Chưa hết 1 tháng cữ vợ đã đuổi mẹ chồng về quê, tôi lao vào tát cô ấy cháy má nhưng câm nín khi biết lý do
Vợ bỗng nổi khùng lên đuổi mẹ tôi về quê. Cô ấy còn nói những lời lẽ hỗn hào với mẹ chồng khiến tôi thực sự tức giận.
Quen Tuyết 2 năm trời rồi mới tiến tới hôn nhân, tôi luôn tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Em là người con gái được giáo dục tử tế, luôn nhẹ nhàng, hiểu chuyện và chu đáo. Đối với bố mẹ chồng, cô ấy cũng hết lòng hết dạ, hiếu thảo, lễ phép.
Kết hôn xong, cô ấy cũng chưa từng chê trách bố mẹ tôi điều gì dù nhiều khi tôi cũng thấy mẹ mình hơi quá đáng. Tôi chủ động đề cập tới, Tuyết cũng chỉ cười hiền bảo không để bụng. "Bố mẹ do chưa hiểu hết về em nên mới nói những lời đó. Mà họ cũng chẳng có ý xấu đâu, có lẽ buột miệng thôi" - Tuyết vẫn luôn nói như thế.
Tôi tin vợ hoàn toàn. Nhà tôi chẳng phải giàu có gì để cô ấy sống dối lòng. Nên sự bao dung của cô ấy đối với gia đình chồng chắc chắn là thật!
Cuộc sống của chúng tôi khá êm đềm, hạnh phúc, cho tới khi đón con gái đầu lòng. Vốn dĩ là một chuyện vui, nhưng lại khiến mọi thứ đảo lộn hết cả.
Vợ tôi từ dạo sinh xong như một con người khác. Tuyết nóng tính, hay cáu kỉnh, sẵn sàng gào lên với bất cứ ai làm cô ấy không hài lòng. Nếu như trước kia cô ấy lúc nào cũng ngoan hiền, nhỏ nhẹ với mẹ chồng thì giờ khác hẳn.
- Mẹ làm cái gì thế? Sao lại rửa bình sữa cho cháu bằng nước lã thế này?
- Ai bảo mẹ bỏ trứng rán ăn thừa vào tủ lạnh? Con bảo mẹ bao lần rồi đừng có tiếc mấy cái thứ này, ăn thừa bao nhiêu bỏ hết!
- Mẹ ơi là mẹ, mẹ cho cả nhà ăn ăn rau hay ăn rơm thế này! Rau muống già thì mẹ bỏ hết phần gốc đi chứ, mẹ có phải trẻ con đâu mà cái gì cũng phải để con nhắc!
Đó, cô ấy chẳng ngần ngại nói năng hỗn hào như thế với mẹ chồng - người đã phải gác mọi chuyện ở quê để lên phục vụ cô ấy tháng cữ. Tôi cũng bực, nhắc nhở vợ cẩn trọng lời nói kẻo bà buồn. Ấy thế mà Tuyết không tiếp thu, lại còn trừng mắt lên với tôi:
- Anh xót mẹ chứ không xót vợ à? Anh nhìn mâm cơm cữ thế kia em ăn nổi không? Mà anh còn không nuốt nổi ấy chứ! Rau thì già, trứng thì rán ăn ngày này qua ngày khác. Em đưa tiền cho mẹ rồi chứ có phải tiền trong túi mẹ bỏ ra đâu mà vẫn tiết kiệm. Em chịu luôn đấy!
Nói với vợ không được, tôi lại tìm cách dỗ dành mẹ mình. Bà cũng bực lắm, cãi nhau tay đôi với Tuyết vài lần rồi. Tôi đành phải đưa thêm tiền và dặn bà cố nhẫn nhịn bà mới đành im.
Cứ tưởng giải quyết mọi chuyện như thế là tạm ổn, nào ngờ càng khiến mẹ và vợ tôi thêm mâu thuẫn.
Mới đây, tôi đang làm thì thấy mẹ tôi gọi bảo về nhà ngay con dâu đang nổi điên lên. Tôi vội vã phi về, ném xe ở sảnh chứ chẳng kịp cất xuống hầm. Phi lên nhà thì tôi thấy vợ tóc tai rũ rượi, ném đồ đạc rồi đuổi mẹ tôi về quê:
- Mẹ đi về đi, con thật sự không cần mẹ ở đây. Con không muốn nhìn thấy mẹ thêm nữa. Con mệt mỏi lắm rồi, con không muốn lúc nào cũng bị mẹ sai khiến thêm nữa. Con cũng không muốn con của con gặp vấn đề gì, con là mẹ nó, con sẽ tự biết cách chăm sóc nó.
Chứng kiến cảnh tượng và những lời nói hỗn hào của vợ, tôi chẳng kịp hỏi tình hình đã nhảy bổ vào tát cô ấy 2 cái như trời giáng. Tuyết ngã xuống đất, đưa tay ôm má và nhìn tôi đầy thù hận. Tôi chỉ tay vào mặt vợ, quát:
- Cô thôi đi, đủ rồi đấy! Đừng lấy cớ trầm cảm sau sinh để làm xằng làm bậy nữa. Tôi và mẹ nhịn cô đủ rồi. Ngày thường nếp ăn nếp ngủ thế nào tôi cũng chiều cô, nhưng giờ cô lại dám hỗn hào đuổi cả mẹ chồng đi, ăn nói như kẻ điên thế thì tôi không nhịn nổi nữa!
Nhưng bất ngờ nhất, người bênh vực Tuyết lại chính là mẹ tôi. Bà giữ tay tôi lại và không cho tôi mắng cô ấy thêm nữa. Tuyết thì sau một hồi ôm mặt đau đớn, cuối cùng cô ấy mới giơ chiếc điện thoại ra cho tôi nhìn:
- Anh nhìn đi, mẹ đã để con bé sặc sữa mấy lần vì cứ thích cho nó ti bình một mình một kiểu. Trưa nay thôi, con đã tím tái cả người, may có cô hàng xóm cấp cứu. Tôi không thể để mẹ chăm con thêm nữa.
Tôi chạy vào phòng ngủ, nhìn con gái đang nằm nhưng hàng mi vẫn còn ướt mà lặng người. Mẹ chồng tôi cũng run run nói lời xin lỗi, vợ thì rất lạnh lùng tuyên bố:
- Con không cần mẹ xin lỗi, nhưng con nghĩ mẹ nên về quê đi. Cách chăm sóc trẻ của chúng ta không giống nhau, con cũng không cần mẹ giúp.
Mẹ tôi lặng lẽ gấp quần áo để ra xe, tôi nhìn bà mà xót xa vô cùng. Nhưng trước sự việc khá nguy hiểm vừa xảy ra, tôi chẳng biết nói thế nào với vợ. Hiện giờ tôi rất bối rối, vừa thương mẹ mà cũng thương con. Nếu như vợ tôi bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn với bà có khi nào mọi chuyện đã khác rồi không?