Thường mua sắm bốc đồng, cô gái 27 tuổi ở Hà Nội "tức tốc" kiểm soát ngay tài chính để tiết kiệm đều mỗi tháng
Nhận ra cách chi tiêu của bản thân là chưa phù hợp, Tâm đã điều chỉnh lại ngay.
Thời còn "son rỗi" cô nàng nào cũng thích chăm sóc cho bản thân, kiếm được bao nhiêu là đổ hết vào mua sắm quần áo, giày dép, ăn chơi, du lịch. Tâm Phạm hiện 27 tuổi, đang làm công việc văn phòng cũng như vậy.
Khoảng hơn 1 năm trở về trước khi còn chưa lập gia đình, Tâm luôn cảm thấy đủ khả năng để chi tiêu. Nếu số tiền nhỏ hơn 20 triệu sẽ không suy nghĩ nhiều vì biết rằng thu nhập của mình lớn hơn nên thừa khả năng trả khoản đó.
"Đỉnh điểm của việc chi tiêu bốc đồng đó là mình đã mua ngay không nghĩ nhiều 1 thẻ tập gym 12 triệu vì có bạn rủ. Khoản tiền đó mình sẵn sàng quẹt thẻ tín dụng trả góp vì… nghĩ rằng: "Ồi, đáng bao nhiêu đâu". Và rồi phòng tập gần nhất cũng cách chỗ ở của mình tới 3km, nên mua thẻ 18 tháng thì chỉ tập được 3 tháng, bỏ không 15 tháng".
Tâm thường mua sắm theo sở thích hơn là nhu cầu cần thiết. Đỉnh điểm của việc chi tiêu bốc đồng đó là đã mua ngay 1 thẻ tập gym 12 triệu bằng cách quẹt thẻ tín dụng rồi trả góp. Ảnh minh hoạ.
Tâm có rất nhiều lần chi tiêu theo cảm xúc như vậy mà không suy nghĩ quá nhiều tới việc số tiền đó có thực sự hợp lý hay không. Đến khi lập gia đình và bén duyên với công việc liên quan tới tài chính thì Tâm mới ý thức được việc chi tiêu của mình có vấn đề.
"Mình bắt đầu thay đổi thói quen chi tiêu, thực hiện việc lập bảng báo cáo tài chính mỗi tháng liên tục. Việc này duy trì cũng được hơn 1 năm nay, việc kiểm soát tài chính thay đổi rõ nét. Nhờ nó mà mình biết chính xác bản thân có bao nhiêu tiền, chi tiêu hợp lý hơn và có ý thức tiết kiệm mỗi tháng đều đặn".
Đây là cách Tâm lập báo cáo tài chính cá nhân để kiểm soát việc chi tiêu của mình.
Bước 1: Liệt kê toàn bộ tài sản quy ra giá tiền ở thời điểm hiện tại.
Bước 2: Liệt kê các khoản nợ và hạn trả nợ để tránh nợ xấu, nợ quá hạn.
Sau bước này có thể tính ra Giá trị tài sản = Tổng tài sản - Tổng nợ. Nếu là số dương có nghĩa là "sức khỏe tài chính" đang tốt.
Bước 3: Review lại tình hình thu chi tháng trước đó.
Bước này rất quan trọng vì để xem liệu tháng đó có chi tiêu hợp lý hay không, khoản nào không cần thiết nên cắt bỏ ở những tháng tiếp theo. Tâm có ghi chép thu chi qua app trên điện thoại nên chỉ cần nhập số tiền vào là xong.
Bước 4: Dự thu - Dự chi tháng tới.
Việc viết ra khoản dự chi - dự thu giúp Tâm có cái nhìn tổng quan hơn trong tháng tới, chuẩn bị nguồn lực và có thể kìm chế những dự định tiêu tiền không chính đáng.
Bước 5: Cảm xúc sau khi viết xong báo cáo tài chính.
Điều này giúp Tâm tận hưởng việc kiểm soát chi tiêu hứng khởi cũng như nhắc nhở bản thân phải làm gì để tháng tới tốt hơn.
"Từ ngày có chồng, mình duy trì thói quen làm báo cáo tài chính và ghi chép chi tiêu hàng ngày. Mình còn cho chồng xem lại để bớt mơ mộng tưởng bở rằng chúng ta có rất nhiều tiền để mua mọi thứ trên đời và hiểu hơn chi tiêu hợp lý thì có ý nghĩa như thế nào", Tâm chia sẻ thêm.
Không chỉ Tâm mà hiện nay có rất nhiều người đã chọn cách lập bảng báo cáo tài chính để có thể cân bằng chi tiêu của mình. Lập bảng báo cáo tài chính rất có ích trong việc giúp bạn quản lý những thứ mình đã chi tiêu. Bạn nên thường xuyên theo dõi và cập nhật bảng này ít nhất một lần một năm để theo dõi tiến trình tài chính, giá trị tài sản có tăng lên hay không.
Không quá khó và mất nhiều thời gian để có thể lập một bảng báo cáo tài chính. Chỉ bằng những vật dụng đơn giản như: Một cây bút, một tờ giấy hoặc sử dụng các phần mềm bảng tính, ứng dụng điện thoại.
Nếu tổng thu nhập cao hơn tổng chi phí phải trả thì bạn có một thu nhập rất tốt. Ngược lại, nếu tổng chi phí của bạn vừa bằng hay vượt quá tổng thu nhập nên xem xét cắt giảm chi phí hoặc gia tăng thu nhập của mình.
Khi bạn biết cách lập một bảng cân đối tài chính cá nhân, sẽ dễ dàng kiểm soát dòng tiền chi tiêu. Nhờ đó, bạn biết được mình có tiền “nhàn rỗi” để tiết kiệm hay tham gia đầu tư hay không.