Có 6 loại rau mùa xuân cực ngon nhưng bạn nhất định phải chần trước khi nấu ăn: Rất nhiều người thường bỏ qua

Huệ Lan (T/h),
Chia sẻ

Cùng điểm danh 6 loại rau mà bạn cần phải chần trước khi nấu ăn và cách nấu 6 món ngon lại đảm bảo cả về mặt dinh dưỡng lẫn sức khỏe nhé!

Mùa xuân tượng trưng cho sự tái sinh và phục hồi. Vào thời điểm này, nhiều loại rau theo mùa tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, khi thưởng thức những món quà từ thiên nhiên này, bạn cần lưu ý một chi tiết nhỏ: Một số loại rau cần phải được chần qua nước sôi trước khi nấu để tối đa hóa giá trị dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe. Vì sức khỏe của gia đình bạn, đừng bỏ qua bước quan trọng này. Cùng điểm danh 6 loại rau mà bạn cần phải chần trước khi nấu ăn cho cả gia đình mình để vừa có món ăn ngon, lại đảm bảo cả về mặt dinh dưỡng lẫn sức khỏe nhé!

1. Đậu que

Đậu que vốn là một loại rau họ đậu còn được gọi là đậu cô ve hay đậu ve, chúng có hàm lượng protein cao, thậm chí còn cao hơn cả đậu gà. Loại đậu này có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên chúng có "nhược điểm" là chứa nhiều saponin và lectin, nếu không chế biến ở nhiệt độ cao sẽ gây kích ứng mạnh cho dạ dày và ruột, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm ở mức độ nghiêm trọng. Do đó, chần qua nước sôi trở thành bước không thể thiếu trước khi xào và nấu các món ăn khác từ loại nguyên liệu này.

Có 6 loại rau mùa xuân cực ngon nhưng bạn nhất định phải chần trước khi nấu ăn: Rất nhiều người thường bỏ qua - Ảnh 1.

Món ăn gợi ý: Đậu que xào thịt

Nguyên liệu: 500g đậu que, 250g thịt băm, 2 tép tỏi băm, 1 thìa canh nước tương, 1/2 thìa canh tinh bột bắp, 1 thìa canh dầu hào, một chút gia vị, vài miếng ớt ngọt đỏ (hoặc ớt cay tùy khẩu vị), lượng dầu ăn thích hợp.

Cách làm món đậu que xào thịt

Bước 1: Nhặt bỏ đầu, đuôi, tước xơ dọc hai bên thân đậu que rồi đem rửa sạch, xắt thành các khối nhỏ. Đặt nồi nước lên bếp, đun sôi, cho một ít dầu ăn vào, chần đậu que cho đến khi mềm. Vớt đậu que ra, xối dưới vòi nước lạnh để hạ nhiệt, giúp đậu que giữ được màu xanh.

Bước 2: Cho gia vị, nước tương, bột bắp, 1 thìa dầu ăn vào thịt băm, trộn đều rồi ướp khoảng 15 phút. Đun nóng dầu trong chảo, phi thơm tỏi băm rồi cho thịt băm vào xào cho đến khi đổi màu. Tiếp theo bạn cho đậu que, ớt ngọt vào, xào trên lửa lớn trong khoảng 5 phút. Sau đó, thêm dầu hào, chút gia vị (có thể cho thêm đường nếu thích), đảo đều tới khi ngấm hương vị. Lấy món ăn ra đĩa là có thể thưởng thức.

2. Măng xuân

Măng xuân là món ăn ngon vào đầu mùa xuân. Chúng có thân trắng như ngọc, vị tươi, mềm và giòn. Măng xuân cũng là loại rau giàu protein thực vật, vitamin C, vitamin B, chất xơ, sắt, phốt pho, kali, magie và các nguyên tố khác giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, bảo vệ gan, làm đẹp và dưỡng ẩm cho da... Tuy nhiên, trong măng cũng chứa một lượng axit oxalic không hòa tan nhất định. Điều này không chỉ khiến cho mùi vị của măng xuân trở nên chát, tê mà còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Vì vậy, trước khi nấu măng xuân, bạn cũng cần chần/luộc qua để loại bỏ axit oxalic, giúp măng có vị ngon hơn.

Có 6 loại rau mùa xuân cực ngon nhưng bạn nhất định phải chần trước khi nấu ăn: Rất nhiều người thường bỏ qua - Ảnh 4.

Món ăn gợi ý: Măng xuân kho nước tương

Nguyên liệu: 4 cây măng xuân, 3-4 thìa canh nước tương, 1 thìa canh nước tương đen, 2 thìa canh đường, 1 thìa canh rượu nấu ăn, lượng gia vị thích hợp, bột nêm.

Cách làm món măng xuân kho nước tương

Bước 1: Măng xuân tươi bạn bóc bỏ hết lớp vỏ già bên ngoài, rửa sạch. Chẻ măng xuân ra làm 2 hoặc 3 phần. Tiếp theo bạn cắt măng xuân thành các lát chéo. Đun sôi nước trong nồi, chần măng trong khoảng 5-7 phút rồi vớt ra, để riêng. Cho nước tương đen, rượu nấu ăn, nước tương, đường và chút gia vị vào bát. Sau đó thêm một ít nước rồi trộn đều.

Bước 2: Cho một chút dầu ăn vào nồi, đun nóng rồi trút măng xuân vào xào ở mức lửa cao cho tới khi các cạnh chuyển màu hơi nâu. Thêm nước sốt vào, đảo đều. Đậy nắp nồi lại và nấu cho tới khi nước sốt rút gần hết thì thêm chút bột nêm, giảm nhỏ lửa, đảo đều một lúc rồi tắt bếp. Lấy món ăn ra đĩa và rắc thêm chút hành lá thái nhỏ để trang trí. Món măng xuân kho ngon tuyệt đã hoàn thành.

3. Rau bina (rau chân vịt)

Ăn nhiều rau bina vào mùa xuân không chỉ có tác dụng phòng ngừa khô da hiệu quả mà còn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, rau bina cũng chứa nhiều axit oxalic, sau khi axit oxalic đi vào cơ thể con người sẽ hình thành các chất kết tủa như canxi oxalat, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi, khiến rau bina có vị chát. Do đó, việc chần rau bina trước khi chế biến món ăn là rất cần thiết.

Có 6 loại rau mùa xuân cực ngon nhưng bạn nhất định phải chần trước khi nấu ăn: Rất nhiều người thường bỏ qua - Ảnh 7.

Món ăn gợi ý: Canh rau bina nấu gan heo

Nguyên liệu: 200g rau bina, 200g gan heo, 10g gừng, 15ml rượu nấu ăn, 15ml nước tương, lượng gia vị thích hợp, một ít hạt kỷ tử, bột nêm, một chút giấm trắng,

Cách làm món canh rau bina nấu gan heo

Bước 1: Rửa sạch gan heo, sau đó cho vào chậu nước cùng một chút giấm trắng rồi ngâm trong 1 giờ. Sau đó thái gan heo thành các lát mỏng rồi rửa lại lần nữa, để ráo. Cho gan heo vào bát, thêm gia vị, nước tương, rượu nấu ăn vào, trộn đều và ướp trong 10 phút. Rau bina bỏ rễ, cắt khúc dài. Kỷ tử rửa sạch rồi ngâm trong bát nước. Gừng rửa sạch thái sợi. Đun sôi một nồi nước rồi thả rau bina vào chần trong khoảng 2-3 phút, vớt ra, để ráo nước (thêm một ít dầu và muối vào nồi nước chần để giữ màu xanh của rau bina).

Bước 2: Đun nóng dầu trong nồi, cho gừng thái sợi vào xào trên lửa nhỏ đến khi dậy mùi thơm. Thêm lượng nước thích hợp vào rồi đun sôi. Sau đó cho gan heo vào và nấu trong khoảng 2-3 phút. Thêm rau bina, kỷ tử vào và nấu trong khoảng 2 phút là có thể lấy canh ra tô rồi thưởng thức.

4. Rau cải dại (rau tề thái)

Là một loại rau dại những năm gần đây được ưa chuộng, rau cải dại có mùi thơm và ngon. Rau cải dại (rau cải trời) được xem là báu vật thiên nhiên, thậm chí trong Đông y còn ca ngợi là "cỏ tiên" bởi khả năng tăng cường trao đổi chất, bổ sung hàm lượng vitamin C tác dụng kháng virus, bảo vệ cơ thể. Nó cũng được mệnh danh là "món ngon đầu tiên của mùa xuân". Loại rau này có thể dùng nấu canh, xào, làm món trộn... Nhưng trước khi ăn, chúng ta cần phải chần qua vì chúng có chứa axit oxalic và nitrit. Nếu ăn tiêu thụ trực tiếp những chất này mà không qua chế biến, chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Có 6 loại rau mùa xuân cực ngon nhưng bạn nhất định phải chần trước khi nấu ăn: Rất nhiều người thường bỏ qua - Ảnh 10.

Món ăn gợi ý: Canh rau cải dại cá viên

Nguyên liệu: 100g rau cải dại, 300g cá viên đóng gói, lượng gia vị thích hợp, bột nêm, một chút bột tiêu.

Cách làm món canh rau cải dại cá viên

Bước 1: Cắt bỏ gốc, loại lá già sau đó rửa sạch rau cải dại. Tiếp theo đun sôi một nồi nước rồi cho rau cải dại vào chần trong khoảng 2-3 phút. Vớt rau cải dại ra, để ráo rồi cắt nhỏ. Cho cá viên vào nồi nước (nếu có nước dùng càng tốt), đun sôi.

Bước 2: Thêm rau cải dại thái nhỏ vào. Nêm gia vị, bột nêm và hạt tiêu rồi tiếp tục nấu đến khi rau chín mềm. Lấy canh ra tô là có thể thưởng thức.

5. Rau hương xuân (xoan hôi)

Rau hương xuân là loại rau mọc tự nhiên ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc nước ta như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... vào mùa xuân và rất được ưa chuộng vì có mùi thơm nồng. Mầm cây hương xuân có công dụng như thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, diệt khuẩn, trị viêm ruột. Phát hiện gần đây về loài cây này còn cho thấy nó có tác dụng giảm lượng đường trong máu, rất có lợi cho sức khỏe... Tuy nhiên, trong mầm/lá hương xuân có hàm lượng nitrat khá cao, nếu không được chế biến cẩn thận rất dễ gây ngộ độc cho người ăn. Bởi vậy, trước khi chế biến thành món ăn, cần phải ngâm mầm cây hương xuân trong nước muối. Sau khi ngâm xong nhất định phải luộc thêm một lần nữa.

Có 6 loại rau mùa xuân cực ngon nhưng bạn nhất định phải chần trước khi nấu ăn: Rất nhiều người thường bỏ qua - Ảnh 13.

Món ăn gợi ý: Trứng chiên rau hương xuân

Nguyên liệu: Một nắm rau hương xuân, 3-4 quả trứng gà, chút gia vị, lượng dầu ăn thích hợp, 1 cây hành lá thái nhỏ.

Cách làm món trứng chiên rau hương xuân

Bước 1: Rửa sạch rau hương xuân. Đun sôi một nồi nước, thả rau hương xuân vào chần trong khoảng 2-3 phút. Khi thấy rau chuyển sang màu xanh là được. Sau đó vớt rau ra, để nguội rồi nắm nhẹ để loại bỏ nước. Tiếp theo thái nhỏ rau hương xuân.

Bước 2: Đập trứng vào bát, thêm rau hương xuân, hành lá thái nhỏ, chút gia vị rồi trộn đều. Đổ một lượng dầu ăn vừa đủ vào chảo, đun nóng đến mức 70%, đổ hỗn hợp trứng và rau hương xuân vào, chiên chín. Lấy ra khỏi chảo và dùng.

6. Súp lơ

Súp lơ chiếm được tình cảm của mọi người vì hương vị giòn, tươi mát và giá trị dinh dưỡng phong phú. Khi nấu súp lơ, chúng ta cần lưu ý rằng mặc dù bề mặt súp lơ trông có vẻ sạch nhưng thực chất nó có thể ẩn chứa nhiều côn trùng nhỏ và bụi bẩn. Do đó, chần súp lơ trong nước sôi khoảng 2-3 phút trước khi nấu món ăn có thể loại bỏ hoàn toàn tạp chất và thuốc trừ sâu còn sót lại, giúp súp lơ ngon, tốt cho sức khỏe hơn.

Có 6 loại rau mùa xuân cực ngon nhưng bạn nhất định phải chần trước khi nấu ăn: Rất nhiều người thường bỏ qua - Ảnh 16.

Món ăn gợi ý: Súp lơ hấp miến tỏi

Nguyên liệu: 1/2 cây súp lơ xanh, 25ml nước tương hấp cá, 30g miếng dong, 1 quả ớt (tùy thích), 2 củ tỏi, lượng dầu ô liu thích hợp (hoặc dầu trộn salad), tinh chất cốt gà.

Cách làm món súp lơ hấp miến tỏi

Bước 1: Súp lơ cắt thành từng nhánh, rửa sạch sau đó cho vào nồi nước sôi chần trong 1-2 phút rồi vớt ra. Miến ngâm mềm rồi lấy từng lượng vừa phải quấn vòng quanh các ngón tay. Xếp miến đã quấn vào đĩa sâu lòng. Xếp súp lơ xanh vào từng khoanh miến.

Bước 2: Bóc bỏ vỏ tỏi, rửa sạch rồi cho vào máy xay nhuyễn. Cho tỏi vào bát, thêm nước tương hấp cá. Cho dầu ô liu vào chảo, đun nóng rồi đổ vào bát đựng tỏi, vừa rót dầu vừa khuấy. Sau khi hỗn hợp nguội bớt, cho nước dùng gà vào và trộn đều. Sau khi hỗn hợp nguội bớt, cho tinh chất cốt gà vào và trộn đều.

Bước 3: Rưới đều hỗn hợp sốt tỏi băm lên súp lơ xanh. Đặt vào nồi hấp. Hấp ở lửa lớn trong 7-10 phút (tùy theo lượng nguyên liệu). Sau khi hấp xong rắc thêm chút ớt băm nhỏ lên trên là có thể thưởng thức.

Chia sẻ