Lý do Thạc sĩ giáo dục không dạy con tiếng Anh từ lúc lọt lòng, không nói 2 ngôn ngữ với con

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nhiều phụ huynh Việt Nam muốn cho con học tiếng Anh càng sớm càng tốt, ngay từ khi con vừa bi bô tập nói. Cũng có nhiều cha mẹ quan niệm nên nói song ngữ với con để con phát triển cả hai ngôn ngữ từ sớm. Tuy nhiên, chị Vũ Thị Thu Hằng, Thạc sỹ Quản lý Giáo dục, lại có quan điểm khác.

Trong cuốn "Dưỡng Trí Não Con Tinh" do chị là đồng tác giả, trên góc độ người mẹ và một người giáo viên, chị Hằng đã chia sẻ các ý kiến của mình quanh vấn đề làm sao để gieo trồng tự nhiên hạt giống tiếng Anh cho con.

Thạc sĩ giáo dục không dạy con tiếng Anh từ lúc lọt lòng, không nói song song hai ngôn ngữ với con: Lý do hợp lý - Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Thu Hằng, Thạc sỹ Quản lý Giáo dục.

Vì sao tôi không dạy con tiếng Anh từ lúc lọt lòng?

Nếu Google cụm từ "dạy ngoại ngữ cho trẻ", chúng ta sẽ lập tức nhận được nhiều kết quả có mẫu số chung là "nên cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt".

Tôi có thể trò chuyện với con bằng tiếng Anh. Nếu tôi làm thế, chắc giờ này Bôn - con tôi có thể nghe hiểu cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt rồi. Thế nhưng tôi đã chọn giao tiếp với con bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của chính mình, thứ ngôn ngữ mà tôi có thể cảm rất trọn vẹn, đong đầy cảm xúc. Tôi muốn ru con bằng tiếng mẹ, muốn thầm thì bên con, muốn truyền cảm xúc qua ngôn từ để con ngoài việc hiểu ngôn ngữ, còn yêu được cái tình.

Nếu dùng tiếng Anh thì làm sao tôi làm được điều đó? Vì chính thì tiếng Anh với tôi vẫn chỉ là ngôn ngữ thứ hai mượn dùng để truyền tải nội dung. Khi dùng ngôn ngữ mượn này, làm sao tôi, dù sử dụng tiếng Anh mỗi ngày, kể cả có linh hoạt chăng nữa, tôi nhấn nhá, đưa cái yêu - ghét - hờn - ghen vào ngữ điệu, vào ngôn từ cho trọn vẹn? 

Tôi đơn thuần nghĩ rằng ngoại ngữ chỉ là công cụ, chỉ là cách để chúng ta hiểu nhau, còn tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ của trái tim, của cảm xúc,... cũng vì thế mà tôi đã muốn nước mắt trào khóe mi khi nghe anh nói "Anh yêu em" đấy thôi (còn nếu nghe "I love you" thì có lẽ tôi chẳng rung động nhiều đến vậy nhỉ). Đấy, nhắc mới nhớ, trong nhà còn có cả ba của bé, tôi muốn con tôi nhận ra được sự ấm áp của tình yêu gia đình, và muốn làm được điều đó, cả nhà tôi cần dùng "tiếng nói chung" theo đúng nghĩa đen.

Vì sao tôi không nói hai ngôn ngữ với con?

Có tài liệu nói rằng nếu tạo cho bé môi trường đa ngôn ngữ, bé sẽ nói đa ngôn ngữ! Não trẻ rất diệu kỳ, khi môi trường xung quanh bé nhiều người nói nhiều ngôn ngữ thì khi tiếp xúc với người đó, tự động chúng sẽ bật "code switching" (giống như công tắc chuyển chế độ) để não tiếp nhận và phản hồi thông tin bằng thứ tiếng đó. Nhưng tài liệu cũng nhắc đến "mỗi người dùng một ngôn ngữ" chứ không phải một người nói nhiều ngôn ngữ. Vậy nếu có cơ hội, hãy cho con tiếp xúc với các ngôn ngữ từ nhiều người nói tiếng đó. 

Thứ hai, tôi không nói tiếng Anh hoàn toàn với con nhưng tôi tạo điều kiện cho con tiếp xúc với ngôn ngữ này bằng cách tạo ra các "code" một cách thú vị. Ví dụ tôi quy định với con nói được tiếng Anh. Nếu mẹ đội mũ này là mẹ biến thành người những tín hiệu như: "Nếu đi vào góc này trong nhà, mẹ chỉ nghe Anh,... hay sáng tác chiêu cho con giao tiếp với các bạn rối tay mà "Các bạn này hoàn toàn không nói tiếng Việt". Với cách này, tôi gián tiếp biến thành người khác, giúp con tôi "bật công tắc" tự nhiên.

Ngoài ra, tôi cho con xem các chương trình tiếng Anh trên YouTube hoặc chơi các trò chơi giáo dục bằng tiếng Anh, thời lượng không nhiều nhưng đều đặn, để giúp con tiếp xúc với ngôn ngữ này. Đây là cách tôi ươm hạt giống tiếng Anh trong con, trong khi chờ con lớn và nói sõi tiếng Việt (ở cả khía cạnh cảm và hiểu tiếng Việt).

Không quên nâng niu "tiếng nước tôi"

Bạn có chắc là mình không bỏ phí giai đoạn vàng để con thông thạo nhiều ngôn ngữ chứ? Tôi đã có trải nghiệm dạy nhiều em bé, có những cô bé cậu bé tới 5-7 tuổi mới học tiếng Anh nhưng vẫn "siêu" tiếng Anh lắm, như người bản xứ luôn. 

Tôi đã dạy một bé nọ, học tiếng Anh từ hồi 4 tuổi. Tôi tới nhà bé chơi, thấy bé khi lăn lê bò toài, lúc chạy nhảy tưng bừng, rồi ngay cả khi bé đi siêu thị, nhà sách,... đều chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh. Sau 1 năm, bé dùng tiếng Anh cực kỳ lưu loát. Sau này, cô bé đạt được những thành tích đáng nể trong tiếng Anh và còn học giỏi rất nhiều môn khác.

Tôi có hỏi ba của bé Đỗ Nhật Nam về việc học tiếng Anh của Nam. Nhật Nam chính thức học tiếng Anh từ lúc 5 tuổi. Tôi cũng đọc những bài viết của ba mẹ Nhật Nam, những bài văn mà ngôn từ chạm đến trái tim, rưng rưng cảm xúc. Liệu một Nhật Nam tài năng như thế, linh hoạt như thế có phải là nhờ "văn" trong ngôn ngữ gia đình, khi ba mẹ bạn trò chuyện bảo ban bạn bằng cảm xúc và tình yêu trong "tiếng nước tôi".

Chia sẻ