Chuyện hai người dưng ngược lối, tặng nhau thanh sắt ve chai mà nên duyên chồng vợ 30 năm, lấy gầm đường sắt trên cao làm nhà
Suốt 30 năm chung sống, cặp đôi rổ rá cạp lại, ông Tống Văn Dinh và bà Trần Thị Huyền không một mái nhà, không một món tài sản có giá trị, không có hôn thú, chỉ có tình cảm gắn kết bên nhau.
Nhà là nơi để về, nhà là nơi bão giông dừng sau cánh cửa, nhà là nơi có người chờ đợi, yêu thương ta... Có hàng nghìn định nghĩa về nhà, nhưng chắc chắn, điều chung nhất trong vô vàn định nghĩa, nhà là nơi ta về trong yêu thương.
Chẳng thế mà, có một "mái nhà" đặc biệt lồng lộng gió trời, nép bên gầm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, nơi nương náu tạm bợ của hai con người tha hương, một vừa qua 80, một vừa chớm 71, vẫn ấm áp lạ thường.
Gầm đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh nơi đôi vợ chồng già đang chọn làm nhà từ tháng 7/2017, không thể che mưa che gió nhưng vẫn ấm áp tình người.
Ông Tống Văn Dinh và bà Trần Thị Huyền đã đến với nhau, hai thân già nương tựa với nhau để làm niềm vui, từ 30 năm trước, bởi một mối nhân duyên lạ thường, lạ thường chẳng kém tình huống truyện trong "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân thuở trước là bao. Cái duyên cái số đưa 2 con người đến với nhau trong cái nghèo khổ, đến với nhau không có một danh phận chính thức với luật pháp nhưng cuộc sống của họ vẫn đầy ấp tình cảm.
Hai thân già nương dựa nhau từ đốm lửa đêm đông...
... cho đến miếng ăn, hớp nước.
Mùa đông Hà Nội thời tiết ngày càng lạnh. Đêm đến, bên cạnh đống lửa hồng, hình bóng 2 ông bà chia nhau từng gói mỳ tôm, chiếc bánh bao làm ai đi qua cũng cảm thấy vừa nghẹn ngào thương cảm, vừa thầm mong mình cũng có người thương yêu nhường ấy.
Gặp người dưng ngược lối, tặng nhau một thanh sắt ve chai, thế là thành chồng thành vợ
Bà Huyền vốn quê gốc Thái Bình, đã sống trên đất Hà Nội từ những năm 1968. Hồi ấy, bà làm cấp dưỡng tại Đại học Văn Hóa, đến năm 1976 thì nghỉ mất sức. Gạt nước mắt trên gò má nhăn nheo, bà bảo, mất việc, bà cũng chẳng về quê mà bám víu ở Hà Nội mưu sinh bằng cái nghề nhặt ve chai.
Nhớ lại những ngày tháng cũ, bà bảo, chồng cũ của bà vốn tính nghiện rượu, cuộc sống hôn nhân như địa ngục. Bà quyết định gửi hai con về quê ngoại, một thân hai bàn tay trắng ra đi để tìm lấy tự do.
Rồi con cái cũng trưởng thành, đi làm ở xa, nên cứ thế, bao nhiêu năm bà cũng chẳng về quê nữa, ở Hà Nội cũng làm gì có cái cửa cái nhà, cứ vô gia cư thế mà sống thôi.
Ông Dinh cũng chẳng khá hơn. Ông khoe, xưa mình vào Nam đánh Mỹ, nhưng khi trở ra Bắc thì vợ chết, ông không về quê nữa mà lang bạt kỳ hồ kiếm sống ở Thủ đô, cũng bằng nghề nhặt ve chai, sắt vụn.
Những mảnh ký ức xưa vụn vỡ, mênh mang trôi theo những giọt lệ tuổi già. Vậy mà, khi chúng tôi hỏi về chuyện tình của hai ông bà, khuôn mặt họ lại ành lên niềm hạnh phúc, lấp lánh như thể những nỗi đau xưa chưa từng có mặt.
Cười ngượng, bà Huyền bảo, cũng ở khúc cua quanh hồ Hoàng Cầu này, hai ông bà vô tình đi ngược chiều nhau, rồi không hiểu ông trời se duyên thế nào lại tìm đến nhau để làm bạn, làm duyên vợ chồng.
Ông Dinh tự dưng chủ đông mời bà Huyền vào quán trà đá ven đường, uống nước nói chuyện. Người đàn bà khắc khổ bấy nhiêu năm sống đơn chiếc, lúc ấy đang quẩy đôi quang gánh đồng nát trĩu vai, bỗng thấy lòng nhẹ bẫng khi được tặng một món quà kỳ quặc: thanh sắt dài chừng 1m.
Vài câu đẩy đưa, vài lời bông đùa, thế là họ nên duyên, dù chẳng có một lời tỏ tình, một câu lãng mạn nào. Ấy thế mà suốt 30 năm qua, họ vẫn sống bên nhau như thế: không nhà, không giấy giá thú, không ra mắt họ hàng, không cả một mâm cơm tươm tất báo cáo tổ tiên... Mà cũng có hề chi, thứ tình cảm trong vắt nghĩa tình họ sống với nhau ngần ấy năm, đã đủ làm bảo chứng.
Gia tài lớn nhất của ông bà là chiếc xe đạp lúc nào cũng được khóa cẩn thận và " rác"
Tìm đến nhau tình cờ, nhớ nhau lại đi bộ đi tìm nhau
"Trải qua 30 mùa đông, trời thương cho chúng tôi ít khi ốm đau. Chưa bao giờ chúng tôi ốm cùng một lúc, lúc bà ốm thì tôi chăm sóc, lúc tôi đau thì lại đến lượt bà" - ông Dinh kể.
Bà Huyền thì chùng giọng xuống khi nhớ lại 4 lần ông ốm nặng. "Sợ lắm, 4 trận ấy trận nào cũng kinh, tôi tưởng rằng đã mất ông ấy rồi. Lần gần nhất là khoảng 15 năm về trước, ông lên cơn co giật, người cứ cứng đơ, lúc đó ông mà ra đi thì tôi cũng không biết mình sẽ sống ra sao".
Đêm xuống 2 ông bà cũng ngủ ngoài trời vậy thôi, "lạnh nhiều quá nên cũng quen rồi".
Đến bây giờ mỗi khi lâu không thấy ông hay bà, hai người lại đi bộ xung quanh để tìm nhau. Cười ngượng, ông bà "thú nhận", ngày ngày thấy nhau luôn thì ít nhớ, chứ ông hay bà đi làm lâu quá, người kia không thấy đâu là nhớ quá, lại đi tìm.
Tài sản quý giá nhất của vợ chồng già là chiếc xe đạp trị giá 200 nghìn đồng chuyên để ông bà dắt khi chuyển đồ. Bà Huyền tâm sự: "30 năm nay, chỗ nào lâu nhất thì ở được vài năm, còn cứ chuyển suốt, nên phải sắm chiếc xe cho tiện".
Cuộc đời của đôi vợ chồng già không biết còn được bao lâu, như than lửa hồng rồi cũng tàn.
Hỏi về chuyện yêu đương tuổi xế chiều, từ hồi gắn bó với nhau vẫn còn chút tuổi xuân sót, bà Huyền, ông Dinh chỉ cười ngượng, né tránh trả lời. Ông bà bảo, bây giờ già rồi, nói chuyện ấy ra, dơ lắm, người ta lại cười cho.
Người đàn bà tuổi 40 và người đàn ông tuổi 50 khi xưa, không nhà cửa, không bước chân về quê, không có nhiều tiền, làm gì còn chốn nào khác cho chuyện riêng tư chồng vợ cơ chứ? Yêu nhau thế, tình nghĩa thế thì gắn bó thôi, chứ ở tuổi ấy, ai còn nghĩ nhiều đến ái tình như hội thanh niên nữa đâu - chép miệng, bà bảo vậy.
Còn bây giờ, từ hồi nương náu dưới chân đường sắt trên cao, cho dù mưa gió thì ông bà cũng ngủ ở đây thôi, 4 - 5h người ta họp chợ, ông bà dậy đi xin hoặc mua những thùng giấy ở các hàng bán ở đó để bán lại lấy lời. Khi mưa to hay quá rét, ông bà đốt lửa sưởi nhau, hoặc ngủ nhờ bên vỉa hè các nhà khác, dùng áo mưa để quây vào cho đỡ giá.
50 nghìn đồng một ngày công, mỗi ngày chỉ dám chi 2 nghìn mua nước sôi pha mỳ
Đốm lửa hồng trong đêm gây sự chú ý của rất nhiều người đi đường, cũng đã nhiều người lân la vào hỏi thăm biết được hoàn cảnh của ông bà vừa thấy xót thương, vừa cảm phục tình cảm hai người dành cho nhau. Thỉnh thoảng có những người mang cho ông bà ít đồ ăn, mỳ tôm. Có giấy loại hay vỏ chai, họ cũng dành phần ông bà.
Cuộc sống hiện tại bây giờ mọi sinh hoạt đều nhờ nhà dân xung quanh, từ những can nước máy, đến sinh hoạt hằng ngày. Tắm táp thì nhờ, hoặc vào nhà vệ sinh công cộng.
Những ngày không mưa gió, ông bà thay phiên nhau người nhặt ve chai, người trông "nhà", bán được khoảng 50 nghìn đồng, những ngày mưa gió thì được ít hơn. Ông bà chẳng dám chi tiêu gì, việc ăn uống cũng đơn giản. Có chiếc bếp lửa được kê từ vài viên gạch, nhưng chẳng có đồ đạc để nấu nướng, hai ông bà chẳng mấy khi nấu ăn. Ai cho gì ăn nấy, hoặc cứ đến bữa lại ra hàng nước mua 2 nghìn nước sôi để về pha mỳ gói, thế là xong.
Nghĩ về tương lai, ông bà bảo chỉ mong nhặt được nhiều ve chai, cuộc sống yên ổn hơn. Về lâu về dài, bà vẫn muốn đổi nghề, không nhặt nhạnh nữa, nhưng tuổi già cũng chẳng biết làm gì hơn. "Nói vậy thôi, chứ cuộc sống vô gia cư cũng tủi lắm, nay đây mai đó, chả có đâu là nhà, đi đâu cũng bị đuổi. Rồi nhặt nhạnh rác rưởi chất đống, nhiều khi chưa phân loại, chưa bán được, người ta tưởng là rác bẩn nên đốt hết, thế là mất toi mấy ngày công...".
Bà khoe đang tích tiền để thuê một mái nhà nhỏ, vừa để có nơi tránh mưa, tránh gió, vừa để bán nước hay làm gì đó qua ngày. "Đi thế này mãi đến khi chết thì thôi, chứ về quê bây giờ cũng chẳng còn gì, ai mà nhớ mình nữa, về làm gì nữa"...