Chuyện về "quý bà hay cười": Ẩn sau vẻ ngoài hiền dịu là quỷ dữ giết 4 người chồng chỉ vì muốn tìm được người bạn đời hoàn hảo nhất
Ngoài chồng cũ thì rất nhiều nạn nhân là người thân ruột thịt trong nhà cũng bị Nannie, có biệt danh là "quý bà hay cười", ra tay sát hại không thương tiếc.
Nannie Doss trong mắt mọi người là một quý bà vui vẻ, dịu dàng và luôn tươi cười mọi lúc. Nannie đã có 4 người con và lúc nào cũng sẵn sàng dành thời gian chơi đùa với các cháu. Nhưng ẩn ở phía sau sự dịu dàng đó là hàng loạt vụ giết người do bà gây ra kéo dài từ những năm 1920 đến năm 1954. Sau khi bị bắt, Nannie đã thú nhận giết 4 trong số 5 người chồng của mình. Ngoài ra, chính quyền cũng tin rằng bà có thể cũng đã ra tay đoạt mạng rất nhiều người thân khác.
Nannie sinh ra trong một gia đình nông dân vào năm 1905, tại Blue Mountain, Alabama (Mỹ). Bà sống cùng cha mẹ là James, Louisa Hazle và 5 anh chị em. Cả 5 đứa trẻ đều ở nhà để phụ giúp gia đình chăm lo công việc ở nông trại.
Năm Nannie lên 7 tuổi, bà bị chấn thương đầu do một tai nạn trong lúc đi tàu. Vụ chấn thương đó đã làm thay đổi cuộc đời của bà mãi mãi.
Thuở thời thiếu niên, Nannie mơ ước có được một cuộc sống bình dị với người bạn đời tương lai của bà. Bà luôn dành phần lớn thời gian để đọc các tạp chí lãng mạn, đặc biệt là cuốn tạp chí "Những trái tim cô đơn" của người Hồi giáo. Có lẽ, những cuốn tạp chí lãng mạn ấy là lối thoát duy nhất đưa bà trốn chạy khỏi người cha vũ phu, bạo lực của mình.
Vào năm 16 tuổi, Nannie đã kết hôn với một người đàn ông dù chỉ mới biết nhau 4 tháng, tên ông là Charley Braggie. Từ năm 1921 đến năm 1927, họ đã có với nhau 4 người con. Trong thời gian chung sống với nhau, cặp vợ chồng ở cùng mẹ của Charley. Bà mẹ chồng luôn có những hành vi bạo lực, ngược đãi hệt như cha của Nannie trong quá khứ. Có lẽ, chính mẹ chồng là người đã khởi xướng lên tất cả những hành vi giết người của Nannie mãi về sau.
Một thời gian sau, 2 trong số 4 đứa con của cặp vợ chồng này bỗng nhiên lần lượt qua đời một cách bí ẩn trong cùng 1 năm. Điều đáng nói là trước khi chết, tất cả bọn chúng đều vô cùng khỏe mạnh. Nannie và Charley ly dị vào năm 1928. Charley đưa con gái lớn tên Melvina cùng rời khỏi nhà và bỏ lại 1 đứa sơ sinh tên Florine cho Nannie và mẹ ruột.
Chỉ một năm sau khi ly dị, Nannie đã tái giá với một người đàn ông tên Frank Harrelson, kẻ nghiện rượu đến từ Jacksonville. Sau một thời gian tìm hiểu nhau, hai người họ đã kết hôn.
Cuộc hôn nhân của Nannie và người chồng mới kéo dài 16 năm cho đến năm 1945. Trong khoảng thời gian đó, Nannie đã giết đứa cháu gái mới sinh bằng cách dùng kẹp tóc đâm vào não của đứa bé. Vài tháng sau, đứa cháu trai của bà tên Robert cũng đã chết do bị ngạt thở. Có khả năng Nannie cũng chính là hung thủ vì đứa cháu trai chết trong lúc đang được bà chăm sóc. Hai đứa bé này là con của chị gái bà, Melviana.
Nannie cùng người chị gái lớn Melviana và 2 đứa cháu gái
Vào năm 1945, người chồng khi đó trở thành nạn nhân tiếp theo của người phụ nữ độc ác này. Nannie đã bí mật trộn thuốc chuột vào chai rượu Moonshine của Frank hay để ở sân sau. Sau chưa đầy khoảng một tuần, ông đã qua đời vào ngày 15/9.
Vào lúc đó, mọi người tin rằng Frank chết là do ngộ độc rượu nên chính quyền cũng không đào sâu gì thêm về cái chết của ông. Trong khi đó, hàng tháng Nannie mặc nhiên thu về số tiền bảo hiểm của Frank. Bà đã dùng số tiền này để mua một mảnh đất và ngôi nhà gần thành phố Jacksonville.
Người chồng thứ ba của bà tên là Arlie Lanning đến từ Lexington, phía bắc Carolina cũng là một trong những nạn nhân xấu số tiếp theo. Nannie đã âm thầm thêm chất độc vào bữa trưa của Arlie và lập tức ông đã chết ngay sau đó. Tuy nhiên, Arlie cũng là một kẻ nghiện rượu nên các bác sĩ đã kết luận ông qua đời là do cơn đau tim bởi rượu.
Nannie (trái) tại đám tang của Arlie.
Không dừng lại ở đó, Nannie tiếp tục kết hôn với một người đàn ông khác tên là Richard Morton ở Emporia, Kan. Trong khoảng thời gian chung sống với nhau, Richard ngoại tình với nhiều người phụ nữ khác. Tuy nhiên, Nannie không hề phát hiện ra điều này vì bà đang bị phân tâm bởi nhiều vấn đề khác.
Vào năm 1953, người cha vũ phu của Nannie qua đời và vài tháng sau đó, mẹ của bà cũng nối gót theo chồng. Chuyện không có gì đáng nói cho đến khi một trong những chị em của Nannie cũng đã chết đột ngột sau khi tiếp xúc với bà.
Trong thời gian chăm sóc cho mẹ trước khi chết, Nannie chẳng hề hay biết gì về chuyện ngoại tình của chồng. Tuy nhiên, cây kim giấu trong bọc có ngày cũng lòi ra, khi Nannie đã phát hiện việc chồng lén lút có nhân tình bên ngoài, Richard cũng đã chết trong hoàn cảnh hoàn toàn bí ẩn.
Richard Morton và Nannie
Nạn nhân cuối cùng của người phụ nữ tàn độc này là người đàn ông tên Samuel Doss đến từ Tulsa, Okla. Ban đầu, Nannie đã tẩm chất độc vào chiếc bánh mật nhưng không làm Samuel chết mà chỉ khiến ông vào viện và mất một tháng để hồi phục sức khỏe. Sau khi về nhà được vài ngày, Nannie bí mật trộn chất độc vào cà phê và lần ám sát này cuối cùng đã kết liễu người đàn ông xấu số.
Dường như, tất cả những lần giết người của Nannie đều bằng hình thức hạ độc và những lần ám sát luôn diễn ra trót lọt. Hầu hết những người chồng của bà đều có vấn đề sức khỏe như nghiện rượu hoặc bệnh tim. Vì vậy, chính quyền chưa bao giờ nghi ngờ gì bà. Tuy nhiên, bà đã phạm phải một sai lầm ở lần hành sự cuối cùng.
Trong thời gian được điều trị tại bệnh viện, bác sĩ của Samuel nghi ngờ Nannie đang âm mưu giết chồng mình nhưng không có bằng chứng. Vì vậy, vị bác sĩ đề nghị được khám nghiệm tử thi của Samuel. Qua đó, một lượng lớn thạch tín được phát hiện trong thi thể của người chồng xấu số, lập tức người bác sĩ báo cáo cho cảnh sát về vụ việc này. Kết quả Nannie đã bị bắt vào năm 1954. Bà đã thú nhận về việc giết 4 người chồng.
Các nhà chức trách đã khai quật lại xác chết các nạn nhân của Nannie và phát hiện ra lượng lớn thạch tín hoặc thuốc chuột nằm trong cơ thể họ. Vào thời điểm đó, thạch tín và thuốc chuột là hai loại chất phổ biến luôn có ở mọi hộ gia đình. Chúng đều là những chất độc cực mạnh để giết người và rất khó bị phát hiện.
Trong cáo buộc của nhà chức trách, họ nghi ngờ rằng Nannie đã giết tổng cộng 12 người và phần lớn trong số đó đều là người thân của bà.
Đứng trước tội trạng của bản thân, Nannie đã đổ lỗi vết chấn thương đầu năm xưa ảnh hưởng. Về phần dư luận và xã hội thời đó, các phương tiện báo chí đã đặt tên cho bà là "góa phụ hay cười" bởi vì mỗi lần kể về cách giết những người chồng quá cố của mình, bà ta đều cười.
Nannie cười khi đang bị tra hỏi bởi cảnh sát trưởng sau khi bà thú nhận về việc đầu độc những người chồng.
Khi được hỏi về động cơ giết người của bà, Nannie khiến ai cũng ngỡ ngàng vì thừa nhận không giết người vì tiền bảo hiểm. Nói theo cách riêng của bà "Tôi đang tìm kiếm cho mình người bạn đời hoàn hảo, sự lãng mạn thực sự trong cuộc sống". Có vẻ như những cuốn tạp chí lãng mạn mà Nannie hay đọc năm xưa đã thực sự có một ảnh hưởng rất mạnh lên tâm lý của bà. Khi một người chồng trở nên quá đáng hoặc tệ bạc, Nannie sẽ giết người đó và chuyển sang một người chồng tiếp theo, hay nói cách khác là một nạn nhân tiếp theo. Nannie đã chết trong tù vào năm 1964 trong khi đang thụ án chung thân vì tội danh giết người chồng cuối cùng của bà.
(Nguồn: Tổng hợp)