Có thể bạn chưa biết: Chúng ta nhiều khả năng được thăng chức đúng vào thời điểm chuẩn bị xin nghỉ việc
Đây là một bí mật của người làm sếp nhưng bạn nên hiểu để thuận lợi hơn trong công việc.
Khi đi làm được một thời gian dài, các chị em công sở thường tự hỏi chính bản thân: Khi nào sẽ được thăng tiến và sếp tín nhiệm hơn?
Nhiều người cho rằng đó là khi bạn hoàn thành một dự án với cương vị leader, hoặc chăm chỉ cố gắng hoàn thành mọi KPI đề ra, hay có một nhân sự cấp trên nghỉ việc thì bạn sẽ nghiễm nhiên được thay vào vị trí ấy.
Nhưng đừng có mơ!
Bạn nghĩ rằng một chức vị cao mà sếp lại quyết định một cách dễ dàng vậy ư? Chắc chắn để hái quả ngọt, chị em công sở phải nếm qua đủ loại chông gai.
Và đây chính là một điều bí mật mà các sếp không nói ra nhưng chị em phải tự hiểu: Chúng ta nhiều khả năng được thăng tiến vào thời điểm chuẩn bị xin nghỉ việc.
Sếp sẽ muốn thấy nhân viên cấp dưới của mình lăn xả thực sự trong công việc, không chỉ là 100% cố gắng mà phải hơn thế nhiều: 200%, 300% hoặc thậm chí lớn hơn. Sếp muốn bạn nếm qua đủ loại đắng cay trong công việc để biết được trách nhiệm của người làm lãnh đạo ra sao. Hơn nữa, cũng chỉ khi qua thử thách chông gai thì chị em công sở mới tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm đắt giá.
Khi chúng ta muốn nghỉ việc, ấy có lẽ là bạn đã đạt đến cảnh giới của sự chịu đựng. Bạn cần thêm những thay đổi trong công việc, trong mức lương... Và như thế cũng đồng nghĩa bạn sẵn sàng cho những sự thay đổi. Mặt khác, trong trường hợp công ty thiếu nhân sự, việc thăng chức cho bạn cũng cần thiết để các sếp đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp mình.
Một người nhân viên nhàng nhàng sẽ chẳng bao giờ được cân nhắc thăng tiến. Vậy nên đừng ngồi một chỗ mà mơ mộng vào một ngày đẹp trời, bạn sẽ được nhận một chiếc mail tốt đẹp từ sếp.
Việt Hưng - một người làm nội dung của công ty truyền thông nọ đã kể về hành trình từ kẻ "bán chữ" cho đến một người sếp hoạch định chiến lược. Suốt 2 năm kể từ khi bước chân vào công ty, Hưng đã chinh chiến đủ loại dự án lớn nhỏ, đơn giản phức tạp khác nhau. Nhưng nhiệm vụ của anh chỉ là viết, viết và viết. Tức là cấp trên sẽ đẩy xuống cho anh 1001 đầu việc, Hưng chỉ có ngồi một chỗ và viết.
Trong 2 năm đó, Hưng không giao lưu mở rộng mối quan hệ được với ai, bậc lương của anh cũng tăng lên nhưng không đáng kể. Và sau 2 năm đó, Hưng đến phòng làm việc của sếp để trình đơn xin nghỉ việc. Sếp của Hưng thấy vậy liền cười nhẹ, cũng rút một tờ giấy thăng chức ra ở cấp độ cao hơn dành cho Hưng.
Thấy vậy, Hưng vừa vui mừng nhưng cũng đầy thắc mắc, hoài nghi. Anh hỏi sếp vì sao lại là thời điểm này sếp mới thăng chức cho anh. Tại sao trong hai năm vừa rồi anh cố gắng rất nhiều mà chẳng được trọng dụng? Sếp Hưng mới trả lời rằng bây giờ, khi trải qua được nhiều cung bậc của công việc, Hưng mới thực sự đủ lông đủ cánh để đảm nhiệm một vai trò mới. Và dĩ nhiên, sau buổi hôm đó, Hưng rút lại tờ giấy xin thôi việc và cáng đáng vị trí cao hơn.
Mặc dù vậy, các chị em hãy nhớ, luôn tồn tại một ranh giới mong manh giữa làm việc hết mình vì sự thăng tiến và làm việc cật lực vì bị bóc lột. Phải thật tỉnh táo nhìn ra tiềm năng cá nhân thông qua những buổi nói chuyện với sếp. Hoặc bạn có thể để ý sếp mình qua cách anh ta đối xử với những đồng nghiệp khác.
Chúc các chị em công sở sẽ luôn hết mình ở từng nhiệm vụ và sớm được sếp thăng chức nhé!