Chuyên gia: Mỹ đã làm xét nghiệm Covid-19 nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng tại sao vẫn chưa đủ?

J.D,
Chia sẻ

Số ca xét nghiệm tại Mỹ hiện tại vẫn là nhiều nhất thế giới. Nhưng quy mô dịch bệnh tại quốc gia này còn lớn hơn thế nữa.

*Bài viết dựa trên quan điểm của Ronald D. Fricker, Jr., giáo sư ngành thống kê và là phó hiệu trưởng Viện Bách khoa Virginia (Hoa Kỳ)

Cho đến thời điểm hiện tại, nước Mỹ đã thực hiện số xét nghiệm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhưng đồng thời, họ cũng là nơi chịu ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 nặng nề nhất, khi số lượng các ổ dịch vẫn đang tăng chóng mặt ở mọi khu vực của đất nước.

Một số người biện luận rằng, việc các ca nhiễm gia tăng trong số liệu thực chất đến từ việc họ xét nghiệm quá nhiều. Nhưng Ronald D. Fricker, Jr., giáo sư ngành thống kê và là phó hiệu trưởng Viện Bách khoa Virginia, đây là một quan điểm hoàn toàn không đúng.

Nên hiểu số ca nhiễm sau xét nghiệm như thế nào?

Bất kỳ đại dịch nào - kể cả Covid-19, việc xét nghiệm nhằm phục vụ 2 mục đích. Đầu tiên là để xác nhận một người có nhiễm bệnh hay không, nhằm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Thứ 2 là để phục vụ việc theo dõi và ngăn chặn dịch bệnh - bao gồm việc tìm ra những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, để cá nhân và nhà chức trách tìm cách làm chậm quá trình lây lan của virus.

Ngày 13/7, tổng thống Donald Trump từng phát biểu: "Khi làm xét nghiệm, chúng ta sẽ có các ca nhiễm mới." Phát biểu này theo giáo sư Fricker là không hề chính xác. Vấn đề ở đây là bất kỳ ai nhiễm virus đã là một ca bệnh, và bản thân việc xét nghiệm không khiến người ta nhiễm. Giống như việc thử thai vậy, bạn mang bầu không phải vì que thử thai hiện 2 vạch, mà vì bạn thực sự mang bầu. Vậy nên, việc xét nghiệm không thể tạo ra ca nhiễm mới được.

Tuy vậy, bởi rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 lại không có triệu chứng, nên nhiều người đã nhiễm bệnh mà không hề hay biết. Việc xét nghiệm sẽ giúp chúng ta tìm ra các trường hợp này, qua đó gia tăng số ca nhiễm trong số liệu - hay còn gọi là số ca nhiễm được xác nhận. 

Trên thực tế, việc tìm ra các trường hợp như vậy là rất tốt, bởi nó cho phép người nhiễm và quan chức y tế hành động một cách chính xác hơn. Khi nhà chức trách tìm ra người nhiễm, họ sẽ bắt đầu lần vết, theo dõi quá trình tiếp xúc. Còn về mặt cá nhân khi biết mình nhiễm, họ sẽ tự chủ động cách ly. 

Kể từ khi đại dịch chạm đến Mỹ, đất nước đã làm xét nghiệm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, cả về tổng số xét nghiệm lẫn tỉ lệ trên dân số. Chỉ có thời điểm cuối tháng 7, Anh, Nga và Qatar mới vượt qua được Mỹ về tỉ lệ này mà thôi. 

 - Ảnh 3.

Có điều theo giáo sư Fricker, tổng số xét nghiệm lẫn tỉ lệ xét nghiệm trên dân số thực chất không phải là cách thức đúng để đánh giá độ thành công của công việc này. Trong báo cáo của ĐH Johns Hopkins có đề cập, chương trình xét nghiệm của một quốc gia phải có quy mô tương đương với quy mô của đại dịch, không phải so với quy mô dân số. 

Với Mỹ, đúng là họ đã thực hiện xét nghiệm ở quy mô lớn, nhưng đồng thời quy mô dịch bệnh còn kinh khủng hơn. Muốn có một bức tranh chính xác hơn, việc xét nghiệm phải được thực hiện một cách tương đồng. 

Tỷ lệ dương tính

Vậy làm sao để các quan chức y tế biết được rằng họ đã làm đủ số xét nghiệm? Câu trả lời không phải là số lượng xét nghiệm, mà đến từ tỉ lệ dương tính.

Tỉ lệ dương tính hiểu đơn giản là số phần trăm xét nghiệm cho kết quả dương tính, có được bằng cách chia số ca dương tính cho tổng xét nghiệm. Nhìn chung trong một đại dịch, tỉ lệ này càng thấp thì càng tốt.

Lấy ví dụ cho dễ hiểu, nó giống như đánh cá vậy. Nếu sử dụng lưới nhỏ mà lần nào thả lưới cũng có cá - đó là tỉ lệ cao, nghĩa là còn rất nhiều cá xung quanh mà bạn chưa bắt được - chính là những ca nhiễm chưa xác định. Ngược lại, khi bạn sử dụng tấm lưới lớn hơn (nghĩa là xét nghiệm nhiều hơn) - mà chỉ bắt được vài con cá, đó là tỷ lệ thấp, tức là số ca nhiễm trong khu vực đang cạn kiệt. 

Theo số liệu từ WHO, trước khi một khu vực có thể nới lỏng các hạn chế hoặc tái mở cửa, tỉ lệ dương tính phải dưới 5% trong ít nhất là 14 ngày.

 - Ảnh 4.

Có 2 cách để giảm tỉ lệ dương tính xuống: hoặc giảm số ca dương tính, hoặc tăng số lượng xét nghiệm lên. Một chương trình xét nghiệm toàn diện phải bao gồm cả 2 cách trên. Khi tăng cường xét nghiệm, hầu hết các ca nhiễm trong cộng đồng sẽ được tìm ra. Sau đó, chính phủ và từng các nhân sẽ có những hành động nhằm ngăn sự lây lan của virus, và từ đó khiến số ca dương tính giảm đi. 

Quay lại câu chuyện... đánh cá, mục đích của một chương trình xét nghiệm toàn diện là sử dụng một tấm lưới lớn để càn quét mọi con cá Covid-19 trong hồ, cho đến khi chỉ còn vài con sót lại. Tỉ lệ dương tính vì thế trở thành công cụ tốt nhất để đo lường sự hiệu quả của chương trình xét nghiệm, và đảm bảo quy mô xét nghiệm chạm đến quy mô của đại dịch. 

Tính đến ngày 27/7, tỉ lệ dương tính của toàn nước Mỹ rơi vào khoảng 10%. Nhiều tiểu bang thực hiện xét nghiệm diện rộng, và tỉ lệ dương tính đã giảm xuống dưới 5% - như Massachusetts còn 2,68% và New York là 1,09%. Tuy nhiên, các tiểu bang đang tồn tại ổ dịch mới như Mississippi và Arizona, tỉ lệ lên tới hơn 20%.

Nhìn chung, giáo sư Fricker nhận định số ca dương tính không tăng lên chỉ vì làm nhiều xét nghiệm hơn. Thay vào đó, tỉ lệ dương tính cao cho thấy virus trên thực tế đã lây lan và phát triển nhanh hơn so với khả năng làm xét nghiệm của nhà chức trách. 

Nghĩa là dù đã xét nghiệm rất nhiều, nhưng kỳ thực nước Mỹ cần làm nhiều hơn thế nữa. Họ cần một tấm lưới lớn hơn, bắt được nhiều cá hơn, để rồi thực sự chứng kiến dịch bệnh được kiểm soát.

Nguồn: The Conversation, Science Alert
Chia sẻ