Mỗi tuần 1 chuyện:

Cổ tích hôn nhân của một phụ nữ từng lỡ dở một lần đò

Lê Nhị,
Chia sẻ

Sáu năm sau ly hôn, làm mẹ đơn thân và nuôi con một mình, người phụ nữ ấy đã vô tình gặp được người đàn ông của đời mình đúng vào thời điểm chị bị tai nạn giao thông, phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện Chợ Rẫy.

Ai cũng bảo, tình yêu và cuộc hôn nhân của anh chị giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hai nhân vật chính dệt nên chuyện cổ tích giữa đời thường ấy không ai khác chính là chị Lê Thị Bích Lý, SN 1974 (quê ở Việt Trì, Phú Thọ) và anh Nguyễn Văn Long, SN 1974 (quê Vĩnh Linh, Quảng Trị). Hiện hai vợ chồng chị cùng con gái Tâm Như (SN 2003) đang sống và làm việc tại Thị xã Thuận An, Bình Dương.


Cổ tích hôn nhân của một phụ nữ từng lỡ dở một lần đò 1

Chị Lê Thị Bích Lý và anh Nguyễn Văn Long

"Chuyện cổ tích" ở bệnh viện Chợ Rẫy

Chiều ngày 30 Tết cách đây 6 năm, chị Lý đã không may bị một tai nạn giao thông khi băng qua đường để ghé một tiệm tạp hóa mua một lọ nước rửa chén.

Cú tông quá mạnh ấy đã làm chị ngất xỉu ngay lập tức. Tỉnh dậy, chị thấy mình đang nằm trong Phòng Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy. Chị gặp anh Long - chồng chị bây giờ, khi anh chăm sóc người thân ở khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này.

Lúc đó, chị nằm liệt một chỗ, tay bó bột, dập phổi, gãy chín xương sườn và chân trái bị gãy nát. Nhớ lại như in những ngày này, anh Long bảo: “Ánh mắt buồn, cô đơn nhưng rất đẹp của chị khi chị nằm một mình trên băng ca, khuôn mặt thỉnh thoảng nhăn nhó vì đau, không hiểu sao có một sức hút kì lạ với anh”. Anh cũng cho biết, cũng chính vì lý do này nên đã chủ động đến làm quen và chuyện trò cùng chị - một phụ nữ bị tai nạn liệt giường.

Theo chị Lý kể: “Lúc đầu, tôi cũng chỉ chuyện trò vài ba câu vu vơ cùng anh với thái độ thờ ơ. Thực tình tôi không có ý định có tình cảm với anh. Lúc đó tinh thần tôi rất hoảng loạn. Tôi rất lo sợ mình sẽ bị tàn tật vì chân của tôi bác sĩ tiên lượng không được tốt lắm, có dấu hiệu viêm xương và nhiễm trùng rất cao. Hơn nữa tôi vừa mổ phổi, ho nhiều, cơ thể gầy yếu và suy sụp tinh thần”.

Phải nằm một chỗ, không người thân chăm sóc, chị Lý đã phải thuê một người giúp việc chăm sóc mình. Mỗi khi nhìn sang băng ca bên cạnh, thấy anh chăm sóc tận tình cho cô cháu gái - người bị gãy xương đùi rất nặng, chị thầm cảm phục và tự nhủ: “Sao lại có một người đàn ông chăm sóc người bệnh tận tình thế nhỉ? Chắc hẳn đó phải là người tốt và có tình thương vô bờ bến với bệnh nhân”. Chị lại càng khẳng định điều chị đang nghĩ vì những người nhà đi chăm sóc bệnh nhân xung quanh chị đều có chung một nhận xét như thế về anh.

Cổ tích hôn nhân của một phụ nữ từng lỡ dở một lần đò 2

Những ngày chị nằm viện điều trị: “Hình ảnh anh cần mẫn bón cháo cho người nhà bị bệnh đã gieo vào trái tim nhiều lần bị tổn thương của tôi một cảm giác xốn xang khó tả. Kể từ đó chúng tôi nhắn tin và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Tình cảm gắn kết giữa hai chúng tôi bắt đầu nhen nhóm cho tới khi tôi xuất viện và tiếp tục về Bình Dương điều trị”.

Song sau khi xuất viện, thật không may là chân của chị vẫn bị viêm xương, rò tủy. Chị lại phải tức tốc nhập viện mổ thêm vài lần nữa. Cứ hai tuần, chị lại lên bàn mổ cắt lọc những chỗ bị viêm và chảy mủ. Chân của chị khi ấy thường xuyên đau nhức và chảy mủ. Chị rơi vào trạng thái tuyệt vọng hoàn toàn. 

Nằm một chỗ, chị sốt ruột và lo lắng cho cô con gái nhỏ của chị vì: “Tôi là trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Tôi nằm một chỗ và mổ liên tục như thế này, ai sẽ chăm sóc cho cô con gái bé nhỏ tội nghiệp của tôi?”.

Những lúc ấy, anh thường xuyên gọi điện động viên chị lạc quan chiến đấu với bệnh tật. Thỉnh thoảng anh xin nghỉ làm, xuống bệnh viện thăm chị. Và “Trong lúc cô đơn, có một người đàn ông luôn quan tâm đến sức khỏe và ân cần hỏi han, khiến tôi một lần nữa cảm thấy trái tim mình lỗi nhịp”.

Đặc biệt, khi nghe tin chị phải mổ lần thứ năm, anh tỏ ra rất lo lắng và sốt ruột. Anh quyết định xin phép gia đình đến chăm sóc cho chị ở bệnh viện. Bố mẹ, anh chị em trong nhà đều ủng hộ việc làm của anh. Họ đều cho, giúp người trong lúc hoạn nạn là một việc tốt nên làm.

“Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ những tháng ngày cực khổ trong bệnh viện như thế. Tôi đã trải qua chín lần phẫu thuật kể từ sau tai nạn. Nhiều lúc tưởng bị cưa chân đến nơi, nhưng từ khi được anh chăm sóc, sức khỏe của tôi chuyển biến từng ngày theo chiều hướng tốt hơn. Anh đã chăm sóc tôi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác ròng rã hơn một năm cho tới khi tôi đi lại được bình thường. 

Ngoài ra, tôi may mắn có được sự giúp đỡ chân thành của các bạn học chung thời đại học. Các bạn đã kết nối vòng tay nhân ái để cùng tôi chống chọi cái chết và vượt qua được những tháng ngày gian nan nhất” - Chị xúc động nhớ lại.

Rồi đến một ngày, anh tỏ tình với chị trong bệnh viện. Chị vì mặc cảm với bản thân nên đã nói với anh: “Bác sĩ bảo chân em bị nhiễm trùng rất nặng, có thể phải cưa chân và đi chân giả. Anh có tình nguyện chăm sóc một người phụ nữ tàn tật suốt đời không? Em rất mặc cảm, vì em đã có một đời chồng và một đứa con, em không hợp với một người đàn ông chưa kết hôn lần nào như anh”.

Anh khẳng định với chị: “Cho dù em có phải đi bằng chân gỗ thì anh cũng tình nguyện bên em trọn đời. Anh chỉ là một người bình thường, nghèo, không có tài cán gì, nhưng anh yêu em bằng cả trái tim”.

Cổ tích hôn nhân của một phụ nữ từng lỡ dở một lần đò 3

Và chị đã cảm thấy thật hạnh phúc khi nghe những lời nói chân tình mộc mạc của anh. Dưới bàn tay chăm sóc ân cần của anh, chị đã trắng trẻo, mập mạp dần lên, chân bớt chảy mủ. “Tôi thích nhất là cảm giác được anh gội đầu trong bệnh viện. Mỗi lần anh gội đầu cho tôi, những người bên cạnh thường xuýt xoa: ‘Cô thật là tốt phước khi lấy được một người chồng thương vợ như vậy’.

Với bản thân chị, sau tai nạn thảm khốc và cận kề với cái chết, chị đã ngộ ra: “Hạnh phúc nhất trong cuộc đời là tìm được một tấm chân tình. Điều mà tôi tưởng chừng đã biến mất trong cuộc sống bon chen, xô bồ hiện nay”.

Hạnh phúc giản dị sau 2 năm kết hôn

Sau 6 tháng chăm sóc chị Lý trong bệnh viện, anh Long đã đề nghị đi đăng kí kết hôn nhưng tạm thời 2 người chưa tổ chức đám cưới vì chân của chị còn phải điều trị lâu dài, không tiện tổ chức đám cưới.

Lúc đầu gia đình anh có người phản đối vì cho kết hôn với chị là một điều viển vông. Bác sĩ đã lắc đầu với cái chân của chị, đồng nghĩa với việc anh có thể sẽ phải lấy một người phụ nữ bị đi chân giả suốt đời. Nhưng may mắn là bố mẹ và họ hàng nhà anh ở Bình Phước đã chứng kiến tình yêu anh dành cho chị nên họ đã đồng ý tác thành cho hai người kết hôn.

Nói về chút trục trặc này, chị Lý chia sẻ: “Tôi còn nhớ câu nói của anh Quỳnh - anh họ chồng tôi bảo: ‘Cho dù hai em có thể không đến được với nhau, nhưng giúp người trong lúc khó khăn là một việc làm đạo đức và nên làm. Anh thấy Long yêu em thực sự, nên anh ủng hộ quyết định của cậu ấy’”.

Hiện, sau hai năm kết hôn, chị vẫn thấy mình hạnh phúc vô bờ. Chị và anh làm cùng trong một công ty sản xuất đồ dùng gia đình xuất khẩu ở Bình Dương. Chị làm việc ở phòng Kinh doanh, còn anh làm việc ở xưởng Sản xuất.

Hàng ngày, anh chở con gái chị đến trường, rồi chở chị đến công ty đi làm. Do tính chất công việc, chị phải về trễ hơn anh. Thế nên hàng ngày anh về sớm đón con gái ở trường và đi chợ nấu cơm chiều cho cả nhà.

Cổ tích hôn nhân của một phụ nữ từng lỡ dở một lần đò 4

Chị Lý cùng con gái Tâm Như

Thỉnh thoảng như nhiều cặp vợ chồng khác, vợ chồng chị cũng tranh cãi. Chị tự nhận: “Tôi là người nóng tính, nên thường tôi là người gây sự cãi nhau trước. Nhưng chúng tôi không bao giờ giận nhau lâu. Tôi cho, cuộc đời ngắn ngủi, nên sống trọn vẹn mỗi phút giây được sống. Vì thế, khi giận nhau, chúng tôi thường tránh tổn thương nhau, đợi khi cơn giận qua đi, chúng tôi lại vui vẻ trò chuyện. Và dưới sự động viên và khuyên nhủ của tôi, dần dần anh đã bớt uống rượu và biết cách thương yêu chăm sóc vợ con hơn.

“Tôi thích nhất anh ở điểm thật thà, chăm chỉ, chịu khó, thương yêu vợ con. Đặc biệt, anh thương yêu và chăm sóc con gái tôi như con ruột - Điều tôi đắn đo nhiều nhất khi quyết định kết hôn với anh. Giờ đây, sau hai năm chung sống, tôi thấy mình đã quá lo xa. Anh thực sự rất thương và lo lắng cho con gái tôi. Hàng ngày anh chở con đi học, lo nấu ăn tẩm bổ cho con đứa con gái bé nhỏ, gầy còm của tôi. Anh vẫn thường nói với tôi, con gầy quá, nhìn con mà anh cảm thấy thương vô cùng.

Điều tôi không hài lòng ở anh nhất là anh hút thuốc lá quá nhiều, không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, thỉnh thoảng anh vẫn còn uống rượu và hơi quá chén” - Chị thành thật khi chia sẻ về ưu, nhược điểm của chồng mình.

Cổ tích hôn nhân của một phụ nữ từng lỡ dở một lần đò 5

Tổ ấm hạnh phúc của anh chị 

Là người phụ nữ đã qua một lần đò, lại có hoàn cảnh éo le, giờ tìm được hạnh phúc thật sự trong hôn nhân tập 2, lúc này chị luôn nỗ lực cùng chồng xây một ngôi nhà nhỏ hạnh phúc và tràn ngập tình yêu.

Chị tâm sự: “Sau tai nạn xảy ra, tôi nhận ra, sức khỏe là điều quan trọng nhất và lòng nhân ái là loại thuốc kì diệu nhất chữa khỏi mọi bệnh tật. Tôi may mắn gặp được rất nhiều người bạn tốt khi tôi gặp nạn. Tôi muốn viết lại chặng đường đời đầy chông gai trong suốt hai mươi năm qua, kể từ khi tôi là một cô học sinh cấp 3 đến khi tôi là một phụ nữ trưởng thành với hai lần kết hôn. 

Trong thời gian nằm viện, tôi đã viết một cuốn tự truyện, dự định sẽ phát hành tháng 11- 2013. Tôi muốn truyền thông điệp về tình yêu và lòng nhân ái đến với những phụ nữ cùng hoàn cảnh như tôi. Tôi muốn nhắn nhủ với những phụ nữ ấy: 'Bạn hãy sống thật vui vẻ, như thể hôm nay là ngày cuối trong cuộc đời. Nếu sống tốt, bạn sẽ gặp được rất nhiều bạn tốt chìa tay giúp trong lúc hoạn nạn'”.


Cổ tích hôn nhân của một phụ nữ từng lỡ dở một lần đò 6

Chia sẻ