Có chồng, "méo mó" cũng hơn không
Phủi tay sau hai lần đò, chị thở dài: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Trước kia, nghĩ chỉ có chồng trăng hoa mới bó tay. Bây giờ mới thấy “ghẻ” hay “nhọt” không cái nào là dễ chịu cả”.
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
Bảy năm chung sống với chồng, chị Kim Thúy (chủ cơ sở hạt nhựa, Q.Tân Phú) đã phải năm lần nhập viện vì bị chồng đánh. Ngay Tết Nguyên đán, chồng chị đánh lần thứ sáu, mà cũng có thể là lần cuối nếu chị không né kịp. Lần đó, chồng chị cầm cây sắt nhọn, chĩa vào bụng chị để hỏi tội “đi với thằng nào tối qua?”.
Trước đây, chị Thúy không bao giờ dám trình báo chính quyền việc bị chồng đánh vì sĩ diện. Sợ mất mối làm ăn, bị đánh bầm dập, chị vẫn nói là do bị té, hoặc ăn mặc trùm kín, đội nón lụp xụp để tránh ánh mắt soi mói. Chính vì thế, khi ra tòa, chị không có chứng cứ gì để chứng minh bị chồng bạo hành, nên tòa sơ thẩm đã bác đơn ly hôn của chị. Nếu không nhờ camera quay được cảnh chồng đánh (chị lắp đặt để theo dõi trong xưởng), chắc còn lâu chị Thúy mới thoát được ông chồng vũ phu.
Trước đây, chị kết hôn cũng vì ngại tiếng “gái vô duyên mới không lấy được chồng”. Khi tiếp xúc hẹn hò làm ăn, vì là người độc thân nên chị Thúy thường bị phu nhân của đối tác dòm ngó, đặt vấn đề. Một lần chị còn bị đánh ghen tại quán cà phê, may nhờ có người can giúp. Từ đó, chị Thúy nhận anh này vào làm ở cơ sở, ngày ngày đi nhận nguyên liệu, giao hàng.
Anh là người vô gia cư nên được chị Thúy cho ở nhờ, dần dà lửa bén rơm. Biết anh chàng tính khí nóng nảy, từng ngồi tù vì đâm bạn nhậu, nhưng chị cho là anh chỉ vì ảnh hưởng môi trường sống, nếu được cận kề người tử tế như mình, anh sẽ đổi tính. Nào ngờ… Nghe tòa phúc thẩm tuyên “được ly hôn”, chị Thúy òa khóc như được sinh ra lần thứ hai. “Lúc xưa thân cô thế cô, tôi tưởng anh ta cứng rắn như thế thì cưới về tôi sẽ được bảo vệ. Khi thấy chồng không biết kinh doanh, tính lười, tôi lại nghĩ miễn trong nhà có bóng đàn ông là tốt rồi, mình tôi tính toán, làm lụng cũng đủ sống. Tưởng có chồng sẽ sướng hơn, không ngờ anh ta sống vô trách nhiệm, lại vũ phu”.
Dù theo luật, trong việc phân chia tài sản và chia nợ khi ly hôn, người vợ không phải chịu chung những khoản nợ do chồng tạo ra vì dính vào tệ nạn, nhưng chị Huỳnh Phương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn áp dụng nguyên tắc “trăm phần dễ” để sớm được giải thoát cho yên thân. Thất bại trong cuộc hôn nhân thứ nhất do chồng ngoại tình, chị Phương đã mất nửa năm trời chìm đắm trong nỗi buồn. Tình cờ gặp được một anh chàng đồng hương An Giang trong một buổi giao lưu hát với nhau, chị bắt đầu “tương tư chàng ca sĩ”. Chưa bao giờ trong đời chị có được cảm giác ấm áp, đồng điệu như khi song ca với anh. Có ba niềm tin khi chị chọn anh làm chồng: sự tri kỷ tri âm (dù thời gian quen biết ngắn); người thích “hát ca bềnh bồng” sẽ đối xử nhẹ nhàng, lịch sự với vợ; anh có vẻ chân thành, chắc sẽ không phản bội chị như người chồng trước.
Sự chân thành của anh được minh chứng bằng việc anh xin cưới và đăng ký kết hôn hẳn hoi. Tuy nhiên, sau hai năm chung sống, chị mới hiểu ra là anh chàng kết hôn không phải vì yêu chị mà vì muốn ràng buộc chị vào trách nhiệm trả nợ với mình. Cưới nhau rồi, trong khi chị lo làm ăn thì anh chồng vẫn loanh quanh hát hò, cờ bạc. Chị hết khuyên răn rồi dọa cắt đứt nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy. Chịu hết xiết, chị chỉ còn cách ly hôn để thoát nợ. Phủi tay sau hai lần đò, chị thở dài: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Trước kia, mình nghĩ chỉ có người chồng trăng hoa mới phải bó tay, còn lại thì thói tật nào mình vẫn có thể sửa đổi hoặc chấp nhận được. Bây giờ mới thấy “ghẻ” hay “nhọt” không cái nào là dễ chịu cả”.
Dừng bên sườn dốc
Trong một chương trình giao lưu kết bạn, chị Quỳnh Như đã gây ấn tượng với lời tự bạch dí dỏm: “Em là giáo viên, 33 tuổi. Em muốn tìm một tấm chồng vì mẹ em cứ đốc thúc. Mẹ nói 33 tuổi là ế lắm rồi!”. Sau chương trình, chị Như nhận được 11 lời mời làm quen. Dù bức bách bởi “cái tuổi nó đuổi xuân đi” nhưng chị vẫn tỉnh táo tìm hiểu. Chị nói vui: “Dù tôi khá “già”, lại không xinh nhưng tôi không thể vơ đại một ông chồng. Nói rằng có cho vui, nhưng thực tế sẽ nẩy sinh lắm sự phiền. Tôi sẽ không “bước vội” để rước khổ vào thân”.
Chị Như tuyển chồng cứ như tổ chức cuộc thi Idol. Hiện chị vẫn giữ liên lạc với mười anh “bị loại” bằng tình bạn trong sáng, tôn trọng. Còn một anh, chị định từng bước tìm hiểu sâu hơn. Chẳng biết có phải do “chưa yêu nên còn tỉnh” hay không mà chị lại thận trọng như thế. Nhưng, suy cho cùng, đó là sự thận trọng cần thiết.
Theo chị Kim Thúy, người vừa thoát khỏi ông chồng vũ phu, tâm lý “có chồng cho có” nguy hiểm khôn lường. Chị cho là mình quá dại khi cố gắng chịu đựng bất hạnh quá lâu, bỏ mất bao nhiêu cơ hội hạnh phúc. Với chị, lấy ông chồng vô công rỗi nghề ấy chỉ đáp ứng được mỗi chuyện là tránh tiếng đời dị nghị. Hy vọng được “anh hùng” chở che cũng thành mây khói khi chồng cứ nằm duỗi mà ăn, ăn no lại kiếm cớ ghen tuông, gây sự. Trong khi đó, “cái mất” lại quá nhiều. Sống với ông chồng vũ phu, chị héo mòn, trầm cảm, chán sống, mất dần các mối quan hệ, lại còn bị hành hạ thể xác…
Cũng một lần đổ vỡ vì vớ đại một ông chồng cho có, kinh nghiệm lớn nhất mà chị Hồng Thu (giáo viên, Bình Dương) tích lũy cho mình là: “Chồng không phải như cái tivi, chiếc xe máy hay món trang trí dùng để chưng trong nhà, khi không thích nữa thì vứt. Chồng là chồng! Có chồng để sẻ chia buồn vui cuộc sống, để nương tựa lúc mỏi mệt, để thăng hoa hơn, hạnh phúc hơn, chứ không phải chỉ để… có chồng”.
Khi quay đầu lại vì trót sai đường, người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực: dư luận xã hội, kinh tế, con cái… Tuy nhiên, lời khuyến cáo trong những tình huống này là: “Hãy lắng nghe cơ thể mình lên tiếng”. Cụ thể là từ khi sống với anh ấy, mình có được ngủ ngon không, có ăn ngon, tim có luôn bình yên, thư thái không? Nếu cứ phải liên tiếp trả lời “không” với dạng câu hỏi này thì đã đến lúc bạn cần một lối thoát.
Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng có đưa ra một thước đo cho tất cả mọi người để chiến thắng sự yếu mềm, do dự của bản thân: “Nếu bạn yêu ai, đi bên cạnh ai mà bạn ngày một “lớn lên” thì đó mới là một tình yêu đúng, nên duy trì, và ngược lại”.