Con dâu láo, được đằng chân lân đằng đầu
Từ ngày mẹ chồng bán hàng nước ngoài vỉa hè, cô con dâu cắt luôn 500 nghìn tiền đưa bà hàng tháng, rồi ngày nào chị về cũng hằm hè vì thức ăn bà làm chưa ngon, chưa đúng khẩu vị với mình.
Buồn lòng vì con dâu
Bà Tuyền (Nghĩa Dũng, Hà Nội) đã về hưu được 5 năm, bà đang sống cùng vợ chồng con trai. Chồng bà mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi con trai khôn lớn những mong ngày về già của bà được thảnh thơi thế nhưng...
Chị Thanh Nga – con dâu bà làm nghề kinh doanh, thế nên tính cách chị có phần hơi tính toán, chi li.
Trước, anh Toàn có lương bao nhiêu đều đưa cho mẹ kha khá để bà chăm lo cho gia đình nhưng từ ngày cưới vợ, tiền anh, vợ quản. Mỗi tháng, chị đưa cho mẹ 500 nghìn đồng để chi tiêu ăn uống.
Thấy vợ đưa quá ít, anh cằn nhằn: “Sao em kỹ tính thế? 500 nghìn cho 30 ngày ăn ư?”
Chị phụng phịu: “Thời buổi này phải chắt chiu từng đồng ấy chứ? Mình có ăn sáng và trưa đâu. Thêm vào đó, mẹ anh còn có tiền lương hưu cơ mà”.
Anh nói thế nhưng rồi cũng để đấy, chẳng bận tâm.
Trong khi đó bà Tuyền nghỉ hưu, lương có ngót nghét 2 triệu đồng. Bà phải chi tiêu bao nhiêu thứ tiền gas, tiền điện, rau cỏ, thức ăn...
Với toàn bộ số tiền ít ỏi đó, mỗi sáng bà lại loay hoay, rộc người nghĩ cách chi tiêu cho hợp lý.
Vậy mà, tối nào con dâu cũng bĩu môi chê với chồng: “Đưa tiền cho hàng ngày mà mẹ anh mua cái gì cũng một tí, cơm nấu có từng này thì ai ăn ai nhịn? Bà cứ nghĩ ai cũng già nua và ăn ít như mình vậy? Ngày nào cũng liên khúc đậu, trứng. Hay có tiền bà lại tiêu vung vít tít mù lên”…
Giọng con dâu sang sảng, dù đóng cửa nằm trong buồng bà cũng nghe rõ mồn một, bà buồn lắm. Bà định bụng mấy lần tâm sự với con nhưng lại thôi. Bà nghĩ, con cái đã cả ngày lăn lộn với công việc để mưu sinh, mình giúp được con điều gì thì làm cố.
Đã thế, con trai bà lại thêm vào: “Sao mẹ ky bo thế, nhà con đã đưa tiền vậy mà cả ngày mỗi bữa ăn mẹ làm cũng chẳng xong?”.
Bà chẳng biết phải giải thích với con thế nào, bà có đi ra đường “buôn dưa lê” với đám bạn già như con nghĩ đâu. Sáng sáng, bà kỳ cục xách giỏ đi chợ xa ở phố cạnh sông vì “chợ cóc đó giá rẻ hơn chút chút”, rồi bà lại về giặt giũ, phơi phóng, dọn nhà.
Mang tiếng có con dâu nhưng Nga có bao giờ làm việc nhà. Về tới nhà, tắm giặt, ăn cơm xong, các con lại dắt tay nhau ôm máy tính lên phòng để làm việc. Bà lại cần mẫn dọn dẹp.
Thấy con cái kiếm tiền khó khăn, hay cãi nhau về tiền, bà định bụng dọn 1 cái sạp nhỏ ra trước cửa bán nước.
Anh Toàn thì cản không cho mẹ làm vì “mẹ biết mình bao nhiêu tuổi rồi không, mẹ cơm nước cho tụi con là tốt lắm rồi”. Thế nhưng Nga lại cười khanh khách bảo “anh chẳng biết gì? Mẹ ở nhà buồn chán, cho mẹ bán mấy thứ đó cũng được chứ sao? Vừa khỏe người vừa kiếm được tiền”.
Thế là, từ khi bà cụ bán hàng nước ngoài vỉa hè, chị cắt luôn 500 nghìn tiền đưa bà hàng tháng, rồi ngày nào chị về cũng hằm hè vì thức ăn chưa ngon, chưa đúng khẩu vị với mình.
Bà Tuyền dù ít dù nhiều cũng khá thương và thông cảm với con dâu nhưng xem ra chị không biết điều.
Việc lớn, việc nhỏ trong nhà bà đều miệt mài làm hết, nhưng chẳng bao giờ vừa lòng được con dâu (ảnh minh họa)
Không chỉ chị Nga, mà rất nhiều nàng dâu khác, được mẹ chồng chiều chuộng quá lại xem nhẹ tình cảm đó.
Bà Phúc (Yên Ninh, Hà Nội) dù đã 68 tuổi nhưng suốt ngày bà chỉ ở nhà trông cháu, nấu cơm cho... các con đi làm về ăn. Ăn xong, bà lại lọ mọ rửa chén bát. Nhiều tuổi nhưng việc lớn, việc nhỏ trong gia đình bà đều miệt mài làm hết. Thế nhưng chị Ánh Hoa – con dâu bà chẳng bao giờ vừa lòng.
Lúc nào chị cũng gọi điện về xem bà có bế cháu đi lang thang ngoài đường không. Bố mẹ chồng khuyên rằng: “Các con không nên giữ con quá, thằng Mít đã 3 tuổi rồi mà chẳng cho con ra đường, suốt ngày ở nhà, làm vậy con nó nhát”.
Nhưng chị gạt đi bảo: “Môi trường độc hại thế này, mà trời trở lạnh rồi, bà định ôm nó ra đường để cảm à?”.
Chưa hết, đến cơ quan, chủ đề mà chị “buôn bán” với mấy bà bạn lúc nào cũng là mẹ chồng: “Dù nhà chồng ở phố đấy, thế mà bà ý ăn mặc cứ như con mụ nhà quê vậy. Gặp ai mình cũng xấu hổ”.
Vậy nên, khi đồng nghiệp đến thăm nhà, chị lại nói nhỏ với mọi người rằng: “Bà ý là giúp việc đấy. Già rồi nhưng trông con mình cũng tàm tạm, được cái không ăn cắp vặt”.
Có lần, bà Phúc nghe được câu nói ấy, bà buồn lắm, chẳng biết thế nào mới vừa lòng con dâu. Bà kể chuyện với con trai, anh mắng vợ té tát, chị lại quay ra hằm hè mẹ chồng.
Chị lúc nào cũng xem việc bà thức khuya, dậy sớm giặt giũ áo quần, tắm cho cháu, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước mà bà vẫn thường làm là chuyện đương nhiên, là chuyện bắt buộc. Về nhà mà thấy nhà cửa bừa bộn là chị lại nhắc nhở: “Lười thế này thì mai sau ai mà hầu được cho?”.
Bà lại cuống quýt ra dọn.
Lời bàn
Chuyên gia tâm lý Đoàn Thúy Hương (Trung tâm tư vấn Tình yêu - Tình dục TP HN) cho rằng, trong các mối quan hệ gia đình, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được nhận định là phức tạp nhất.
Giữa họ bao giờ cũng tồn tại một người đàn ông, chồng của người này nhưng là con trai của người kia. Nếu được mẹ chồng cưng chiều, người con dâu cũng phải biết đáp trả và ngược lại, nếu được con dâu yêu thương, người mẹ cũng sẽ biết thương, biết quý. Đừng được voi đòi tiên, chỉ biết nhận mà không biết cho. Bởi mọi thứ tình cảm đều cần được đón nhận với một thái độ trân trọng mới vững bền.
Có được một người mẹ chồng thương chiều và biết điều như những trường hợp trên không phải là nhiều. Việc các bà mẹ chồng hiền và thích ôm mọi việc cũng xuất phát từ thực tế là những người trẻ mới lập gia đình, có con nhỏ, phải phấn đấu cho sự nghiệp, biết các con phải dành nhiều thời gian cho công việc, nên cần sự trợ giúp của người thân về cả vật chất và tinh thần.
Cả hai phía cần phải thay đổi. Bố mẹ chồng cần để cho con cái tự lập, như vậy các con mới hiểu được giá trị của sự giúp đỡ lớn lao này. Mặt khác, bố mẹ lại có thời gian để tận hưởng những thú vui tuổi già.