Bí quyết giúp bạn ngủ ngon hơn khi mắc bệnh cúm và cảm lạnh
Cảm lạnh hay cúm không chỉ gây mệt mỏi, làm hao mòn năng lượng mà còn dẫn tới những triệu chứng vô cùng khó chịu. Liên tục ho, hắt hơi và sốt tác động không nhỏ tới giấc ngủ của bạn.
Michael Breus, bác sĩ, chuyên gia về giấc ngủ kiêm tác giả của cuốn sách The Power of When đã chỉ ra, giấc ngủ thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Cơ thể sẽ hồi phục đáng kể khi các hormone tăng trưởng được sản sinh lúc bạn chợp mắt. Hormone trực tiếp tham gia sửa chữa tế bào và tăng sản xuất tế bào T, từ đó hỗ trợ tiêu diệt mầm bệnh nhanh chóng hơn.
Trên thực tế, nhiều triệu chứng cảm lạnh và cúm thực sự trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta chợp mắt. Chúng dễ gây mất ngủ hoặc ảnh hưởng lớn tới khoảng thời gian nghỉ ngơi của cơ thể. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Dưới đây là một số bí quyết bạn có thể áp dụng nhằm cải thiện giấc ngủ khi bị ốm:
Điều chỉnh nhiệt độ
Nhiệt độ bao giờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì giấc ngủ ngon, dù mắc bệnh hay không.
Để tạo không gian dễ chợp mắt nhất, mọi người nên giảm nhiệt độ phòng. Theo Alexandra Kreps, chuyên gia y khoa kiêm nhà tư vấn sức khỏe tại Trung tâm y tế Tru Whole Care, không khí mát mẻ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và thúc đẩy giai đoạn ngủ sâu REM.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science Advances vào năm 2017 đã chỉ ra, nhiệt độ cao sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ. Theo các chuyên gia nhiệt độ ngủ lý tưởng nhất nằm trong khoảng 16-19°C.
Vệ sinh chăn gối
Những người bị ốm ra khá nhiều mồ hôi nên chăn gối của họ thường chứa không ít vi khuẩn. Để giải quyết tình trạng này và tránh lây bệnh cho người khác, mọi người nên vệ sinh chăn định kỳ.
Giặt chăn gối ít nhất mỗi tuần một lần là việc làm rất quan trọng để loại bỏ mọi vi khuẩn hoặc virus còn sót lại. Chuyên gia Kreps cho biết, những người bị dị ứng hoặc hen suyễn càng cần vệ sinh chăn gối thường xuyên hơn.
Dùng máy tạo độ ẩm
Máy tạo độ ẩm giúp làm ẩm không khí, giảm kích ứng khi hít thở và tránh gây khô họng dẫn tới những cơn ho khó chịu vào ban đêm.
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, độ ẩm thấp làm giảm khả năng chống lại bệnh cúm của hệ miễn dịch. Bác sĩ Breus cho biết, thiết bị này đặc biệt hữu ích đối với những người mắc các vấn đề sức khỏe gây ho khan.
Lọc không khí
Máy tạo độ ẩm không phải công cụ duy nhất bạn có thể sử dụng để cải thiện không khí trong phòng ngủ.
Bộ lọc HEPA trong máy lọc không khí giúp tăng cường chất lượng giấc ngủ bằng cách hút các chất gây dị ứng, hắt hơi, ngạt mũi như bụi, lông và nấm mốc. Ngoài ra, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, họ có thể đưa vi khuẩn vào trong không khí. Theo bác sĩ Breus, bộ lọc HEPA có khả năng làm sạch môi trường chứa những mầm bệnh khó chịu này.
Điều chỉnh tư thế ngủ
Mọi người có thể dễ dàng đạt được một giấc ngủ ngon vào ban đêm nhờ việc điều chỉnh tư thế chợp mắt. Khi bạn nằm theo theo kiểu truyền thống, dịch nhầy sẽ tích tụ trong phổi và đường hô hấp, từ đó gây ho nửa đêm.
Theo bác sĩ Breus, cách khắc phục tình trạng này dễ nhất là kê gối, nâng cao thân trên. Một khi quá trình hô hấp không bị cản trở, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Tránh dùng thuốc quá liều
Không ít người có thói quen tự tăng gấp đôi liều thuốc cảm lạnh để chợp mắt dễ hơn khi bị ốm. Trên thực tế, việc làm này không chỉ ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ mà còn có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Bác sĩ Breus giải thích, thuốc cảm lạnh không kê đơn chứa nhiều hoạt chất, thậm chí có cả thuốc giảm đau acetaminophen. Vì vậy, nếu tự ý tăng liều thuốc trị cảm và ho, bạn sẽ vô tình lạm dụng acetaminophen. Theo Tạp chí Harvard Health Publishing, việc làm này có thể gây tổn thương gan.
Tăng cường magiê
Không chỉ góp phần kiểm soát lượng đường huyết trong máu, điều hòa huyết áp, magiê cũng giúp cải thiện giấc ngủ và có lợi cho hệ miễn dịch. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học và Y học vào năm 2012, sử dụng thực phẩm bổ sung chất này giúp tăng thời gian chợp mắt và chất lượng giấc ngủ đáng kể ở người cao tuổi bị mất ngủ.
Viện Y tế Hoa Kỳ khuyến cáo, mọi người cần thảo luận với bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung magiê do chất này có thể tương tác với một số loại kháng sinh và thuốc.
(Nguồn: Livestrong)