Cô Tổng phụ trách trường người ta: Thay đổi giờ chào cờ và biến tiết thể dục thành vũ hội, đi khắp nơi làm tủ sách, xây trường cho trẻ vùng cao
Khởi xướng để giờ chào cờ không còn nêu tên phê bình học sinh, tiết thể dục trở thành màn nhảy flashmob sôi động - đó là một phần rất nhỏ trong sự nghiệp giáo dục đầy màu sắc của cô Dương Lệ Nga, cô giáo dạy thể dục, phụ trách đoàn đội ở Thái Bình.
Cô Nga vừa trở về nhà sau chuyến đi kéo dài 1 tuần tại Sơn La. Đây là chuyến đi tặng sách vở, quần áo và đồ dùng học tập trong ngày bàn giao lớp học mới tại hàng loạt điểm trường vùng cao thuộc huyện Mai Sơn. Tính đến ngày 14/11/2019, nhóm tình nguyện "Kết nối trái tim" do cô Nga đại diện đã kết nối xây dựng được 20 lớp học như thế này.
Về hưu đã 6 năm, song cô Dương Lệ Nga còn bận rộn hơn cả lúc đang công tác vì lịch trình hoạt động xã hội dày đặc của mình. Những chuyến xe khách đường dài triền miên, dong duổi hành trình Tây Bắc, đi vào những bản sâu hun hút như Chiềng Kheo Chiềng Dong, những tháng dài ở miền Tây sống trên ghe nhiều hơn trên đất liền để khảo sát hàng trăm thư viện trường học, trong chiếc vali của mình, cô Nga không bao giờ quên mang theo sách.
Ngay cả lúc nằm viện, cô cũng cầm sách bên mình để đọc cho bệnh nhân, tặng cho bác sĩ. Ở bất kỳ đâu, cái duyên lành cũng đến với cô, khiến cô dễ dàng tìm kiếm và kết nối được những con người cùng tâm nguyện, cùng chung tấm lòng thao thiết với sự học của con trẻ.
“Càng làm càng mê em ạ”, cô Nga thủ thỉ. Niềm đam mê ấy có lẽ được tiếp lửa bởi chính những cuộc đời thay đổi nhờ trang sách do chính cô chứng kiến trong đời dạy học của mình.
Cô Dương Lệ Nga tốt nghiệp giáo dục tiểu học tại trường sư phạm Sơn La và có 18 năm dạy học ở tỉnh miền núi trước khi theo chồng về xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vì chỉ tiêu biên chế, cô được phân công dạy môn thể dục tại trường THCS An Dục, phụ trách công tác Đoàn đội. Công việc dạy thể dục, làm Tổng phụ trách gắn bó với cô từ đó đến tận lúc về hưu. Trong năm cuối cùng công tác, cô Dương Lệ Nga là giáo viên duy nhất không có bất kỳ chức vị quan trọng nào được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú của tỉnh Thái Bình.
Nhưng tất cả những người biết cô giáo Dương Lệ Nga đều không thắc mắc về điều đặc biệt ấy. Bởi ở Thái Bình, cô là người nổi tiếng với những sáng kiến phá bỏ mọi quy tắc và định kiến truyền thống về giáo dục. Nhiều sáng kiến của cô còn được nhân rộng ra toàn quốc, trở nên quen thuộc với thế hệ học sinh ngày nay.
Một trong những sáng kiến làm nên thương hiệu “cô tổng phụ trách trường người ta” của cô Nga chính là giờ chào cờ. Cô Nga kể, cứ mỗi lần đến tiết chào cờ, cô lại cảm thấy bứt rứt khó chịu bởi trên sân khấu thầy cô cứ thao thao bất tuyệt, cô nói cô nghe, trò ở dưới cứ nói chuyện. Rồi điểm danh sĩ số bao giờ cũng thiếu vì nhiều em trốn. Ngay cả các cô chủ nhiệm cũng không thích thú gì vì sẽ phải đối mặt với chuyện bị phê bình. "Cứ mãi như thế thì không được”. Vậy là cô bắt tay vào việc thay đổi.
Thời gian đầu, cô Nga cắt từ từ các phần báo cáo của chính cô và Liên đội trưởng, đồng thời thay đổi nội dung của bản báo cáo. Nếu như trước đó, báo cáo nêu tên cả học sinh tiêu biểu và học sinh yếu kém, phê bình công khai những học sinh mắc lỗi thì báo cáo mới chỉ nêu hiện tượng và sự việc mà không nêu tên học sinh. Việc trao cờ tuyên dương cũng vậy, trước đó chỉ trao cho một tập thể lớp duy nhất và đương nhiên luôn là lớp chọn. Cô Nga thấy thế không ổn, sẽ khiến các lớp khác mặc định rằng chúng có cố gắng cũng chẳng được gì. Cô bèn làm thêm một chiếc cờ nữa dành cho lớp vượt trội. “Các em ấy có thể không bao giờ vượt qua lớp chọn, nhưng nếu tháng này đứng thứ 12 mà tháng sau lên thứ 9 thì cũng đáng được tuyên dương chứ. Khi có thêm cờ dành cho lớp vượt trội, tinh thần thi đua của các em phấn chấn hẳn lên”.
Tiếp đó, cô thêm vào giờ chào cờ tiết mục kể chuyện theo sách và diễn kịch. Những vở kịch có khi được lấy từ sách, có khi được cô tự biên tự diễn. Ngày ngày quan sát học sinh, thấy em nào có hành vi xấu, nói bậy, nghỉ học, trốn học, nghiện game..., cô đưa vào kịch rồi cho các học sinh nhập vai.
“Chúng nó xem mà đứa nào cũng bảo thấy có mình trong đó. Thế là chúng nó sợ, chúng nó hiểu là cô biết hết, chỉ là cô không bêu tên, không phê bình, không đưa ra trước toàn trường để khiển trách thôi. Sau này cô cũng không viết kịch bản nữa mà giao hết cho học sinh làm. Bọn trẻ nó viết những câu chuyện của chính chúng nó, rất sinh động. Nhờ thế mình mới hiểu được tâm tư, suy nghĩ của học trò.”
Nhưng không chỉ có giờ chào cờ, tiết thể dục và sinh hoạt giữa giờ của học sinh trường An Dục cũng đã khác lạ từ những năm 2000. Cô Nga kể, câu chuyện xuất phát từ những bản nhạc phát ra từ phòng đoàn đội.
Ở trường An Dục, cô không quy định ngày nào học sinh dọn vệ sinh. Thay vào đó, mỗi khi học sinh nghe thấy giai điệu “Tổ quốc Việt Nam xanh ngát, có sạch đẹp mãi được không…”, là tất cả ùa ra sân trường quét dọn, nhặt lá cây, nhổ cỏ. “Cô để ý thấy học sinh vừa làm vừa lắc lư nhảy nhót theo điệu nhạc. Cô nghĩ tại sao mình lại không biến sinh hoạt giữa giờ thành thời gian cho bọn trẻ được xả năng lượng, được nhảy nhót thoải mái nhất?”, cô Nga kể.
Thế là, cô tìm những bản nhạc sôi động, biên đạo một vài điệu Cha Cha Cha và Tango đơn giản rồi dạy học sinh. “Chúng hưởng ứng quá, thi đua để giành giải đôi nhảy đẹp nhất. Nhưng cô không quan tâm chuyện nhảy đẹp, nhảy đều mà quan trọng là 100% các con tham gia một cách tự nguyện.
Giờ ra chơi, giờ thể dục là để vui để khỏe thì phải làm sao giúp chúng sảng khoái, vui vẻ, phấn khích chứ. Bây giờ các cô giáo trẻ rất giỏi, làm tốt hơn cô nhiều. Có cô còn đưa cả yoga đồng diễn vào giờ thể dục và rất thành công.”, cô Nga chia sẻ, ánh mắt ngời lên như thể bao tâm huyết của thời dạy học vẫn hôi hổi như ngày nào.
Dù làm chủ nhiều sáng kiến có sức ảnh hưởng lớn, cô Nga vẫn thủ thỉ rằng nhờ học trò mà cô và những người làm thầy làm cô khác phải thay đổi, hiểu biết hơn, độ lượng hơn, hoàn thiện hơn.
Một trong những tài sản quý giá nhất được cô Nga gìn giữ rất kỹ là những trang viết ghi lời nhắn nhủ, tâm sự, thậm chí là chất vấn của học trò. Khi còn công tác, cô Nga có làm một chiếc tủ kính nhỏ giống như hòm thư gắn ở hành lang trường học. Hòm thư đó có tên “Điều em muốn nói”. Cô dụ học sinh nói ra tất cả những suy nghĩ, cảm xúc của chúng, mà rất nhiều trong số đó là những bức xúc, bất bình của lũ trẻ, mà không cần để lại tên tuổi. Những mẫu giấy đó được cô đọc hết, và giấu kỹ để không ai đọc được, sau đó khéo léo xử lý để đáp ứng nguyện vọng của các em.
Ấn tượng nhất là những tập sổ viết dày với hàng trăm trang giấy ghi dòng chữ “Nét bút tri ân”. Cuốn sổ đó cũng là một sáng kiến thay thế báo tường của cô Nga sau nhiều năm cô nhận ra việc làm báo tường rất phí phạm, mỗi năm thi đua rồi cuộn lại và không bao giờ được đụng tới nữa. Cô dừng việc làm báo tường lại, trao cho mỗi lớp một cuốn sổ và khuyến khích các con viết ra những lời cảm ơn, tri ân cha mẹ, bạn bè, thầy cô hay bất cứ ai mà con muốn tâm sự, giãi bày.
Cô bảo học trò là các con không cần viết hay, không cần khen ngợi ai, không cần tung hô ai cả. Các con cứ viết những gì các con muốn nói, muốn giãi bày ra. Cô giao cho các em học sinh giỏi tự thành lập một hội đồng giám khảo để chấm bài vở của các bạn. Những câu chuyện xúc động nhất được các em chọn lựa để đọc trong buổi chào cờ.
"Nhưng có những câu chuyện không được đọc trong buổi chào cờ đã làm thay đổi cô rất nhiều”, cô Nga nói, đôi mắt ngân ngấn nước.
Hôm đó do mệt nên cô vào phòng đội ngồi nghỉ, tiện tay mở một cuốn Nét bút tri ân đọc, bỗng nhìn thấy cái tiêu đề lạ lạ “Giá như cô biết”. Cô đọc, thì ra là viết cho cô.
Em học sinh đó viết rằng: "Hôm đó con đi học muộn, cô không cho con vào lớp. Lớp con bị hạ điểm thi đua. Nhưng cô ơi, giá như cô biết, hôm đó là ngày giỗ của bố con...”, cô Nga nghẹn giọng, “Lúc cô đọc được những dòng đó thì bài viết đã được một năm rồi. Cô bé học sinh đã lên lớp 10. Ngay chiều hôm ấy, cô lấy xe phóng xuống nhà em. Cô khóc, cô xin lỗi, xin lỗi con vì cô đã không dành thời gian để hỏi vì sao con đi học muộn.”
Cô Nga sau đó đem bài viết của em học sinh cũ ra trước cuộc họp chuyên môn nhà trường. Kể từ đó, tất cả học sinh đi học muộn, không thuộc bài, không làm bài tập về nhà đều không bị nêu tên hay khiển trách nặng nề. Cô bảo: “Dù rằng học sinh rất nghịch và không phải em nào cũng có lý do chính đáng, nhưng mình cứ bao dung một chút, chậm lại một chút để nghe chúng nói, mình sẽ thay đổi tập quán chỉ nhìn vào hình thức mà không quan tâm đến bản chất, khiến nhiều học sinh phải mang sự ấm ức, tổn thương.”
Cũng vì chịu khó đọc tâm sự của học trò mà nhiều học trò tìm đến cô mỗi khi có chuyện không biết chia sẻ với ai. Cô bảo, nhìn lũ trẻ hoạt bát vui vẻ là vậy, nhưng có gần gũi chúng mới biết những bi kịch mà chúng phải gánh vác. Và cũng nhờ cách lũ trẻ xử lý với bi kịch của chúng mà cô lại tích lũy cho mình những bài học cuộc đời.
“Có cô bé phát hiện ra bố đi lấy vợ hai, thuê toàn bộ xe ôm làm họ hàng để đi đón dâu. Mẹ thì đi làm xa. Cô bé học lớp 8 không làm được gì cả ngoài một nỗi căm hận. Cô bé đến đây trò chuyện, nhưng bất ngờ là khi trút tâm sự xong, cô bé ấy bảo: “Nhưng con nghĩ rồi, con sẽ bỏ qua cho bố con, dù bố con có làm gì sai thì con cũng sẽ bỏ qua, sớm muộn bố con sẽ nhận ra cái sai của mình.”
Một lần khác, có cậu học trò nổi tiếng nghịch ngợm trong trường. Năm ấy bố cậu bé bị ung thư, cậu viết một bài trong cuốn “Nét bút tri ân” để gửi cho bố, hứa với bố rằng nếu bố có ra đi thì cậu sẽ cố gắng sống thật tốt.
“Bình thường cậu bé đó viết văn dở lắm, nhưng không hiểu sao viết cho bố lại hay thế. Đến ngày bố cậu bé mất, cô đến nhà viếng, mang theo cuốn sổ và thưa với gia đình xin phép đọc bài viết của cậu bé như một lời tiễn biệt. Đọc xong, tất cả mọi người đến viếng đều khóc như mưa. Đáng nói là, cậu bé đó thay đổi 180 độ, từ học sinh cá biệt thành học sinh xuất sắc. Con người kỳ lạ không? Chỉ cần một động lực, một niềm an ủi đúng lúc, họ sẽ thay đổi đến kinh ngạc. Không có ai là đáng vứt đi cả”.
6 năm qua, dù đã nghỉ hưu, cô Dương Lệ Nga vẫn đứng trên sân khấu trong các giờ chào cờ ở nhiều ngôi trường khác nhau để kết nối làm tủ sách lớp học. Cô vẫn khuấy động sân trường bằng những điệu nhảy tập thể đầy phấn khích. Tủ sách nhà cô - nơi cô đặt tên là Không gian đọc An Dục - vẫn mở rộng cửa đón lũ trẻ đến đọc sách miễn phí vào mỗi buổi chiều và cuối tuần. Ngay cả khi cả nhà đi vắng, cô vẫn gửi chìa khóa cho hàng xóm để học sinh nào đến mượn sách lúc nào cũng được. Về trường cũ, cô hỏi học sinh “Ai đến đọc sách nhà cô Nga rồi?”, tất cả đều đứng hết lên reo “con, con”.
Sau nhà cô, cây vả đến mùa đơm quả sai trĩu trịt. Cô bảo để dành cho lũ trẻ đến nhà đọc sách thì hái vả chấm muối ớt ăn. Cô làm đủ cách để chúng ra vào nhà cô với tất cả niềm thích thú. Còn cô lại đi khắp nơi để gieo niềm thích thú với những đứa trẻ khác, những học sinh thiệt thòi hơn nơi rẻo cao, nơi mà có khi cô phải dùng tiếng Thái để bắt quen với chúng và để chúng háo hức đọc cuốn sách mà cô mang tới. Trên hành trình đó, cô nhắc về những người đồng nghiệp “tuyệt vời lắm” của mình, cả những người chỉ nhìn nhau trên mạng xã hội mà nắm tay nhau vì chung một tâm nguyện cống hiến và sẻ chia. “Sắp tới đi cùng cô nhé”, cô dặn dò trước lúc chia tay, tha thiết và chân thật.