Có được đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu cao hơn sau khi nghỉ hưu?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để hưởng mức lương hưu cao hơn nếu có nhu cầu.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách Nhà nước thì đến năm 2030, nước ta sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Trong thời gian qua, những vấn đề liên quan đến lương hưu, BHXH đã thu hút nhiều sự quan tâm từ người lao động. Đặc biệt NLĐ sắp đến độ tuổi nghỉ hưu. Nhiều NLĐ sắp đến tuổi nghỉ hưu có thắc mắc liệu có được tham gia BHXH tự nguyện sau khi nghỉ hưu để hưởng lương hưu ở mức cao hơn hay không?

Có được đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu cao hơn sau khi nghỉ hưu? - Ảnh 1.

Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi không có lương hưu cao đặt ra nhiều vấn đề an sinh xã hội trong tương lai. Ảnh minh hoạ

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 2; Khoản 1, Khoản 3 Điều 5; Khoản 1 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Khoản 1 Điều 10; Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện thì:

Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như vậy NLĐ sau khi đủ tuổi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để hưởng mức lương hưu cao hơn.

Theo đó, mức hưởng lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

- Lao động nam là 20 năm;

- Lao động nữ là 15 năm.

Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nam cần 35 năm, lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa.

Có được đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu cao hơn sau khi nghỉ hưu? - Ảnh 2.

Nhiều NLĐ đã nghỉ hưu tiếp tục lựa chọn đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu mức cao hơn. Ảnh minh hoạ.

Tóm lại, trong trường hợp NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu mức tối đa (bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH) thì NLĐ có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức đóng: hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần; một lần cho nhiều năm về sau cho đến khi đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu mức tối đa (nam 35 năm, nữ 30 năm).

Tuy nhiên trường hợp NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH đủ số năm hưởng lương hưu (nam 20 năm, nữ 15 năm) thì không thuộc đối tượng được đóng BHXH tự nguyện một lần để được hưởng ngay lương hưu với mức tối đa.

Ngoài ra, trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì ngoài lương hưu, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần.

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu NLĐ có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí mức cao hơn thì có thể liên hệ cơ quan BHXH hoặc đại lý thu tại nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

Trong thời gian qua, vấn đề rút BHXH 1 lần là vấn đề được NLĐ rất quan tâm. Đặc biệt dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền lợi của người NLĐ khi tham gia BHXH.

Theo đó, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); Hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội;...

Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

Chia sẻ