Chuyện về cô gái khao khát làm… cha và những điều cần lưu tâm trước khi can thiệp y tế để sống cuộc đời khác

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Cao Minh,
Chia sẻ

Em phiền lòng cơ thể của mình và muốn thay đổi nó. Bác sĩ không niềm nở với Dương, mà yêu cầu em đến gặp tôi – một nhà tâm lý - để tôi đánh giá về em. Dương có chút bực dọc mặc dù em đã biết trước, vì em là người chuyển giới.

Khi soi gương, có thể bạn thấy cái mũi của mình hơi thấp. Bạn tìm đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình trút bầu tâm sự. Ông niềm nở giới thiệu những phương án phẫu thuật cho bạn. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng thế với Dương. Em phiền lòng cơ thể của mình và muốn thay đổi nó. Bác sĩ không niềm nở với Dương, mà yêu cầu em đến gặp tôi – một nhà tâm lý - để tôi đánh giá về em.

Dương có chút bực dọc mặc dù em đã biết trước, vì em là người chuyển giới.

Dương mở đầu buổi nói chuyện bằng loạt câu hỏi: Tại sao cơ thể của em mà em lại không có quyền quyết định? Tại sao lại phải đánh giá tâm lý? Nếu có đánh giá thì sao bác sĩ không đánh giá mà lại nhờ người khác? Bác sĩ không biết việc mình làm hay sao? Em cảm thấy như em đang bị sách nhiễu vậy!

“Em không phải bị tâm thần đâu anh ạ. Ngay từ bé em đã biết mình là nữ rồi, em chỉ đợi đến lúc em thực hiện việc này thôi”- Dương nói cao giọng nhưng rõ ràng và chắc chắn.

Trong một hội thảo về chuyển giới, các bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có kể về ca hy hữu: bệnh nhân M cấp cứu vì bị đứt dương vật. Sau khi tỉnh lại, M kể tối hôm trước M mơ thấy Phật nói với em “Cuộc sống khổ thế này vì con là nam. Nếu là nữ, hạnh phúc sẽ đến với con”.

Sáng hôm sau, đơn giản mà dứt khoát, M quyết định "tự mình chuyển giới". Sau này khi được chữa khỏi chứng tâm thần phân liệt, M rất cám ơn các bác sĩ đã khôi phục chức năng cho mình.

Mặc dù trường hợp như M rất hiếm gặp, nhưng có những người muốn chuyển giới vì họ đang bị các chứng bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt (có hoang tưởng), rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách. Nhu cầu chuyển giới có thể mất đi nếu các chứng bệnh tâm thần trên được cải thiện. Trong trường hợp đó, lỡ mà đã can thiệp bằng phẫu thuật rồi thì các bác sĩ phẫu thuật không biết “bắt đền” kiểu gì. Rồi không biết cuộc sống sau khi phẫu thuật ra sao, liệu những thay đổi trong cuộc sống có gây ra nguy hại gì cho Dương không.

Chuyện về cô gái khao khát làm… cha và những điều cần lưu tâm trước khi can thiệp y tế để sống cuộc đời khác - Ảnh 1.

“Mong em hiểu là anh ủng hộ em. Mặc dù quyết định này là của em, nhưng bác sĩ là người thực hiện nó. Nếu họ thực hiện xong, việc đó gây hậu quả cho em thì sẽ rất không ổn. Bác sĩ là phải làm việc có lợi cho bệnh nhân chứ không được làm hại” - Tôi nói.

“Nhưng đó là việc của em, sướng khổ thế nào em chịu” - Dương gần như quát lên với tôi.

“Anh biết em hiểu rõ về bản thân mình và chủ động quyết định.”- Tôi dừng lại nhìn Dương và thấy mình mắc kẹt giữa em và bác sĩ. Tôi sẽ không thể làm được việc của mình nếu Dương hay bất cứ một khách hàng nào cảm thấy họ bị ép phải tới gặp tôi. Họ không muốn chia sẻ hay trò chuyện với tôi.

Đương nhiên là Dương thấy không công bằng khi em không có quyền quyết định với cơ thể mình. Muốn thay đổi cơ thể, em lại phải chứng minh với người khác là bản thân mình đủ khả năng ra quyết định.

“Em đang tức giận và em có quyền tức giận như vậy. Anh mong rằng em hiểu cho bác sĩ, họ cần có bằng chứng khẳng định quyết định của em là chính xác. Nó không bị ảnh hưởng bởi các bệnh khác và quyết định đã được cân nhắc đủ để hạn chế những hậu quả tiêu cực không mong muốn” - tôi nói.

Dương lấy lại bình tĩnh sau một khoảng im lặng. Em chia sẻ với tôi về tuổi thơ, bạn bè, tình yêu và học hành và công việc của em. Dương có vẻ được rất nhiều bạn bè yêu quý và là một chỗ dựa vững chắc cho mẹ em về tinh thần.

“Em mong muốn sau này cuộc sống sẽ ra sao?” - Tôi hỏi.

“Dạ, em chỉ mong muốn có một cuộc sống bình thường thôi. Em sẽ cố gắng làm việc để bạn gái em không phải lo lắng về kinh tế, nhưng không cần giàu, chỉ cần đủ thôi. Chúng em sẽ có một đứa con và em sẽ là người cha tốt cho nó” - Dương trả lời.

“Ồ, có vẻ như em đã nghĩ về cuộc sống gia đình và em cũng biết là mình thích nữ. Vậy em là đồng tính nữ hả?”. Tôi hỏi chỉ để câu giờ. Có một số người sinh ra với giới tính sinh học là nam giới, sau đó chuyển giới thành nữ, yêu và quan hệ tình dục với nữ. Việc này là hoàn toàn bình thường bởi lẽ cơ thể chúng ta không quyết định chúng ta yêu ai.

Nhưng Dương muốn làm bố với một tâm hồn và cơ thể của nữ. Tôi sợ em không có được cả hai mà phải lựa chọn: làm bố hoặc làm phụ nữ.

“Em muốn làm bố, nói cho anh thêm về mong muốn đó của em đi” - tôi đề nghị Dương.

“Mình ở đây để tìm hiểu chứ không phải đánh giá, phán xét”. - tôi thầm tự nhắc mình về nguyên tắc căn bản.

Dương xúc động, cúi mặt xuống im lặng trong lúc lâu trước khi mở lời:

“Em có một người bố tuyệt vời, và em muốn làm điều đó cho con em".

Bố em nghiêm lắm. Bố không đánh, nhưng em mắc lỗi gì là bố phạt. Bố có qui tắc là 10 giờ tối phải đi ngủ. Hôm đó, hội bạn cứ nhắn tin, em lấy trộm điện thoại vào phòng trả lời chúng nó. Vô tình bố không ngủ được, đi qua phát hiện ra. Bố tịch thu điện thoại của em một tuần bất kể em khóc lóc van xin. Nhưng vì nghiêm thế nên em khá nghe lời, biết làm thế này là bị phạt, biết bị phạt là không xin được.

Bố em thương em lắm… Tối về là chơi với em, đọc truyện trước khi đi ngủ. Cho đến lúc 8 tuổi, hôm nào em cũng đi vào giấc ngủ gối đầu trên cánh tay bố. Khi bé, bố làm ngựa cho em cưỡi đi khắp nhà. Mùa hè thì dắt em ra hồ, bố khỏe, cõng em lên vai đi vòng quanh hồ. Sau nay em mới biết bố bị đau lưng, không biết là vì cõng em hay là đau từ trước… Nhưng bố lúc nào cũng nói là bố rất khỏe. Lớn lên, bố đưa em đi học rồi buổi trưa đón em dù bố làm xa. Mấy chú hàng xóm cùng chỗ làm với bố toàn ở lại nghỉ trưa ở cơ quan, còn bố thì về đón em, cho em ăn trưa.

Mỗi lần gặp chuyện gì, bố luôn là người đứng ra giải quyết và che chở cho em. Mẹ thì hay cáu, hay quát. Có lần em bị điểm kém, sợ mẹ quá, về gọi điện khóc với bố. Bố lúc đó đang đi công tác xa, bố báo đừng lo, bố xin phép về ngay. Tối hôm đó, ăn cơm xong, bố ngồi sát cạnh em rồi bảo mẹ ra nói chuyện điểm… Mẹ vẫn mắng, nhưng có bố ở bên cạnh em cảm thấy yên tâm hơn, không sợ lắm.

Bố em mất từ khi em 17 tuổi. Em nhớ bố và thèm cái cảm giác an toàn, ấm áp và yêu thương của bố dành cho em. Nếu em có con, em sẽ cho con em cái cảm giác mà bố đã dành cho em. Em sẽ dành thật nhiều thời gian cho con, chơi với con, cố gắng lắng nghe và hiểu nó, chấp nhận nó. Và em sẽ là một chỗ dựa vững chắc cho nó”.

Sau một lúc im lặng, Dương ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi với đôi mắt đỏ hoe:

“Em biết anh thấy khó hiểu. Nhưng em không cần cái dương vật lủng lẳng trên người để làm tất cả những điều đó cho con em”.

Cả tuần sau đó, điều Dương nói cứ ám ảnh tôi. Tôi chưa bao giờ hình dung về một ông bố trong một thân hình và tâm hồn phụ nữ. Còn cái dương vật nữa, nó có vai trò gì trong việc yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ con cái của tôi?

Sau đó ba tuần, tôi hoàn thiện thư báo cáo cho Dương. Trước khi gửi bác sĩ phẫu thuật, tôi gửi thư cho Dương xem, kèm với một tin nhắn: “Anh thấy rất may mắn vì được nghe chuyện của em. Cám ơn em đã giúp anh suy nghĩ và hiểu hơn thế nào là một người bố”.

Bốn năm sau, trong một lần đi tham quan một cơ sở chăm sóc trẻ rất có tiếng về nề nếp, tôi vô tình gặp lại Dương. Dương quản lý chuyên môn và đào tạo các giáo viên ở cơ sở đó. Cả tôi và Dương đều rất ngạc nhiên và vui mừng.

“Ồ, khi nào thì em phẫu thuật xong?”

“Dạ sau khi gặp anh được ba tháng, khoảng một năm sau là em đã có thể hoạt động được bình thường và thoái mái. Xin lỗi anh, bọn trẻ… Vào đây các con, cô hôm nay có khách nên cho các con chơi một chút thôi nhé”.

Ba bốn đứa trẻ lố nhố ngoài cửa chạy ùa vào. Lễ phép chào tôi rồi nhảy ngay lên đùi Dương. Dương xoa đầu, hỏi chuyện với mỗi đứa vài câu.

“Thôi hôm nay thế thôi, các con về phòng chơi đi nhé”. Lũ trẻ buồn rầu ra mặt nhưng nhanh chóng rút lui. Tôi thầm thán phục, bọn trẻ nhà tôi mà bảo phải ba bốn lần chúng nó mới nghe.

“Em có bạn gái được ba năm rồi anh ạ. Chúng em chuẩn bị ra ở riêng. Bọn em chuẩn bị sang năm tới có em bé”.

“Vậy là mục tiêu của làm bố của em sắp được hoàn thành rồi”.

“Vâng, có con của mình cũng là một cảm giác rất đặc biệt. Nhưng em cũng rất vui và hạnh phúc với những bạn trẻ ở đây, các bạn ấy đáng yêu lắm anh ạ”.

Em biết rõ mình muốn gì và em nỗ lực để đạt được nó - Tôi chỉ nhủ thầm vì Dương không cần phải nghe điều đó từ tôi.

(*) Tên nhân vật được thay đổi. Câu chuyện dựa trên những tình tiết có thật.

Tác giả: TS tâm lý Nguyễn Cao Minh (Viện Tâm lý học Việt Nam) hiện là chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá tâm lý cho người chuyển giới.

Người chuyển giới sinh ra với cơ thể sinh học rõ ràng là nam (hoặc nữ) nhưng cảm nhận và mong muốn mình là người thuộc giới tính khác. Nói cách khác, người chuyển giới tự xác định giới tính của mình khác với giới tính sinh học mà mình được sinh ra.

Tuy là điển hình, nhưng Dương không phản ánh hết bức tranh đa dạng của người chuyển giới. Có những người cảm thấy rất phiền lòng về cơ thể của mình, nhưng có người thậm chí chẳng buồn phiền mà chỉ khát khao để có cơ thể của giới khác. Không phải người chuyển giới nào cũng thực hiện can thiệp y tế để thay đổi. Có nhiều người chỉ đơn giản là muốn ăn mặc và cư xử giống như giới khác thôi.

Nghiên cứu cho thấy phẫu thuật chuyển giới là một can thiệp y tế có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân một người. Thực tế, sau khi phẫu thuật chuyển giới, tỉ lệ người hối hận về quyết định của mình là từ 1% - 7%. Vào thời điểm một năm sau khi chuyển giới, tỉ lệ người chuyển giới có suy nghĩ tự sát khoảng 2%, tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ người có ý định tự tử trong toàn dân.

Đánh giá tâm lý cho người có nhu cầu chuyển giới nhằm đảm bảo:

Quyết định chuyển giới thực sự xuất phát từ mong muốn của chủ thể.

Quyết định đó được cân nhắc kỹ càng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần nhằm chuẩn bị ứng phó tốt nhất với những thay đổi, căng thẳng có thể có sau quá trình can thiệp y tế.

Nhằm tìm kiếm và sau đó có biện pháp quản lý các căng thẳng tinh thần có thể có như trầm cảm, lo âu và các vấn đề tinh thần khác để giảm thiểu căng thẳng về tinh thần sau quá trình can thiệp y tế.

Các bác sĩ (phẫu thuật hoặc bác sĩ nội tiết) không đủ thời gian và chuyên môn để thực hiện đánh giá này nên họ gửi những người có yêu cầu chuyển giới đến các nhà tâm lý thực hiện đánh giá. Sau đó, dựa vào thư đánh giá của các nhà tâm lý, các bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có can thiệp y tế cho người có yêu cầu hay không.

Chia sẻ