Chuyên gia chỉ ra 7 điều cần biết để tuyệt đối tránh lây nhiễm virus trong “thời gian vàng” chống dịch Covid-19
Trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, đây càng là những việc bạn cần thực hiện sát sao để ngăn chặn tuyệt đối nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
TS.BS Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) từng chia sẻ, cũng giống như các loại virus gây viêm đường hô hấp khác SARS-COV-19 có cơ chế nhiễm và gây bệnh như sau:
Sau khi đi vào vùng hầu họng, virus sẽ xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và nhân lên, từ một con sẽ sản sinh ra hàng trăm con. Phát triển đủ lớn cả về số lượng và cấu trúc chúng sẽ phá vỡ tế bào để tràn lan ra ngoài và mỗi con lại tìm cách chui vào một tế bào mới. Cứ như thế chu trình phát triển được lặp lại nhiều lần và ngày càng đi sâu hơn vào cơ thể. Giai đoạn này là giai đoạn ủ bệnh.
Đến một lúc nào đó (tuỳ thuộc vào sức khỏe mỗi người) số lượng virus đủ lớn phá vỡ cơ chế tự bảo vệ của con người thì bệnh sẽ phát ra. Đây là giai đoạn phát bệnh.
Như vậy trong giai đoạn ủ bệnh, người mang virus không có triệu chứng nên người khác không thể biết. Do đó họ có khả năng âm thầm lây truyền virus sang người khác.
Vậy, làm sao để tránh lây nhiễm Covid-19?
Theo Bác sĩ Trần Huỳnh (tên tiếng Anh là Huynh Wynn Tran, Giảng viên đại học y khoa California Northstate University, Trung tâm y khoa – Wynn Medical Center) có 7 điều mọi người cần nắm rõ để loại trừ virus chưa có thuốc chữa trong thời gian cách ly toàn xã hội dưới đây:
1. Virus SARS-CoV-2 (gây ra bệnh Covid-19) không phải là vật thể sống, nó chỉ là một chuỗi phân tử đơn RNA, được bao phủ bởi một lớp vỏ mỡ (lipid) bên ngoài (xem hình).
Để tồn tại và lan truyền, virus cần phải vào được tế bào chủ (host), thường ở phổi và đường hô hấp. Trên vỏ lipid của virus có các gai (S protein) để giúp virus bám vào tế bào chủ, làm tan vỡ lớp màng lipid sẽ khiến virus không hoạt động.
2. Virus dễ vỡ và bị phân rã do môi trường và nhiệt độ. Rửa tay với xà phòng trên 20 giây, cọ xát các ngón tay thật mạnh là cách hữu hiệu để huỷ virus do xà phòng làm tan vỏ lipid của virus. Virus thường không tồn tại ở nhiệt độ cao nên bạn có thể dùng nước ấm để rửa tay (nhớ cọ xát mạnh) và giặt đồ.
3. Virus cũng dễ tan vỡ với các chất tẩy rửa có sẵn trong nhà.
Rượu có độ cồn trên 65% sẽ làm tan lớp vỏ mỡ của virus. Lưu ý là các loại rượu uống ở nhà không đủ mạnh. Chất tẩy rửa Bleach hiệu quả trong việc huỷ virus, có thể pha 4 muỗng trà (teaspoon) chất tẩy với 1 ly nước nhỏ (1 quart = 946ml) là đủ diệt virus. Các chất khác 0.5% hydrogen peroxide hay 0.1% sodium hypochlorite cũng đem lại hiệu quả.
4. Virus có thể ở ngoài không khí đến 3 giờ, ở bề mặt giấy đến 1 ngày và bề mặt kim loại đến 3 ngày. Vì vậy, chùi rửa vật dụng trong nhà thường xuyên bằng các chất trên sẽ giúp tiêu diệt virus.
5. Ở nhiệt độ thấp và ẩm ít, cấu trúc virus ổn định có thể khiến chúng tồn tại lâu hơn, đặc biệt trong môi trường kín như toà nhà hay dùng máy lạnh. Môi trường nóng, ánh sáng và thoáng khí sẽ giúp virus khó phát tán hơn. Trời vẫn đang vào xuân, bạn nên mở cửa thoáng mát có nắng ấm để ngăn chặn virus.
6. Virus sẽ không xuyên qua làn da lành lặn. Giữ vệ sinh da, dùng lotion để không bị khô da gây ra các vết nứt. Cắt ngắn móng tay và chân hạn chế các ổ vi khuẩn và virus trên người.
7. Không nên tự dùng UV light để diệt virus trên người. Các bệnh viện và phòng khám có thể dùng UV light để khử trùng nhưng bạn không nên tự dùng tia UV do rủi ro về ung thư da.
Để thực hiện cách ly toàn xã hội ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, chính phủ đưa ra chỉ thị 16 cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày từ 0h ngày 1/4. Toàn bộ các tỉnh thành của đất nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định...
Chính phủ cùng Bộ Y tế khuyến cáo:
Người dân NÊN:
- Yêu cầu người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết. Những trường hợp cần thiết đó được cụ thể hóa như: Mua lương lực, thực phẩm; thuốc men; đến bệnh viện cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
- Chủ động làm việc tại nhà.
- Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
- Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
- Tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch...
- Tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
- Luôn chú ý làm tốt nhiệm vụ cách ly bản thân không chỉ với người ngoài cộng đồng mà ngay cả các thành viên trong gia đình, người sống cùng.
- Chú ý lau chùi bề mặt tiếp xúc chung và rửa tay thường xuyên. Nếu cần thiết hãy bàn bạc về việc phân chia khu vực sinh hoạt với những người sống chung nhưng không chịu tự cách ly xã hội.
- Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Người dân KHÔNG NÊN:
- Không tụ tập và gặp gỡ nơi đông người như quán ăn, quán cà phê, các địa điểm vui chơi, giải trí... Nếu không thể nấu nướng tại nhà thì tốt hơn hết là đặt giao tận nơi, phòng tránh rủi ro lây nhiễm.
- Không hội họp, gặp gỡ bạn bè. Thay vào đó có thể gọi điện, sáng tạo một vài hoạt động có thể thực hiện cùng nhau qua cuộc gọi video, trò chuyện qua điện thoại...
- Không đi ra ngoài, đi đến bất cứ đâu khi đang có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với người nhiễm/ nghi nhiễm Covid-19.
- Không đi ra ngoài với nhóm người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền, người sống ở khu đông dân cư. Nếu bắt buộc phải ra ngoài thì hạn chế tối đa nhất có thể.