Trời nồm ẩm, luân phiên ăn 5 món rau là "thuốc kháng sinh tự nhiên" để thúc đẩy nhu động ruột, chống lại vi khuẩn và tăng cường miễn dịch
5 loại rau này không chỉ có tác dụng nhuận tràng, kháng khuẩn mà còn giúp chúng ta tăng cường khả năng miễn dịch. Cùng khám phá cụ thể 5 loại rau đó và các công thức làm món ăn ngay nhé!
Khi mùa xuân đến, nhiệt độ ấm dần lên, tiết trời trở nên ấm áp và dễ chịu hơn khiến cho vạn vật như được hồi sinh và phát triển. Thời tiết ấm, cây cối sinh sôi, chồi non phát triển. Cảnh sắc mùa xuân tuy đẹp nhưng do lượng mưa, ẩm cao nên các loại bệnh như cúm và vi khuẩn có hại cũng hoạt động mạnh. Đặc biệt hiện tượng thời tiết nồm đặc trưng ở miền Bắc, không chỉ khiến cho độ ẩm không khí lên cao đến 90% và đọng lại trên bề mặt gây hư hỏng đồ vật, mà đây còn là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ. Do đó, nếu thể lực của chúng ta không đủ tốt thì rất dễ gặp phải những vấn đề sức khỏe mà đáng ra có thể phòng ngừa được. Vì vậy, bạn cần tăng cường vận động thể chất hợp lý vào mùa xuân, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, tăng cường ăn rau theo mùa. Đặc biệt, có 5 loại rau ngon theo mùa được đánh giá là "penicillin tự nhiên" khuyến khích mọi người nên ăn luân phiên. 5 loại rau này không chỉ có tác dụng nhuận tràng, kháng khuẩn mà còn giúp chúng ta tăng cường khả năng miễn dịch. Cùng khám phá cụ thể 5 loại rau đó và các công thức món ăn ngay nhé!
1. Rau cải dại (rau tề thái) - Món ăn gợi ý: Rau cải dại xào trứng rán
Rau cải dại (rau cải trời) được xem là báu vật thiên nhiên, thậm chí trong Đông y còn ca ngợi là "cỏ tiên" bởi khả năng tăng cường trao đổi chất, bổ sung hàm lượng vitamin C tác dụng kháng virus, bảo vệ cơ thể. Rau cải dại có lá xanh mềm, rất giàu vitamin C, vitamin A, sắt, canxi và các chất dinh dưỡng khác như carotene, protein, canxi, sắt, phốt pho, v.v... Bên cạnh đó, rau cải dại còn rất giàu chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động ruột và duy trì sức khỏe đường ruột. Loại rau này còn có các tên gọi khác nhau như tề thái, địa mễ thái...
Chuẩn bị nguyên liệu: 200g rau cải dại, 3 quả trứng gà, lượng tỏi băm vừa phải, lượng gia vị thích hợp, bột nêm.
Cách làm món rau cải dại xào trứng rán
Bước 1: Rau cải dại rửa sạch, cắt thành các khúc nhỏ. Đập trứng vào bát, dùng đũa đánh đều. Cho một chút dầu ăn vào chảo, đun nóng rồi đổ trứng vào chiên chín. Xắt trứng đã chiên thành các miếng nhỏ vừa ăn rồi lấy ra đĩa, để riêng.
Bước 2: Cho một chút dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng khoảng 60% thì thêm tỏi rồi phi thơm. Tiếp đó bạn đổ rau cải dại vào xào ở mức lửa lớn. Khi rau cải mềm, chuyển màu thì thêm gia vị, bột nêm vào rồi xào đều. Tới khi rau cải dại chín thì bạn cho trứng rán vào và xào cùng. Khi các nguyên liệu hòa quyện, ngấm gia vị thì tắt bếp, lấy món ăn ra đĩa là có thể thưởng thức.
2. Rau đậu Hà Lan - Món ăn gợi ý: Canh rau đậu Hà Lan, trứng và đậu phụ non
Loại rau này rất giàu chất dinh dưỡng, cực kỳ nhiều vitamin C, giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Rau đậu Hà Lan cũng rất giàu chất xơ, có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố, cải thiện sức khỏe đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa.
Chuẩn bị nguyên liệu: Một nắm rau đậu Hà Lan, 1-2 quả trứng, 1 túi đậu phụ non dạng ống, một chút gừng thái sợi, lượng muối thích hợp, bột nêm.
Cách làm món canh rau đậu Hà Lan, trứng và đậu phụ non
Bước 1: Nhặt và loại bỏ phần thân cũng như lá già của rau đậu Hà Lan sau đó rửa sạch, để ráo nước. Đậu phụ non cắt thành từng miếng vừa ăn, để riêng. Đập trứng vào bát, đánh đều. Đun nóng dầu trong chảo, cho chút dầu ăn vào. Sau khi dầu nóng thì cho trứng đã đánh vào chiên đến khi chín vàng. Xắt trứng thành các miếng nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Cho một lượng nước nóng thích hợp vào nồi, đun sôi trở lại rồi thêm trứng đã chiên và đậu phụ non vào. Tiếp tục đun sôi ở lửa lớn trong khoảng 2-3 phút thì thêm rau đậu Hà Lan vào nấu khoảng 1 phút. Cuối cùng bạn thêm lượng gia vị, bột nêm vừa khẩu vị, khuấy đều rồi nấu thêm khoảng vài phút thì tắt bếp, lấy canh ra tô.
3. Rau diếp cá - Món ăn gợi ý: Canh rau diếp cá thịt heo
Được xếp vào loại thực phẩm khó ăn bởi mùi vị, nhưng thực tế rau diếp cá có những tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu của y học hiện đại thì cây diếp cá có chất decanoyl-acetaldehyd, đây là chất mang tính kháng sinh. Do vậy, nó có tác dụng kháng khuẩn (ức chế tụ cầu, liên cầu, phế cầu, bạch hầu, e.coli...); diệt ký sinh trùng và nấm. Bên cạnh đó theo Đông y, rau diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng...

Chuẩn bị nguyên liệu: 70g thịt nạc, 150g rau diếp cá, 1 củ cà rốt, 1/2 củ cải, lượng gia vị vừa phải, bột nêm.
Cách nấu canh rau diếp cá thịt heo
Bước 1: Rửa sạch bụi bẩn trên bề mặt thân cây rau diếp cá, ngâm trong nước muối loãng trong 15 phút và dùng tay chà sạch các chồi đen. Sau đó bạn cắt thân cây rau diếp cá thành từng đoạn ngắn, rửa sạch một lần nữa. Thịt nạc rửa sạch, thái miếng rồi cho vào nồi nước sôi chần qua. Vớt thịt ra, rửa lại bằng nước ấm cho hết bọt máu.
Bước 2: Củ cải gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành miếng nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, cắt thành các khúc vừa ăn. Cho thịt đã chần vào nồi nước sau đó đun sôi tới khi thịt chín mềm. Tiếp đó cho củ cải, cà rốt và thân cây rau diếp cá vào nấu cùng thịt nạc. Nấu trong khoảng nửa giờ rồi nêm chút muối, bột nêm cho vừa khẩu vị. Lấy canh ra tô là có thể thưởng thức.
4. Ngồng tỏi - Món ăn gợi ý: Ngồng tỏi xào thịt heo và cà rốt
Theo các nghiên cứu y học, ngồng tỏi rất giàu chất xơ, giúp tăng khối lượng phân, làm mềm phân, kích thích nhu động ruột và hỗ trợ quá trình đào thải chất thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, ngồng tỏi còn giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, tạo điều kiện cho các lợi khuẩn phát triển, từ đó cải thiện sức khỏe tiêu hóa tổng thể. Khả năng diệt khuẩn của ngồng tỏi rất mạnh, do có chứa 2 loại chất diệt khuẩn là capsaicin, allicin. Khả năng diệt khuẩn của capsaicin có thể đạt 1/10 so với penicilin... Ăn ngồng tỏi thường xuyên sẽ có tác dụng diệt vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh rất tốt, đồng thời làm sạch đường ruột và tẩy giun, ngăn ngừa bệnh cúm.
Chuẩn bị nguyên liệu: 200g ngồng tỏi, 150g thịt nạc heo (hoặc thịt bò), 1 củ cà rốt, một chút tỏi và gừng băm nhỏ, lượng gia vị thích hợp, bột nêm.
Cách làm món ngồng tỏi xào thịt heo và cà rốt
Bước 1: Thịt heo rửa sạch thái thành từng miếng mỏng (hoặc có thể thái dạng sợi). Sau đó cho thịt heo vào bát, thêm chút gia vị, bột nêm vào trộn đều rồi ướp trong khoảng 15 phút. Ngồng tỏi rửa sạch cắt thành từng đoạn vừa ăn. Cà rốt gọt bỏ vỏ, thái lát mỏng hoặc thái sợi có kích thước tương tự ngồng tỏi.
Bước 2: Làm nóng chảo và cho dầu ăn vào. Sau khi dầu nóng, thêm tỏi băm và gừng vào xào thơm. Tiếp theo đổ thịt heo vào xào đến khi chín rồi lấy ra bát, để dùng sau. Tiếp tục cho một chút dầu ăn vào chảo rồi xào ngồng tỏi và cà rốt. Thêm chút gia vị cho vừa ăn và tiếp tục xào tới khi ngồng tỏi và cà rốt chín. Cuối cùng, cho thịt heo đã xào trước đó vào, đảo đều đến khi các nguyên liệu hòa quyện, ngấm gia vị. Lấy món ăn ra đĩa là có thể thưởng thức. Lưu ý: Nếu không thích cà rốt bạn có thể không cho nguyên liệu này.
5. Rau dền đỏ - Món ăn gợi ý: Rau dền đỏ xào tỏi
Rau dền là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời cho cơ thể, cải thiện tình trạng táo bón kéo dài, đầy bụng, ợ chua,… sau khi ăn. Bên cạnh đó, hàm lượng chất xơ có trong rau dền còn hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó giúp tiêu hóa khỏe mạnh hơn, tăng cường miễn dịch từ bên trong. Chất xơ hòa tan trong rau dền đỏ là thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh. Rau dền đỏ có tác dụng làm giảm triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi. Các chất chống viêm trong rau dền đỏ ngăn ngừa viêm nhiễm đường ruột cấp tính, giảm nguy cơ bị viêm đại tràng, viêm dạ dày mãn tính.

Chuẩn bị nguyên liệu: 1 mớ rau dền đỏ, 1 củ tỏi, lượng gia vị thích hợp, bột nêm, dầu ăn.
Cách làm món rau dền đỏ xào tỏi
Bước 1: Rau dền đỏ nhặt bỏ rễ và phần gốc già sau đó rửa sạch. Cắt rau dền thành 2-3 phần tùy thích, để ráo nước. Bóc bỏ vỏ tỏi, đập dập rồi băm nhỏ. Đun nóng dầu trong chảo và xào thơm tỏi băm. Không nên để lửa quá lớn để tránh bị cháy. Sau đó bạn cho rau dền đỏ vào, xào đều cho đến khi rau hơi mềm.
Bước 2: Tiếp đó thêm gia vị, bột nêm vào rồi tiếp tục xào đều cho tới khi rau chín. Lấy rau ra đĩa là có thể thưởng thức.
