Những lưu ý khi ôn tập và làm bài để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong giai đoạn nước rút, phương pháp ôn tập phù hợp, nắm chắc các kỹ năng làm bài sẽ giúp thí sinh tự tin hơn, sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc dạy và ôn thi cho học sinh lớp 12, cô Đinh Thị Thu Hà, giáo viên môn Toán Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng, giai đoạn ôn thi “nước rút” vô cùng quan trọng với học sinh lớp 12. Khi thời gian chuẩn bị cho kỳ thi không còn nhiều, thí sinh cần tập trung nắm chắc các kiến thức cơ bản gồm những nội dung trong SGK và một số lưu ý mấu chốt trong cách làm bài thi. Mỗi học sinh nên đặt cho mình mục tiêu về mức điểm cần đạt ở mỗi bài thi, từ đó vạch rõ kế hoạch học tập để đạt được mục tiêu đó.
“Ví dụ, các em cần biết để đạt 5 điểm, cần lưu ý những gì, để đạt mục tiêu 7, 8 điểm thậm chí 9, 10 điểm, cần nắm chắc những kiến thức vào và phân bổ thời gian học hợp lý”, cô Hà cho biết.
Cô Đinh Thị Thu Hà cũng chỉ ra một số lỗi thường gặp của thí sinh khi làm bài thi môn Toán như chủ quan khi đọc đề dẫn đến dễ mất điểm ở những câu hỏi dễ, lạm dụng máy tính cầm tay ở những câu có thể nhìn ra ngay đáp án… Đặc biệt, với bài thi trắc nghiệm, không ít thí sinh không nhìn kỹ mã đề, tô sai mã đề khiến kết quả bài thi bị thay đổi hoàn toàn, hoặc các đáp án trắc nghiệm tô mờ, tô không rõ cũng khiến máy chấm thi trắc nghiệm báo lỗi.
Còn theo thầy Nguyễn Công Chính, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội, để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần ôn tập thật tốt cả phần kiến thức lớp 11 và 12: “Các em nên xác định khả năng và mục tiêu của mình để học đúng trọng tâm nhất, đạt chất lượng cao nhất - điều này sẽ là động lực lớn giúp loại bỏ mọi sự trì hoãn, lười nhác. Tránh học tủ, học tràn lan, lên kế hoạch ôn tập và một lộ trình học tập hợp lý, hiệu quả ngay từ đầu năm học và có chiến lược riêng cho bản thân. Khi thời gian không còn nhiều, các em cũng cần tranh thủ vừa học bài mới vừa ôn tập lại các kiến thức và bài toán của khối 11 vì đề thi rất có thể gồm khối lượng kiến thức của cả 3 năm học này, đặc biệt với môn Toán lớp 12, vì đây là kiến thức chủ đạo trong đề. Giai đoạn chạy nước rút này học sinh cũng cần cường luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm và trau dồi, lĩnh hội các kĩ năng sử dụng máy tính cầm tay, các kĩ năng giải nhanh trắc nghiệm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có đến 6 môn thi, do đó các em nên phân bổ thời gian biểu ôn thi hợp lý cũng như giữ vững tâm lý, tránh căng thẳng quá mức trước khi bước vào kỳ thi”, thầy Nguyễn Công Chính nhắn nhủ.
Lưu ý thêm thí sinh về cách làm bài thi tốt nghiệp THPT, thầy Chính cho rằng, để đạt điểm cao trong bài thi này, thí sinh cần làm thật nhanh và chắc chắn các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu trong đề, thành thạo các dạng bài đã có phương pháp cụ thể để tránh mất quá nhiều thời gian suy nghĩ cho những câu hỏi này, dành thời gian cho những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.
Với môn Ngữ văn, cô Đỗ Thị Tuyết Nhung, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cũng lưu ý, mỗi tác phẩm văn học được sáng tác trong một giai đoạn khác nhau, gắn với bối cảnh lịch sử, xã hội, để dễ dàng ôn tập, học sinh nên chia các tác phẩm văn học theo từng thời kỳ lịch sử, nắm chắc các kiến thức về tác giả, tác phẩm. Sau khi đã có những kiến thức cơ bản, học sinh cũng cần vận dụng để rèn luyện các dạng bài về nghị luận văn học.
Với dạng bài nghị luận xã hội, để đạt kết quả cao, ngoài việc rèn kỹ năng viết, học sinh còn cần đọc thêm các vấn đề về văn hóa, xã hội, các nội dung thời sự để tăng vốn hiểu biết, từ đó vận dụng linh hoạt khi làm bài.
Cũng theo cô Nhung, trong những tháng cuối cùng của thời gian ôn tập, học sinh nên hệ thống lại kiến thức, kiểm tra lại những phần chưa chắc chắn, từ đó chủ động củng cố những phần kiến thức còn yếu, tuyệt đối không nên học lệch, học tủ, tự loại trừ hay không học các tác phẩm đã thi những năm trước. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu ý một số kỹ năng khi làm bài như đọc kỹ đề, xác định rõ yêu cầu của đề bài, phân bổ thời gian cho từng câu hỏi một cách hợp lý: “Lỗi rất phổ biến nhiều học sinh gặp phải là ở phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu viết đoạn văn, thì nhiều em lại viết thành bài văn, khi yêu cầu viết 1 đoạn văn khoảng 200 chữ, có em lại chỉ viết từ 7-10 dòng, chưa đủ dung lượng theo yêu cầu. Hay với phần nghị luận văn học, có những em trình bày 1 bài văn như đoạn văn. Đây là những lỗi khiến thí sinh rất dễ mất điểm".
Gần đến mùa thi, với tâm lý lo lắng, không ít học sinh chạy đua theo các lớp học thêm, tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT, học sinh nên hạn chế tối đa việc học thêm, tăng cường việc tự học, cân bằng giữa học tập và giải trí.
“Có những em sáng học thêm tối cũng học thêm, thậm chí 1 ngày đi học thêm 4-5 ca, khi đến lớp rất mệt mỏi, uể oải, khả năng tiếp thu bài rất kém. Khi học thêm quá nhiều, các em cũng không còn thời gian để ôn lại các bài sau khi đã học, như vậy kết quả không thể cao. Thay vào đó, tôi vẫn khuyên học sinh nên chú ý lắng nghe bài giảng trên lớp, học chắc kiến thức, về nhà các em cần chủ động làm các bài tập trong SGK hoặc luyện các đề thi thử, đề thi các năm để làm quen với cấu trúc đề thi và tăng tốc thời gian làm bài.
Bên cạnh đó việc giữ một tâm lý ổn định, cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi để có sức khỏe tốt nhất trước kỳ thi là điều rất quan trọng", thầy Nguyễn Minh Phi nhấn mạnh.
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27/6-30/6. PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có 75% nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu và có 25% thuộc mức vận dụng, vận dụng cao. Học sinh học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 đã có thể đạt 75% điểm số của bài thi.
Còn lại 25% nội dung đề thi ở mức vận dụng, vận dụng cao có tính phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo sử dụng là một trong các phương thức xét tuyển.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương lưu ý, thí sinh cần bám sát đề thi minh họa được Bộ GD-ĐT đã công bố để có định hướng ôn tập./.