Chuyện "thoắt ẩn thoắt hiện" của Vương phi Kate những ngày tháng qua: Sự riêng tư có phải là thứ xa xỉ đến thế?
Dẫu sao đi nữa, Kate vẫn cần sự riêng tư như mọi người khác.
Từ vài năm trước, không ít người dùng mạng xã hội ở Mỹ "sập bẫy" những âm mưu lan truyền rộng rãi của nhóm QAnon. Khái niệm từ đó cũng để ám chỉ những kẻ chuyên dắt mũi dân mạng bằng những thông tin không hề có sự kiểm chứng. Người ta tin rằng Q là một nhân vật cao cấp trong giới tình báo, được tin cậy để tiếp cận tài liệu tuyệt mật ở mức độ Q là mức độ rất cao. Q giấu kín danh tính nên từ đó mới có khái niệm QAnon (Q và Anonymous - ẩn danh).
Đã có rất nhiều người "sập bẫy" bởi thuyết âm mưu không đúng sự thật, đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Những ngày gần đây, khái niệm QAnon lại tiếp tục được nhắc lại, nhưng với một câu chuyện ở một đất nước khác, Vương quốc Anh. Nhân vật trở thành tâm điểm của nhiều cuộc bàn tán chính là Vương phi Kate, người vốn luôn làm đẹp lòng nhiều người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới.
Nguồn cơn của sự nghi ngờ
Vào tháng 1, Vương thất Anh gây ngỡ ngàng khi phát đi thông báo rằng Vương phi xứ Wales cần phẫu thuật vùng bụng, khẳng định không phải ung thư và nói trước rằng quá trình hồi phục của cô sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu. Do đó, cô sẽ không tiếp tục thực hiện công vụ cho đến sau Lễ Phục sinh (31/3).
Trong vài tuần, lời giải thích đó có vẻ là "đủ" với những người quan tâm đến sức khỏe của vương hậu tương lai.
Nhưng đến cuối tháng 2, một bộ phận cư dân mạng bắt đầu tỏ ý nghi ngờ, suy đoán về nơi ở của Kate, sử dụng cách thức ưa thích của "những kẻ âm mưu" ở khắp mọi nơi: chỉ đặt câu hỏi ỡm ờ.
Ví như: "Chúng ta không được thông báo điều gì sao?". Có cả những câu hỏi kèm theo chút nghi ngờ: "Tại sao họ lại giấu chúng ta sự thật?".
Cây viết Helen Lewis trên tạp chí The Atlantic chia sẻ: "Trong vài tuần qua, trên các nhóm WhatsApp của tôi, đám bạn bè liên tục thắc mắc có chuyện gì xảy ra với Vương phi xứ Wales. Những người bạn Mỹ của tôi có lẽ cho rằng chút gốc gác Anh quốc của tôi biết đâu sẽ mang lại cho tôi mối liên hệ thần bí nào đó với gia đình ở Windsor. Họ thậm chí còn nhắn tin cho tôi để cập nhật thông tin. Mọi người đều có giả thuyết. Mọi người đều muốn biết.
Nhưng còn hơn thế nữa: Mọi người đều có vẻ bối rối trước sự thật đơn giản là không biết chính xác điều gì đang xảy ra với Kate".
Vào ngày 4/3, một bức ảnh mờ ám chụp Kate ngồi trên ghế hành khách của một chiếc ô tô cùng mẹ cô, bà Carole Middleton, bắt đầu được lan truyền, nhưng nó không ngăn được những đồn đoán.
Khuôn mặt của cô ấy có trông kỳ lạ không nếu bạn phóng to lên 20 lần? (Đúng, nhưng bất kỳ ai cũng vậy thôi). Thân vương William ở đâu? (Có lẽ với con của họ?). Bức ảnh có được dàn dựng như trong Weekend at Bernie's không? Chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, bức ảnh đó không được lan truyền rộng rãi ở Anh. Rồi cư dân mạng lại phải thốt lên: Chúng ta không được thông báo gì sao? Tại sao họ lại giấu chúng ta sự thật?
Bức ảnh tai tiếng
Cuối tuần qua, sự phẫn nộ càng gia tăng khi Cung điện Kensington công bố một bức ảnh Kate cùng 3 con, được cho là do William chụp vào tuần trước, nhân Ngày của Mẹ ở Anh.
Trong vòng vài giờ, TikTok đã thu hút rất nhiều người có ảnh hưởng thảo luận một cách nghiêm túc về những dấu hiệu chỉnh sửa vụng về trên chiếc áo len có hoa văn của Vương tôn Louis.
Trên mạng xã hội X, cư dân mạng còn nghi ngờ nó là sản phẩm do AI tạo ra. Một người khác tuyên bố trong một bài đăng lan truyền rộng rãi rằng bức ảnh được chụp vào tháng 11 năm 2017, dựa trên việc gia đình xứ Wales mặc quần áo tương tự. Vì lý do nào đó, quần áo đã được chỉnh sửa thành các màu khác nhau. Một vài người khác còn phát hiện ra chi tiết bất thường rằng bụi cây phía sau 4 mẹ con có màu xanh non mơn mởn đầy đáng ngờ bởi thời điểm này đang là đầu mùa xuân ở Anh. Thậm chí, người ta còn soi ra cả chi tiết Kate không đeo nhẫn cưới.
Tuy nhiên, vào tối cùng ngày, một loạt các hãng thông tấn lớn đã đưa ra thông báo gỡ bỏ bức ảnh, nói rằng mức độ chỉnh sửa không đáp ứng các tiêu chuẩn của họ.
Những người vốn đã nghi ngờ giờ được dịp vui vẻ kết luận rằng những nghi ngờ của họ đã được xác thực.
Trong khi đó, các tờ báo quốc gia của Anh lại tỏ ra tức giận. Hầu hết các tờ báo đều đã đăng hình ảnh này lên trang nhất và giờ phải "chạy đua" đính chính thông tin.
Các cơ quan báo chí của Mỹ không phải là thành viên của Vương thất Anh, và luật về quyền riêng tư của Mỹ cũng lỏng lẻo hơn nhiều. Điều đó ảnh hưởng đến những gì họ xuất bản. Kết quả là, bạn đọc ở cả 2 bờ Đại Tây Dương có thể nhận ra thực tế rằng có những điều mà các tờ báo Anh không nói hoặc không cho họ xem.
Vào ngày 4 tháng 3, khi những bức ảnh paparazzi chụp Kate trong ô tô lan truyền, các phóng viên hoàng gia Anh cho biết Cung điện Kensington đã gây áp lực buộc họ không được sử dụng những bức ảnh này vì lo ngại về quyền riêng tư. Họ tuân thủ, nhưng tờ New York Post không hề e ngại điều đó.
Dù vậy, các tờ báo khác của Mỹ cũng có giới hạn về nội dung xuất bản. Tuy nhiên, các nền tảng truyền thông xã hội thì lại chẳng có giới hạn nào. Người ta lan truyền những đồn đoán tràn lan về cuộc hôn nhân của William và Kate mà cả báo chí Anh và Mỹ đều không động tới. Có lẽ họ chẳng sợ bị vương thất bắt tội mà cũng không lo bị kiện.
Ai cũng cần sự riêng tư
Cuộc tranh cãi hiện nay cho thấy một sự căng thẳng khác giữa vương thất và báo chí. Các hãng thông tấn đã có lúc không hài lòng về việc các chính trị gia và thành viên vương thất cung cấp những bức ảnh "tự chụp" thay vì mời các nhà báo chụp ảnh họ.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak có một nhiếp ảnh gia chính thức để chụp ảnh ông với tư cách là một chính khách. Tương tự, Kate, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, cũng đã tự mình chụp nhiều bức chân dung sinh nhật cho các con mình.
Vì lý do đó, việc gỡ bỏ bức ảnh gần đây của Kate có lẽ không phải là một quyết định khó khăn đối với các hãng ảnh. Họ muốn đưa ra quan điểm riêng.
Họ cũng đã đưa ra quyết định đúng đắn khi làm như vậy. Trong thời đại deepfake, tính minh bạch về nguồn gốc của hình ảnh và cách chúng được tạo ra là quan trọng hơn bao giờ hết.
Sau khi bức ảnh bị gỡ bỏ, phân tích siêu dữ liệu của nó cho thấy nó được chụp tại Windsor, nơi gia đình xứ Wales sinh sống và chỉnh sửa 2 lần bằng Adobe Photoshop. Bản thân Kate đã nhận trách nhiệm về bức ảnh này và viết trong một tuyên bố rằng "giống như nhiều nhiếp ảnh gia nghiệp dư, thỉnh thoảng tôi cũng thử nghiệm chỉnh sửa".
Điều này có giúp ích gì không? Dĩ nhiên là không. Cư dân mạng lại tiếp tục đặt câu hỏi: Làm sao cô ấy có thời gian và sức lực để thực hiện tất cả việc chỉnh sửa ảnh này trong khi đang hồi phục sau ca phẫu thuật?
Nhưng, có bao giờ bạn đặt mình vào vị trí của Vương phi xứ Wales hoặc gia đình cô ấy để nhìn nhận mọi chuyện không? Kate chỉ mong cầu một điều đơn giản là giữ cuộc sống bình thường nhất có thể cho các con của mình và giữ sự riêng tư về sức khỏe. Ấy vậy mà, điều hiển nhiên về "quyền riêng tư" của Kate đã biến thành một "trò chơi trực tuyến khổng lồ" được ngàn vạn con người cùng hùa vào mổ xẻ.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, câu chuyện này cũng mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những thách thức mà truyền thông truyền thống đang phải đối mặt. Tất cả vì câu hỏi đâu mới là sự thật.
Nguồn: The Atlantic