Chuyên gia chỉ cách tự kiểm tra bản thân có sốt hay không không cần nhiệt kế
Nếu không có điều kiện, bạn có thể tự kiểm tra thân nhiệt cơ thể bằng những biện pháp đơn giản này.
Khi đột ngột cảm thấy nóng hoặc ớn lạnh, đau nhức cơ thể và mệt mỏi, rất nhiều người nghĩ ngay tới sốt. Nếu bạn không có nhiệt kế, nhận biết bản thân có bị sốt hay không là điều không mấy dễ dàng. Theo Viện Mayo, sốt là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang phải làm việc tích cực để chống lại sự tấn công của virus hoặc vi khuẩn.
Vậy liệu có cách nào kiểm tra nhiệt độ của cơ thể không cần tới nhiệt kế hay không? Dưới đây là câu trả lời của các chuyên gia:
Tác dụng của nhiệt kế
Theo David Erstein, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ về bệnh dị ứng và miễn dịch học tại New York, phương pháp duy nhất để nhận biết chính xác bạn đang sốt hay không là đo nhiệt kế. Hầu hết mọi người đều biết nhiệt độ cơ thể trên 37,5 độ C là dấu hiệu bất thường.
Về cơ bản, nếu không có nhiệt kế, tự kiểm tra nhiệt độ cơ thể sẽ không đem lại sự chính xác cao. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Nhiệt đới đã chỉ ra, 58% những người tham gia thí nghiệm tự nhận bản thân bị sốt nhưng lại không thực sự sốt.
Mọi loại nhiệt kế, cũ hay mới, làm bằng thủy tinh hay điện tử đều có thể đo được thân nhiệt nếu không bị hỏng. Robert Eitches, chuyên gia y khoa, nhà miễn dịch học kiêm thành viên của Hội đồng Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ cho biết, khi bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhiệt kế bị nứt hoặc vỡ, hãy bọc kỹ càng, cho vào túi và đem vứt. Thủy ngân, một chất lỏng màu trắng bạc trong một số nhiệt kế, có thể rò rỉ ra ngoài và gây hại cho sức khỏe con người.
Tất nhiên, bạn nên làm sạch nhiệt kế trước khi đo. Cách vệ sinh dụng cụ này hiệu quả nhất là lấy một ít xà phòng bôi lên trên trong 20 giây và rửa sạch. Nếu nhiệt kế không thể rửa được bằng nước hoặc bạn không có xà phòng, hãy lau bằng bông tẩm cồn. Trên thực tế, vệ sinh bằng xà phòng và nước đem lại hiệu quả hơn do việc làm này có thể tiêu diệt vi khuẩn và virus tối đa nhất.
Cách kiểm tra thân nhiệt không cần nhiệt kế
Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu như đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh và không mang theo nhiệt kế bên người, hãy thử áp dụng những biện pháp dưới đây để xác định nhiệt độ:
- Lắng nghe cơ thể: Sốt gây nên một loại các triệu chứng mọi người có thể dễ dàng nhận thấy. Từ mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ thể đến cảm thấy nóng bất thường đều là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang bị đe dọa. Bác sĩ Erstein lưu ý, nếu gặp phải bất kỳ hiện tượng nào ở trên, bạn có khả năng đang sốt.
- Soi gương: Đỏ mặt và ra nhiều mồ hôi là một trong những dấu hiệu điển hình của sốt. Tuy nhiên, biểu hiện này đôi khi cũng chỉ là do bạn đã vận động nhiều, nhất là dưới thời tiết nắng nóng.
- Vận động: Làm việc khi đang ốm là điều vô cùng tồi tệ và rất dễ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bạn có thể lợi dụng điều này để xác định xem bản thân có đang bị sốt hay không. Hãy đi bộ nhanh, chạy bộ, lên xuống cầu thang tại nhà hoặc cố gắng nâng một đồ vật nặng nào đó. Nếu bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đau nhức cơ thể chỉ sau vài phút vận động, đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phải tập trung năng lượng để chống lại tác nhân gây bệnh.
- Sờ trán: Đừng tự sờ trán vì nếu bạn đang sốt, toàn bộ cơ thể sẽ nóng lên và cho ra kết quả không chính xác. Cách tốt nhất là nhờ người thân hoặc bạn bè giúp. Bác sĩ Erstein cho biết, nếu người khác cảm thấy trán nóng, bạn rất có thể đang bị sốt.
Dù những phương pháp này có khả năng xác định bạn đang sốt hay không, tốt hơn hết hãy sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể khi có điều kiện.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Sốt cao trên 38,9°C là dấu hiệu nguy hiểm và những người gặp phải tình trạng này cần được đưa tới cơ sở y tế để điều trị. Erin Sundermann, nhà khoa học kiêm phó giáo sư, công tác tại Đại học Y California San Diego khuyến cáo, trong trường hợp sốt liên quan đến các triệu chứng khác như khó thở, phát ban hoặc mê sảng, bạn hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt.
(Nguồn: Women'shealth)