Chuyện sếp "chuồn" khi công ty có biến: Vì muốn tốt cho tập thể hay để bao che sự yếu kém của bản thân?
Chúng ta thường nghe được chuyện về nhân viên đổ trách nhiệm lên sếp, còn theo chiều ngược lại thì sao?
1. Lãnh đạo phải là người biết mình có khả năng dẫn dắt nổi công ty hay không
Linh (30 tuổi) là một cô gái giỏi giang và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn. Cô có một "background" rất xịn xò, từ việc du học nước ngoài cho đến làm quản lý của nhiều tập đoàn lớn. Trong khoảng thời gian này, Linh làm giám đốc truyền thông của một chuỗi các resort nổi tiếng ở Phú Quốc. Hàng ngày cô mê say làm việc, vận dụng hết những trải nghiệm và kiến thức của mình để đóng góp, phát triển cho chuỗi resort ấy.
Thế nhưng đến một ngày, Linh đưa ra quyết định xin thôi việc. Lý do cô đưa ra là bởi bạn trai cô muốn lập gia đình. Kể thêm thì người bạn trai này đã yêu Linh 7 năm trời, từ thời mà cả hai còn du học bên Singapore. Linh chợt nhận ra mình cũng 30 rồi, hơi già hơn một chút cái tuổi "cập kê", nên cô cũng đồng ý để tiến tới hôn nhân với bạn trai.
(Ảnh minh họa)
Chính bởi cô nghĩ rằng khi lấy chồng, cô sẽ phải lo toan nhiều thứ hơn. Nào là chăm sóc cho gia đình, lên kế hoạch sinh đẻ, quan tâm nhiều hơn đến 2 họ rồi các mối quan hệ thân thiết... Mà khối lượng công việc tại resort thì lại rất lớn, hơn nữa do đặc thù công việc nên cô cũng phải di chuyển, đi lại nhiều. Cô không muốn công việc trở thành điều làm cuộc sống của cô khó khăn, và cũng không muốn hoàn thành công việc một cách qua loa.
Linh đã trình bày rõ việc này với hội đồng quản trị. Sau khi thống nhất, cả hai đã tìm được hướng đi riêng. Linh nghỉ việc, và chuỗi resort đó sẽ tìm một nhân sự khác.
Con người chúng ta ai cũng sẽ phải đến với giai đoạn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khác. Những điều ấy phần nào làm ảnh hưởng đến công việc chung. Nếu như người làm sếp "cố đấm ăn xôi" thì vừa gây ra mệt mỏi cho mình, vừa làm công việc trở nên kém hiệu quả. Một người quản lý tốt sẽ định vị họ là ai, họ đang cần gì, và công ty đang cần gì để phát triển. Bản thân họ mà không đáp ứng được, họ sẽ xem xét và đưa ra quyết định rời đi.
2. Lãnh đạo "chuồn" - thượng sách hay chỉ là cách để che giấu sự yếu kém?
Nam - 32 tuổi khi được hỏi về người sếp mà mình không thể nào quên, đã nhắc ngay tới anh Hùng. Nam kể lại Hùng không những làm sếp Nam 1 lần, mà còn đến tận 2 lần làm "kèo trên" của Nam tại 2 công ty khác nhau. Nam kể sếp Hùng lúc nào cũng khoe về thành tích của anh ta, nào là bằng Đại học đỏ thắm, nào là chứng chỉ này nọ ABC XYZ, nào là kinh nghiệm làm chuyên gia tư vấn cho nhiều tập đoàn... Nam thực sự không thích ông sếp này lắm bởi lúc nào thì Hùng cũng giữ thái độ chỉ tay năm ngón về phía nhân viên.
(Ảnh minh họa)
Tại công ty thứ nhất, đó là một doanh nghiệp trong mảng logistic vận tải. Công ty đang làm ăn yên ổn, nhưng bỗng gặp một vài sự cố liên quan đến kiểm hàng, hải quan. Đứng trước sự cố ấy, công ty không những chịu tổn thất mà còn phải bồi thường khoản tiền lớn cho bên đối tác. Và một ngày đẹp trời, sếp Hùng ra tuyên bố thôi việc. Quyết định ấy quá chóng vánh, khi mà toàn thể nhân viên đang cố gắng vực dậy lại công ty, và họ đang thực sự cần một người quản lý để dẫn dắt họ. Chẳng những thế, khi ra đi, Hùng còn bắt ban quản trị bồi thường cho Hùng tiền coi như "phí làm hao tổn tuổi trẻ".
Sang đến công ty thứ hai, lần này Nam chuyển việc để tiện đường đi làm thì cũng vẫn là gặp ngay sếp Hùng. Lại là kiểu làm việc ấy, lại là kiểu chỉ tay năm ngón, là kiểu nói thì hay nhưng chẳng làm gì hết. Đã thế sang công ty mới vì nhân viên dễ bắt nạt nên sếp Hùng càng được thể lấn tới. Mà ai cũng biết, khi nhân viên bị "đì" quá nhiều, họ sẽ sinh chán nản, và làm việc không được tốt như trước. Doanh thu giảm liên tục, thêm một lần nữa sếp Hùng là kẻ chạy đi đầu tiên. Lần này lý do được đưa ra là bởi Hùng cho rằng trình độ của anh ta quá cao, nếu quản lý "đám nhân viên quèn" thì rất lãng phí.
(Ảnh minh họa)
Với cương vị của người lãnh đạo, đáng nhẽ chính những lúc công ty gặp khó khăn thì lãnh đạo mới là người nên ở lại cuối cùng. Bởi bạn phải tự ý thức được trách nhiệm của mình, vị trí của mình đang sở hữu. Còn không thì bạn cũng chỉ "tầm thường" như những kẻ khác mà thôi!
Các chị em đã bao giờ gặp tình trạng "sếp chuồn" chưa? Nếu có thì đó là kiểu số 1 hay kiểu số 2 nhỉ?