"‘Không gì ngu bằng nuôi con rơi của chồng"
Minh bảo, chị nhận nuôi giọt máu rơi của chồng vì lòng bao dung với anh, cũng vì thương đứa bé. Nhưng sau 6 năm, chị nhận thấy đó là một sai lầm.
Con rơi và những lời xúi bẩy
Khi người nhà cô gái đó đưa đứa bé còn đỏ hỏn đến nhà Hùng “trao trả”, anh đã 40 tuổi, có hai đứa con học cấp hai, và người vợ hiền 34 tuổi, chị Minh. Mẹ đứa bé là người tình ngắn ngày của anh trong một đợt công tác. Khi cô ta mang thai, Hùng nói thẳng anh không có tình cảm thực sự với cô, không thể bỏ gia đình, vì thế nếu cô dứt khoát để đẻ, anh chỉ có thể trợ cấp nuôi con, một lần hoặc hằng năm, tùy cô chọn, chứ không thể cho hai mẹ con danh phận nào cả. Cô gái đồng ý với món trợ cấp một lần.
Điều không ngờ đến là ca sinh nở gặp tai biến, người mẹ bất hạnh ra đi sau khi vượt cạn. Mấy người anh trai của cô quyết định mang đứa bé trả cho “tác giả”.
Trước vợ, Hùng cúi đầu xin tha thứ, bảo sẽ tìm người nuôi đứa trẻ, chỉ cần chị chấp nhận để anh trợ cấp nuôi con, và đừng ly hôn. Tuy nhiên, ông bà nội lại thuyết phục con dâu nuôi đứa trẻ, không để nó thiệt thòi so với hai người anh cùng cha của mình. Nể bố mẹ chồng, thương xót đứa trẻ mồ côi, Minh đồng ý.
Con đẻ đã lớn nên từ đó, sự chăm sóc của chị Minh chủ yếu dành cho Ngọc, cô con gái út, giọt máu rơi của chồng. Cố dẹp nỗi đau bị phản bội, tự nhủ trẻ nhỏ không có lỗi, chị dành cho Ngọc những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, có hai người luôn nhắc cho chị, cho bé Ngọc và mọi người cái sự thực Minh không phải mẹ đẻ của Ngọc, đó là bố mẹ chồng chị. Những việc tốt chị làm cho bé bị họ gọi là giả nhân giả nghĩa, và mỗi sơ suất của chị đều bị họ quy là “độc ác, khác máu tanh lòng, lợi dụng con trẻ để trả thù rửa hận”.
“Tôi là nạn nhân của thói trăng hoa của chồng. Tôi đã rộng lòng tha thứ, đã nuôi nấng con anh, lẽ ra người ta phải cảm động, phải yêu thương tôi hơn. Nhưng họ lại cố tình tô vẽ tôi thành một mụ dì ghẻ độc ác”, Minh chia sẻ. “Trẻ con ai chả có lúc ốm đau, ngày xưa hai đứa kia cũng qua bao đận sài đẹn mới lớn lên được. Nhưng bé Ngọc thì chỉ cần ho hắng một chút là mẹ chồng đã lên án tôi không đẻ không xót, bất chấp thực tế là tôi hết sức chăm sóc con. Mỗi lần bé làm gì sai, tôi uốn nắn thì ông bà lại chửi tôi là ngược đãi con chồng”.
Lên 4 tuổi, bé Ngọc đã biết Minh không phải mẹ đẻ của mình, biết cậy bà để khỏi nghe lời mẹ. Lên 6 tuổi, bé biết hùa theo ông bà nắt nạt mẹ Minh, săm soi mách tội mẹ để bà mắng, thậm chí bé còn biết vẽ chuyện, nói dối. Minh muốn dùng tình yêu để cảm hóa con bé, nhưng không ai để cho chị làm điều đó, vì mọi thiện ý của chị đều bị xuyên tạc, và con bé nghi ngờ, xem thường chị. Đau khổ hớn, dưới sự “tuyên truyền” của bố mẹ, chính anh Hùng cũng nghĩ vợ mình hẹp hòi, ích kỷ, giả dối, đối xử không tốt với con riêng của anh.
Sau 6 năm kể từ lúc bé Ngọc được đưa đến, chị Minh hoàn toàn hối hận về sự cao thượng của mình: “Đúng là không gì ngu bằng nhận nuôi con rơi của chồng. Tôi đã ngu và đã trả giá, nhưng thế là quá đủ”. Trước sự ngỡ ngàng của chồng, chị đưa đơn ly hôn với ý nghĩ, một người chồng không hiểu tấm lòng tốt đẹp của vợ, không trân trọng tình cảm và sự hy sinh của vợ thì không xứng đáng với sự hy sinh đó nữa.
Minh cho biết, chị ra đi cũng vì bé Ngọc. Nếu chị còn ở lại, bé Ngọc còn bị tiêm nhiễm tư tưởng coi chị là thù địch, là dì ghẻ độc ác, bé sẽ sinh lòng thù hận và điều đó sẽ đầu độc tuổi thơ cũng như tuổi dậy của bé.
Muốn cao thượng cũng cần phải… cao thủ
Cũng nhận nuôi đứa con rơi của chồng, cũng có mẹ chồng ghê gớm, săm soi nhưng chị Lê, 43 tuổi, đã thành công trong việc bảo vệ mái ấm, và có thêm một đứa con ngoan. Lê cho biết kể từ lần trăng hoa để lại hậu quả đó, chồng chị không dám tái phạm lần nào nữa và rất yêu thương, biết ơn vợ.
“Hồi đó tôi 32 tuổi, bé Hương lên 8. Khi người đàn bà kia mang con đến trả để cô ta đi nước ngoài, tôi sốc đến mức dứt khoát đòi ly hôn. Được mọi người khuyên giải, tôi tự xét lại bản thân và biết mình vẫn yêu, vẫn cần anh ấy, và nếu muốn tiếp tục có anh ấy thì phải tha thứ”, Lê chia sẻ. Khi đã quyết định, chị suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống của mình sắp tới trước khi họp gia đình.
Lê kể: “Trước đó, tôi đã yêu cầu xét nghiệm AND, nếu đúng là con anh ấy thì mới bàn tiếp. Khi đã có kết quả, tôi gọi đủ mặt hai bên gia đình, tuyên bố rằng tôi cho chồng hai lựa chọn, một là ly hôn, hai là chấp nhận sự sắp xếp của tôi, không có phương án thứ ba”.
Lê tuyên bố không chấp nhận phương án gửi đứa bé cho chị chồng nuôi. Nếu như nhà ngoại không nuôi cháu (điều này đã chắc chắn) thì đứa bé sẽ phải sống với bố nó, để nó không phải tự hỏi tại sao cũng là con mà chị nó được ở với bố, còn nó ở với bác, phải chịu thiệt thòi về tình cảm. Thứ hai, đứa bé sẽ là con Lê, chị có toàn quyền nuôi dạy nó như mẹ đẻ và, chị nhấn mạnh, không ai được can thiệp vào chuyện chị nuôi dạy con bé, kể cả ông bà nội. Không ai được nói với con bé chuyện chị không sinh ra nó, không hỏi nó rằng mẹ có tốt với con không, hoặc bình phẩm về chuyện ấy.
“Tôi nói, nếu mọi người săm soi chuyện tôi nuôi đứa bé thế nào, thì chính họ đã làm điều ác cho đứa trẻ, khiến nó suy nghĩ và tủi phận. Một khi tôi nhận nó làm con, tôi sẽ bảo vệ nó, bảo vệ gia đình, vì vậy nếu ai cố tình phá thì đừng trách tôi không khách khí. Tôi đối với nó có tốt hay không, mọi người hãy tự mình quan sát, có gì cứ góp ý thẳng với tôi chứ đừng thăm dò ở đâu, hay bàn tán với ai. Chồng tôi đồng ý, bố mẹ chồng hơi bất mãn nhưng cũng đành tán thành. Tôi còn lập bản cam kết yêu cầu mọi người ký vào nữa”, Lê hào hứng kể.
Lê thú nhận, việc chị kiên quyết không để chị chồng nuôi em bé ngoài lý do không muốn bé thiệt thòi còn vì chị muốn mình chủ động kiểm soát mọi chuyện. Nhỡ đâu chị chồng nói vào tai con bé về sự thiệt thòi của nó, kích động lòng đố kỵ, thù hận của nó với bố mẹ và chị ruột thì gia đình chị khó mà hạnh phúc. Cũng vì thế mà dù bố mẹ chồng đã cam kết không can thiệp, sau đó chị vẫn lấy cớ nhà thêm người để mua căn hộ ra ở riêng.
Đến nay, cô bé ấy đã 11 tuổi, vui như chim sẻ, yêu thương chị như chị yêu thương nó. Chị tâm sự: “Lúc xác định nuôi con bé, tôi nghĩ, nó phải trở thành con tôi thực sự, nếu tôi và mọi người vẫn coi nó là con riêng anh ấy thì chẳng những tình cảm dành cho nhau không trọn vẹn, mà nỗi đau bị phản bội của tôi còn bị nhắc đến hằng ngày bởi sự có mặt của con bé. Vì thế, tôi phải đưa con bé tránh xa những sự xúi bẩy ác ý của người khác. Chờ con bé lớn thêm chút nữa, tôi sẽ nói cho con biết sự thật, trước khi người khác kịp xì xào vào tai nó”.
Mọi người đều bảo, trước đây Lê là cô con dâu khá nhẫn nhục và cam chịu trước mẹ chồng, vậy mà khi sự việc trên xảy ra thì chị bỗng trở nên ghê gớm và kiên quyết đến mức ông bà phát sợ, không dám trái ý. Nhắc đến chuyện này, chị cười: “Đúng thế thật. Nhưng một khi hạnh phúc của mình bị đe dọa, nếu cứ nhẫn nhịn, nếu không ghê gớm, không chủ động giành quyền giải quyết vấn đề thì chỉ có sa vào bất hạnh mà thôi”.
Nhìn đứa con riêng của chồng đang nằm ngủ ngon lành trên giường, chị không khỏi ngậm ngùi, xót xa