Trong 6 năm, gần 1 triệu trẻ em Việt Nam phải di chuyển chỗ ở do thiên tai
Theo một phân tích mới đây của UNICEF được công bố ngày 6/10, trong vòng 6 năm, 43,1 triệu trẻ em tại 44 quốc gia phải chuyển chỗ ở, tương đương với khoảng 20.000 trẻ em phải chuyển chỗ ở mỗi ngày do các thảm họa liên quan đến thời tiết gây ra. Từ năm 2016 đến năm 2021, con số này ở Việt Nam là khoảng 930.000 trẻ.
Trẻ em phải chuyển chỗ ở trong bối cảnh khí hậu thay đổi là phân tích toàn cầu đầu tiên về số lượng trẻ em phải chuyển khỏi nơi ở của mình trong khoảng thời gian 6 năm từ năm 2016 đến năm 2021 do các thảm họa lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng gây ra. Phân tích này cũng xem xét và đưa ra các dự báo trong 30 năm tới.
Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 đã ghi nhận 40,9 triệu, tương đương với 95% tổng số trẻ em phải chuyển chỗ ở trên toàn cầu do bão và lũ lụt. Con số này một phần là do công tác thu thập dữ liệu và báo cáo được thực hiện tốt hơn cùng với các hoạt động sơ tán được triển khai sớm hơn. Trong khi đó, hạn hán và cháy rừng lần lượt khiến hơn 1,3 triệu và 810.000 trẻ em phải di chuyển nơi ở trong nước.
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết: “Thật đáng sợ đối với bất kỳ trẻ em nào khi phải chứng kiến một trận cháy rừng, một cơn bão hoặc một trận lũ dữ dội ập tới cộng đồng nơi các em sinh sống. Đối với những trẻ buộc phải dời đi, nỗi sợ hãi và những tác động gây ra có thể đặc biệt nghiêm trọng cùng với nỗi lo lắng về việc liệu các em có thể trở về nhà, tiếp tục đi học hay buộc phải dời đi một lần nữa. Sinh mạng của các em có thể được cứu sống nhờ việc di dời, sơ tán nhưng việc đó cũng gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của các em. Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng thì các phong trào về khí hậu cũng ngày càng nhiều hơn. Chúng ta có các công cụ và kiến thức để ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đối với trẻ em, tuy nhiên chúng ta đang hành động quá chậm. Chúng ta cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong việc chuẩn bị, bảo vệ những trẻ em có nguy cơ phải chuyển chỗ ở và hỗ trợ những em đã phải rời bỏ nơi ở của mình.”
Theo phân tích, ước tính có khoảng 19 triệu trẻ em tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phải chuyển chỗ ở do các thảm họa liên quan đến thời tiết từ năm 2016 đến năm 2021, chiếm hơn 44% tổng số trẻ em phải chuyển khỏi nơi ở trên toàn cầu. Các nguyên nhân hàng đầu khiến hầu hết trẻ em tại các khu vực này phải chuyển chỗ ở là do lũ lụt (12 triệu trẻ em) và bão (hơn 6 triệu trẻ em).
Việt Nam cùng với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Philippines và Indonesia nằm trong top 10 quốc gia ghi nhận số lượng trẻ em phải chuyển khỏi chỗ ở nhiều nhất do phải đối mặt với các tình trạng thời tiết khắc nghiệt, dân số trẻ em đông cùng với những tiến bộ về năng lực đưa ra cảnh báo sớm và thực hiện sơ tán. Tuy nhiên, so với quy mô dân số trẻ em, trẻ em sống ở các quốc đảo nhỏ như Vanuatu, Fiji, Palau và Quần đảo Bắc Mariana là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do bão.
Từ năm 2016 đến năm 2021, khoảng 930.000 trẻ em ở Việt Nam phải chuyển khỏi nơi ở do các tình trạng thiên tai khác nhau như lũ lụt, bão và hạn hán. Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: ”Bằng chứng từ các thảm họa xảy ra ở Việt Nam đã khẳng định trẻ em chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về mọi mặt phát triển của trẻ. Điều quan trọng là khi tiến hành chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, Việt Nam cần phải tăng cường các nỗ lực và nguồn lực nhằm xây dựng các cộng đồng có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu trên khắp Việt Nam”.
Các quyết định chuyển chỗ ở có thể mang tính bắt buộc và diễn ra đột ngột khi thảm họa xảy đến, hoặc do sơ tán sớm. Mặc dù được cứu sống tính mạng nhưng nhiều trẻ vẫn phải đối mặt với các thách thức và rủi ro khác nhau khi phải rời khỏi ngôi nhà của mình, thường trong các khoảng thời gian dài.
Việc di chuyển khỏi nơi ở dù chỉ trong thời gian ngắn hay kéo dài, đều có thể gia tăng mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ liên quan đến khí hậu đối với trẻ em và gia đình các em. Sau khi thảm họa xảy ra, trẻ em có thể bị tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc, gia tăng nguy cơ trẻ bị bóc lột, buôn bán và xâm hại. Đồng thời, việc này cũng có thể làm gián đoạn hoạt động học tập, chăm sóc sức khỏe cũng như tiếp cận nước sạch và vệ sinh của trẻ, dẫn tới tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh và không được tiêm chủng đầy đủ.
Bằng cách sử dụng Mô hình rủi ro di dời do thiên tai của Trung tâm Giám sát Di dời Trong nước xây dựng, dựa trên dữ liệu khí hậu hiện tại, báo cáo phân tích dự báo rằng trong 30 năm tới, lũ lụt ven sông có thể khiến gần 96 triệu trẻ em phải chuyển khỏi chỗ ở và gió lốc và mực nước dâng do bão có khả năng sẽ khiến lần lượt là 10,3 triệu và 7,2 triệu trẻ em phải chuyển khỏi nơi ở cũng trong khoảng thời gian tương tự*. Với các hiện tượng thời tiết xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu, con số thực tế gần như chắc chắn sẽ cao hơn so với dự báo.
UNICEF hợp tác với các chính phủ để có những chuẩn bị ứng phó tốt hơn và giảm thiểu rủi ro chuyển nơi ở của trẻ em, xây dựng và triển khai các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai phù hợp với trẻ em, thiết kế các dịch vụ di động, linh hoạt để tiếp cận và bảo vệ trẻ em trước, trong và sau thảm họa, đồng thời có các giải pháp cung cấp thực phẩm để giải quyết các thách thức và khó khăn mà trẻ em gặp phải trong từng tình huống.
Các cộng đồng cần được chuẩn bị và hướng dẫn về những hoạt động thực hành thực tiễn, cứu mạng sống con người, từ đó nâng cao khả năng chống chịu cho người lớn và trẻ em, ví dụ, các phương thức tiếp cận giúp các trường học có sự chuẩn bị sẵn sàng hoặc xây dựng hệ thống vệ sinh và cấp thoát nước có khả năng chống lũ lụt, hạn hán. Công tác chuẩn bị cần được thực hiện trong những thời điểm không khẩn cấp, đòi hỏi tất cả các ngành, lĩnh vực bao gồm xã hội, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, cấp thoát nước, bảo trợ xã hội và bảo vệ trẻ em và phụ nữ phải xây dựng năng lực chống chịu và phục hồi ngay tại cộng đồng, với các kế hoạch ứng phó nhanh chóng khi thảm họa xảy ra.
Bà Flowers cũng nói thêm: “Các hoạt động này bao gồm việc đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều được tiêm chủng, có sẵn các lều chống gió và các sản phẩm dinh dưỡng cứu trợ được dự trữ để sẵn sàng cung cấp khi cần. Giảm thiểu rủi ro thiên tai là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính phủ và khi được thực hiện tốt, đây sẽ là một phần không thể thiếu trong các chiến lược dài hạn nhằm xây dựng các cộng đồng có khả năng chống chịu với khí hậu”.
Do các nhà lãnh đạo nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 tại Dubai diễn ra vào tháng 11/2023, UNICEF kêu gọi các chính phủ, nhà tài trợ, đối tác phát triển và các doanh nghiệp thực hiện các hành động sau để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ phải chuyển khỏi nơi ở trong tương lai và trang bị cho trẻ và cộng đồng trong việc:
BẢO VỆ trẻ em và thanh thiếu niên trước các tác động của thảm họa và tình trạng phải chuyển khỏi nơi ở do biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn bằng cách đảm bảo các dịch vụ quan trọng, thiết yếu đối với trẻ em, bao gồm giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bảo trợ xã hội và bảo vệ trẻ em có khả năng ứng phó trước các cú sốc, có thể thực hiện linh hoạt cho mọi trẻ em, bao gồm các trẻ em đã phải di chuyển khỏi nơi ở của mình.
TRANG BỊ cho trẻ em và thanh thiếu niên, những người đang sống trong thế giới biến đổi khí hậu năng lực thích ứng và khả năng chống chịu cao hơn, đồng thời tạo điều kiện để trẻ em và thanh thiếu niên tham gia tìm kiếm các giải pháp toàn diện dành cho tất cả mọi người.
ƯU TIÊN cho trẻ em và thanh thiếu niên - bao gồm các trẻ em đã phải di dời khỏi nơi ở của mình – về mặt chính sách và đầu tư phát triển, nhân đạo, tài chính, hành động ứng phó với thảm họa và khí hậu để chuẩn bị ứng phó với tương lai hiện đang diễn ra.