Chuyên gia: 'Điểm chuẩn đại học cao không nói lên được chất lượng thí sinh'

Khôi Nguyên/VOV2,
Chia sẻ

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc điểm chuẩn đại học cao không nói lên được chất lượng thí sinh.

Phân tích bức tranh điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm học 2022-2023 vừa được các cơ sở đào tạo công bố, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo (ĐHQG Hà Nội) cho biết, ông không bất ngờ khi điểm chuẩn của một số ngành/chương trình vẫn rất cao trong khi điểm chuẩn của một số ngành kỹ thuật lại “hạ nhiệt”.

Nhìn lại phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nếu như năm 2021 số điểm 7 trở lên của môn Ngữ văn chiếm 41,7% thì năm 2022 là 42%; Điểm môn Lịch sử năm 2021 có 5,44% bài thi đạt 8 điểm trở lên thì năm 2022 tăng đột biến lên 18,1%; Môn Địa lý số bài thi đạt điểm 8 cũng tăng vọt… Điều này khiến cho điển chuẩn các ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh bằng tổ hợp C00 đều rất cao, thậm chí một số ngành của Trường đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tăng tối thiểu 2 điểm.

Chuyên gia: 'Điểm chuẩn đại học cao không nói lên được chất lượng thí sinh' - Ảnh 1.

Các ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh bằng tổ hợp C00 của Trường ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) có mức điểm chuẩn rất cao.

Trong khi đó, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, một số ngành/chương trình đào tạo khối kỹ thuật của ĐHQG Hà Nội điểm chuẩn có “hạ nhiệt” hơn so với năm 2021. Điều này một phần do kết quả thi tốt nghiệp THPT của môn Toán thấp hơn năm 2022. Cụ thể nếu như năm 2021, 25,8% bài thi môn Toán đạt điểm 8 trở lên thì năm 2022 chỉ có 21,8%; Tỉ lệ điểm giỏi môn tiếng Anh năm 2022 cũng giảm đột biến so với năm 2021. Điều này khiến cho phổ điểm tổ hợp xét tuyển Toán-Lý-Anh giảm và kéo theo đó điểm chuẩn xét tuyển tổ hợp này thấp hơn năm 2021.

“Đặc biệt đối với ĐHQG Hà Nội để xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo, thí sinh phải có điểm thi môn tiếng Anh từ 6 điểm trở lên. Thực tế thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể điểm thi môn Toán cao nhưng điểm tiếng Anh lại không đạt yêu cầu. Điều này cũng khiến cho điểm chuẩn bị kéo tụt xuống ở một số ngành”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Chuyên gia: 'Điểm chuẩn đại học cao không nói lên được chất lượng thí sinh' - Ảnh 2.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo (ĐHQG Hà Nội).

Việc một số ngành/chương trình đào tạo khối khoa học kỹ thuật của ĐHQG Hà Nội “hạ nhiệt” trong khi điểm chuẩn tổ hợp C00 tăng lên không chỉ là bức tranh tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội mà cũng là bức tranh chung công tác tuyển sinh của tất cả các ngành/chương trình đào tạo trong cả nước. Việc điểm chuẩn cao cũng không nói lên được chất lượng thí sinh tăng lên vì hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có sự điều chỉnh về đề thi. Mục tiêu xét tốt nghiệp THPT đạt được kết quả rất tốt nhưng để làm căn cứ tuyển sinh vào đại học thì còn nhiều vấn đề đặt ra.

Liên quan đến sự mất cân đối về điểm chuẩn xét tuyển đại học khối ngành Khoa học - Kỹ thuật so với các khối ngành khác, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức thừa nhận, điểm chuẩn của một số ngành khoa học cơ bản của ĐHQG Hà Nội năm 2022 dù có khởi sắc hơn so với những năm trước nhưng nhìn tổng thể vẫn chưa cao. Điểm chuẩn trúng tuyển một số ngành của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Việt – Nhật vẫn xoay quanh ở mức 20 điểm.

“Một số lĩnh vực khoa học cơ bản của trường Khoa học tự nhiên vẫn ở mức 20 điểm, một số ngành xã hội nhân văn ở mức 22 điểm, một số ngành mới của Trường đại học Việt - Nhật mặc dù uy tín đào tạo rất tốt nhưng điểm chuẩn chỉ ở mức 20. Những ngành khoa học cơ bản là ngành rất khó học đòi hỏi phải tuyển được những thí sinh xuất sắc. Rõ ràng đây là một vấn đề không chỉ là các trường đại học mà Nhà nước cần phải có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới”, GS.TS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác xét tuyển chung năm 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện xét tuyển chung tất cả các phương thức xét tuyển trên cùng một hệ thống. Điều này tạo sự công khai, minh bạch và cơ hội bình đẳng cho thí sinh.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng hệ thống, quy trình cũng bộc lộ những trục trặc trong quá trình đăng ký, nộp lệ phí và xét tuyển. Điều này đòi hỏi Bộ GD-ĐT có những đánh giá cụ thể, khách quan, thẳng thắn tất cả những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế để làm tốt hơn trong những năm tới.

“Thường công tác tuyển sinh sẽ kết thúc vào tháng 8 để tháng 9 các trường tổ chức khai giảng. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây công tác xét tuyển kéo dài đến tận tháng 10 điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức khai giảng và kỳ nghỉ hè của sinh viên. Tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, cải tiến thỏa đáng hơn để có thể hỗ trợ các trường tốt nhất trong công tác tuyển sinh để có thể tự chủ cao nhất”, ông Đức kiến nghị.

Liên quan tới cơ hội xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, hiện các ngành Kỹ thuật xây dựng, nông nghiệp thông minh và bền vững (Trường đại học Việt-Nhật); Các ngành học mới như Kỹ thuật hệ thống công nghiệp- Logistic, Công nghệ thông tin ứng dụng (Trường Quốc tế) và một số ngành học của Trường Quản trị Kinh doanh hiện vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển sinh.

Do vậy, ông Đức nhấn mạnh, cơ hội trúng tuyển vào các đợt xét tuyển sau của ĐHQG Hà Nội vẫn còn rộng mở với thí sinh.

Chia sẻ