Chuyện 10 năm ôm cay đắng, tủi cực của người phụ nữ
10 năm trải qua nhiều gian nan, cuối cùng người phụ nữ khao khát làm mẹ đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, để được làm mẹ, chặng đường 10 năm qua, chị đã phải nếm trải và trả giá bằng bao nước mắt cay đắng, tủi hờn, mệt mỏi và cả sự tốn kém về tiền bạc, thời gian.
Chị là Tống Thị Bạch Liên, 38 tuổi. Hiện chị và anh xã Lê Xuân Sinh (40 tuổi) kinh doanh nội thất tại La Thành. Anh chị đang sống cùng 2 con nhỏ đáng yêu (Con gái Lê Hà My, gần 3 tuổi và con trai Lê Nam Bình, 1 tuổi) tại Tây Mỗ, Từ Liêm, HN.
Những nỗi cay đắng của một phụ nữ muộn con trong 10 năm hôn nhân
Khi chị còn là cô sinh viên Học viện Tài chính ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc), còn anh là sinh viên trường ĐH Xây dựng Hà Nội, chị và anh đã quen biết nhau trong một trường hợp rất hi hữu, đặc biệt. Hồi ấy, hai người chủ yếu trao đổi qua những lá thư. Và rồi anh đã ngỏ lời yêu chị. Vì nghĩ mối tình sinh viên thường không đi đến đâu nên chị đã không nhận lời và rồi tự cắt đứt mọi liên lạc.
Nhưng hình như đã là duyên phận. Bẵng đi 2 năm sau khi chị ra trường và đã đi làm, anh đã tự tìm được đến nhà chị qua những manh mối không nhiều mà hồi sinh viên anh được biết. Cứ thế, hai người bắt đầu nối lại chuyện xưa và nên duyên chồng vợ.
Cứ ngỡ, cuộc sống hạnh phúc giản dị sẽ mãi như vậy. Chị không bao giờ nghĩ được rằng, từ đây chị bắt đầu bước vào những chuỗi ngày nhọc nhằn chữa hiếm muộn và cả những nỗi cay đắng khi chồng bị “say nắng” bên ngoài, khi bị cả nhà chồng hiểu lầm quay lưng lại với chị trong một thời gian dài.
Chị kể: “Sau khi cưới nhau, vợ chồng mình cũng như nhiều vợ chồng khác mong có con bế bồng. Nhưng càng mong, thì tin vui có con càng biệt tăm. Vợ chồng lại dắt díu nhau đi khám thì phát hiện ra chồng bị tinh trùng yếu, còn mình nội tiết hơi kém. Cứ thế, vợ chồng góp nhặt được đồng nào lại đổ dồn cho anh chữa bệnh. Anh tiêm thuốc tốt nhất và sau 5 năm thì số lượng tinh trùng của anh đã lên. Tuy nhiên, ngay cả khi gia đình có điều kiện vật chất để chữa trị tích cực hơn thì vợ chồng mình vẫn bị muộn con”.
Lấy chồng đã nhiều năm, vợ chồng vẫn chưa có con, là một phụ nữ, chị Liên luôn cảm thấy buồn và lo lắng. “Nhưng khi ấy, áp lực từ phía chồng hay nhà chồng, mình hầu như không cảm nhận thấy. Chính xác trong trường hợp của mình, bản thân mình không sợ. Bởi nguyên nhân chính từng là do chồng (thể trạng và tinh trùng đều yếu). Mình đã chung thủy với họ, mà nay họ mà quay lưng lại thì mình sẵn sàng chấp nhận. Còn nhà chồng khi ấy cũng không dám có ý kiến hà khắc với mình. Họ lúc nào cũng thể hiện thái độ trước mình là do người nhà họ” - chị Liên tâm sự.
Vợ chồng hiếm muộn, tuy nhà chồng sốt ruột nhưng không quay lưng lại với chị. Họ còn luôn động viên hai vợ chồng mãi yêu thương nhau và cùng cố gắng chữa trị. Họ còn nói rằng, cùng lắm thì hai người xin con nuôi. Nhưng đã có những thời điểm, chị cũng muốn bỏ chồng, từ bỏ cuộc hôn nhân này vì phát hiện chồng say nắng bên ngoài.
Chị kể: “Vài lần, mình cũng đã muốn bỏ chồng. Đó là những khi anh ấy “say nắng” với người phụ nữ khác bên ngoài. Đặc biệt lên đến đỉnh điểm là năm thứ 10 của hôn nhân, khi ấy mình đang bụng mang dạ chửa. Mình đã đau đớn biết chừng nào khi phát hiện ra chồng si mê cô nhân viên bán hàng của công ty riêng nhà mình” - chị nhớ lại.
Theo người phụ nữ chín chắn này, mấy năm đầu của cuộc sống vợ chồng, khi biết bản thân bị tinh trùng đang yếu, anh luôn lo sợ chị bỏ anh: “Nhưng sau khoảng 5 năm, anh dùng thuốc tốt và tinh trùng tốt lên, còn mình thì nội tiết chưa ổn vì chưa có điều kiện dùng thuốc tốt. Khi ấy, có lần anh đi chơi về khuya gọi cửa mình không mở. Rồi anh cũng trèo cửa vào được và buông câu nói chát chúa: “Đã đ. đẻ được còn đ. biết điều”. Đó là một trong những câu nói mà cả đời này mình không bao giờ quên được. Kinh nghiệm trong suốt ngần ấy năm đi chữa vô sinh đã cho mình thấy một đúc rút chung từ vô vàn hoàn cảnh vô sinh. Nếu do chồng thì người vợ thường nhẫn nại, chấp nhận, cam chịu. Còn ngược lại thì hiếm lắm!” - Chị nói.
Về phía gia đình chồng, trước kia chị được coi là dâu tốt của gia đình. Mẹ chồng chị luôn ca ngợi chị với mọi người, rằng chị sống tình cảm, biết quan tâm tới bà và cả tới nhiều người khác trong gia đình chồng. Rồi những lần về thăm, bà thường tâm tình cùng chị như con gái và bảo chị sống tốt, biết điều.
Từ hồi vợ chồng chị còn nghèo, nhưng vợ chồng tính tốt, rộng rãi vì bao giờ sự san sẻ, đóng góp vật chất với nhà chồng cũng là nhất trong 9 gia đình con cái trong nhà. Rồi còn chuyện vợ chồng chị đồng tình cùng vợ chồng người anh kế trên xây nhà đẹp cho mẹ chồng khiến bà không tiếc lời khen hai dâu. Rằng con trai mình tốt đã đành, nhưng nếu không được dâu tốt thì con trai mình cũng đâu có được đàng hoàng mà báo đáp gia đình như vậy...
Nhưng sau khi chuyện chồng chị phải lòng nhân viên bị phát hiện, một thời gian sau họ đã ngầm xoay tình cảm ngược lại với chị. Dù hồi đầu mẹ chồng, các anh chị em chồng đã đứng ra bênh vực chị mà phân tích phải trái cùng phê phán chồng chị là đừng dại dây vào đứa con gái láu cá ấy.
“Đây cũng là điều làm mình thấy cay đắng khi làm vợ, làm dâu nhà anh. Chỉ vì để bao biện cho tội lỗi phản bội vợ của mình mà sau lưng vợ, chồng đã không ngần ngại xuyên tạc về vợ với gia đình chồng mọi điều. Những chân tình của mình bao nhiêu năm với nhà chồng bị chồng cùng họ đem hắt đi dễ dàng. Trong mắt họ, trong lòng họ, cô dâu út tốt đẹp ngày xưa như chưa từng có giờ thay vào là bới lông tìm vết đủ điều. Và các cụ có câu không sai, không ưa thì dưa có dòi, thì bới bèo ra bọ, rồi mượn gió bẻ măng. Mà nếu những lời họ phản ánh đúng sự thật thì chị không thấy cay đắng lắm. Nhưng đằng này, có chuyện một họ nói thành mười, có chuyện không thành có” - Chị nhớ lại những ngày bị chồng và cả nhà chồng đối xử tệ bạc, quay lưng lại với chị.
Những câu nói họ dành cho chị, dù sau lưng nhưng đó là những vết dao sắc hằn sâu vào lòng tự trọng, vào sự nhạy cảm của chị. Thêm nữa họ đã chà đạp không thương tiếc lên tấm lòng của chị. Mà nếu họ phản ánh đúng sự thật thì không sao, đằng này..."Nhiều khi mình nghĩ sao cay đắng, mình hết lòng với họ, nhưng họ phủi dễ ợt như không. Đây là một trong những đắng cay trái ngang nhất mà mình gặp phải ở cuộc đời từ trước đến giờ" - Chị nói.
Niềm vui nhân đôi khi chị hạnh phúc được làm mẹ lần 2
Hành trình 10 năm chữa hiếm muộn gian nan
Sau 10 năm hôn nhân, vợ chồng chị đã may mắn vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc và khát khao được làm bố mẹ. Để có đứa con đầu tiên này, anh chị đã phải trải qua những ngày tháng thăm khám và điều trị hiếm muộn với bao nhọc nhằn, mệt mỏi và sự tốn kém.
“Vợ chồng mình đã chữa chạy khắp nơi, đông tây y đủ cả. Rồi thì cả vấn đề tâm linh như cầu cúng tổ tiên, chùa chiền, theo vài thầy mo làm lễ nọ kia, kể cả cầu tự... ở một số nơi, nơi xa nhất là trên Thanh Ba - Phú Thọ” – chị kể lại.
Không thể kể hết những tốn kém và nhọc nhằn mệt mỏi của vợ chồng chị trong hành trình dài này. Bởi vì để có 2 con xinh xắn khỏe mạnh như hôm nay, vợ chồng chị đã trải qua một danh sách phòng khám hiếm muộn dài dằng dặc. Và số tiền bỏ ra cho những lần theo khám khiến anh chị tốn kém kha khá tiền, thậm chí là phải chấp nhận giá “chát”.
“Cụ thể, hồi đầu, vợ chồng mình mất gần 1 năm chữa ở một phòng khám hiếm muộn tại Hào Nam. Chi phí chữa trị chỗ này khá tốn kém nhưng vẫn không hiệu quả. Sau đó chúng mình khám chữa theo thuốc Bắc của bác sĩ đông y nổi tiếng nhà ở Mỹ Đình đôi tháng, sau theo con gái bà mấy tháng nữa. Vẫn không có kết quả, vợ chồng lại dăm lần theo ở bệnh viện C. Sau đó, hai vợ chồng lại điều trị tại phòng khám tại Bà Triệu của một tiến sĩ nổi tiếng (cũng khoảng 10 tháng)” - Chị nhớ về những phòng khám ban đầu đã theo.
Những lúc vì bế tắc, vợ chồng có tư tưởng có bệnh thì vái tứ phương nên ở đâu được mách là uy tín, vợ chồng chị lại tìm về: “Có một lần vợ chồng theo một bác sĩ (cháu họ chồng) tại Vĩnh Phúc. Lần theo này, vợ chồng mất 1 năm và chỗ này chi phí cũng tốn kém nhất, mất cỡ 3 cây vàng. Chưa kể nắng mưa, nóng lạnh cứ theo hẹn hàng tháng, hai vợ chồng lại bỏ công việc lại, ngược lên khám xét vài lần. Ngày ấy, vợ chồng toàn đèo nhau bằng xe máy từ Hà Nội lên.
Có những lúc là ngày mưa, có khi ngày nắng gay gắt, rét mướt cũng đèo nhau như thế. Nhiều người cứ bảo vợ chồng ngược đời, rằng Hà Nội thiếu gì bác sĩ giỏi mà lại ngược lên đó. Nhưng hai vợ chồng mong mỏi con nên tâm lý ai mách gì là cố gắng theo. Và trước khi làm ống nghiệm, vợ chồng mình đã phải sử dụng cỡ trên dưới 10 lần phương pháp IUI bơm tinh trùng vào tử cung tại viện C và chỗ cháu chồng” - Chị kể.
Đến năm 2010, sau khi theo các phòng khám bên ngoài chưa có kết quả, vợ chồng chị lại quyết định vào bệnh viện C lần nữa với mong muốn đăng ký làm ống nghiệm. “Theo kinh nghiệm của một chị bạn, vợ chồng mình đăng ký qua phòng khám trên đường Hai Bà Trưng để đăng ký khám. Sau 1 tháng đăng ký thì vợ chồng được Phòng khám gọi đến để bác sĩ mình đăng kí khám, khám cho. Bác chỉ xem các giấy tờ khám xét trước đó tại bệnh viện bọn mình mang đến và ra chỉ định mình cần mổ nội soi thăm khám vòi trứng và tử cung. Mình đã mổ nội soi tại viện này, bác sĩ kết luận kết quả của lần mổ thăm khám ấy mình không có vấn đề gì. Bác chỉ định tiếp về quan hệ tự nhiên đôi ba tháng không có thai thì quay lại. Sau đôi tháng chúng mình quay lại thì bác chỉ định cho làm ống nghiệm.
Tận tháng 5/2010, vợ chồng mình đăng ký làm ống nghiệm. Và đến tháng 7 thì đặt phôi. Kết quả lần đó thất bại. Đó là một chuyện buồn thất vọng nhất cho cả vợ và chồng. Sau đó mình về ngoại ở Sóc Sơn với mong muốn được nghỉ ngơi, giải tỏa. Vợ chồng mình thống nhất mình ở đó đến lần làm ống nghiệm thứ 2. Sau ba tháng mình đăng ký làm ống nghiệm lần 2 và may mắn đã đến với vợ chồng mình” - Chị cười hạnh phúc nói.
Khi biết tin có tin vui bầu bí, chị Liên và cả gia đình đều sung sướng tột độ. Thậm chí, chị không dám tin điều kỳ diệu ấy lại xảy đến với mình.
“Đó là điều không dám ngờ tới. Trước đó mình thử que thử thai mà vẫn 1 vạch nên nghĩ cầm chắc thất bại tiếp rùi. Nghĩ vậy, mình định không đi thử máu như bệnh viện hẹn. Nhưng sau bạn động viên, mình nghĩ thôi thì cứ thử, chứ chẳng có đâu. Hôm ấy mình đi 2 chặng xe buýt từ Sóc Sơn xuống bệnh viện C. Mình chạy ầm ầm lên xe vì đâu nghĩ mình có thai mà giữ gìn. Ở nhà trước đó mình cũng chạy đuổi mấy con mèo con từ nhà xuống bếp vì chúng leo lên giường.
Vì sáng đó chần chừ nên khi xuống C thì gần trưa. Làm thủ tục và để họ lấy máu xong phải chờ đến 2 giờ chiều mới có kết quả. Mình lang thang ra Hồ Gươm và phố Tràng Tiền chơi mà lòng buồn so. Mình còn đang nghĩ chiều lấy kết quả xong sẽ đi ép và nhuộm tóc cho đỡ buồn.
Vào lấy kết quả, khi đợi chị y tá lật tìm giấy xét nghiệm của mình, mình thoáng thấy tên mình và ở dòng kết quả có mấy số dài dài chứ không phải là số không đơn giản như lần đầu. Mình đã thoáng nghĩ: lạ nhỉ? Cầm kết quả trong tay, thấy con số là kết quả vui, mình cười chắc là tươi lắm, hỏi chị y tá: “Chị ơi, thế em có bầu ạ?”. Chị ấy cười rất tươi: “Chúc mừng em, em có bầu. Em mang kết quả này về phòng cho bác sĩ xem nhé!”. Mình cảm ơn chị ấy và bước đi. Đúng là lần đầu tiên thấy cảm giác như thể là mơ. Khi ấy mình bước đi mà người lâng lâng như thể đang bay lơ lửng, không cảm nhận được là chân đang chạm đất và thấy trước mắt mờ ảo như đi trong màn sương dày.
Vừa vào phòng khám, có cô y tá ngẩng lên nhìn thấy mình tự hỏi: “Chị có thai rồi phải không?”. Có lẽ nhìn vẻ mặt mình khi ấy mà cô ấy đoán ra ngay. Khi ra khỏi phòng, mình gọi điện thoại thông báo những chỗ gần gũi nhất, cho chồng, gọi về nhà đẻ thì gặp bố, cho em gái, cho một cô bạn thân, cho 2 người là cô ruột và cô họ mà mình gần gũi nhất, cho một chị dâu mình thân nhất. Mừng vui hạnh phúc vô cùng, không diễn tả hết được bằng lời đâu. Nhưng bên cạnh đó, mình còn những cảm giác khác như lo liệu bệnh viện có nhầm xét nghiệm không, bởi mình thử que ở nhà chỉ có 1 vạch. Rồi liệu họ có nhầm kết quả của người khác không? Rồi mình cứ ngỡ như mình đang mơ nữa”.
Chẳng thế mà khi chị gọi điện thông báo cho chồng, chồng chị cũng thể hiện vui mừng ra mặt: “Anh bảo mình rằng: “Thế thì tốt rồi!”. Rồi sau đó dặn mình đi về bằng taxi (mình lại về nhà ngoại ở Sóc Sơn). Mình chỉ nhớ vậy thôi! Nhưng tối đó chồng vẫn không về nhà ngoại mà vẫn ở lại công ty trên đường La Thành, Hà Nội. Tối gọi điện về bảo cuối năm công việc bận, anh ở lại làm nốt sổ sách, tối mai anh về. Tối hôm sau anh về cũng tỏ vẻ vui mừng nhưng không bằng những gì mình tưởng tượng. Rồi anh lăn ra ngủ sớm, làm mình không ngủ được mà bật ra sự nghi vấn cùng các câu hỏi nghi ngờ chồng tòm tem bên ngoài. Và rồi nghi ngờ của mình đã đúng.Vài tháng sau mình phát hiện ra chuyện chồng mình, không biết từ bao giờ đã "say nắng" em nhân viên láu cá của công ty nhà”.
Sau gần 2 năm làm mẹ, bất chấp đau đớn chồng say nắng bên ngoài và bị nhà chồng hiểu lầm, chị lại bất ngờ nhận được tin vui chào đón đứa con thứ 2: “Bé đầu 10 tháng, mình biết mình có bầu. Cảm giác khi ấy cũng mừng vui nhưng không thể bằng lần đầu. Khi biết có bầu lần 2 này thì cảm giác lo lắng lại nhiều. Vì bé đầu mình sinh mổ, nên theo lời khuyên của y học là sau sinh 2 năm trở ra mới nên có bầu tiếp không dễ gặp nguy hiểm. Mình đã có chút đắn đo sau rùi quyết định cứ để đẻ, rằng mình đã hiếm muộn rùi mà giờ lại bỏ đi thì không đành.
Trong suốt thời gian thai kỳ này, sự lo lắng thường trực với mình cũng nhiều. Lần đầu cũng lo lắng nhưng lo kiểu khác. Lần này lo lỡ vết mổ làm sao thì có thể nguy hiểm tới tính mạng 2 mẹ con. Rồi sau đó mình còn bị tiểu đường thai kỳ, phải ăn kiêng và đi bộ theo chế độ bác sĩ đề ra. Thêm mối lo lỡ con trong bụng mình bị ảnh hưởng. Mình sợ nhất khi đọc thấy câu có những mẹ bị tiểu đường thai nghén mà sinh ra những “em bé lực sĩ chân đất sét’ (Ý là bé bụ bẫm nhưng bị mềm yếu, bệnh tật). Thế nên mình ăn uống kiêng khem ngặt nghèo và ngày ngày đi bộ khá nhiều. Tháng đầu sau khi biết mình bị tiểu đường thai nghén, mình ăn kiêng hơn cả chế độ bác sĩ đề ra nên sau một tháng hao 4kg. Lắm lúc bụng đói cồn cào và thèm ăn món nọ món kia mà không dám, mắt thì nhiều khi bị mờ đi.
Cả 2 bé nhà mình đều nặng 3.4kg khi mới sinh ra. May mắn cu thứ 2 nhà mình ra đời cứng cáp, khỏe mạnh. Hạnh phúc được làm mẹ lần 2, mình chẳng biết dùng từ niềm vui nhân đôi có đúng không. Nhưng mình chỉ biết mình thấy sung sướng lắm, vì trước đó đằng đẵng bao năm đi kiếm tìm mà mãi không thấy con đâu. Đến khi có 1 rồi thì lại nhanh chóng có được 2, lại có đủ nếp tẻ.
Trước kia vợ chồng mình vẫn bàn nhau là đợi bé đầu được tuổi rưỡi thì sẽ đi đăng ký làm ống nghiệm lần 2. Với ước tính là để khi chính thức làm ống nghiệm lần 2 thì cũng rơi vào khoảng được cho phép mang bầu tiếp theo sau lần sinh mổ đầu (cỡ 2 năm). Hồi đó mình còn nghĩ lần 2 làm ống nghiệm có khi còn khó hơn lần 1 ấy chứ, vì vợ chồng ngày thêm tuổi. Có dám ngờ đâu lại tự nhiên được bé thứ 2. Cũng vì trước kia chưa bao giờ mình có bầu tự nhiên nên khi sinh bé đầu rồi mình cũng không kế hoạch vì nghĩ khi trẻ còn chẳng có bầu, huống hồ giờ có tuổi đâu dễ tự có được”.
Hai con yêu nhà chị Liên sau 10 năm chịu bao cay đắng, gian nan chị mới may mắn có được
Là một người phụ nữ từng mang nỗi buồn muộn con trước đây, hiện chị Liên đang rất hạnh phúc với 2 con yêu. Bản thân chị có lời khuyên và lời nhắn nhủ với những phụ nữ sau nhiều năm lấy chồng vẫn đang mong ngóng con yêu về với mình rằng: “Mình xin gửi lời nhắn nhủ động viên tới mọi người điều đầu tiên là hãy cố gắng kiên trì theo các bệnh viện lớn, theo các bác sĩ giỏi để khám chữa bệnh. Giờ đây có thêm phương pháp thụ tinh ống nghiệm đã giúp cho được nhiều người có được niềm hạnh phúc làm mẹ như mình. Tiếp nữa mình cũng tin rằng tinh thần rất quan trọng trong chuyện tìm con. Mọi người hãy cố gắng nhìn vào những điều tốt đẹp để hy vọng, kiếm tìm và chờ đợi. Tuyệt đối, đừng bi quan, đừng sớm bỏ cuộc".
Kể từ lần làm ống nghiệm đầu tiên (tháng 7/2010), đến giờ chị Liên vẫn ở nhà. Hồi đầu là để nghỉ ngơi nhằm giúp cho chuyện làm ống nghiệm được thành công. Rồi sau là liên tiếp chửa đẻ, nuôi hai con nhỏ và làm việc nhà. Việc quản lý công ty chị đã bàn giao hoàn toàn cho chồng. Gần đây, anh chị thống nhất cho thêm con trai nhỏ đi trẻ, còn chị đứng ra giúp chồng làm mảng quảng cáo cho công ty kinh doanh nội thất của anh chị.