Cô giáo chia sẻ bí quyết ôn luyện môn Văn thi tốt nghiệp THPT giai đoạn "nước rút", đặc biệt có 5 điều cần tránh khi làm bài

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Thí sinh nên nắm rõ cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT xây dựng. Lập dàn ý và làm bài như thi thật.

Cô giáo Lê Trần Diệu Thu (1995) - Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ Văn là cái tên thu hút bởi cách dạy Văn bằng... công thức siêu độc đáo của mình. Trong giai đoạn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đang gần kề, cô Diệu Thu đã có những chia sẻ chi tiết về việc ôn luyện môn Văn, những lưu ý cần thiết để đạt điểm cao:

1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ ÔN THI ĐẠT KẾT QUẢ CAO?

Bước 1: Xác định mục tiêu: Mục tiêu là đích đến, là kết quả đạt được. Khi có mục tiêu sẽ giúp mỗi học sinh có động lực, đi đúng đường để biết cách học gì và học như thế nào. Khi đặt mục tiêu cho bản thân, mục tiêu đó cần cụ thể, rõ ràng, cần chia nhỏ mục tiêu theo từng phần để ôn luyện. Mục tiêu phải cao hơn năng lực hiện tại nhưng phải khả thi. Khi đã có mục tiêu thì cần thực hiện nghiêm túc và đặc biệt là phải kỷ luật với bản thân mình.

Bí quyết ôn luyện môn Văn thi tốt nghiệp giai đoạn “nước rút” từ cô giáo dạy bằng "công thức" nổi tiếng - Ảnh 1.

Cô giáo Lê Trần Diệu Thu

Bước 2: Xây dựng lộ trình học tập hiệu quả: Ôn lại kiến thức còn hổng (Phần đa là lý thuyết Đọc hiểu và Trọng tâm kiến thức nền của các tác phẩm thi); nắm chắc kiến thức từng bài (ôn theo chiều ngang); Hệ thống hóa kiến thức theo chuyên đề, chủ đề (ôn theo chiều dọc). Cần đọc kỹ từng chuyên đề để tham khảo. Thí sinh nên nắm rõ cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Lập dàn ý và làm bài như thi thật.

Bước 3: Khoanh vùng kiến thức trọng tâm: Đề thi gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn với 3 dạng bài: Đọc hiểu; Nghị luận xã hội; Nghị luận văn học.

Bước 4: Luyện viết: Các em nên luyện viết câu, tạo đoạn, làm bài hoàn chỉnh; Cùng một đề bài, viết lại nhiều lần, sau đó nâng cao yêu cầu cũng như độ khó của đề dần lên để củng cố và ghi nhớ kiến thức sâu hơn. Đừng quên sau khi viết xong, nhờ thầy cô chỉnh sửa, góp ý, bổ sung để hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Bước 5: Luyện đề: Làm quen với tâm lý thi thử; Mỗi tuần làm 4 – 5 đề; Ít nhất làm được 30 đề trước khi đi thi.

2. LUYỆN ĐỀ THẾ NÀO HIỆU QUẢ?

1. Luyện đề không phải là đua nhau làm đề, càng không phải ghi đi chép lại từ sách văn mẫu, tài liệu ra bài làm. Mục đích lớn nhất của luyện đề là phải làm thế nào đo lường được mức độ của đề luyện sau khó hơn đề luyện trước mà mình vẫn làm được. 

2. Luyện đề không phải là làm bất cứ đề nào mình thích, viết theo cảm hứng. Mà nó có trật tự luyện đề: từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi lần luyện đề đều phải theo một sự tính toán và có lộ trình lần lượt. Bắt buộc người học phải tuân thủ thì mới khắc phục được những hạn chế tối đa bài làm văn của mình.

3. Luyện đề cần động lực, không có động lực thì làm bài hay nản. Sở dĩ nản vì em thấy khó, không biết cách làm. Cho nên việc lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả không chỉ cung cấp kiến thức mà còn mang lại kĩ năng cho em là yếu tố quyết định hiệu quả của việc luyện đề.

3. NHỮNG ĐIỀU CẦN GHI NHỚ KHI LÀM BÀI

Những điều nên làm:

+ Đọc kỹ đề, phân tích đề bằng cách gạch chân những từ ngữ quan trọng.

+ Trình bày sạch sẽ, tránh gạch xóa, chữ viết to, rõ ràng.

+ Trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề nhất là ở phần Đọc hiểu.

+ Bài dễ làm trước, bài khó làm sau, tránh tập trung quá nhiều thời gian vào bài khó.

Khi viết văn:

+ Cần lập dàn ý trước khi viết bài.

+ Bài viết bắt buộc phải có 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

+ Bài nghị luận văn học cần đi từ Nghệ thuật đến nội dung.

+ Cần có sự chuyển ý, dẫn dắt, chuyển đoạn.

+ Dẫn chứng chính xác.

+ Thể hiện được quan điểm của bản thân có sự nhất quán trong bài làm.

+ Cần dành 5 – 10 phút soát lỗi của toàn bài thi, tránh sai sót.

Những điều nên tránh:

+ Sai chính tả, lỗi dùng từ, sai đặt câu, ngữ pháp, dùng từ ngữ thô tục hay khẩu ngữ vào bài viết.

+ Bài viết lạc đề, xa đề.

+ Không đủ bố cục 3 phần.

+ Thiếu luận điểm, sắp xếp các ý lộn xộn.

+ Dẫn sai dẫn chứng hoặc đưa dẫn chứng không phân tích.

Chia sẻ