“Có 3 ngàn một đôi hà, em thích chị tặng em luôn…” và cái hào sảng của người miền Tây từ bà mẹ 2 con bán đũa Cần Thơ

Hoàng Lê - Hải Long,
Chia sẻ

Hiếm thấy ai bán hàng mà không quan tâm đồng lời, thấy thích khách là… tặng luôn khỏi bán như bà mẹ 2 con bán đũa cau tự làm độc đáo ở Cần Thơ này.

Một sáng đầu tháng 7, men theo quốc lộ 54 từ huyện Trà Ôn về xứ Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) rồi vòng lên cầu Cần Thơ, chúng tôi đến với thủ phủ của miền Tây Nam Bộ. Nơi đây đã quá trứ danh với chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, với xứ sở của "nhiều mỹ nhân".

DSCF5638

Cần Thơ, xứ sở của những nụ cười.

Về tới bờ hẵng nói chuyện tiền nong

Có lẽ vì được đất trời biệt đãi cho thiên nhiên nơi đây vô cùng trù phú với những vườn cây ăn quả trĩu cành và đủ loại thủy hải sản nên tính cách của người dân xứ Cần Thơ luôn phóng khoáng và thịnh tình với khách phương xa. Nếu không tin, hãy cùng phóng viên gặp một nhân vật rất đặc biệt.

PSX_20190706_022945

Đường qua Cồn Sơn (quận Bình Thủy).

Chuyện là sau khi đi vòng một sạch trơn các điểm du lịch lớn, tôi tấp đại vào lề hỏi người dân có chỗ nào biệt lập, "chim kêu vượn hú" hoang sơ cho khách lạ thích khám phá không.

DSCF5623

Ở Cồn Sơn có nhiều loại trái cây như nhãn, ổi, mận...

Người phụ nữ bán nước ven đường cười tươi rói nói liền: "Chim kêu vượn hú thì không thấy, nhưng mà có cá lóc bay đó cậu!".

Nghe đến đây thì cơn tò mò xen lẫn thích thú trỗi dậy, chúng tôi hào hứng nhờ bà thím tốt bụng chỉ đường liền. Thím bảo, ngó qua bên kia sông kìa, thấy vùng đất xanh mát nổi lên hàng cau lớn không, chính là vùng đất Cồn Sơn, nơi có đàn cá lóc bay kỳ lạ của anh Lê Trung Tín.

20190705_114106

Khi vào xem Cá lóc bay ở Cồn Sơn, khách được đãi trà hạt sen và ổi trồng tại vườn.

Để đặt chân lên được cái cù lao biệt lập ở mé bên kia sông Hậu (thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), chúng tôi phải qua chiếc đò của cô Bé, người có thâm niên hơn 30 năm đưa rước khách trên dòng sông Hậu.

DSCF5710

Nơi đây, người dân chân chất nghĩa tình.

Bước xuống đầu đò hỏi giá sang đò bao nhiêu, cô Bé ngắt lời khách lạ: "Bước xuống phía sau đi chú ơi cho khách người ta có đường xuống. Tiền hồi nào đi qua xong rồi đi về hẵng hỏi".

Nghe nói vậy, tôi bước xuống dưới đuôi đò ngay theo quán tính, trong lòng vừa thấy thú vị nhưng cũng lo lo vì sợ bị… "chém". Nhưng cô mặc áo bà ba kế bên đã trấn an ngay, rằng có 5 ngàn cho mỗi lượt qua cồn. Quá rẻ!

PSX_20190706_022153

Cô lái đò dù nghèo nhưng rất thảnh thơi.

Cũng kiểu "không quan tâm đến tiền" như vậy, qua tới bên kia bờ biết khách lạ không phải đi đoàn theo tour nhưng cô Bé vẫn dửng dưng. Không thèm chờ xem khách có trả tiền không, cô Bé lái đò đi một nước.

Đập ngay vào mắt khách khi đến Cồn Sơn là tấm biển chỉ dẫn vào các khu du lịch, vườn cây ăn trái. Một chị gái dễ thương đã ngồi sẵn từ lâu, hướng mắt về phía đám đông hỏi khách có ai muốn vào vườn trái cây không.

Nhận được cái lắc đầu của toàn bộ mọi người, tưởng chừng chị gái sẽ mắc cỡ và phật ý nhưng ai ngờ cổ… cười toe toét, nói với khách rằng: "Cô bác anh chị đi hướng bên phải mới có cá lóc bay. Đừng quẹo qua đây là nhầm vô vườn em". Giọng cô thiệt ngọt và nhiệt tình.

"Có 3 ngàn một đôi hà, em thích chị tặng em luôn…"

Vừa đi sang hướng được chỉ dẫn, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ đang hì hục bào bào chuốt chuốt. Bên cạnh là hai đứa nhỏ đang chơi đùa vui vẻ.

Đó chính là chị Bùi Thị Thúy Hằng (37 tuổi), người đã có 5 năm làm đũa cau. Hai năm nay khi đến mùa trẻ con nghỉ học, chị hay đem đũa ra Cồn Sơn bán cho khách du lịch.

DSCF5631

Mẹ con chị Hằng.

Chỉ trong phút chốc đống dăm bào đã hiện ra trước mặt chị Hằng, còn bên cạnh là thành phẩm – những chiếc đũa thon gọn, sáng bóng cùng các tấm thớt phẳng phiu còn rõ đường vân gỗ.

Chúng tôi buột miệng khen chị khéo tay quá, người phụ nữ hào hứng trả lời: Nghề có bây nhiêu đó kiếm cơm mà em.

DSCF5663

Dăm bào cau sau khi được bà mẹ hai con chuốt ra để làm đũa.

PSX_20190706_022851

Thớt mù u cũng do chính tay chị Hằng làm.

Hỏi một ngày làm được bao nhiêu đôi, chị Hằng nhiệt tình chia sẻ, chừng hơn trăm ngoài đến hai trăm đôi. Hỏi bán có chạy không, bà mẹ hai con thiệt tình: Có ngày bán được trăm đôi, có ngày ế nhệ đem ra bào rồi đem về.

DSCF5664

Cậu bé chăm chú nhìn mẹ bào đũa cau.

DSCF5654

Trong khi bé gái thì mải mê chơi với cây lá xung quanh.

Đến khi nghe khách thắc mắc về giá, chị Hằng đáp tỉnh bơ: "Lời ít lắm em ơi, có 3 ngàn một đôi mà. Mà em thích chị tặng em luôn nè. Tại thấy cưng nói chuyện dễ thương".

Thấy khách nhíu mày ngạc nhiên, chị Hằng giải thích luôn, rằng lời có mấy đồng nên tặng khách cũng đâu ảnh hưởng gì. Miễn mình thấy vui mà khách cũng thoải mái là được. Để mai mốt họ có về Cần Thơ còn nhớ mình mà ghé thăm.

DSCF5681

Chị Hằng rất hào sảng.

Nghe xong câu ấy, tự nhiên chúng tôi thấy ấm lòng đến lạ. Chúng tôi ủng hộ cho chị Hằng vài đôi đũa, cố nài chị lấy ít tiền dư dù người phụ nữ nằng nặc đòi thối lại. Mấy đứa nhỏ bên cạnh thấy khách được lòng mẹ nên cầm bánh mời mấy chú luôn.

DSCF5672

Nụ cười giòn tan khi nói chuyện với khách.

Chị Hằng tâm sự, ngày trước chị đi làm tôm suốt 7 năm trời. Không dư dả bao nhiêu còn rước vào mình chứng bị viêm xoang, đau xương khớp nên chị bỏ nghề. Về nhà, thấy mẹ và mấy cô dì làm đũa, chị cũng học theo.

DSCF5678

Chị Hằng dường như không biết buồn là gì.

Bình thường, bà mẹ 2 con làm đũa tre. Nhưng khi có nguồn cau già, chị lại chịu khó đi thu mua. Theo chị, đũa cau thì đẹp hơn, bền hơn và không bị mốc nên khách xài rất thích.

"Tiền mua 1 cây cau là hơn 200 ngàn rồi. Đem về mình cũng phải bỏ rất nhiều phần ngọn nên làm được chỉ khoảng 200 đôi đũa. Làm cái này phải kiên nhẫn, lấy công làm lời và phải yêu thích nó mới theo được em ơi" – chị Hằng chia sẻ.

DSCF5686

Người miền Tây dễ thương vô cùng!

Chúng tôi nhẩm tính, cả tiền vốn và công cán làm cần mẫn nếu may mắn bán hết đũa, chị Hằng lời khoảng 400 ngàn đồng. Vậy mà chị cứ thấy mến khách là… tặng luôn khỏi bán. Còn có ai hào phóng và dễ thương như bà mẹ bán đũa cau "có 1 không 2" ấy nữa?

Chia tay chị Hằng, chúng tôi nhận ra một điều, rằng chẳng có khúc sông hay cái cù lao biệt lập nào ngăn cách được sự hào sảng và đầy ắp cái tình của người dân miền Tây.

Chia sẻ