“Con nhà người ta": Lương 12 triệu nhưng biếu bố mẹ 7 triệu, tặng 6 chỉ vàng sau 3 năm ra trường
Cô nàng dành đến hơn 50% lương để biếu bố mẹ.
Lương 12 triệu nhưng biếu bố mẹ hết 7 triệu
N.S (26 tuổi, Đồng Nai) đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty sản xuất nhỏ với tổng lương 13 triệu đồng và mức lương thực nhận sau khi trừ đi các khoản là 12 triệu đồng.
Đáng nói, hàng tháng cô dành đến 7 triệu đồng để tặng bố mẹ. Sau 3 năm ra trường, cô còn tích lũy tặng phụ huynh được 6 chỉ vàng - một con số không quá lớn nhưng là thành tựu tài chính đáng tự hào của N.S.
“Hiện tại mình đang sống cùng gia đình. Mỗi tháng, mình tặng bố mẹ 7 triệu đồng - đây không phải số tiền mình nhờ họ giữ giùm mà hoàn toàn là tiền của bố mẹ. Nếu mình cần mua cái gì thì sẽ tự tiết kiệm hoặc mượn bạn bè trước chứ không xin gia đình. Nếu không thể gom đủ tiền, mình mới mượn bố mẹ nhưng luôn đặt ra khoảng thời gian trả đủ.
Tiếp theo, mình dành hết 2 triệu đồng để trả tiền mua mỹ phẩm, đồ đạc, ăn uống, điện nước và xăng xe. Mình đi làm và ăn cơm công ty, chỉ có tối mới về ăn cơm nhà cùng gia đình.
Khoảng 3 triệu còn lại, mình dành để mua một số nhu cầu cá nhân. Hoặc mình góp tiền hàng tháng để sắm chỉ vàng, dùng để tặng bố mẹ vào dịp lễ Tết", N.S chia sẻ cách cô phân bổ thu nhập hàng tháng.
Chỉ tiêu 2-5 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt cá nhân là điều khó khăn với nhiều người trẻ. Tuy nhiên, cá nhân N.S thì không.
Cô nàng chia sẻ bí quyết: “Mình sống ở rìa huyện nên chi phí không quá đắt đỏ. Mình ít bạn, mọi người ở xa nhau nên bọn mình thường chỉ hẹn uống nước, cũng chẳng tốn nhiều.
Mình ở với bố mẹ nên chi phí cho tiền nhà, tiền ăn đã không tốn mấy. Công ty cách nhà mình tầm 20 phút nên với giá xăng hiện nay, mình đổ đầy bình sẽ đi được nhiều nhất là 4 ngày. Do đó, mình thấy với mức chi tiêu hiện tại còn nhiều rồi”.
Nhiều người từng hỏi N.S cứ kiếm được bao nhiêu mà tặng hết bố mẹ thì sau này có trường hợp cần dùng đến tiền thì tính sao. Cô nàng bày tỏ: “Mình luôn cố gắng có một khoản phòng hờ là khoảng 5-7 triệu đồng. Với mình chẳng có chuyện nào gấp ngoại trừ việc xui xẻo như bị tai nạn. Nếu mình có tinh thần và thể chất khoẻ thì không sợ gì, cứ việc đi làm thôi.
Ngoài ra, nếu sau này mình muốn học thêm thì cần cân nhắc kỹ trước. Trong trường hợp mình quyết định đi học thì có thể lấy hết tiền tiết kiệm 3 triệu đồng dư ra mà dùng, còn nếu không thì đi mượn. Mình quan niệm mượn tiền thì phải trả đúng hạn. Nếu cứ giữ cho mình cái quy tắc này thì bạn mượn ai, thể hiện mình có khả năng trả đủ thì mọi người đều cho bạn mượn hết”.
Năm 2021, mức lương của N.S là 11 triệu đồng. Sang đến năm 2022, mức lương của cô mới tăng lên 13 triệu đồng. Với nhiều người, có thể sự gia tăng thu nhập này không quá cao, song cô nàng luôn tích cực khi nghĩ về cơ hội việc làm.
“Sau khi ra trường thì quan trọng nhất là bạn có việc để đi làm. Mình không có tips gì quá đặc biệt. Mình chỉ luôn nghĩ nếu bạn càng nâng cao giá trị bản thân, chăm chỉ làm việc, không ngại khó thì lương tự khắc cũng sẽ nâng lên”, N.S nói.
Mong muốn tặng bố mẹ cuốn sổ tiết kiệm trăm triệu đổ lên
N.S tâm sự cô nàng có “truyền thống” mỗi năm tặng quà Tết cho bố mẹ là chỉ vàng. Cũng vì thế cho đến nay bố mẹ N.S đã có 6 chỉ vàng và 20 triệu đồng tiền mặt, chưa tính nhiều món quà khác mà N.S tặng phụ huynh trong năm. Chỉ riêng Tết 2023, cô nàng từng biếu phụ huynh 2 chỉ vàng và 10 triệu đồng tiền lì xì.
Nhanh chóng kiếm được tiền để bố mẹ tự hào là mục tiêu tài chính mà N.S muốn hoàn thành trong tương lai. Cô nàng nhận định: “Mình mong muốn còn kiếm được nhiều tiền hơn. Mình hy vọng rằng có một ngày bố mẹ có thể tự tin nói được con gái tặng cho một cuốn sổ tiết kiệm với con số trăm triệu đổ lên.
Không phải chỉ những lúc khó khăn mới cần tiền. Với mình, thấy được nụ cười của bố mẹ mới là cần nhất. Con người muốn thể hiện niềm vui thì không cái nào hơn là dùng vật chất để bộc lộ tình cảm cả".