Người thầy giám thị được học trò yêu mến ở trường Năng Khiếu
Bữa ấy, buổi chiều, thầy Huỳnh Văn Bé qua trường Phổ thông Năng Khiếu chơi. Thầy vừa nghỉ hưu hồi tháng 7, sau 21 năm làm giám thị ở trường. Có lớp đang học thể dục ở sân, có lớp đang lên lầu chuẩn bị vào phòng máy học Tin, có lớp đang ngồi tám chuyện đợi giáo viên tiết mới… vậy mà thầy Bé đi ngang lớp, tụi học trò phát hiện ra liền, đứa nào đứa nấy rào rào khoanh tay, cúi đầu: "Con chào thầy".
Có đứa, theo thói quen, rờ tay vô ngực áo kiểm tra phù hiệu, dòm xuống chân ngó coi hôm nay mình có đi lộn dép không, rồi thấy thầy cười chào lại mới sực nhớ, năm nay thầy Bé không còn là giám thị nữa rồi. Thầy Bé đi lên lầu hai, vừa ngó vô lớp Lý thì cả đám ồ lên: "Thầy Bé, thầy Bé" rồi vỗ tay rào rào, cười ha hả, đập bàn rầm rầm tạo thành nhịp, náo loạn như ở sân vận động, đến khi thầy phải giơ tay ra hiệu im lặng, cả đám mới im im, ôm vai nhau ngả nghiêng cười, mời thầy vô lớp chơi một chút.
Nhắc đến giám thị, đa số học sinh sẽ… né. Công tác tại trường học nhưng không trực tiếp đảm nhận việc giảng dạy mà đóng vai trò lớn trong việc duy trì nề nếp của nhà trường, góp phần rèn luyện tính kỷ luật cho các em học sinh, giám thị của nhiều trường học chính là nỗi "kinh hoàng" của các học sinh.
Vì hay "soi" và xử lý những trò nghịch phá, những biểu hiện lệch kỷ luật của học sinh, thầy cô giám thị thường bị ghét, bị học sinh ác cảm gọi là ông giám thị, bà giám thị, hiếm có ai mà được trìu mến gọi là thầy giám thị, cô giám thị chứ đừng mong hơn. Nhưng ở Năng Khiếu thì khác. Đối với học sinh Năng Khiếu 21 năm qua, nhắc đến thầy Bé, sẽ không ai hỏi lại "thầy Bé nào?", vì thầy là thầy Bé yêu quý và duy nhất với rất nhiều thế hệ học sinh.
Cựu học sinh Năng Khiếu nào cũng có thể kể vanh vách về thầy Bé, từ chuyện thầy... bé nhỏ ra sao đến những hình phạt "thấy cưng" của thầy. Thầy nhỏ thó, mặt hiền khô, lúc nào cũng cười cười, không có vẻ gì là có uy hết. Vậy mà thử lúc thầy la các lớp trưởng chưa điểm danh sĩ số coi, giọng thầy sang sảng cả một góc trường luôn. Vậy mà thử lúc thầy kiểm tra các lớp ngay giờ điểm danh hoặc "lùng sục" tụi học trò núp lùm ở góc này góc kia đánh bài giải trí giờ nghỉ trưa coi, nhanh như một cơn gió luôn.
Phổ thông Năng Khiếu là trường chuyên trực thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngang cấp với các trường Đại học, học trò được tuyển lựa từ khắp các tỉnh phía Nam miền Trung, miền Nam, nên cũng hơi đặc thù hơn các trường phổ thông trung học khác một chút.
Ở Năng Khiếu, học trò được làm quen với môi trường học tập, sinh hoạt gần giống như Đại học, các thầy cô là giảng viên Đại học ngoài cởi mở, lắng nghe tiếng nói, tôn trọng cá tính của học sinh, hướng dẫn kiến thức theo kiểu gợi mở để suy ngẫm chứ không phải là kiểu dạy - học truyền đạt một chiều.
Chính vì thế, như thầy Bé nhận xét, học trò Năng Khiếu nhìn chung là ngoan, không có chuyện vô lễ hay nghịch phá "rách trời rơi xuống", nhưng có cá tính rất mạnh "mấy bé Toán - Tin quậy nhất, lớp Lý trầm hơn chút, vui tính, đa tài, Văn thì dễ thương, nhiều trò quậy ngầm…" khiến thầy phải nghĩ kế để xử lý.
Có đủ thứ trò nhất quỷ nhì ma mà lũ trẻ nghĩ ra, thường thấy nhất là đi trễ, cúp tiết, không mặc đồng phục đúng quy định, làm mất sổ đầu bài hoặc bày trò chọc phá nhau trong lớp.
Thầy Bé thuộc lòng tính cách của từng khối lớp chuyên, nắm được từng trò mà tụi nhỏ hay bày, và nghĩ ra các "hình phạt" phù hợp, lúc thì bắt làm bản kiểm điểm bằng thơ, bắt chép phạt bài học cho thuộc, phạt đánh cờ tướng thi với thầy, phạt đi quanh trường nhặt sạch rác…
Thầy cũng nhiều lần "bao che" cho các bé đi trễ sát giờ, chỉ nhắc nhở và dọa phạt chứ không ghi sổ phạt khi học trò lỡ mang dép lê, mặc áo không phù hiệu đi học…
Ngay cả khi phạt hay la, thầy cũng vẫn giữ gương mặt hài hước, vừa la đó rồi lại hạ giọng: "Lần sau tái phạm là tui phạt nặng nghe chưa?" (mà có khi "lần sau" đó chỉ đến sau khi thầy đã du di, xé nháp cả chục lần) hoặc "Lớn rồi, tự giác đi, đừng để tui nhắc nhiều mà vẫn không thay đổi, tui bị la đó nha".
Nhưng hình như chính bởi sự bao dung với học trò (không học sinh Năng Khiếu nào từng phạm lỗi mà chưa được thầy xé nháp, chắc luôn!), những cách phạt dễ thương hết nấc và cả giọng nói mang đầy tính… năn nỉ đó lại trở thành uy lực mềm của thầy Bé. Học trò yêu quý thầy, khoái thầy, ai nhây còn giỡn với thầy, rủ thầy đá cầu, đá bóng, đánh cờ chung nữa, nhưng đứa nào cũng nể, cũng mến thầy Bé mà tự giác tuân thủ nội quy.
Sau 21 năm làm giám thị, thầy Bé đúc kết: "Giám thị là người đảm bảo học trò tuân thủ các quy tắc, nề nếp nhà trường nhưng bằng cách giáo dục và tôn trọng, tức là phải nói cho mấy em nó hiểu chứ không la mắng hay phạt nặng. Mấy em có những vi phạm của tuổi trẻ mà không đáng như đi trễ, mặc áo không có phù hiệu, tui vẫn nhắc nhở, phạt nhẹ nhàng, không quá nghiêm khắc để các em nhớ và tuân thủ kỷ luật, chứ không phải làm vì sợ bị phạt".
Với thầy Bé, cái khó nhất của nghề giám thị, đó là nếu mình khó quá thì học trò có kỷ luật nhưng bị căng thẳng, nhưng nếu dễ dãi quá thì học sinh quậy hoặc nhờn. May mà nhiều năm liền đồng hành với thầy còn có cô Thơm (cô Thái Thị Thơm, đồng nghiệp của thầy Bé) cùng phối hợp, người tung người hứng. Thầy cười xòa bảo "Cô căng hơn tui nhiều nên học trò nó sợ và nghe lời, còn như tui thì cũng có cái được, nhưng không quyết liệt, nội quy kỷ luật đôi khi hơi lỏng lẻo, cũng bị lãnh đạo nhắc đó (cười)".
21 năm gắn bó với công việc làm giám thị trường Phổ thông Năng Khiếu, "gia tài" lớn nhất của thầy Bé chính là sự gắn bó với môi trường làm việc nhân văn, đồng nghiệp nhã nhặn và tình cảm của các lứa học trò. Từ năm 1998 đến giờ, thầy có cả một kho kỷ niệm, mà hầu hết đều là kỷ niệm vui và dễ thương, là niềm hân hoan khi hoàn thành nhiệm vụ, giúp đỡ được học trò và thấy từng lứa ra trường thành đạt.
"Với tui, vậy là đủ", thầy nói, khi được hỏi thầy coi điều gì là thành tựu cuộc đời mình. Thầy Bé thổ lộ, hồi còn trẻ, thầy cũng thích đi dạy, thích đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh.
"Nhưng rồi không đi dạy được mà làm giám thị trong trường, cũng coi như có duyên với giáo dục đi. Tui cũng không thấy tủi thân, buồn bã hay so bì gì với mấy giáo viên đứng lớp hết, vì mỗi người có một kiểu thành đạt, mình làm đúng vai trò của mình, vui với công việc, được học sinh thương mến suốt thời gian dài, giờ nghỉ hưu vẫn được nhớ tới, vậy là vui quá rồi chứ! Đừng ganh với người khác, đừng nghĩ phải sống cuộc đời như người khác mới là vui, có phân công xã hội hết rồi, ai giỏi gì thì làm cái đó, làm hết mình, đó tự khắc đã là thành tựu".
20/11 năm nay là năm đầu tiên thầy Bé nghỉ hưu, thầy đoán là nó sẽ yên ả hơn mọi năm. Còn những năm trước, 20/11 của thầy là chung vui với các thầy cô trong trường, xong lễ thì sẽ bị bao vây bởi những học sinh và cựu học sinh yêu mến, có đứa tặng hoa, tặng quà, làm thiệp chúc mừng, ríu rít cả ngày.
Ở Sài Gòn, học trò không mấy khi qua nhà giáo viên chơi, nên cũng không có ai qua thăm, nhưng thầy có thể có hẹn đi cafe với các cựu học sinh thân thiết. Con gái lớn của thầy Bé dạy tiếng Anh ở một trường cấp hai, nên hồi cô ấy chưa lập gia đình và sống riêng, 20/11 nào nhà cũng ngập hoa và quà của hai ba con.
Cuộc sống sau khi nghỉ hưu của thầy giám thị nổi tiếng trường Phổ thông Năng Khiếu, nói vậy chứ vẫn rộn ràng lắm. Thầy nghỉ công tác ở trường tháng 7/2019 thì tháng sau thầy được một cựu học sinh mời về trung tâm tiếng Anh của mình làm công tác ghi danh, trả lời phụ huynh các thông tin về đăng ký học, kiểm tra sổ đầu bài… khá giống việc thầy đã làm quen suốt 21 năm qua. Kết thúc ca làm sáng lúc 12h, thầy uống cafe, ngắm phố xá một chút rồi về nhà. Ở nhà giờ có thầy và vợ, cũng đã nghỉ hưu, nên không mấy khi nấu nướng. Thầy cô thường ăn tối bên ngoài cùng nhau, và cùng nhau tập yoga vào 6h30 tối.
"Tui tập yoga ở phòng tập của con gái nhỏ đó. Con bé học giỏi lắm, mà ham làm, ham kiếm tiền, học đến năm 4 Sư phạm Tin rồi mà vẫn bỏ ngang để mở phòng tập, lập công ty. Cũng có người kêu tiếc nhưng tui thấy không sao, vì giờ nó vui lắm. Con bé có sự nghiệp riêng, mỗi tháng hỗ trợ tui với mẹ nó một số tiền, ngày ngày đi dạy yoga, coi như tương đối thành công rồi. Chị nó cũng có tài lẻ nhảy múa, kết hợp với em làm lớp dạy nhảy luôn, cả nhà ai cũng vui vẻ vậy đó" - thầy Bé kể về hai cô con gái - gia tài lớn nhất của cuộc đời, hai "đứa trẻ" của mình mà thầy đã dạy với tinh thần tôn trọng, lắng nghe được quán triệt trong những năm tháng làm giám thị với vẻ tự hào tràn trong mắt.
Thành ngữ Việt có câu "Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Tri ân thầy cô không chỉ là tri ân những người mang lại cho học trò con chữ, kiến thức mà còn tri ân những người chỉ dạy chúng ta nên người bằng cách quan tâm, uốn nắn từng cử chỉ hành động nhỏ nhặt nhất.
Ở đâu đó khắp các vùng miền, sẽ còn nhiều lắm những thầy cô như thầy Bé, và học trò cũng cần lắm, thương lắm những người thầy, người cô, dù không trực tiếp giảng dạy nhưng vẫn âm thầm rèn lũ trò nhỏ bằng tình yêu, sự tận tâm của những người nặng lòng với sự nghiệp trồng người.