Về Sa Pa, nhìn người Mông đổi đời nhờ cây Atiso: ''Chúng tôi xây được nhà, mua được xe, bữa cơm nào cũng có thịt''
Cây dược liệu Atiso đã thay thế cây ngô, cây lúa,… giúp đồng bào người Mông ở những xã vùng sâu của Sa Pa có cuộc sống tốt hơn.
Những ngày này, về vùng đất Sa Pa sẽ thấy những nương dược liệu Atiso trải dài trên triền núi, bạt ngàn quanh vườn nhà... xanh ngắt, của bà con đồng bào người Mông.
Vùng đất Tây Bắc nói chung và Sa Pa nói riêng được thiên nhiên ưu ái ban cho điều kiện tuyệt vời để phát triển các loài cây dược liệu quý như đương quy, đảng sâm, đan sâm, chè dây,… và đặc biệt là atiso. Atiso Sa Pa được đánh giá là có hàm lượng hoạt chất làm thuốc cao, hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu mang lại, mở ra hướng giúp người dân ở Sa Pa phát triển kinh tế và làm giàu.
Tại nơi đây, cây atiso đã chứng minh hiệu quả kinh tế khi giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm atiso luôn ổn định vì sự liên kết chặt chẽ giữa 4 ''nhà''; nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Bên trong những ngôi nhà ốp gỗ khang trang của người dân tộc
Những ngày đầu tháng 10, có dịp đến các bản vùng cao của Sa Pa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi khung cảnh nơi đây. Mùa này, trên các sườn đồi trải dài một màu xanh của cây atiso xen lẫn sắc vàng của lúa chớm chín, người dân đang thu hoạch, tập kết lá atiso để kịp cung ứng cho nhà máy thu mua, không khí lao động sản xuất hăng say.
Cùng đi với chúng tôi có ông Trần Mạnh Hùng (Trưởng phòng kinh tế thị xã Sa Pa) và ông Đỗ Tiến Sỹ (Giám đốc Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa). Vừa đi, ông Hùng vừa thông tin, hiện nay, việc tiếp cận với trồng cây atiso - chuyển đổi cơ cấu phát triển đã giúp bà con nơi đây cải thiện cuộc sống rõ rệt.
Hiện tại diện tích trồng Atiso của thị xã Sa Pa với diện tích trồng khoảng 50ha, Công ty Traphaco Sapa thu mua, đã giúp đời sống của nhân dân được cải thiện nhiều. Ngoài ra, người dân có thu nhập thêm từ hoa, củ, … cho nên người dân rất phấn khởi với loại cây trồng này. Hiệu quả kinh tế cao, giá trị trên một đơn vị ha ước tính có thể lên tới khoảng trên 200 triệu/ năm.
''Trước đây, người dân chỉ biết trồng cây lúa, thu nhập đối với 1ha lúa khoảng 5 tấn chỉ hơn 30 triệu đồng, ngoài ra phải đầu tư giống, phân bón; vì thế người dân chỉ nghĩ đến việc đủ ăn, nghĩ đến căn nhà là điều rất xa xỉ. Từ khi bà con tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, trồng loại cây dược liệu atiso theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, của công ty Traphaco Sapa, đời sống đã được cải thiện rõ rệt'', vị Trưởng phòng kinh tế thị xã Sa Pa cho hay.
Chúng tôi dừng chân tại một căn nhà gỗ khang trang ở Tổ 3 (phường Hàm Rồng, Thị xã Sap Pa, tỉnh Lào Cai), đây là căn nhà của vợ chồng đồng bào người Mông anh Má A Thảo (35 tuổi) và chị Lồ Thị Sớ (30 tuổi).
Thấy cán bộ đến, hai vợ chồng cùng nhiều người dân xung quanh xúm đến hỏi han, dường như họ đã quen với sự xuất hiện hàng ngày của những vị lãnh đạo nơi đây.
Trong ngôi nhà ốp gỗ rộng 100m2 rất đẹp của gia đình anh Má A Thảo sống, rất tiện nghi và hạnh phúc. Trong nhà có xe máy mới, tivi mới, con cái đều được đi học. Ít người biết tất cả các thành quả này mới được gây dựng trong những năm nay gần đây, kể từ khi gia đình trồng Atiso và được Công ty Traphaco thu mua hết.
Theo anh Má A Thảo, căn nhà khang trang này được xây dựng cách đây khoảng 1 năm với chi phí hơn 500 triệu đồng.
''Chúng tôi chỉ quen với công việc đồng áng, quanh năm gắn với lúa nương, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Từ khi được ông Sỹ cùng các cán bộ đến vận động giới thiệu về loại cây Atiso, trồng và bán hiệu quả kinh tế tăng vọt.
Từ khi trồng atiso, tôi xây được nhà, mua được các trang thiết bị xe máy, ti vi, máy cày…, nuôi con đi học không phải lo đau đáu như trước. Là người đồng bào dân tộc thiểu sổ, với định hướng phát triển kinh tế, tôi được Đảng nhà nước quan tâm cũng như một số hiệp hội trên thị xã phối hợp với công ty Traphaco hướng dẫn bà con phát triển cây atiso. Từ đó, tôi và nhiều người dân biết được các kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ giúp sản lượng tốt hơn, thu hoạch đến đâu, Công ty Traphaco thu đến đó'', anh A Thảo nói.
Bên trong ngôi nhà khang trang, tràn đầy hạnh phúc của vợ chồng anh A Thảo
Nhớ lại những ngày đầu định hướng cho bà con tiếp cận với cây trồng mới, ông Hùng (Trưởng phòng kinh tế thị xã Sa Pa) cho biết, ban đầu người dân rất băn khoăn không biết sản phẩm mới sẽ tiêu thụ như thế nào, bởi họ đã quen với canh tác lúa, ngô,… để “đủ” ăn.
''Hồi đấy, tôi nhớ có người dân còn nghĩ rằng cây này không làm thuốc thì chẳng có tác dụng gì, ăn không ăn được, gia súc cũng không đoái hoài, và liệu rằng doanh nghiệp, công ty có mua thật không? Khi bắt tay vào trồng, công ty có khẳng định sẽ cùng chính quyền đảm bảo đầu ra cho bà con. Lúc này, tôi và Phó chủ tịch thị xã Sa Pa phải xuống tận nơi, cùng anh Sỹ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi để phát triển.
Anh Sỹ rất nhiệt tình, bám sát cơ sở, tuyên truyền vận động bà con tin tưởng vào loại cây này. Và sau đó ra được sản phẩm nào, công ty mua hết. Vì vậy, bà con rất phấn khởi, tiếp tục dùng doanh thu để chăm sóc cây. Cuộc sống gia đình của bà con nơi đây được cải thiện, cơm no gạo đầy, con cái được đi học đầy đủ, không phải lo lắng'', ông Hùng nhớ lại
Ông Hùng cũng cho biết thêm về định hướng giúp bà con trong tương lai: ''Hiện nay, Công ty và địa phương đã hình thành 1 cộng đồng atiso. Từ khi bắt đầu, chúng tôi cũng tổ chức đào tạo cho bà con truyền thông trên mạng xã hội để có thể bán được các sản phẩm hoa, lá, rễ,… Ngoài sản xuất, bà con còn được tiếp cận với truyền thông, quảng bá và bây giờ chính họ là những người bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội. Chúng tôi muốn phát triển sâu hơn việc tích hợp thảo dược với du lịch. Vì vậy, từng hộ phát triển có thể làm du lịch trải nghiệm ngoài atiso có thể trồng thêm chè dây, đương quy,… từ đó phát triển du lịch cộng đồng.
Mùa atiso có hoa màu tím rất bắt mắt, du khách có thể vào thăm quan du lịch trải nghiệm. Hoa nở vào mùa đông, cũng là mùa hút khách du lịch nhất ở Sa Pa. Từ đó, người nông dân có thể tiếp cận với du lịch, tiếp cận với việc kinh doanh, bán hàng trực tiếp tại nhà''.
Người dân thu nhập trăm triệu mỗi năm nhờ trồng Atiso
Rời nơi ở của gia đình anh A Thảo, chúng tôi đến xã Sa Pả (thị xã Sa Pa), người dân nơi đây đều nhắc lại, trước đây chưa có cây Atiso, cuộc sống rất vất vả, nông sản tiêu thụ khó khăn, dường như trồng cũng chỉ để ăn, kinh tế kiếm được chủ yếu nhờ vào nuôi gia súc hay kiếm những cây rừng về bán. Nhưng từ khi cây atiso có mặt, chứng kiến một số người có ''của ăn, của để'', bà con mạnh dạn đầu tư trồng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Kinh tế ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; việc chăm lo sự học của con trẻ được chú trọng.
Người dân thu hoạch Atiso để cung ứng cho nhà máy Traphaco
Chúng tôi đến một khoảnh vườn trồng atiso rộng khoảng 1 ha của gia đình ông Giàng A Sình (63 tuổi) - người dân tộc Mông ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa. Ông Sình vui vẻ giới thiệu, trước đây, mảnh vườn này ông chỉ trồng rau và chăn nuôi, thu nhập mỗi năm không đáng kể, chỉ 20 - 30 triệu đồng. Từ khi tham gia trồng atiso đến nay, gia đình ông có thu nhập bình quân khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.
Trò chuyện với chúng tôi, Ông Sình cho biết: ''Từ ngày có cây atiso, gia đình tôi đã mua sắm được máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất và các vật dụng cần thiết trong nhà như tivi, tủ lạnh... Đặc biệt, sau mùa vụ vừa qua, tôi đã sắm được cho gia đình 2 chiếc xe máy giá trị 60 triệu đồng''.
Người con dâu của Ông Sình, chị Má Thị Rủ cũng cho biết, cây Atiso không bỏ đi thứ gì, từ lá bán cho công ty Traphaco Sapa, đến thân, hoa, rễ cũng có thể bán cho các tiểu thương, khách du lịch về làm trà, ngâm rượu.
''Loại cây này ra tiền lắm, trồng một vụ là đủ mua lúa cả 1 năm rồi. Tính ra mỗi tháng, thu nhập từ cây mang lại ít nhất là 6 triệu, nhiều lên tới cả chục triệu. Từ khi trồng cây, bữa cơm nhà mình ngày nào cũng có thịt, mình còn đang suy tính mua chiếc xe tay ga khoảng 40 triệu nhưng chưa biết mua loại xe gì'', Chị Rủ vui vẻ chia sẻ.
Đây chỉ là một trong số những hộ dân đang trồng atiso thành công ở Sa Pa. Mọi người nơi đây tham gia trồng và thu hái dược liệu bán cho Công ty Traphaco đang rất vui mừng vì những đổi thay này. Từ những thành công ban đầu, họ tuyệt đối tin tưởng vào hướng phát triển sản phẩm của công ty.
Người dân thu nhập trăm triệu mỗi năm nhờ trồng Atiso
Rời những cánh đồng, triền đồi trồng Atiso, chúng tôi có mặt tại nhà máy của Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sapa (Lô F5 khu công nghiệp Đông Phố Mới, Phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Tại đây các công nhân đang hăng say chế biến, sản xuất biến lá atiso thành cao khô để vận chuyển về công ty trụ sở tại Hà Nội.
Tiếp xúc với những công nhân của nhà máy, chúng tôi thấy được sự phấn khởi khi có công ăn việc làm ổn định, môi trường làm việc văn hóa, chuyên nghiệp. Theo họ, làm việc tại đây được học hỏi và mở ra hướng đi tốt đẹp hơn cho cả tương lai chính họ và con cái sau này.
Chị Mã Thị Huyền (người dân tộc Tày, sinh sống tại Cam Đường, Lào Cai) đã làm việc tại nhà máy được 2 năm nay. Dưới không khí tấp nập sản xuất, đôi mắt chị Huyền long lanh, chị không giấu nổi niềm xúc động, vui mừng khi nhắc đến công việc hiện tại.
Chị Mã Thị Huyền - công nhân của nhà máy Traphaco Sapa
''Trước khi làm việc tại nhà máy, mình làm một số công việc tự do, cuộc sống bấp bênh, vô cùng vất vả, ngày ngày đều phải lo 'cơm áo, gạo tiền'. Từ khi được tuyển vào công ty, thu nhập của mình ổn định, giúp mình tự tin hơn. Công ty giống như 1 gia đình vậy, mọi người thân thiện, luôn luôn giúp đỡ, chỉ bảo và chia sẻ với mình về cả công việc cũng như các vấn đề trong cuộc sống'', Chị Huyền nói.
Anh Nguyễn Thành Công (31 tuổi) làm việc tại đây được hơn 7 năm, anh Công cho biết đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của anh, chị, em công nhân trong phân xưởng. ''Mình đã tiếp xúc với rất nhiều đồng nghiệp, chứng kiến sự 'thay da, đổi thịt' theo từng ngày khi làm việc tại đây. Từ những người công nhân chập chững bước vào công ty làm việc, phần lớn cuộc sống đều rất khó khăn, đến giờ đã tốt hơn có thể thấy được qua những phương tiện phục vụ cuộc sống hiện đại hơn. Mọi người đều cảm kích, biết ơn vì công ty đã giúp họ có thu nhập ổn định, tương lai tươi sáng hơn, và hơn hết đây có thể là định hướng nghề nghiệp cho con cái họ sau này''.
Ông Đỗ Tiến Sỹ đều đặn, hàng ngày xuống nhắc nhở, hướng dẫn công, nhân viên làm việc
Phòng thí nghiệm chất lượng cao tại nhà máy của công ty Traphaco Sapa
Hành trình đưa cây Atiso đến với Sa Pa
Ông Đỗ Tiến Sỹ - Giám đốc Công ty Traphaco Sapa, người đã lăn lộn hơn 10 năm để gây dựng vùng trồng atiso tại Sa Pa cho biết, hơn 10 năm trước, người dân Sa Pa thấy rằng việc trồng cây dược liệu cho thu nhập hơn hẳn so với trồng lúa, ngô, sắn. Tuy nhiên, bà con người dân tộc rất ngại thay đổi, họ chỉ quen với tập quán canh tác đã có từ lâu đời.
Nhớ lại những ngày đầu đi từng hộ dân để vận động phát triển kinh tế với loại cây trồng mới, ông Đỗ Tiến Sỹ kể câu chuyện thật mà như đùa: ''Phong tục tập quán người đồng bào là uống rượu, để đi phát triển vùng trồng, mỗi lần đến từng hộ, trên xe của tôi chở theo là những can rượu. Khi đó, tôi cùng bà con đến chỗ này chỗ kia, vừa ăn uống vừa trò chuyện, uống rượu chúng tôi hô to khẩu lệnh: Một, hai, ba, atiso! Dần dần, chữ atiso đã thành quen với người dân nơi đây''.
Để thuyết phục bà con tin vào giá trị của cây atiso là một hành trình khá chật vật. Vị Giám đốc Traphaco Sapa cho biết, để gây dựng niềm tin cho bà con, cán bộ kỹ thuật của công ty phải cung ứng miễn phí giống cây, cầm tay chỉ việc kỹ thuật nuôi trồng, đến cho vay vốn để mua phân bón, lắp hệ thống nước tưới tiêu… và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra.
Thời gian đầu, để bà con yên tâm trồng atiso, ngoài 12 triệu đồng do chính quyền huyện Sa Pa hỗ trợ thì công ty đã tạm ứng 20 triệu đồng cho mỗi 1.000m2.
Ông Sỹ cho biết, đó là sự liều lĩnh đối với một công ty mới vừa thành lập như Traphaco Sapa, bởi khi đó công ty chỉ có 1,3 tỷ đồng vốn mà phải tạm ứng trước 500 triệu đồng cho các hộ dân, cùng với đó việc thu lại vẫn còn là vấn đề ''mơ hồ''.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, và lòng tin đối với cây atiso, ông Sỹ cùng các cán bộ, nhân viên của nhà máy luôn theo sát những cánh đồng trồng, gần như ngày nào ông cũng đi một vòng để nhắc nhở mọi người về công việc, cũng như cách chăm sóc, sản xuất.
Ông Sỹ cho biết, thời gian đầu nhiều hộ vẫn chưa tin tưởng về loại cây trồng này, bởi vậy có những ruộng ươm mầm mọc lên, họ bỏ không. Ông Sỹ lại phải đi từng ruộng tưới nước, nhặt cỏ hộ, sau đó vận động người dân chăm sóc cây thật tốt. Rất may, nhờ nỗ lực, các hộ đều thành công, công ty cũng thu được lại vốn.
Đến sau này, cây atiso, công ty Traphaco Sapa đã như một biểu tượng của những người đồng bào làm nông nghiệp nơi đây. Bởi, nếu như trước đây, cây atiso được người dân Sa Pa coi là cây xóa đói giảm nghèo thì hiện nay, loại cây này được coi là cây làm giàu.
Bức ảnh vào năm 2011, những ngày đầu ông Sỹ cùng cán bộ địa phương đi vận động bà con trồng cây Atiso
Đưa cây dược liệu lên bàn ăn, phát triển du lịch thảo dược
Với lợi thế điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Sa Pa được thiên nhiên ưu ái ban tặng, ông Đỗ Tiến Sỹ đang triển khai nhiều mô hình phát triển trồng cây dược liệu, đồng thời gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Theo ông Sỹ, hiện tại, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm thảo dược đã và đang dần trở thành xu hướng trên thế giới. Đó là mô hình du lịch trải nghiệm, dựa trên nền vùng trồng thảo dược đã có, đặc biệt tại những vùng sâu, vùng núi cao, để giới thiệu cho du khách các món ăn, bài thuốc, các phương pháp chăm sóc sức khỏe từ các loại cây dược liệu trồng quanh nhà; du khách có thể tự thu hái, chế biến thành các món ăn.
Ngoài atiso, ông Sỹ đang thực hiện vận động nhiều hộ dân, chủ nhà hàng, homestay,… trồng thêm các cây chè dây, giảo cổ lam, đảng sâm, sâm Ngọc Linh,... để hình thành một vườn dược liệu gia đình phong phú. Đó là cơ sở để du khách khi đến với các nhà hàng, homestay thảo dược không chỉ được tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cách thu hái, chế biến... mà còn được giới thiệu về đặc điểm, tính chất, công dụng của từng loại dược liệu...
Theo ông Sỹ, việc đưa thảo dược lên bàn ăn của Sa Pa là sự phát triển dịch vụ ẩm thực du lịch. Sa Pa có tiềm năng du lịch rất lớn, bên cạnh đó, nơi đây là cái nôi của các vị thuốc quý. Nếu 2 lợi thế này đứng riêng rẽ thì việc gia tăng không lớn, cần tích hợp triển khai giữa thảo dược quý của Sa Pa với du lịch.
"Nếu chỉ sử dụng dược liệu quý làm thuốc thì chưa phát huy được hết tiềm năng. Khi du khách được trải nghiệm mô hình này, sẽ phát hiện đây là mô hình rất thân thiện và khám phá ra các điều lý thú trong câu chuyện ẩm thực thảo dược. Và như thế, cơ hội chăm sóc sức khỏe thảo dược được chủ động, mang lợi ích không chỉ câu chuyện kinh doanh mà mình còn nhiều điều bổ ích cho du khách", Ông Sỹ nói.
Có mặt tại một nhà hàng tại xã Tả Pìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai), cũng là 1 trong những nhà hàng được trực tiếp ông Sỹ giới thiệu về mô hình trồng cây dược liệu kết hợp du lịch, ẩm thực.
Ông Trần Chí Thành (chủ nhà hàng) cho biết: "Khách du lịch khi đến với Sa Pa sẽ được thưởng thức các món ăn từ thảo dược, ví dụ cây atiso để nấu canh hoặc hầm với chân giò là một món ăn ngon nhưng vẫn còn hơi đơn thuần. Tuy nhiên sau cuộc trao đổi với anh Sỹ, hướng chúng tôi đến việc đưa atiso cùng nhiều loại thảo dược lên bàn ăn cho quý khách, đồng thời phổ biến về tác dụng, đã giúp nhiều người biết đến về những loại thảo dược phong phú. Những món ăn được chế biến từ thảo được đều được thực khách đánh giá rất cao và yêu thích. Đây là hướng đi mới giúp thu hút khách du lịch đến và trải nghiệm''.
Phát triển Kinh tế Xanh là một cách thức thực hiện phát triển bền vững. Dự án GreenPlan của Traphaco ra đời với mục tiêu trước hết "Phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco" và để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển. Việc phát triển kinh tế - du lịch gắn với thảo dược không chỉ tạo thêm nguyên liệu để sản xuất thuốc, gia tăng công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt, cách làm, bảo tồn nét văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường.
Từ năm 2013, qua giao lưu và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, dự án GreenPlan đã trở thành mô hình dự án kiểu mẫu, đã được nhiều đơn vị học hỏi, cùng triển khai hoặc triển khai độc lập các dự án về phát triển dược liệu, xây dựng chuỗi cung ứng dược liệu đạt GACP-WHO.
Mô hình dự án đã được nhân rộng tại Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa với việc triển khai dự án "Phát triển trồng và chế biến Dược liệu tại một số địa phương miền núi Tây Bắc góp phần tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người thu nhập thấp".
Năm 2021, Traphaco Sapa cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu dự án cấp Nhà nước "Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại huyện Sa Pa - tỉnh Lào Cai" sau 2 năm triển khai.
Năm 2023, Traphaco Sapa đã ghi tên tham gia vào Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize với dự án GreenPlan.
"Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize" do báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị mà Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm: Tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động và tính lan tỏa.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org