Coi thường triệu chứng đau bụng, lúc đi khám thì ung thư đã di căn

Nguyễn Ngoan/VTC News,
Chia sẻ

Dù bị đau bụng trong thời gian dài nhưng ông H. vẫn không đi khám, cho đến lúc sức khoẻ suy yếu, tới bệnh viện mới phát hiện bị ung thư đại tràng di căn gan.

Ông N.Đ.H., 63 tuổi, tìm đến bác sỹ sau 3 tháng thường xuyên gặp những cơn đau bụng âm ỉ quanh rốn và hố chậu trái, kèm theo tình trạng táo bón. Ông trì hoãn việc đi khám do công việc bận rộn và nghĩ rằng đây chỉ là triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân có tiền sử mắc viêm gan B nhiều năm nhưng không theo dõi và điều trị thường xuyên.

Tại phòng khám, bác sỹ chỉ định ông H. làm xét nghiệm máu và nội soi đường tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả nội soi cho thấy có một khối sùi ở vị trí đại tràng sigma, choán gần hết lòng đại tràng. Khối sùi này được sinh thiết, kết quả là ông H. mắc ung thư đại tràng (carcinoma tuyến).

Ngoài ra, hình ảnh cộng hưởng từ ổ bụng ghi nhận sự xuất hiện các khối u ở cả gan phải và gan trái; điều này cho thấy ung thư đã di căn đến gan.

Dựa trên các kết quả cận lâm sàng, bác sỹ chẩn đoán ông H. bị ung thư đại tràng di căn gan. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) điều trị bằng hóa chất.

Coi thường triệu chứng đau bụng, lúc đi khám thì ung thư đã di căn - Ảnh 1.

Chủ quan với dấu hiệu đau bụng kéo dài, đi khám phát hiện ung thư. (Ảnh minh hoạ)

Thạc sỹ, bác sỹ nội trú Đặng Thị Tâm, chuyên khoa Nội, Bệnh viện Medlatec (Hà Nội) cho biết, ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất, xếp thứ 3 về tỷ lệ mắc mới và thứ 2 về tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới, theo báo cáo của GLOBOCAN 2022.

Gần 50% trường hợp ung thư đại tràng sẽ phát triển di căn gan trong quá trình mắc bệnh, và khoảng 10% có di căn đồng thời ngay từ khi phát hiện bệnh. Việc điều trị ung thư đại tràng di căn gan đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa và cá thể hóa phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng là thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động và tình trạng thừa cân, béo phì.

Các chuyên gia khuyến cáo, những người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là trường hợp có người thân mắc ung thư đại tràng, nên thực hiện tầm soát định kỳ. Người có tiền sử mắc các bệnh lý mạn tính cũng không nên bỏ qua việc này.

Việc tầm soát ung thư đại tràng định kỳ giúp chẩn đoán và điều trị sớm, từ đó giảm thiểu chi phí điều trị và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Chia sẻ