Nàng dâu tìm kế trốn Tết quê chồng

Theo Vnexpress,
Chia sẻ

Sau 7 năm khăn gói về quê chồng ăn Tết, năm nay chị Hà quyết định đưa hai con gái về bên ngoại, mặc cho chồng nổi giận đùng đùng.

"Bao năm rồi chẳng có được một cái Tết vui, năm nào đến giao thừa mùng một cũng thấy mũi cay xè vì thương bố mẹ mình hiu hắt", chị Hà thổ lộ.

Quê chồng Hải Phòng, còn bố mẹ chị ở Thái Nguyên. Nhà có hai chị em nhưng em trai chị đi làm ăn bên Malaysia, hai năm rồi không về Tết. Ấy vậy mà cuối năm ngoái, chị nói thế nào chồng cũng không đồng ý về ngoại. Anh lý luận rằng mình là con trưởng, đi xa cả năm, Tết không thể vắng mặt. Sau nhiều cuộc chiến tranh cả nóng lẫn lạnh, chị đành thuận theo ý chồng.

Năm nay, chị muốn làm cuộc "cách mạng". Chủ nhật tuần vừa rồi, chị đưa hai con về quê thăm ông bà nội rồi lúc sắp đi, xin phép Tết năm nay cho các cháu được về ngoại vì bố mẹ chị chỉ có một mình, ông lại đang ốm. Ông bà chẳng nói chẳng rằng, mặt nặng như chì nhưng chị lơ đi như không thấy.

"Mình biết các cụ không hài lòng nhưng làm sao cả đời cứ nhìn thái độ người khác mà sống được. Chồng biết chuyện giận lắm, nhưng mình cũng mặc kệ, anh ta muốn đi cùng vợ con hay về với bố mẹ thì tùy. Bố mẹ mình chẳng biết còn hưởng được mấy cái Tết nữa. Mình có hai con gái, sau này chúng nó cũng chỉ biết nhà chồng thì sao?", chị Hà chia sẻ.

Nàng dâu tìm kế trốn Tết quê chồng 1
Có những chị em phải viện lý do trực để trốn Tết quê chồng. Ảnh minh họa: Minh Thùy.

Dù chẳng muốn về quê chồng ăn Tết, nhưng không dám thẳng thắn như chị Hà, chị Như (Từ Liêm, Hà Nội) lấy lý do con còn nhỏ, lại hay bệnh để tránh phải về Hà Tĩnh quê chồng.

"Hai Tết rồi, ngày nào cũng điệp khúc nấu - ăn - dọn, mình sợ tới nỗi sáng sớm là thấy chóng mặt, đau đầu. Không những thế ngày nào cũng tiếp bao nhiêu khách - những người mình chẳng quen biết gì - và phải cười thật tươi, đon đả chào hỏi, nếu không sẽ bị nói là khinh khỉnh, vô lễ...", chị Như kể. Chưa kể, trong những ngày về quê, chồng chị như quên mất vợ con, suốt ngày bù khú nhậu nhẹt hay nằm xem hài, đánh bài với bạn...

Cũng như mọi năm, từ đầu tháng Chạp, bố mẹ chồng đã gọi điện hỏi ngày nào cho con về. Chồng chị rất hào hứng nói sẽ cho con về ngay hôm hai vợ chồng nghỉ làm, trong khi vợ rầu rĩ nghĩ cách làm sao để ở lại.

"Chồng tôi phản đối ra mặt việc không về quê vì lý do con đau ốm. Anh ấy bảo chỉ cần cho con lên xe, vèo cái đến nơi, rồi ở đây khác gì ở quê, chỉ cần mang thuốc về là được, khiến tôi thêm điên. Rõ ràng anh ta chẳng nghĩ chút nào cho vợ con. Đã vậy, tôi càng không về", chị Như búc xúc kể.

Chán cảnh Tết năm nào cũng ở từ đầu đến cuối tại quê chồng với vòng tròn ăn uống, phục vụ, xã giao, từ năm ngoái chị Lưu (khu đô thị Mễ Trì, Hà Nội) lấy lý do phải trực Tết để trốn.

"Thường thì chiều 30 Tết mình mới về, sáng mùng 2 đi sớm luôn. Ở hết 5-7 ngày nghỉ tại đó chắc mình điên mất. Tết gì mà buồn thiu, đêm giao thừa thì cả nhà tắt đèn đi ngủ sớm, chẳng có chút không khí háo hức gì. Từ mùng 1 tới hết mùng 4 thì chỉ ăn uống, khách khứa...", chị Lưu nói.

Chị cho biết, mấy năm trước vì không muốn để con nhỏ ở quê một mình mà không có mẹ hoặc sợ bé chứng kiến cảnh bố mẹ bất hòa quanh chuyện "đi - ở", chị cố thuận theo ý chồng, hưởng cả cái Tết ở quê anh. Nhưng bây giờ, chị chỉ ở lại ngày mùng 1, rồi mùng 2 "đi trực", kệ cho chồng thích ở lại hay theo vợ về.

"Năm ngoái khi mình đi thì ông xã cũng hậm hực theo luôn, phần vì ngại trông con, phần vì không muốn nghe bố mẹ phàn nàn về con dâu", chị Lưu kể.

Từng nhiều lần phải đau đầu nghĩ "kế" để không phải về quê chồng ăn Tết, chị Lan (Pháp Vân, Hà Nội) cho biết, mấy năm nay chị không còn thấy sợ những ngày đầu năm nữa. Lý do là, vợ chồng chị đã thỏa thuận với nhau rằng mỗi năm sẽ ăn Tết ở một nhà, năm nay bên nội thì sang năm về ngoại. "Chắc anh xã cũng ngán cảnh vợ chồng cãi vã cuối năm hoặc về quê có người xì xào vì chỉ có chồng không thấy vợ đâu", chị nói.

Theo chị Lan, chẳng qua vì phải về theo kiểu bắt buộc và cảm thấy ấm ức khi không có ai hiểu, cảm thông cho mình; lại thêm phần thương bố mẹ đẻ vò võ đợi con, nên nhiều phụ nữ mới phải tìm cách trốn về quê chồng. "Thực ra ít người vì sợ vất vả hay thiếu tiện nghi mà không về quê chồng", chị Lan nhận xét.


Gần đến ngày Tết bà Mạc càng thấy có nhiều tâm trạng khi biết tin vợ chồng con trai bà sẽ về quê ăn TếtNàng dâu tìm kế trốn Tết quê chồng 2

Chia sẻ