Clip: Nhân viên tiêm thuốc trợ tử thú cưng lấy đi nước mắt hàng trăm ngàn người, phía sau là công việc tưởng đơn giản nhưng đau thấu tâm can
Mỗi mũi tiêm dù được thực hiện rất nhanh nhưng kìm nén trong đó là biết bao xúc cảm, nỗi niềm day dứt khôn nguôi.
Trên MXH Tik Tok dạo gần đây xuất hiện clip khiến chúng ta vô cùng xúc động: Một người phụ nữ đang gào khóc thương tâm bên chú cún của mình. Đằng sau là vị bác sĩ đang tiêm vào cơ thể của chú chó. Ban đầu chú cún vẫn ngẩng lên nhìn chủ nhân nhưng sau khi bị tiêm, chú lịm đi dần dần và nhắm mắt mãi mãi.
Clip tiêm thuốc trợ tử cho chó khiến hàng trăm ngàn người rơi nước mắt.
Có lẽ điều khiến mọi người xúc động nhất là khoảnh khắc chủ nhân tạm biệt mãi mãi với thú cưng suốt bao năm của mình. Cô đau đớn như thể mất đi một người bạn tri kỷ, giọt nước mắt ấy cũng làm lay động biết bao trái tim người xem. Nhưng còn một chi tiết nữa cũng đáng chú ý trong clip, đó là người bác sĩ tiêm thuốc trợ tử. Anh ta nhẹ nhàng thực hiện chuyên môn, dù khó khăn nhưng luôn cố gắng vuốt ve chú chó để cún ra đi thanh thản.
Quả thực, công việc trợ tử thú cưng không hề đơn giản!
Công việc trợ tử thú cưng là gì? Vì sao phải tiêm thuốc cho thú cưng chết dần dần?
Trợ tử thú cưng là phương pháp giúp cho con vật chết một cách êm ái nhẹ nhàng trong tình yêu thương của người chủ và cũng nhằm mục đích để giúp nó khỏi kéo dài lê thê sự đau đớn về thể xác do một chứng bệnh nan y hay một tai nạn nào đó gây nên. Ở phương Tây, chỉ có bác sĩ thú y mới được tiêm trợ tử, hơn nữa phải dùng thuốc ngủ liều lượng cao.
Nói chung, người chủ sẽ nắm quyền quyết định có cho thú cưng của mình tiêm thuốc trợ tử hay không. Thứ nhất, nếu họ cảm thấy sự sống còn có thể kéo dài hoặc khả năng chữa khỏi bệnh cao, họ sẽ phối hợp cùng bác sĩ thú y tiếp tục chiến đấu để chữa cho "đứa con" của mình. Mặt khác, nếu bệnh quá nặng, người chủ không muốn thấy cảnh thú cưng của mình rên rỉ, đau đớn từng ngày, họ sẽ quyết định tiêm thuốc trợ tử để "đứa con" ra đi thanh thản.
Nhiều người đã phải bỏ việc vì nghề này mang lại nỗi ám ảnh quá lớn
Theo như nhiều bác sĩ chia sẻ, khoảnh khắc họ phải tiêm thuốc vào động vật thực sự đau đớn và khó khăn. Bởi sâu trong thâm tâm họ luôn hi vọng sẽ được tiếp tục cố gắng cứu chữa cho thú cưng, thay vì phải tiêm luôn một mũi kết liễu cuộc đời.
Trang Channel News Asia đưa tin, anh Chow Hao Ting 29 tuổi - một chuyên gia phẫu thuật thú y đã quyết định từ bỏ công việc đầy thử thách về mặt tinh thần này. Anh còn cho biết mình luôn phải đối mặt với nhiều hội chứng tâm lý, kinh khủng nhất là trầm cảm lâm sàng với suy nghĩ tự sát thường trực trong đầu.
Bài viết từ trang cũng đưa tin năm 2016, một nữ bác sĩ người Đài Loan đã tự sát vì trầm cảm sau khi cô liên tục phải tiêm trợ tử cho chó mèo mỗi ngày. Hãng dược phẩm Merck, Hoa Kỳ còn đưa ra thống kê ít nhất 25% bác sĩ thú y đã nghĩ đến tự tử vào một khoảng thời gian nào đó trong đời.
Một bác sĩ thú y kinh nghiệm 20 năm trong nghề cũng chia sẻ tới tờ Channel News Asia:
"Kể cả khi mục đích của hành động trợ tử này là để chấm dứt nỗi đau kéo dài cho thú cưng thì chúng tôi vẫn không chịu đựng nổi. Tại sao bác sĩ thú y lại phải thay người khác giết chết động vật cơ chứ? Chúng tôi cũng là con người, chúng tôi cũng có cảm xúc nhưng điều đáng buồn là không được thể hiện ra trước mặt khách hàng. Dần dần, con người tôi đã chai sạn đi nhiều dù lúc mới vào nghề tôi khóc mỗi ngày."
Quả thực là một công việc chịu nhiều tổn thương về mặt tâm lý. Hi vọng rằng chúng ta sẽ luôn chăm sóc kỹ thú cưng của mình, khám chữa bệnh cho chúng kịp thời để không một mũi trợ tử nào lại phải giáng xuống cơ thể của những đứa con tinh thần đầy đáng yêu này.
Tham khảo trang Channel News Asia