Cô bé xinh xắn đòi ra ở cùng cún cưng, khi biết lý do người thì đồng cảm, người lại chê trách cha mẹ bé
Trẻ con non nớt mê mệt những video nhảm trên Youtube rồi bắt chước theo là nỗi đau đầu của nhiều phụ huynh. Những trường hợp dưới đây là ví dụ điển hình.
Em bé 4 tuổi chui vào… chuồng chó vì bắt chước Youtuber
Ở nhà nghỉ dịch dài, những em bé hiếu động đôi khi không bằng lòng với những trò chơi đơn giản nhẹ nhàng. Đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo đang ưa khám phá, có khi chúng sẽ bày vẽ đủ trò tinh quái khiến bố mẹ muốn “điên đầu”.
Mới đây, câu chuyện cười ra nước mắt của mẹ Hà Phương được chia sẻ lại trong một diễn đàn giải trí mới nổi trong những ngày gần đây. Mẹ Hà Phương có hai bé gái và vào một ngày đẹp trời, con gái nhỏ (4 tuổi) nổi hứng… chui vào chuồng chó ngồi chơi.
Bà mẹ viết: “Đang trong nhà thì cô chị chạy vào bảo: Mẹ ơi có gì ăn không, mang cho em, em đang thực hiện thử thách 24h sống trong chuồng chó nên phải mang đồ ăn để em sống. Mẹ chạy ra và cái kết là bị mẹ đánh đòn, nghịch thật sự luôn. Bảo học 24h thử thách trên mạng. Tìm hiểu thì người ta làm trong thùng giấy, tổ chim, con mình làm trong chuồng chó”.
Những hình ảnh vừa ngộ nghĩnh vừa ngao ngán của hai em bé, đặc biệt là cô em đáng yêu đã mang lại cho dân mạng những tràng cười vui vẻ. Tuy nhiên, hai chi tiết nhỏ trong lời than thở của người mẹ là con bắt chước thử thách trên Youtube và em bé bị mẹ đánh đòn đã khiến một số phụ huynh phản ứng.
Trước những ý kiến cho rằng mẹ không quản lý tốt những nội dung con xem trên internet và đánh con chỉ thể hiện sự bất lực của mẹ, dưới phần bình luận của bài đăng trên, mẹ Hà Phương cũng giải thích: “Bình thường em ít khi cho các cháu động vào điện thoại. Nghỉ học ở nhà, bọn trẻ rảnh nên nghịch lắm trò rồi chơi cùng nhau.
Hôm trước chui vào một lần em tha cho rồi, qua lại chui vào tiếp em mới phát cho mấy cái. Người ta thử thách 24h toàn những chỗ sạch sẽ, con em nó còn bé lại đi chui vào chuồng chó thử thách, sau đòi ngồi lì trong đó, sai chị tìm đồ ăn cho, em mới điên tiết lên”.
Đến đây thì đa phần mọi người đều đồng cảm với người mẹ. Việc “cách ly” hoàn toàn con với internet trong thời đại này, đặc biệt là khi bọn trẻ ở nhà cả ngày là bất khả thi. Thêm nữa, bố mẹ cũng khó có thể kiểm soát 100% nội dung các con tiếp cận trên mạng.
Một số em bé khác cũng chui vào chuồng gà, chuồng chó chơi vì thực hiện "thử thách" trên mạng. Ảnh: Pé Lyn Chu, Khunglongcoi Coi
Nhiều phụ huynh khác cũng có cùng nỗi bức xúc vì con mình bắt chước những nội dung nhảm, không phù hợp lứa tuổi trên Youtube. “Đầy nhà giống thế, chúng nó còn lấy hết bàn chải đánh răng đi cọ nhà vệ sinh ý”, “Nhà tôi thì 2 bà xây lều trên giường, trang bị mì tôm, nước uống thử thách sống 24h trong ngôi nhà tí hon”, “Cháu mình thì đòi thực hiện thử thách 12h đêm soi gương, thử thách 24h sống ở trên giường”, “Toàn có những chương trình review về những cái kẹo linh tinh. Con em xem xong toàn đòi mua”... là những nỗi niềm không của riêng 1 người.
Vì sao phụ huynh bức xúc với kênh Youtube "bẩn"
Với sự phổ biến rộng rãi, kênh chia sẻ video số 1 thế giới Youtube hiện đang là “mỏ vàng” của những người sáng tạo nội dung. Thế nhưng bên cạnh những clip được đầu tư công phu, chuyên nghiệp với nội dung trong sáng, lành mạnh thì vẫn có không ít video nội dung không lành mạnh nhưng có mức độ lan tỏa nhanh.
Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh cùng chung nỗi “đau khổ” khi con mình mê tít chị Thơ Nguyễn. Những clip thử thách nổi nhất gần đây của Thơ Nguyễn là 24h dựng nhà trong rừng sâu, 24h sống trong thùng giấy, 24h sống trên ghế sô pha, 24h sống trên giường, nhà phao, gầm bàn… có chứa một số nội dung không lành mạnh với trẻ nhỏ.
Ví dụ, trong clip thử thách 24h sống ngoài ban công, Youtuber này vô tình “dạy” trẻ lừa dối, ích kỷ khi dàn xếp cảnh mình giả vờ tặng cây để lừa bạn, nhốt ngoài ban công 24h, tự tiện lục tủ lạnh lấy đồ ăn của bạn, ăn thừa mới đem cho bạn ăn… Các thử thách 24h khác thì nhân vật chính đều ăn quá nhiều những thức ăn không tốt cho sức khỏe như mì tôm, nước ngọt và bim bim, cách giao tiếp, trò chuyện với bạn bằng ngôn ngữ không phù hợp, cổ súy những trò chơi khăm…
Một số clip khác của Thơ Nguyễn như thử chơi túi rắm khổng lồ, thử thách đổ tất cả mọi thứ lên đầu (trong đó có một xô đầy tiền), con nhà nghèo đổi vị trí cho con nhà giàu... cũng bị phản ứng, vì nội dung nhảm, hoặc có thể ảnh hưởng đến tư duy của trẻ về tiền bạc....
Ngoài ra, cũng có một số Youtuber khác cũng thực hiện những thử thách nguy hại cho trẻ nhỏ, nhảm nhí như thử 24h làm chó, 24h sống trong chuồng heo, ngủ trong nghĩa địa… và có thể tìm kiếm một cách dễ dàng.
Có nhiều thử thách 24h tương tự trên Youtube mà trẻ nhỏ có thể dễ dàng tìm kiếm, bắt chước theo.
Sự nguy hại về những nội dung bẩn trên Youtube không chỉ ở tư duy, cảm xúc của trẻ, mà có thể gây nguy hại đến tính mạng, như trò “Thử thách Cá voi xanh”, hay “Thử thách Momo” được chèn vào nhiều video có nội dung được trẻ em yêu thích như Peppa Pig hay game Fortnite từng gây xôn xao đầu 2019.
Giữa bối cảnh người người, nhà nhà xem Youtube còn nhiều hơn xem TV như hiện nay, rất đông phụ huynh vì quá bận rộn để mặc con trẻ “dán mắt” vào những video trên Youtube. Những video nhảm nhí tràn lan sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho việc hình thành nhân cách, tư duy trẻ nhỏ. Ngay cả khi chúng ta chọn những video từ các kênh làm nội dung tử tế, chế độ chạy tự động và các video gợi ý hoàn toàn có thể là những nội dung phản cảm bạo lực.
Mẹ Hà Phương chia sẻ: "Thực ra nhà mình bình thường ngoài việc học vẫn cho các con xem mạng khoảng gần 1 tiếng mỗi ngày để giải trí. Mình không cấm tuyệt đối các con, vì mạng Youtube cũng có nhiều chương trình rất hay để các con có thể học theo. Nhưng đôi lúc khi bố mẹ bận, không kiểm soát được hết các trương trình thì nó rất nguy hiểm, nhất là những cháu hiếu động, nghịch ngợm thì phụ huynh nên kiểm soát chặt chẽ".
Các phụ huynh đừng quên, Youtube không phải là môi trường giáo dục hoàn hảo dành cho trẻ con và cũng không nên biến Youtube thành cô trông trẻ cho gia đình. Những ngày nghỉ dịch, bên cạnh việc đảm bảo an toàn thân thể cho con trong nhà bố mẹ cần chú ý đến sự an toàn về tinh thần của con, dành thời gian chơi với con nhiều hơn với những trò chơi lành mạnh.