Chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học nói gì về cách đánh vần gây tranh cãi?
Trước tranh cãi về cách đánh vần trong sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, PGS. TS Hoàng Dũng Trường Đại học Sư Phạm. TP. Hồ Chí Minh đã có một cách lý giải thú vị bằng cái nhìn của nhà nghiên cứu ngôn ngữ học.
Bài viết được trích từ một phần trong những nội dung giao lưu trực tuyến của Báo Thanh Niên sáng nay (10/9). Những chia sẻ của PGS.TS Hoàng Dũng giúp bạn đọc đại chúng hiểu rõ hơn về sự phức tạp, phong phú của việc học Tiếng Việt dưới góc nhìn của nhà ngôn ngữ. PGS. TS. Hoàng Dũng chỉ rõ những ưu điểm, nhược điểm trong cách đánh vần trong sách của GS. Hồ Ngọc Đại cũng như sách giáo khoa hiện hành. Nguyên nhân do đâu có những sự khác biệt này, từ đó chúng ta có cái nhìn điềm tĩnh hơn trước vấn đề thuộc về chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học.
Tạm chấp nhận đánh vần vì thực tế có cần đánh vần không?
Từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX ở phương Tây đã tranh cãi nhau có cần đánh vần hay không. Hiện nay dạy tiếng Việt cho người nước ngoài không có ai dạy đánh vần nữa mà học chữ nào nhớ luôn chữ đó. Ví dụ chữ “bàn” đọc là “bàn” luôn chứ không cần đánh vần bờ- an- ban- huyền- bàn nữa.
Việc đánh vần hay không cần đánh vần hiệu quả hơn thì chúng ta cần có những nghiên cứu rồi mới có thể tính tiếp.
Còn hiện nay, vẫn dạy trẻ đánh vần thì chúng ta sẽ phân tích về các cách đánh vần. Đánh vần thì có 2 cách đánh vần, xưa thế hệ tôi sinh ra và lớn lên ở miền nam. Các thầy dạy chúng tôi đọc “bê -a –ba”.
Sau này trẻ em lại đánh vần là bờ- a -ba, thầy Đại (GS.Hồ Ngọc Đại) dạy thế và chương trình giáo dục hiện hành cũng dạy vậy. Và nói chung không ai dạy khác. Ở đây có chuyện là một âm có 2 cách dạy. Một là gọi theo tên của nó, hai là theo cách thể hiện gọi nó. Một là gọi theo tên, hai là gọi theo âm nó thể hiện là bờ. Cái này cả hai cách đều cần. Ví dụ có thường hợp BBC thì nói là bê bê xê, chứ không thể gọi là bờ bờ cờ.
Tên gì theo con chữ thì đọc theo con chữ, còn âm thì dùng để đánh vần, vì đánh vần được coi là một thao tác ngữ âm, cái này có lẽ là do nhóm truyền bá quốc ngữ ngày xưa. Chương trình của GS. Hồ Ngọc Đại và chương trình của giáo dục hiện hành là căn bản như nhau.
Điều khác biệt giữa cách học của chương trình hiện hành và chương trình SGK Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại
Điểm khác là giữa chương trình giáo dục hiện hành và chương trình Công nghệ giáo dục là cách đọc chữ chữ c, k, q.
Cách đọc của tiểu học hiện hành là bờ- a- ba. Chấp nhận đọc theo âm mà chúng thể hiện. Ví dụ cờ - a - ca nhưng đến i, ê, e thì lại đọc là ca ê kê. Vì sao vậy? vì nhỡ mình viết là ci, cể là sai chính tả, sợ sai chính tả nên “k” đọc là ca. Như vậy lại gán cho đọc vần thêm sứ mệnh nữa là chính tả. Mà sứ mệnh này vốn không phải của ngữ âm vì ngữ âm không phải là chính tả. Do sự lo sợ đó nên phải chấp nhận sự không nhất quán để đạt được mục đích về chính tả.
Tôi cũng giảng cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học, tôi có cách nhanh hơn nữa là như thế này: Các em ạ, hễ là e, ê, i là viết là "k" nhé, thế là xong. Trong trường hợp này thầy Đại nhất quán khi đọc cờ -a -ca và cờ - ê -kê -hỏi- kể.
“Cái thứ 2 mới mệt đó là chữ qu”
Nếu là người không nghiên cứu về ngôn ngữ, người nghe đông đảo chúng ta hãy tưởng tượng chúng ta đi học tiếng Anh, nghe ông thầy nói là monkey, một cách tự nhiên người ta lấy chữ quốc ngữ người ta phiên như thế này: “mắng khì”. Khi phiên như thế này thì muốn hay không, người ta bắt tiếng Anh phải theo tiếng Việt. Người ta gán cách đọc tiếng Việt cho tiếng Anh.
Ví dụ ở đây tiếng Anh là ngôn ngữ không có thanh điệu, người ta gán cho thanh sắc, thanh huyền. Ta hình dung các vị ngày xưa đi truyền giáo cũng là như vậy vì họ là người nước ngoài. Giờ họ nghe tiếng Việt thì họ phải lấy chữ của họ để họ ghi. Họ sẽ đưa vào tiếng Việt tất cả đặc điểm của họ.
Ví dụ: Calci, Ceci cũng đều bắt đầu là chữ c cả nhưng khi thì đọc là cờ, lúc đọc là xờ. Trong lúc đó ta hãy xem tiếng Anh, Queen nếu phiên âm sẽ là /Kwin/.
Như vậy ở đây có 1 quy tắc như thế này, kể cả với châu Âu. C đứng sau âm đệm có chữ w thì luôn luôn viết q và u. Nếu nó đứng trước i, ê, e thì bắt buộc viết chữ k, cái còn lại thì viết chữ c. Quy tắc đó của chữ quốc ngữ được các cụ đưa vào tiếng Việt.
Kết quả ta có 3 con chữ đều thể hiện 1 âm. Nhưng không thể nhầm lẫn được vì nó chuyên trách. Chữ nào luôn đứng trước âm nào.
Đến năm 2000 trở về sau bắt đầu khác. Cuốn đánh vần năm 2000 đọc là quờ + a qua. Âm đầu cộng với âm đệm, cờ cộng âm đệm, cái này rất phiền. Ví dụ trong từ hoa không đọc là hờ, oa. Cùng 1 bản chất mà có hai cách xử lý khác nhau. Tất nhiên người ta có thể giải thích đây là cách tạm để cho học trò nhớ cũng là chỉ là để phục vụ chính tả.
Chữ Q luôn luôn phải đi theo chữ u. Hệ quả còn nhiều chuyện nữa. Nếu như thế này thì một cách logic phải cho rằng vần oa trong chữ “hoa” phải khác với vần oa trong "qua". Vì vần oa trong "qua" hay "hoa" dù không học chúng ta đều biết là cùng vần. Nhưng với cách đánh vần quờ đó thì nếu gieo vần trong thơ lại trông đúng, chỉ khi lớn lên thì chúng ta hiểu đó là cách thông vần.
Vấn đề này thầy Đại nhất quán hơn. Ở đây thầy đọc cờ và oa. Cờ - oa - qua. Cách đọc này nhất quán hơn.
PGS.TS Hoàng Dũng, ảnh cắt từ clip trực tuyến |
"Còn chuyện này nữa, tôi cho rằng chuyện này thầy Đại không thành công"
Đó là chữ "quốc" trong sách tiểu học sẽ đọc là: Quờ+ ốc, có người đọc Q +uốc
Còn trong sách GS. Hồ Ngọc Đại đọc là K+ uốc = Cuốc . Vì vậy nghe đọc quốc và cuốc là như nhau. Thầy Đại chỉ làm đúng với tiếng miền Bắc chứ không hình dung ngữ âm phiền hà của các vùng miền khác.
Quấc: Là cách đọc trong Nam Bộ. Từ này có trong từ điển Đại nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của. Từ quấc vào từ điển nên tính chất điển chế sẽ rất cao.
Có cách nữa theo tiếng Huế. K+ uốc: Cuốc / Qu - ấc/ Qu -ức
Trong chữ “quốc”, đọc với âm đệm K+uốc = cuốc là không có, đó là cách viết sai chính tả. Nếu qu có âm đệm thì nguyên âm nó là â hay ư chứ không có ô. Người đầu tiên phát hiện ra sai chính tả là người Mỹ được in trong cuốn sách Ngữ Pháp tiếng Việt năm 1951. Tác giả đã nói rằng Quốc là 1 tiếng sai chính tả.
Vậy nhưng thế nào là chính tả? Chính tả là cái mọi người đều đồng ý. Cho nên nếu sai chính tả mà mọi người đều đồng ý thì là vẫn… đúng.
Tại sao tiếng Việt chữ “quốc” này đã nằm trong từ điển và từ “quốc gia” (hay cuốc) cũng nằm trong từ điển. Cuốc/Quốc có trong từ điển La tinh đầu tiên của tiếng Việt là từ điển của Alexandre de Rhodes đều có cả hai hình thức này. Nhưng cuối cùng người ta lại chọn 1 cách mà ai cũng biết là sai chính tả đó là “quốc”.
Ví dụ như quấc, cuốc đánh vần đúng hơn thì không ai chọn mà lại chọn chữ sai chính tả là "quốc". Bài toán ở chỗ đó.
Quốc gia là một từ rất thiêng liêng, viết cuốc gia, quấc gia có thể đúng nhưng người ta không đọc như vậy. Có 3 cái viết, chọn 1 cách sai chính tả để đọc như thế nào thì đọc, như vậy sai nhưng... tối ưu.
Trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”
Ở miền Nam không có chim nào gọi là quốc quốc, ở Huế cũng không có. Miền Bắc đọc là cuốc. Đa phương ngữ đó chính là cái khó của người làm sách.