Con gái 10 tuổi chạy ra ban công đòi tự tử chỉ vì cãi nhau với chị gái: Không ít cha mẹ đã mắc lỗi nghiêm trọng này khi dạy con
Chỉ vì cãi nhau với chị gái, bé gái 10 tuổi đã chọn cách phản ứng rất tiêu cực là ra ban công đòi tự tử. Người mẹ khóc lóc quỳ xuống cầu xin tha thứ: “Mẹ sẽ thay đổi".
Ngày 23/5 tại thị trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, một cô bé 10 tuổi sau khi cãi nhau với chị gái đã bất ngờ chạy ra ban công để định nhảy lầu tự tử.
Nhìn thấy cảnh này, cha mẹ bé gái lo lắng đến mức phản ứng một cách rất tiêu cực: quỳ xuống cầu xin con đi vào.
Người mẹ vừa quỳ vừa khóc: "Mẹ sẽ thay đổi, bây giờ mẹ cũng đã sửa được nhiều thứ rồi mà. Chỉ cần có thứ gì tốt thì mẹ sẽ chiều con trước được không? Chỉ cần là chị con có thì con cũng sẽ có mà".
Không những thế, người mẹ còn hứa sẽ không quát con nữa và cũng sẽ nhắc nhở chị không được làm thế với em. Một lúc sau, khi người mẹ cố thuyết phục con gái, nhân viên cứu hộ đã ôm lấy cô bé rồi đưa vào nhà an toàn.
Vụ việc không đơn thuần chỉ là cuộc cãi vã giữa 2 chị em gái mà có thể được tích tụ trước đó. Những câu như "Mẹ sẽ chiều con trước được không?" hay "Chỉ cần là chị con có thì con cũng sẽ có mà"... cho thấy, dường như người mẹ này thường xuyên có thái độ và hành động khiến con cho rằng mẹ hay bênh và chiều chị gái hơn mình.
Tương tự như trường hợp nói trên, hôm 14/5, tại Nam Sung, Tứ Xuyên, chỉ vì ông nội đối xử không công bằng mà một bé gái 10 tuổi đã có ý định nhảy lầu từ tầng 33 xuống đất. May mắn cô bé cũng được giải cứu an toàn.
Trước đó cô bé và em trai đã có cuộc cãi vã, ông nội chỉ quan tâm tới cháu trai và phớt lờ cháu gái khiến cô bé trong một phút bồng bột đã hành động một cách vô thức.
Quan tâm tới cảm xúc của trẻ và đối xử công bằng giữa các con trong gia đình
Một số trẻ nhạy cảm, dễ bị tổn thương về mặt tinh thần, bố mẹ nên chú ý trong cách giáo dục và cư xử giữa các con trong gia đình. Bởi nếu đối xử không công bằng trẻ sẽ chọn cách cực đoan để khiến bên kia chịu thua, như cách bé gái nói trên đã làm.
Muốn giáo dục được trẻ nhỏ, người lớn cần có sự công bằng, nếu không, mọi lời nói của cha mẹ, ông bà với trẻ đều trở nên vô nghĩa. Thậm chí, kiểu đối xử "nhất bên trọng, nhất bên khinh" của người lớn đôi khi sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Đối xử với con đầy yêu thương nhưng cũng cần nghiêm khắc đúng lúc
Luôn cho con thấy bố mẹ yêu thương như thế nào nhưng cũng phải tỏ rõ thái độ nghiêm khắc khi con sai trái để biết đúng sai và sửa lỗi.
Người lớn đừng để mình rơi vào tình thế như bà mẹ nói trên khi phải quỳ xuống xin con trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Muốn thế, cha mẹ cần có cách uốn nắn và giáo dục con đúng đắn ngay từ khi còn nhỏ.
Cụ thể, con không được phép ra điều kiện, tạo áp lực cho bố mẹ trong bất kỳ trường hợp. Từ những điều nhỏ nhặt như khi con mè nheo đòi món đồ chơi gì đó lúc nhỏ, hay yêu cầu phải có bộ quần áo đẹp, đôi giày mới, chiếc xe máy mới chịu đi học…
Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ cần giải thích và nói chuyện với con lý do tại sao cha mẹ không mua món đồ mà con muốn như: vì con đã có rồi, vì chưa thực sự cần thiết khi ngân quỹ gia đình cần để dành lo việc khác, vì con chưa tới tuổi điều khiển xe máy…
Những lúc con đòi hỏi vô lý, cha mẹ cần nghiêm khắc thực hiện theo đúng quy định mà họ đã đưa ra cho con. Đừng vì một phút yếu lòng mà làm theo mọi yêu cầu của con vô điều kiện, bởi làm như thế, chính là đã tạo cho trẻ thói quen đòi gì được nấy.