Chuyên gia mách: Tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng thế nào để được lãi "ngon" và cách tối ưu "tiền nhàn rỗi" ngoài việc gửi ngân hàng
Ngân hàng nào có mức lãi suất gửi tiết kiệm tốt nhất trên thị trường hiện nay? Việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng như hiện tại có là giải pháp giữ tiền hiệu quả? Sẽ là những câu hỏi được chuyên gia của chúng tôi giải đáp cho độc giả trong bài viết này.
Câu hỏi
Chị Lê Minh Thư (40 tuổi) hiện đang sống tại Hải Phòng gửi câu hỏi:
40 tuổi, tôi chỉ có khoản tiết kiệm có kỳ hạn trong ngân hàng là 200 triệu. Tôi không dám liều lĩnh để rút ra đầu tư vì kinh nghiệm và kiến thức về thị trường là không có. Hiện tại số tiền 200 triệu này được tôi chia thành nhiều sổ tiết kiệm online giá trị nhỏ khác nhau, dao động từ 5 - 15 triệu/sổ, kỳ hạn 6 tháng, với lãi suất là 5,5%.
Đây có phải là mức lãi suất gửi tiết kiệm tốt nhất trên thị trường hiện nay hay không, và nếu không thì tôi nên chọn gửi ở đâu để có mức lãi suất tốt hơn? Ngoài ra, việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng như hiện tại có là giải pháp giữ tiền hiệu quả với trường hợp của tôi?
Rất mong chuyên gia cho tôi xin ý kiến.
Tư vấn
Chào chị Minh Thư. Chúng tôi đã chuyển câu hỏi của chị tới Chuyên gia Trần Mạnh Hoàng Việt. Anh hiện đang là Founder của TrustLife, Financial planner (Chuyên gia tài chính) của FiDT và là 1 Youtuber tư vấn tài chính được nhiều người biết đến trên mạng xã hội. Chuyên gia Trần Mạnh Hoàng Việt sẽ giải đáp thắc mắc cụ thể cho chị Minh Thư.
Chào bạn!
Trước tiên, đánh giá về tình hình tài chính thì với số tiền 200 triệu hiện có, mức lãi suất 5.5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và tình hình lạm phát tại Việt Nam đang duy trì khoảng 3 - 4%/năm.
Như vậy với mỗi năm gửi ngân hàng thì trên thực tế số tiền thực sự sinh lãi từ khoản tiền 200 triệu không đáng kể chỉ dao động 1-2%/năm. Như vậy, nếu bạn để 100% khoản tiết kiệm tại ngân hàng thì đang chưa tối ưu được số tiền của mình.
Chuyên gia Hoàng Việt tư vấn cho bạn các mức lãi suất ở một số ngân hàng khác nhau để tối ưu lợi nhuận trong trường hợp vẫn muốn lựa chọn ngân hàng là sự ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, ngân hàng có mức lãi suất cao hơn mức bạn gửi thường là những ngân hàng vừa và nhỏ cụ thể mức lãi suất áp dụng theo năm với từng kỳ hạn là:
- Kỳ hạn từ 1-3 tháng
+ Ngân hàng GP Bank, PVCombank và SCB mức lãi suất là 4%/năm.
+ Ngân hàng PG Bank mức lãi suất là 3.89%/năm và Nam Á Bank là 3.95%/ năm.
- Kỳ hạn 6 - 9 tháng
+ Ngân hàng Bắc Á: 6.3%/năm
+ Ngân hàng CB Bank: 6.8%/năm
- Kỳ hạn 12 tháng
+ Ngân hàng Bắc Á: 6.7%/năm
+ Ngân hàng CB Bank: 7%/năm
Bạn lưu ý, giữa ngân hàng tư nhân và quốc doanh lớn có biểu lãi suất so với ngân hàng vừa và nhỏ chênh lệch từ 0.5% - 1%.
Tuy vậy, nếu như ngân hàng là lựa chọn duy nhất, bạn có thể phân bổ 200 triệu của mình theo tỷ lệ 7:3 hoặc 6:4 (7 phần vào ngân hàng lớn, 3 phần vào ngân hàng nhỏ, hoặc 6 phần vào ngân hàng lớn, 4 phần vào ngân hàng nhỏ) để đảm bảo đa dạng hóa các kênh gửi với mức độ rủi ro khác nhau.
Đồng thời, khi thực hiện việc so sánh giữa biểu lãi suất theo từng kỳ hạn sẽ thấy rằng sự chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng không có nhiều khác biệt. Nên để linh hoạt dòng tiền hơn, bạn có thể chọn kỳ hạn 1 tháng hoặc 6 tháng nếu so sánh các kỳ hạn với nhau.
Một lưu ý thêm:
Nếu trong trường hợp chưa đến kỳ hạn rút tiền mà bạn có nhu cầu cần gấp hãy lưu ý về hình thức vay thấu chi (thế chấp bằng chính sổ tiết kiệm) để có thể thanh khoản và có tiền ngay. Hiện lãi suất của vay thấu chi so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng chênh lệch khoảng 1.5% - 2.5%.
Lời khuyên
Theo nguyên tắc phân bổ tài sản, thì đa dạng hóa danh mục, "không bỏ trứng vào 1 giỏ" là biện pháp quản trị rủi ro đồng thời giúp bạn cân đối, hài hòa giữa tài sản sinh lợi và tài sản phòng thủ.
Căn cứ trên trường hợp của độc giả, Chuyên gia Hoàng Việt có một số tư vấn về dòng tiền có thể phân bổ thêm cho bạn như sau:
- Mua bảo hiểm nhân thọ: Trước khi đầu tư cần bàn về vấn đề bảo vệ nhu cầu tài chính cho bản thân và gia đình. Vì bạn “chỉ có khoản tiết kiệm 200 triệu”. Thật sự đây là khoản tài chính không đủ nếu cần chăm sóc y tế đặc biệt hoặc bạn vẫn còn người thân cần chăm lo tài chính (như cha mẹ, vợ/chồng và con).
Nên việc đầu tiên, bạn cần gặp 1 chuyên gia tư vấn tài chính để xem xét lại nhu cầu bảo vệ trên góc độ về bảo hiểm nhân thọ. Với 200 triệu này, bạn có thể tạo ra các nguồn bảo vệ cho người phụ thuộc lên tới 800 triệu đến 1 tỷ đồng, nếu tình hình sức khỏe hiện nay phù hợp để bạn tham gia vào các gói bảo hiểm nhân thọ.
- Ủy thác cho quỹ đầu tư trái phiếu hoặc cổ phiếu: Khuyến nghị theo mức độ an toàn và lợi nhuận danh mục tăng dần. Hiện tại, ủy thác cho quỹ đầu tư là hình thức phù hợp với những nhà đầu tư không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và thời gian.
Các chuyên gia của quỹ sẽ thực hiện thay cho bạn với sự chuyên nghiệp của họ và sự quản lý chặt chẽ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Bộ tài chính. Lợi suất của quỹ đầu tư trái phiếu dao động 7%-8%/năm và với quỹ cổ phiếu dao động trung bình 8%-12%/năm. Trên thị trường hiện tại có nhiều quỹ đầu tư cho bạn lựa chọn, bạn nên tìm đến các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân để có góc nhìn và sự tư vấn cần thiết.
- Mua kim loại quý (vàng): Vàng luôn là tài sản phòng thủ trong những giai đoạn biến động của nền kinh tế hay còn gọi là tài sản trú ẩn. Mức độ sinh lời của vàng bình quân khoảng 10%, tuy vậy biến động rất mạnh. Nên khuyến nghị bạn dành 5-7% tài sản cho loại hình đầu tư này.