Chuyên gia khuyến cáo trường hợp không dùng Đông y điều trị đái tháo đường kẻo nguy hiểm
Đái tháo đường type 1 và các trường hợp đái tháo đường nặng, có biến chứng tim mạch không có biện pháp chữa trị bằng thuốc Đông y nào có hiệu quả, bắt buộc phải theo phác đồ Tây y.
Hiểu về bệnh đái tháo đường và cách chọn pháp điều trị đúng
Đái tháo đường theo định nghĩa của y học hiện đại (Tây y) là một nhóm bệnh chuyển hóa trong đó người bệnh có các triệu chứng như nồng độ đường trong máu tăng cao (đường huyết cao) do tế bào tụy không sản xuất đủ insulin hoặc do các tế bào khác của cơ thể giảm đáp ứng đối với insulin hoặc phối hợp cả hai.
Bệnh nhân mắc đái tháo đường cũng có thể có nồng độ đường trong nước tiểu cao làm cho bệnh nhân đi tiểu nhiều và do vậy luôn có cảm giác khát gây ra uống nhiều nước. Khi bệnh nặng tạo nên 3 triệu chứng chủ yếu: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều.
Đái tháo đường được phân làm 2 loại chủ yếu là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.
- Đái tháo đường type 1 do tế bào tiết insulin ở tụy bị phá hủy gây thiếu hụt insulin, được điều trị bằng cách tiêm insulin hàng ngày. Bệnh này hay gặp ở trẻ em và người trẻ (dưới 20 tuổi) với tỉ lệ tương đối thấp khoảng 0,1/100 000 người (tại Trung Quốc) hoặc 36,5/100 000 người (tại Phần Lan - nơi có tỉ lệ đái tháo đường type 1 cao nhất thế giới).
- Đái tháo đường type 2 là dạng đái tháo đường thường gặp ở tuổi trung niên và người già, với tỉ lệ khá cao (xấp xỉ 11-12% ở TPHCM) và đang tăng nhanh ở Việt Nam.
Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường type 1 và type 2, tuy nhiên y học hiện đại cũng vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân chính xác của bệnh cũng như cách điều trị dứt điểm.
Người ta chỉ biết ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, các tế bào sản xuất insulin ở tuyến tụy đột ngột bị tổn thương rồi suy giảm dẫn tới cơ thể bị thiếu insulin - là một hormone giúp cho glucose được vận chuyển vào trong tế bào làm cho nồng độ glucose (đường) tăng cao trong máu trong khi tế bào thiếu glucose.
Còn đối với đái tháo đường type 2, diễn biến của bệnh khá thầm lặng khởi đầu là do các tế bào của cơ thể như tế bào mỡ, tế bào gan, tế bào cơ bị giảm đáp ứng với insulin làm cho tuyến tụy tăng tiết insulin để bù đắp.
Sự hoạt động quá mức của tế bào tiết insulin kéo dài một thời gian sẽ dẫn tới mệt mỏi và suy giảm chức năng. Lúc này sẽ tạo thành hiện tượng mất khả năng điều hòa đường máu, nồng độ đường máu tăng cao trong khi nồng độ đường trong tế bào giảm.
Quá trình bệnh lý diễn ra chậm và kéo dài dẫn tới tổn thương ở nhiều cơ quan như hệ tuần hoàn, hệ tiết niệu, hệ miễn dịch để gây ra nhiều biến chứng.
Chính vì vậy, đái tháo đường được xếp vào nhóm bệnh mãn tính và được theo dõi, điều trị lâu dài bằng cách làm giảm triệu chứng quan trọng nhất là kiểm soát đường huyết bằng thuốc.
Quan niệm điều trị Tây y
Để điều trị đái tháo đường, các bác sĩ Tây y căn cứ vào các xét nghiệm máu, theo dõi chỉ số đường huyết, HbA1C và khám để đánh giá các biến chứng của đái tháo đường như biến chứng mắt, biến chứng gây tổn thương thận, tình trạng huyết áp, tình trạng kháng insulin, tình trạng thiếu hụt insulin, biến chứng nhiễm trùng hoặc hoại tử ở các vùng ngoại biên như gót chân, bàn chân.
Sau khi khám xét kỹ lưỡng bác sĩ sẽ kê đơn và hướng dẫn chế độ ăn uống, luyện tập để giúp bệnh nhân điều trị lâu dài.
Tại các nước như Mỹ, Canada, Úc, bệnh nhân đái tháo đường được lập hồ sơ theo dõi và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa phối hợp với bác sĩ gia đình. Thời gian theo dõi và điều trị được tiến hành suốt đời, nhiều trường hợp kéo dài tới 40-50 năm và bệnh nhân sống tới 80-90 tuổi.
Điều đó cho thấy nếu được theo dõi điều trị và tuân thủ chế độ điều trị một cách chặt chẽ, đái tháo đường hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng điều trị Tây y.
Ở nước ta, những năm gần đây do tỉ lệ người mắc đái tháo đường ngày càng tăng, Bộ Y tế đã ban hành văn bản rất cụ thể hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường cho tất cả các cán bộ thuộc các tuyến y tế từ tuyến xã, huyện đến tuyến bệnh viện chuyên khoa.
Phác đồ chẩn đoán, theo dõi và điều trị đái tháo đường này của Bộ Y tế là tương đối hoàn chỉnh và cập nhật theo các phác đồ điều trị đái tháo đường của các nước tiên tiến như Canada, Úc, Mỹ, vì vậy nếu các bác sĩ và bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ này thì việc kiểm soát và chữa bệnh đái tháo đường lâu dài hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy nhiên tại Việt Nam, do chưa có hệ thống y tế phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ gia đình, hệ thống y tế đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu còn yếu, trình độ chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa nội tiết và đái tháo đường còn thiếu và yếu, việc theo dõi và điều trị bệnh đái tháo đường hầu như chưa được tiến hành chặt chẽ và lâu dài.
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường chỉ đi khám khi bệnh đã nặng, có biến chứng, hoặc đa số bệnh nhân bỏ dở việc điều trị do chi phí cao, quá trình thăm khám phức tạp, bác sĩ không đủ quan tâm.
Quan niệm điều trị Đông y
Một trong những phương pháp điều trị khác mà bệnh nhân đái tháo đường tại nước ta hay lựa chọn là sử dụng thuốc Đông y. Trong quan niệm của Đông y, đái tháo đường được gọi là bệnh tiêu khát.
Nguyên nhân gây bệnh là do âm hư và táo nhiệt, phương pháp chữa của Đông y là dưỡng thận âm kèm theo bổ thận dương (nếu có thận dương hư), bổ sung tân dịch và thanh nhiệt.
Các bài thuốc Đông y hay dùng là các bài thuốc có chứa các vị thuốc như đảng sâm, thục địa, táo nhân, bạch thược, bạch truật, thục linh, hoài sơn, ngũ vị tử, sơn tra, huỳnh kỳ, nhãn nhục, nhục quế, viễn chí, hạt sen, đương quy, nhục khấu, cam thảo, xuyên khung, trần bì.
Tất cả các vị thuốc trên đều đã được nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đánh giá là có tác dụng hạ đường huyết cũng như tác dụng hỗ trợ điều trị đái tháo đường.
Phần lớn các kết quả nghiên cứu đều cho thấy các vị thuốc hoặc một số bài thuốc phối hợp các vị thuốc trên có tác dụng gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường type 2 hoặc có tác dụng hạ đường huyết trên động vật thực nghiệm trong một thời gian ngắn.
Một số hoạt chất có tác dụng hạ đường huyết từ các cây thuốc trên cũng đã được phát hiện.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bài thuốc, vị thuốc hoặc hoạt chất chiết xuất từ các cây thuốc nói trên có tác dụng hạ đường huyết lâu dài hoặc tác dụng rõ rệt tương đương với các thuốc Tây y đang sử dụng trên bệnh nhân đái tháo đường và vì vậy chưa có hoạt chất, bài thuốc hay cây thuốc nào được đưa vào phác đồ sử cho bệnh nhân đái tháo đường để chữa dứt điểm bệnh.
Điều đáng chú ý là cách đây hàng trăm năm, nhiều thầy thuốc Đông Y cũng đã thống nhất rằng chứng tiêu khát do hai nguyên nhân chủ yếu là:
1. Do ăn uống quá độ, nhiều chất ngọt, nhiều chất béo, uống rượu nhiều.
2. Do yếu tố tình chí tinh thần bị kích thích lâu dài, đều có quan hệ mật thiết với sự phát sinh và tái phát của bệnh "tiêu khát".
Cả hai nguyên nhân này đều giống với những giả thiết về cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường theo y học hiện đại. Vì vậy, trong điều trị đái tháo đường bằng Đông y, một số thầy thuốc cũng đã đưa việc lao động nhẹ nhàng, điều chỉnh chế độ ăn uống và giảm các tác nhân gây stress như lo âu, căng thẳng thần kinh.
Điều này cũng thống nhất với các phương pháp chữa đái tháo đường của y học hiện đại ở giai đoạn bệnh nhẹ.
Như vậy, đối với các trường hợp đái tháo đường type 2 nhẹ, mới mắc, một số đơn thuốc Đông y hoặc một số cây thuốc có thể được sử dụng để điều trị. Những biện pháp điều trị này, Tổ chức Y tế thế giới thống nhất gọi chung là liệu pháp điều trị hỗ trợ.
Điều đó có nghĩa là bên cạnh việc sử dụng thuốc Tây y, các biện pháp sử dụng Đông y hoặc dược thảo được coi như là các biện pháp điều trị hỗ trợ song song với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ Tây y.
Đái tháo đường type 1 và các trường hợp bệnh đái tháo đường nặng, có biến chứng tim mạch như cao huyết áp, tổn thương gan, thận, tổn thương thần kinh, tổn thương mắt hoặc hoại tử bàn chân, gót chân, hôn mê, tiền hôn mê do tăng đường huyết, không có biện pháp chữa trị bằng thuốc Đông y nào có hiệu quả. Việc điều trị và theo dõi điều trị theo phác đồ của Tây y là bắt buộc.
Đã có một số trường hợp tử vong hoặc hôn mê do đường huyết tăng quá cao và tình trạng rối loạn do thiếu hụt đường trong tế bào kéo dài do sử dụng thuốc Đông y cho bệnh nhân đái tháo đường nặng.
Bên cạnh các bài thuốc cổ điển của Đông y dùng điều trị đái tháo đường, rất nhiều các cây thuốc khác nhau cũng đã được nghiên cứu và chứng minh là có tác dụng hạ đường huyết như lá sen, trái nhàu, cỏ ngọt, mướp đắng, thổ phục linh, tri mẫu, giảo cổ lam.
Tuy nhiên tất cả các cây thuốc hoặc hoạt chất chiết xuất từ các cây thuốc này đều chưa chứng minh được tác dụng điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường hoặc có tác dụng điều trị bệnh đái tháo đường tương đương như các thuốc Tây y.
Rất nhiều bài báo, quảng cáo trên các trang mạng về các cây thuốc, các bài thuốc gia truyền có khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường đều không có căn cứ và không được chứng minh.
Tất cả các cây thuốc trong các bài báo hay trang mạng đó đều đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và chưa có ai khẳng định là các cây thuốc này có khả năng chữa khỏi bệnh đái tháo đường mà chỉ thấy một số cây thuốc có tác dụng hạ đường huyết, hỗ trợ cho điều trị bệnh đái tháo đường.
Tóm lại: Đái tháo đường type 1 không thể dùng thuốc Đông y để điều trị, sử dụng insulin là bắt buộc và phải được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ điều trị.
Đái tháo đường type 2 là một bệnh mãn tính, tiến triển thầm lặng, khi bệnh nhẹ, có thể điều trị bằng các biện pháp ăn kiêng, luyện tập thể dục không dùng thuốc. Trong giai đoạn này việc sử dụng các cây thuốc, bài thuốc Đông y nếu có tiến triển tốt, bệnh có thể giảm và không tái phát trong nhiều năm.
Tuy nhiên khi bệnh đã nặng, có biến chứng hoặc không có đáp ứng với các biện pháp luyện tập hoặc điều trị bổ trợ việc theo dõi chặt chẽ cũng như tuân thủ liệu pháp điều trị của Tây y là bắt buộc.
Một điều đáng lưu ý là khi đã được chẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần được hướng dẫn cách tự theo dõi nồng độ đường huyết bằng máy đo đường huyết cá nhân và tăng cường đi khám tại bệnh viện hoặc phòng khám Tây y để làm các xét nghiệm theo dõi biến chứng.
Sử dụng thuốc Đông y hoặc thảo được chỉ được coi là liệu pháp điều trị hỗ trợ, chỉ nên tiến hành trong thời gian ngắn và phải được theo dõi cùng với các xét nghiệm của bác sĩ Tây y.