Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ

Phạm Trang,
Chia sẻ

Dự án “Nuôi em Mộc Châu” của Trung uý Dương Hải Anh cùng cộng sự đã mang đến cho các em học sinh vùng núi Tây Bắc thật nhiều bữa ngon.

Mộc Châu - vùng đất hiện lên với tên gọi mỹ miều “viên ngọc xanh giữa lòng Tây Bắc” khiến nhiều người không khỏi lưu luyến bởi đồng cỏ đồi chè xanh bất tận, thác nước hùng vĩ tung bọt nước trắng xoá hay làng bản xinh đẹp hoang sơ ẩn dưới làn sương mờ.

Nhưng, phía sau tất cả sự thơ mộng hùng vĩ ấy, vẫn là những bàn chân trần bé nhỏ từng ngày từng ngày bước qua sỏi đá núi rừng đi tìm con chữ, là những túi cơm trắng mang đến trường chan cùng nước lọc qua bữa, những giọt nước mắt ngây ngô chỉ vì thèm một miếng thịt…

“Nhà bé có cỗ, mang theo miếng thịt lợn ăn, các bạn bên cạnh thèm quá khóc lu lên”

Viên ngọc xanh ấy vẫn mang trong mình những cảnh tượng mà bất cứ ai chứng kiến qua dù chỉ một lần cũng phải nặng lòng trăn trở. Trong số đó có Trung úy trẻ Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La:

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 1.


“Ở các vùng cao biên giới thuộc tỉnh Sơn La, không khó để bắt gặp hình ảnh những em nhỏ giữa mùa đông giá rét với đôi chân trần, độ tuổi mầm non đi bộ vài km để tới trường, với hành trang mang theo chỉ có túi ni lông cơm trắng, nước lã để ăn trưa.

Tôi cùng đồng đội thầm nghĩ, mình ăn các món ở tập thể Công an được đổi 1 tuần/1 lần còn thấy chán, các em quanh năm chỉ ăn mỗi cơm trắng, nước lã thế này thật là thương, thảo nào bạn nào cũng bé ti ti.

Tôi có xin phép đồng chí tổ trưởng tổ công tác được vào thăm điểm trường 15 phút. Qua tâm sự với các cô giáo, tôi được nghe các cô kể, với những gia đình có cơm cho con mang đi được xem là hạnh phúc và no đủ rồi, nhưng bữa có bữa không, giáo viên còn phải nhường cơm cho các con ăn. Thế rồi có những bạn nhà có cỗ, mang theo miếng thịt lợn ăn một mình mà các bạn bên cạnh thèm quá khóc lu lên”.

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 2.


Càng qua nhiều chuyến công tác ở những làng bản, các điểm trường, càng chứng kiến thêm nhiều gian khó nhọc nhằn của những em nhỏ ở độ tuổi vốn chỉ cần “biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”, trung uý Hải Anh cùng đồng đội càng bùng lên trong mình quyết tâm phải hành động để trẻ em nơi đây có cuộc sống tốt đẹp hơn:

“Những hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi cùng đồng đội phải làm điều gì đó giúp các con có bữa ăn đảm bảo hơn, để thể chất cao lớn và học tốt hơn. Lúc đó dự án ‘Nuôi em Mộc Châu ra đời”.

Với trách nhiệm và tình thương yêu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi vùng cao, biên giới và mong muốn góp sức cùng các điểm trường và các thầy cô giáo cải thiện bữa ăn có thêm thịt, cá, trứng, rau xanh, đến tháng 1/2021 trung uý Hải Anh cùng Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ Công an huyện Mộc Châu thực hiện dự án “Nuôi em Mộc Châu” trên địa bàn huyện.

Anh cùng những cộng sự của mình đã đến các điểm trường, thu thập thông tin các em; lập website cũng như kêu gọi ủng hộ từ phía người dân trong vùng cũng như các mạnh thường quân…

Để thực hiện các hoạt động nuôi em, thành viên dự án phối hợp với giáo viên bám bản, Ban Giám hiệu, Phòng Giáo dục... tiến hành thu thập thông tin trẻ tại địa bàn (theo bản, xã), cập nhật thông tin cá nhân của trẻ (ảnh chân dung trẻ, độ tuổi, chiều cao, cân nặng, số điện thoại của bố/mẹ, cô giáo), đặt mã định danh cho từng trẻ.

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 3.


Đặc biệt, trước khi triển khai tại bất cứ điểm trường nào, dự án đều phải thông qua Phòng Giáo dục và cấp uỷ Đảng, chính quyền sở tại. Để duy trì hoạt động lâu dài, dự án cũng nỗ lực huy động sự góp sức từ các nhà hảo tâm. Ban Chủ nhiệm lên lịch công việc cụ thể cho các Ban theo dây truyền, cụ thể:

- Ban Tiền trạm sẽ có những chuyến đi thực tế để ghi lại tư liệu về những khó khăn, vất vả của các em học sinh nơi dự án dự kiến tài trợ.

- Ban Truyền thông đăng tải trên website của dự án nuoiemmocchau.vn và các hội, nhóm trên trang mạng xã hội những thông tin, hình ảnh thực tế về cuộc sống khó khăn của các em nhỏ để kêu gọi sự giúp đỡ của những mạnh thường quân và nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, các thành viên cũng thiết kế thẻ tên, ảnh và gắn mã nhận nuôi của các em.

- Khi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đồng ý nhận nuôi các em nhỏ, Ban kết nối - Đối ngoại sẽ tư vấn, hướng dẫn cụ thể cách thức, phương thức để nhận nuôi các bé trọn vẹn trong một năm học, cùng cách chuyển tiền để thực hiện việc nhận nuôi vào tài khoản dự án.

- Ban Tài chính sẽ lưu thông tin và đánh dấu mã bé đã được nuôi.

- Khi đã nhận đủ kinh phí để nhận nuôi các em học sinh tại nơi dự án triển khai, Ban Pháp chế sẽ hoàn thiện thủ tục hồ sơ, pháp lý, làm việc với Phòng Giáo dục huyện và thầy cô giáo tại các điểm trường bằng văn bản và có các cam kết đi kèm để chuyển tiền tài trợ cho nhà trường để tổ chức nấu ăn cho các em học sinh.

Định kỳ hàng tháng, Ban Chủ nhiệm báo cáo kết quả triển khai thực hiện kèm theo hình ảnh, video của các bé đến các nhà hảo tâm. Trong năm học, dự án sẽ tổ chức các chuyến đi đến thăm trực tiếp các em nhỏ được nhận nuôi để gắn kết tình cảm, tạo niềm tin cho các nhà hảo tâm và mạnh thường quân. Kinh phí hỗ trợ nuôi em đều được Ban Chủ nhiệm thông báo công khai tới mỗi tháng một lần trên hệ thống đã được số hóa.

Mặc dù vậy đã có những sự tính toán kỹ lưỡng và rõ ràng nhưng dự án bước đầu thực hiện cũng gặp khá nhiều khó khăn. Mà theo chia sẻ của trung uý Hải Anh, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề về nhân lực:

“Việc nấu thêm cơm trưa cho các con là việc cần rất nhiều công sức: mua thực phẩm, nấu nướng, chia cơm... Vốn dĩ cô giáo tại các điểm bản thường phải lên lớp với 40-50 em mà chỉ có một cô giáo phụ trách điểm trường, nên không thể vừa nấu vừa trông các em.

Người dân còn bận đi làm kinh tế trên nương, rẫy. Nếu bỏ để nấu cơm cho các con cũng khó. Người dân cũng không biết nấu nướng các món ăn sao cho ngon”.

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 4.


Sau khi họp ban chấp hành đoàn thanh niên Công an huyện, các thành viên trong dự án đã quyết định tổ chức 3 buổi tuyên truyền pháp luật, đồng thời họp dân tại 3 bản đầu tiên triển khai dự án để nhờ các già làng, trưởng bản - người có uy tín trong cộng đồng dân tộc trao đổi và tháo gỡ vướng mắc. Cuối cùng, mọi người quyết định sẽ cắt cử thay phiên nhau hỗ trợ các cô giáo nấu cơm.

“Chúng tôi với sứ mệnh phục vụ nhân dân nên luôn vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc vì được cống hiến”

Sau hơn 2 năm thực hiện từ 54 em nhỏ tại Trường Mầm non Phiêng Cài, đến nay dự án mở rộng đến 22 điểm trường, nhà nội trú ở 5 huyện với 8000 em nhỏ được hỗ trợ trong năm học 2023-2024, dự kiến tài trợ số tiền là 11 tỷ 600 triệu đồng/ 1 năm học. Thời gian tới, dự án sẽ mở rộng trên toàn bộ 12 huyện, thành phố của tỉnh, nơi có các em nhỏ không được ăn cơm trưa đầy đủ và ảnh hưởng tới chuyên cần đi học.

“Bản thân tôi cùng đồng đội luôn mong muốn các em học sinh được tới trường. Vì chúng tôi hiểu, chỉ có giáo dục mới là vũ khí mạnh mẽ nhất xua tan đói nghèo, không mắc vào những tệ nạn xã hội.

Tới giờ hơn 2,5 triệu bữa ăn đủ dinh dưỡng đã được thực hiện cho các em nhỏ vùng cao. Ngoài ra khi càng đi nhiều, biết nhiều lại càng muốn thành lập nhiều dự án để hỗ trợ các em hơn nữa, tiêu biểu như dự án Hạnh phúc cho em.

Khi chúng tôi đến kiểm tra công tác nấu nướng của dự án thì thấy điểm trường được ghép từ những ván gỗ mối mọt, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đó cũng là dấu mốc triển khai dự án xây trường cho các em. Và cho tới giờ hơn 10 dự án bổ trợ đã được hình thành để hỗ trợ các em nhỏ. Đồng hành cùng chúng tôi là một cộng đồng gồm 70 ngàn người yêu thích làm từ thiện, yêu thích lực lượng CAND”  - Trung uý Hải Anh chia sẻ.

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 5.


Dự án bổ trợ “Hạnh phúc cho em” hiện đã xây dựng được 22 điểm trường, nhà nội trú, 8 nhà hạnh phúc thuộc các huyện: Phù Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Sông Mã, Vân Hồ với tổng giá trị 6 tỷ 200 triệu. Trong năm 2025, dự kiến khi xây dựng xoá toàn bộ các điểm trường nhà tranh vách lá trên địa bàn sẽ tiến hành mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh lân cận.

Dự án bổ trợ “Máy tính cho tương lai” cũng đã được mở ra nhằm hỗ trợ các em nhỏ vùng cao được tiếp cận với tin học, học hỏi các kỹ năng mềm cần thiết, nghiên cứu cẩm nang về phòng chống tội phạm dịch ra các ngôn ngữ như Tiếng Việt - Tiếng Mông - Tiếng Mường - Tiếng Thái - Tiếng La Ha…

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 6.

Dự án bổ trợ “Máy tính cho tương lai”

Hay Dự án “Rừng nuôi em” đã đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng 1 triệu cây xanh với cách làm khá thú vị: Đầu năm học, dự án yêu cầu các bố mẹ triển khai mang theo 2 cây ăn quả có bóng mát để trồng tại xung quanh khuôn viên trường. Năm nay, với 8000 em nhỏ sẽ có 16.000 cây trồng mà không hề tốn sức, không hề tốn kinh phí.

Hàng loạt dự án trên là điều mà trung uý Hải Anh cùng những người đồng đội của mình từng ngày kiên trì thực hiện cùng sự giúp đỡ của cộng đồng với một mong ước và khát vọng chung - “Cơ hội công bằng dành cho mọi trẻ em”.

“Điều tôi tự hào nhất là với tấm lòng yêu thương của những chiến sĩ CAND, càng đi nhiều, càng muốn làm nhiều điều hơn nữa vì nhân dân. Chúng tôi với sứ mệnh “phục vụ nhân dân” nên luôn vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc vì được cống hiến, phụng sự” - tự hào vì được phụng sự nhân dân là tất cả những gì trung uý Hải Anh bền bỉ thực hiện.

Và cũng chính vì đó mà anh cùng những người cộng sự của mình luôn khát khao cống hiến nhiều hơn: “Điều tôi cảm thấy day dứt chưa làm được đó là việc mong muốn làm một dự án hỗ trợ bố mẹ em nhỏ làm kinh tế tốt hơn”.

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 7.


Để cùng lúc vừa có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng ngày của một chiến sĩ công an nhân dân, vừa quản lý tốt các kênh truyền thông của dự án, trung uý Hải Anh buộc phải phân bổ công việc theo thời gian đã định một cách khoa học. Đồng thời, dự án cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ tình nguyện viên ở đủ các ngành nghề, công việc nên có thể giảm đi phần nào gánh nặng.

Cùng với đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như công nghệ chatbot để hỗ trợ cấp mã và trả mã cho hàng nghìn người và việc xây dựng hệ thống cẩm nang, quy trình làm việc một cách chỉn chu nên dự án “Nuôi em Mộc Châu” với các leader có thể tự "chạy" mà không cần trung úy Hải Anh tham gia quá nhiều.

“Được sự ủng hộ của các đồng chí Lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo phòng Px03, lãnh đạo Công an huyện Mộc Châu, chúng tôi được tạo điều kiện rất tốt để triển khai các công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Đồng thời người đồng hành thân thiết với tôi đó là em Lê Anh Tuấn - Phó bí thư đoàn thanh niên Công an huyện Mộc Châu, cũng là phó chủ nhiệm dự án. Em ấy luôn đồng hành và ủng hộ tôi” - Những sự đồng hành kề vai sát cánh là điều không thể thiếu để dự án có thể không ngừng phát triển.

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 8.


Không chỉ dừng lại trên địa bàn Mộc Châu hay tỉnh Sơn La, mô hình hệ sinh thái dự án “Nuôi em Mộc Châu” có thể triển khai mở rộng, nhân rộng trên toàn quốc một cách dễ dàng thông qua hệ thống Đoàn thanh niên Công an các đơn vị địa phương. Trên thực tế, Bộ Công an đã có thông báo số về việc nhân rộng mô hình dân vận khéo dự án “Nuôi em Mộc Châu” trên toàn lực lượng. nhờ thông báo đó, đã có từ 3-5 địa phương bắt đầu triển khai mô hình.

Đối với quốc tế, dự án “Nuôi em Mộc Châu” có thể được vận dụng linh hoạt để hỗ trợ các bữa cơm trưa cho các em nhỏ tại các vùng khó khăn như Châu Phi. Với việc huy động sức mạnh cộng đồng, đồng thời việc ủng hộ nuôi cơm với kinh phí vừa phải, dễ dàng có thể triển khai lan tỏa tới mỗi người trong xã hội. Dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã quy trình hóa từng công việc của tình nguyện viên.

"Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize" do báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị mà Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm: Tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động và tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Chuyện chàng Trung úy vùng cao cùng đồng đội hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hàng nghìn em nhỏ - Ảnh 10.

Chia sẻ