vi nhục mạ, đe dọa, cô lập… gây tổn hại nặng nề đến tinh thần trẻ. Tẩy chay là một dạng bắt nạt về cảm xúc. Nó để lại vết sẹo lớn trong lòng, và rất khó để phục hồi. Tiếc thay, vết thương ấy là vô hình, rất khó để nắm bắt. Nạn nhân bị tẩy chay có thể bị chấn động tâm lý, thậm chí hình thành rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Phương Mỹ Chi, cô ca sĩ "Quê em mùa nước lũ" dù được theo học tại môi trường quốc tế nhưng cũng có thời gian lâm vào tình trạng bị cô lập, tẩy chay. Trong Vlog có tựa đề "Làm sao để vượt qua cảm giác cô lập", lần đầu tiên, nữ ca sĩ tiết lộ bản thân từng bị xa lánh, dè bỉu vì học tiếng Anh kém khi bước chân vào học trong môi trường quốc tế. Thời điểm đó, do trình độ tiếng Anh kém nên cô phải học lớp tiếng Anh thấp hơn lớp mình đang học. Các bạn học tiếng Anh lớp 5, cô phải học tiếng Anh lớp 4.
Phương Mỹ Chi kể chuyện bị cô lập.
"Lúc học nhóm với các bạn chung lớp, phải bắt cặp để học nhóm để làm bài tập, không ai chịu bắt cặp với tôi hết. Các bạn cũng dè bỉu, xa lánh tôi. Lúc thầy kể chuyện vui, tôi cũng cười vì thấy các bạn cười. Họ nói là: "Hiểu gì mà cười?". Lúc đó, tôi còn nhỏ nên khóc rất nhiều. Tôi bị quê", Phương Mỹ Chi kể. Sau đó, Chi quyết định tìm gia sư để cải thiện khả năng. Sau 1 năm, Mỹ Chi đã đứng nhất lớp tiếng Anh.
Theo nữ ca sĩ, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều học sinh bị cô lập. Đầu tiên là sự khác biệt với mọi người, có thể là giàu - nghèo, đẹp - xấu... Tuy nhiên, đó là những nguyên nhân không phải do bản thân có thể kiểm soát.
Một trường hợp khác là tới từ chính bản thân: "Khi đó, điều đầu tiên là cần phải coi lại bản thân, xem có lúc nào vô tình khiến các bạn không thích mình hay không, có làm điều gì không đúng thì cần sửa đổi".
Nữ ca sĩ cho rằng, có nhiều người cũng tự cô lập bản thân với tập thể. Họ cảm thấy mình khác biệt nên tự ti, khép kín, nghĩ mình không hòa nhập được. Với trường hợp này, chỉ có bản thân mới giải quyết được vấn đề. Cô khuyên mọi người nên mở lòng với mọi người để được đón nhận. Còn với trường hợp cô lập một cách khách quan, chắc chắn trong nhóm đó có một bạn là "trùm". Trường hợp này, hãy dũng cảm tới hỏi trực tiếp để tìm ra nguyên nhân tại sao mình bị cô lập.
Làm gì khi con bị cô lập, bắt nạt?
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm GDĐB Diệp Quang, cha mẹ có thể nhận ra dấu hiệu con bị bắt nạt: Chẳng hạn trước đây trẻ hoạt bát, cởi mở, nay trở nên lầm lì, nhút nhát, không hợp tác với cha mẹ. Đặc biệt là trẻ rất sợ đến trường và luôn mong muốn được chuyển nơi học.
Khi phát hiện trẻ bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ đừng quy lỗi, nghi ngờ trẻ, hay nghĩ rằng con mình đã khiêu khích người khác. Cần khuyến khích trẻ mạnh dạn kể lại câu chuyện, tìm hiểu lý do tại sao trẻ bị bắt nạt. Hãy phân tích giúp con nhận ra vấn đề và luôn đứng về phía con, đặt niềm tin vào con. Cha mẹ cần làm trung gian giúp con tìm sự chia sẻ, cảm thông từ những bạn bè khác. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích trẻ mạnh dạn "tố" sự việc với thầy cô, gia đình.
Cha mẹ cần tránh vì quá bức xúc mà xúi giục trẻ có những hành vi bạo lực chống lại hoặc la mắng trẻ. Những phản ứng tiêu cực của cha mẹ dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực của trẻ.
Với những trẻ có đặc điểm nổi bật như xinh đẹp, ăn diện, học giỏi… cũng thường bị ghét. Những đối tượng này cần được người lớn hướng dẫn cách tự bảo vệ mình như cách ăn mặc, ứng xử, nói năng, hay đừng cho rằng điểm nổi bật của mình là hơn hẳn bạn bè.
Trên thực tế, sự khác biệt về hình thức và thể chất thực sự rất khó giải quyết. Tính nhỏ nhen và trẻ con là điều tồn tại ở bất kỳ đâu, dù là trường nào cũng vậy. Các em cần tìm bạn cho mình, không phải bạn này thì sẽ có những người bạn khác, bởi càng cô lập càng dễ bị… dọa.