Chuyện "xóm nước đen" ở vùng ngoại ô, nơi chỉ có những người đàn bà trơ trọi, lặng lẽ sống không bóng đàn ông
Cái tên "xóm nước đen" do chính người dân trong xóm tự đặt, với ý nghĩa riêng chỉ họ mới hiểu, chứ chẳng phải do nguồn nước ở đó ô nhiễm. Mà không chỉ vậy, cư dân của xóm chẳng hiểu vì sao lại toàn là phụ nữ cô đơn...
Chiều muộn. Những hạt mưa lắc rắc sót lại sau cơn mưa rào, loang lổ như bức tranh trừu tượng trên mặt đường. Hít một hơi đầy không khí mát mẻ trong lành, vặn vẹo cái lưng mỏi nhừ sau quãng đường gần 20km, tôi vặn ga chậm lại một tẹo, ngắm nhìn hàng cây ướt nước mưa bên khu đô thị mới. Mấy tháng rồi tôi mới về thăm lại nơi này – quê ngoại tôi - ở tận cuối quận Long Biên.
Tôi không sinh ra cũng không lớn lên ở thủ đô, nhưng mẹ tôi là một người phụ nữ gốc Hà Nội, nhà ông bà, họ hàng bên ngoại đều ở trong khu tập thể nhà máy Diêm, nằm cạnh sông Đuống, suốt mấy chục năm qua chẳng thay đổi bao nhiêu. Có chăng là chuyển từ khu nhà này sang khu nhà khác mà thôi. Từ hồi mẫu giáo, năm nào bố mẹ cũng gửi tôi lên cho ông bà ngoại chăm vài bận. Thế là tôi thuộc mọi ngóc ngách trong khu tập thể cũ kỹ loằng ngoằng, kể cả lối đi tắt lẫn những nơi bí mật, cất giấu cả tuổi thơ tôi trong ấy.
Sát bên cầu Đuống, có một khu tập thể cũ xây theo dãy, dân cư ngụ tự gọi là "xóm nước đen".
Giờ thì ông bà ngoại đều đã mất, tôi và các anh chị em đều đã trưởng thành, ai cũng có cuộc sống riêng, lần lượt rời khỏi khu tập thể Diêm Gỗ. Lẫn trong những dãy nhà lô nhô cũ mới của khu tập thể, có một nơi đặc biệt gọi là "xóm nước đen". Cái tên nghe như phim chưởng Hồng Kông thập niên 90, nhưng câu chuyện thực về nó lại là một cuốn phim Việt xịn 100% với những mảnh đời sướng khổ lẫn lộn.
Cư dân xóm tự đặt cái tên "nước đen" để ám chỉ cuộc sống ảm đạm của họ. Nhà máy diêm hết thời hoàng kim, công nhân đến tuổi về hưu, ai cũng lay lắt tìm kế sinh nhai. Mà lạ, cái xóm gì mà toàn phụ nữ với cụ bà, không neo đơn thì cũng cô đơn, vì đủ loại lý do trên đời...
Căn nhà đầu xóm thuộc về bà bác độc thân vui tính của tôi, có cái tên rất "nam tính" là Tiến Thanh.
Bác tôi sống một mình với con gái út, và đứa cháu nội hơn 2 tuổi.
Căn nhà ngay đầu hồi là của gia đình bác Thanh – bác ruột tôi. Vốn dĩ có 4 thành viên tất cả, nhưng bây giờ chỉ còn bác và người con gái út đang học lớp 12, cùng đứa cháu nội mới hơn 2 tuổi sống trong ngôi nhà bé như mắt muỗi. Anh tôi đã lấy vợ ra riêng, mới sinh thêm đứa nữa nên gửi bé lớn cho bác tôi chăm nuôi giúp, cũng đặng vui vẻ khi tuổi già.
Chồng bác đã rời đi vì đam mê riêng cách đây vài năm, lâu lâu mới ghé về một lần, nhưng chẳng chuyện trò, cũng không còn quan tâm chăm sóc như trước. Bác tôi ngoài 50, con cái cũng lớn hết rồi, nên không đau buồn tiếc nuối gì cả, chỉ nghĩ đơn giản rằng, "còn sống ngày nào cứ vui vẻ ngày ấy, vì con vì cháu mà thôi".
Sáng nào bác Thanh cũng dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn, gọi con gái dậy đi học. Xong xuôi bác cắp nón đi chợ, đưa cháu nội đến nhà trẻ. Bé tên là Minh Châu, rất lanh lợi đáng yêu. Còn nhỏ tí mà cái gì cũng biết, giỏi nhất là nghịch điện thoại. Có Minh Châu, mỗi ngày trôi qua với bác ý nghĩa và hạnh phúc hơn nhiều so với trước đây.
Bác vốn là công nhân nhà máy Diêm Thống Nhất về hưu, tiền lương ít ỏi nên cũng chẳng giàu có gì, giật gấu vá vai suốt bao năm để nuôi anh chị tôi khôn lớn, nay căn nhà đã khang trang hơn chút, đủ món nọ đồ kia, nhưng bác đã lẻ bóng tự bao giờ.
Hàng ngày, công việc chính của bác tôi là chăm sóc đứa cháu nội...
... dọn dẹp nhà cửa làm niềm vui
... và nấu ăn cho qua bữa, vì con gái bác cũng chẳng mấy khi ăn cơm, chỉ mình bác lọ mọ ở nhà.
Vẫn căn nhà tuềnh toàng với cái gác lửng thấp tịt, sửa đi sửa lại không biết bao lần, sờ vào cái gì cũng kẽo kẹt, cái dây phơi đồ phấp phới ngoài hiên, cái quạt trần cổ lỗ sĩ chậm rì quay cả ngày chưa thấy mát… Nhờ bác tôi mà nơi này vẫn sáng sủa đầy sức sống, nhưng đêm về lại cô quạnh buồn hiu.
Sát vách bác Thanh là nhà bà cụ Loan. Cả xóm chừng chục hộ thì chắc nhà bà Loan "lùn nhất", cửa ra vào thấp đến nỗi phải cúi người để chui qua. Cấu trúc căn nhà hơi kỳ cục, vẫn giữ nguyên từ những năm 70, đứng bên ngoài nhòm vào có thể thấy hết các phòng, vì mọi cánh cửa đều thông theo đường thẳng. Gian ngoài cùng bé tí hin, lợp ngói mốc đen, xếp đầy than tổ ong, chai lọ, chiếc xe đạp cũ và đủ thứ lỉnh kỉnh. Trông như nguyên mẫu ngôi nhà trong tác phẩm "Vợ nhặt" vậy, nhìn là biết chẳng có đàn ông.
Căn nhà cô quạnh giữa xóm của bà Loan và con gái.
Trong nhà chẳng có đồ đạc gì đáng giá, thứ mới nhất lại là di ảnh của chồng bà mới mất cách đây vài năm...
Bà Loan đang ngồi xem TV trên chiếc sofa cũ sờn bụi. Bốn bức tường nhà xám xịt rêu phong, dán đầy những tờ lịch cũ, nguyên xi từ mấy thập kỷ qua, tả như nhà văn Kim Lân thì phải dùng từ "khươm mươi niên", trộm đi ngang cũng không nỡ ghé vào. Trời nhập nhoạng, ánh đèn tù mù hắt xuống căn phòng đầy mùi ẩm mốc.
"Bà già này 82 rồi con ạ, còn gì mà lưu luyến nữa đâu, nhưng ai cũng có số mệnh của mình cả, minh mẫn khỏe mạnh thế này là phước trời ban rồi. Thời con gái, nhà bà ở phố Cát Linh, giờ cậu em vẫn ở đó giữ đất tổ tiên, còn bà theo chồng về đây theo chính sách. Chớp mắt cũng ba bốn chục năm rồi.
Ông ấy sinh thời làm ở Bộ Công nghiệp nhẹ cũ, còn bà làm việc trong nhà máy Diêm. Cuộc sống chẳng giàu có gì nhưng cũng bình yên, ông đi trước mấy năm rồi, giờ bà sống vui khỏe ngày nào hay ngày ấy".
Sắp đại thọ 90 tuổi rồi nhưng bà Loan vẫn vô tư lắm, khỏe mạnh tinh anh như mới 60.
Ngắm kỹ gương mặt đầy nếp nhăn xô nhau như ruộng bậc thang của bà, tôi đoán thời thanh xuân bà cũng đẹp điêu đứng. Bà rất hiền, sáng chiều hay đi loanh quanh xóm, vào nhà nọ nhà kia chơi, hỏi thăm dăm ba câu, đem ít quà bánh cho lũ trẻ nhỏ. Chiều muộn, khi các chị các mẹ lui cui xách bếp lò ra giữa ngõ quạt than khói um để nấu cơm, bà xách chiếc ghế đẩu con ngồi hóng mát bên ô cửa nhỏ. Chui ra chui vào mấy bận, đã đến tuổi gần đất xa trời.
Bà Loan đang ở với người con gái lớn, cả xóm toàn gọi là cô Hằng "đen", vì chẳng biết bẩm sinh hay gió sương cuộc đời mà cô có gương mặt nhẻm như than, sáng nhất là đôi mắt. Lũ trẻ trong xóm ngày xưa sợ khiếp vía mỗi khi nghe thấy giọng cô Hằng, chưa thấy "đường hình" đã run vì "đường tiếng", bởi cô sở hữu cái thanh quản to khỏe ngang với nghệ sĩ thổi kèn saxophone. Đứa nào nghịch, hư, bị mẹ gọi tên cô Hằng là mếu máo "tuân lệnh" ngay lập tức.
Cô vui tính lắm, hay nóng nảy thôi chứ cô rất tốt bụng, hay giúp đỡ chị em trong xóm. Cô có một đứa con trai, nhưng tôi rất ít gặp, thậm chí còn chưa thấy chồng cô bao giờ. Tôi chẳng bao giờ hỏi, cô cũng không kể lần nào. Chỉ biết cô 1 mình 1 nón 1 xe đạp, ngày nào cũng lầm lụi vài lượt qua cửa nhà bác tôi, đi làm thuê nuôi mẹ già.
Nhà bà Loan "ấn tượng" bởi tường xi măng mục nát...
... cái trần nhà phên liếp hiếm hoi còn sót lại giữa đô thành hoa lệ.
Đối diện nhà bà Loan là nơi ở của một người phụ nữ độc thân, chồng mất sớm, cô quạnh nhất "xóm nước đen".
Kế bên nhà mẹ con cô Hằng là nhà bà Liên. Nhà bà không vắng bóng đàn ông, cả thảy 5 nhân khẩu thì có chồng bà và cậu con trai cả là nam. Thế nhưng, bà cũng là người phụ nữ cô đơn, vì cuộc đời bà có biết bao nỗi khổ đau mà không ai hiểu được. 5 người chen chúc nhau trong căn nhà chỉ có 2 gian, dột nát tứ tung, dựng tạm được 2 cái gác xép làm không gian riêng cho người con trai lớn và 2 đứa cháu gái năm nay mới ngoài tuổi rằm. Đó là nơi trú ngụ duy nhất của gia đình bà sau khi chuyển từ Phú Thọ xuống, trước bà làm công nhân nhà máy đường, thời thế đổi thay, bà về tăng gia sản xuất cho nhà máy Diêm, rồi gia nhập "xóm nước đen" từ năm 67.
Người phụ nữ có cái tên rất đẹp, nhưng cuộc đời lại chẳng được thanh tịnh an nhàn như hoa sen.
Nhìn bà Liên, chẳng cần phải đoán cũng biết bà vất vả bươn chải thế nào.
Đã 76 tuổi rồi nhưng bà Liên vẫn nhanh nhẹn lắm, nghỉ hưu từ năm 1989 nhưng suốt 30 năm qua bà làm việc không ngơi nghỉ từ sáng sớm đến tối khuya, lay lắt kiếm đồng ra đồng vào. Lắm lúc về chơi, cả ngày nhìn bà lượn qua lại trong ngõ như đèn cù, tôi thắc mắc bà ngủ vào lúc nào? Làm nhiều đến nỗi bà bị còng lưng, chân đi khòng khòng, bàn tay đen đúa xương xẩu đầy những vết đồi mồi như thời gian úa tàn phủ lên số mệnh nghèo khổ của bà.
Mãi tôi mới nhìn thấy bà cụ nhỏ thó ngồi lút dưới chồng giấy bìa cao ngất, bên cạnh là một núi lá chuối tươi được cắt bó gọn gàng. "Tí nữa bà đem giao lá cho nhà người ta gói bánh. Công sức cả buổi trưa 2 chị em cái Thương và Linh (cháu gái bà - PV) ngồi làm đấy. Cả nghìn cái lá như thế mà tiền công được có mấy chục thôi con ơi. Đống túi giấy này bà gấp bằng tay cả, 100 cái mới được 10 nghìn. Ngày nào khỏe làm nhanh thì được khoảng 300 cái, mệt mỏi ốm đau thì chẳng nổi 5 nghìn. Vẫn phải cố vì 5 miệng ăn thôi con ạ".
Cái góc tường và mấy chiếc gối cũ bẩn là nơi làm việc đến còng cả lưng của bà Liên suốt mấy chục năm qua.
Xưa bà Liên cũng như bao công nhân trong khu tập thể, miệt mài dán bao diêm, giờ vỏ diêm cũng chẳng có mà dán, bà phải nhận gấp túi quà, cắt lá bánh cho người ta.
Càng kể chuyện, bà càng nhỏ giọng. Những sợi tóc bạc phơ phất, đôi mắt mờ đục nhìn ra cửa, nơi có một bóng người vừa lê dép loẹt quẹt qua. "Ông Vân chồng bà đấy. Năm 2001 ông trúng cảm nằm liệt mất 1 năm, không biết gì. Năm 2002 tỉnh lại thì mất hết ý thức, ngây ngô đến tận bây giờ đấy. Cưới nhau từ năm 71, bà chưa bao giờ làm gì có lỗi với ông nhưng ông ấy thì sai 1 lần rồi, không tha thứ được. Hết tình còn nghĩa, ông ấy dở dở ương ương hơn chục năm nay thân già này không nỡ bỏ mặc, ai nuôi hộ bây giờ?".
2 đứa cháu của bà Liên tuy học lớp 11 rồi nhưng với bà vẫn còn bé dại lắm. Chúng sinh ra đã kém may mắn hơn hàng trăm đứa trẻ trong khu tập thể ven bờ sông Đuống. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà Liên một tay nuôi nấng yêu thương chúng nên người.
- Lương hưu bà được 2 triệu rưỡi, bổ ra đủ thứ tiền con ạ. Không dám ốm vì tốn tiền mua thuốc. Cơm cháo, điện nước, sinh hoạt, rồi học phí cho 2 đứa kia, mỗi tháng gần 500 nghìn, được miễn giảm 80 nghìn.
- Sang năm bé chị lên Đại học, bà tính sao?
- Điên, tiền đâu mà học lên cao nữa? Chúng nó cũng biết hoàn cảnh nên xác định xin đi làm rồi.
Bà Liên như ngọn đèn trước gió lớn, nhưng vẫn gắng gượng để nuôi 3 thế hệ trong nhà.
Bà cũng cạn nước mắt để khóc. Trời sinh đã định sẵn số mệnh bà vất vả, chẳng được nhà cao cửa rộng ăn nhung mặc lụa, nên mỗi ngày trôi qua với bà cũng chỉ là chờ đón khoảnh khắc gần đất xa trời. Bà chỉ có ước nguyện duy nhất là sửa lại được căn nhà đẹp đẽ kiên cố hơn, để lại cho 2 cô cháu gái tội nghiệp. Cả tuổi thơ chúng quanh quẩn nơi xó bếp góc nhà, dán từng bao diêm kiếm từng đồng ăn học với bà nội. Nghĩ lại mình ngày xưa học hành lắm phen chống đối, tôi tự thấy xấu hổ làm sao. Lũ trẻ đang nằm ngủ trên căn gác xép kia muốn có tấm bằng ĐH là cả một giấc mơ xa vời...
Ở một dãy nhà khác là nhà bà Minh có đàn ông, nhưng cũng cô quạnh. Ngoài cửa nhà, ông Thịnh chồng bà đang nằm nghỉ ngơi trên chiếc ghế vải cũ. Ộng điếc nặng, đôi mắt mờ đục già nua mở to rạng rỡ, rồi ông đưa tay vẫy vẫy tôi. Bà Minh đang dựa đầu trên chiếc ghế bành cũ. Bà gầy hơn trước rất nhiều, tóc rụng hói cả đầu, duy có mấy nốt ruồi to đùng trên mặt chẳng lẫn đi đâu.
Dân trong khu tập thể thường gọi ghép tên là bà Minh Tâm, vì hai mẹ con bà quá "đặc biệt".
Bà đã chậm chạp hơn trước rất nhiều, đôi mắt chẳng còn tinh anh, tay run run để lên đùi tôi, kêu cứ tự nhiên lấy nước uống. Gia đình bà cả thảy hơn 10 người, tứ tán khắp nơi giờ còn một nửa, chồng chéo nhau trong căn nhà tập thể vỏn vẹn hơn 20 mét vuông, cơi nới đủ kiểu để có phòng riêng cho con cháu. Bà có 5 người con tất cả, 3 gái 2 trai, những tưởng về già toan hưởng phúc, nhưng sự thực thì ngược lại hoàn toàn.
"Cái Tâm con gái cả đã 60 tuổi rồi đấy. 60 năm qua, ngày nào bà cũng chăm nó từ đánh răng đến tắm rửa. Nó là đứa thiệt thòi nhất, bị tâm thần bẩm sinh. Bà chửa nó 3 tháng thì bị chó dại cắn, xưa lạc hậu không chữa chạy kịp, lên Xanh Pôn thì họ bảo di chứng sang con rồi, mà lúc ấy phá thai sao được. Thành ra, nó ngây ngô cả đời, 4 tuổi mới biết đi, nhớ 1 quên 10, suốt ngày bị trêu chọc. Gặp hàng xóm suốt ngày hỏi người ta tên gì, đến cả triệu lần. Người ta 60 tuổi lên chức bà rồi, nó vẫn còn ngã lên ngã xuống, suốt ngày khóc kêu mẹ ơi cứu con dậy với.
Thanh Tâm - người phụ nữ 60 tuổi hồn nhiên nhất khu Diêm Gỗ.
Dù mắc đủ thứ bệnh bẩm sinh và chẳng thể lấy chồng, nhưng con gái lớn của bà Minh vẫn biết làm việc nhà.
Con cái không lấy chồng, ly hôn, ly thân, chồng thì bị điếc, nhưng bà Minh vẫn mỉm cười chấp nhận.
Con gái thứ 2 của bà năm nay 58 tuổi, cũng độc thân, đang phụ đứa em út bán tào phớ bánh đúc gần nhà. Chẳng biết sao số mệnh bất công thế, thân làm mẹ nhìn chúng nó không có chỗ dựa tinh thần, không có ai chăm sóc khi về già, đau lắm con ơi. Đứa con trai thứ 3, thứ 4 thì đều bỏ vợ, cô út thì bươn chải khắp Lào, Thái, Campuchia, bây giờ ngoài 40 rồi không có con phải đi xin con nuôi về, bán buôn đủ thứ, cực trăm bề".
Nỗi khổ tâm trăn trở vì 5 đứa con mỗi người một cảnh dở dang khiến bà cụ 81 tuổi muốn khóc chẳng khóc được, khóe lệ đã quá già cỗi. Bà vẫn còn ông bầu bạn, nhưng tâm hồn thì cô đơn suốt mấy chục năm rồi. Gia đình bà chẳng giàu có gì, về hưu 40 năm rồi, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi trong những tiếng thở dài. Nhìn đứa con gái tóc bạc cười thơ thẩn trong bếp, bà dựa đầu vào ghế nhắm mắt như muốn buông xuôi từ rất lâu rồi, nhưng sổ số mệnh chưa gạch tên nên bà vẫn phải tiếp tục chăm con trong nỗi mơ hồ không biết ngày mai ra sao...