Có nên bảo quản thực phẩm bằng cách hút chân không?
Hút chân không giúp bảo quản thức ăn được lâu hơn, giữ được hương vị món ăn. Tuy nhiên, có nên bảo quản thực phẩm bằng hút chân không lại khiến chị em băn khoăn.
Nhịp sống bận rộn của đô thị khiến nhiều gia đình thường mua thực phẩm một lần dùng cho cả tuần, vì vậy bảo quản trở thành vấn đề luôn được quan tâm. Thời gian gần đây, các dụng cụ hút chân không được bán phổ biến với giá phải chăng và được coi là một giải pháp bảo quản thịt, cá và các loại thực phẩm.
Cách này được nhiều bà nội trợ ưa thích vì đem lại cảm giác sạch sẽ, gọn gàng, giúp họ dễ sắp xếp đồ trong ngăn đông tủ lạnh. Tuy nhiên, hiệu quả bảo quản của nó vẫn là điều khiến không ít người ngần ngại. Liệu có nên bảo quản thực phẩm bằng cách hút chân không, cách này có thật sự bảo đảm và phù hợp với mọi loại thực phẩm hay không... là những câu hỏi được đặt ra.
Có nên bảo quản thực phẩm bằng hút chân không?
Hút chân không là quá trình loại bỏ không khí khỏi túi đựng thực phẩm và niêm phong chặt chẽ. Điều này tạo ra không gian không có không khí xung quanh thực phẩm, khiến vi khuẩn, nấm mốc và nấm men không có điều kiện sinh sôi phát triển. Việc hút chân không còn giúp giảm lượng hơi ẩm xung quanh thực phẩm, làm cho thực phẩm khó bị hư hỏng hơn là bảo quản trong các hộp đựng thực phẩm.
Vì vậy, có thể coi hút chân không là một cách tăng hiệu quả bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, việc bảo quản bằng cách hút chân không phải được thực hiện đúng cách, nếu không sẽ có thể gây nguy hiểm.
Trả lời VnExpress, TS Vũ Thị Tần, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho dù bạn thực hiện đúng thao tác hút chân không nhưng thực phẩm không đủ điều kiện tiệt trùng thì vi khuẩn nguy hiểm vẫn có thể phát triển trong môi trường yếm khí, gây nhiễm độc, thậm chí tử vong.
Điển hình là vi khuẩn Clostridium botulinum sinh sôi rất tốt trong môi trường thiếu oxy, sinh ra độc tố botulinum. Các loại thịt, cá, hải sản, rau củ quả không đảm bảo vệ sinh khi được hút chân không sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc tố từ loại vi khuẩn trên.
"Hút chân không khi thực phẩm chưa được làm sạch hoặc thực phẩm ôi thiu sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm", TS Tần nói, đồng thời cảnh báo nguy cơ đến từ những người bán hàng sơ chế thực phẩm kém an toàn rồi hút chân không giao cho khách. Chuyên gia này khuyên nên làm sạch thực phẩm tươi sống một cách cẩn thận trước khi hút chân không.
Nói chung, thực phẩm được bảo quản bằng hút chân không dù là loại tươi sống hay đã làm chín đều phải đảm bảo vệ sinh và an toàn. Nếu không, túi chân không sẽ trở thành nơi để vi khuẩn kỵ khí phát triển và chờ cơ hội gây bệnh cho người ăn.
Lưu ý khi bảo quản thực phẩm bằng hút chân không
Để cách bảo quản này có hiệu quả tối đa, bạn nên:
- Sử dụng túi chất lượng cao: Không phải tất cả các túi hút chân không đều có chất lượng như nhau. Bạn nên cẩn thận chọn loại túi tốt, làm từ chất liệu phù hợp để đựng đồ ăn.
- Chọn thực phẩm phù hợp: Một số thực phẩm như nấm, tỏi và pho mát mềm có thể chứa vi khuẩn kỵ khí, không nên bảo quản bằng cách hút chân không.
- Nên làm đông lạnh thực phẩm trước khi hút chân không: Việc cấp đông có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn tồn tại trong thực phẩm, giúp bảo quản tốt hơn. Với thịt cá chưa đông lạnh, bạn cần rửa sạch sẽ trước khi hút và lưu chỉ chỉ bảo quản chân không với thực phẩm còn rất tươi ngon.
- Nên dán nhãn ghi ngày tháng cho các túi hút chân không, nhờ đó bạn có thể theo dõi xem để biết nó đã được bảo quản trong bao lâu và có kế hoạch sử dụng phù hợp.
- Thực phẩm không cấp đông cần được để nơi khô ráo, thoáng mát: Hút chân không là phương pháp bảo quản có thể sử dụng cho nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm cả những loại không cần để trong tủ lạnh. Ngũ cốc, trái cây khô, các loại hạt và gia vị sau khi hút chân không nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt hoặc dao động cao về nhiệt độ như bếp lò hoặc tủ lạnh.
Hút chân không có thể giúp kéo dài thời hạn sử dụng của trái cây và rau quả tươi, cũng như thịt, pho mát cứng và các mặt hàng dễ hỏng khác. Nó cũng đặc biệt hữu ích để lưu trữ những thực phẩm dễ cháy trong tủ đông như thịt, gia cầm và cá.