Chữa bệnh trĩ bằng cách bôi thuốc nam vào hậu môn, người phụ nữ lãnh hậu quả nặng nề

MT,
Chia sẻ

Trĩ là một căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại, bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nó gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bôi thuốc nam vào hậu môn chữa bệnh trĩ, lãnh hậu quả nặng nề

Đó trường hợp bệnh nhân Trần Thị Kh (31 tuổi, ở Bắc Giang). Chị Kh đến khám tại bệnh viện TW Quân đội 108 trong tình trạng trĩ sa to nhiều hơn, kèm theo đau rát, búi trĩ có nhiều điểm tím đen.

Theo chia sẻ gia đình bệnh nhân, chị Kh mắc bệnh trĩ 11 năm nay chưa từng đi khám, chữa ở cơ sở y tế. Khoảng 1 tháng nay, chị Kh thấy đau rát nhiều, đi vệ sinh khó khăn, trĩ có biểu hiện sưng to hơn. Được bạn giới thiệu sử dụng thuốc nam, nữ bệnh nhân 31 tuổi đã mua thuốc nam về bôi. Hai tuần sau, bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn gây hoại tử vùng cơ hậu môn và tầng sinh môn do khi bôi, thuốc chảy rớt xuống vùng hậu môn khiến chị thấy đau rát, bỏng và loét.

Đến khi búi trĩ có nhiều điểm tím đen thì gia đình mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện TWQĐ 108 để khám.

Chữa bệnh trĩ bằng cách bôi thuốc nam vào hậu môn, người phụ lãnh hậu quả nặng nề - Ảnh 1.

Bệnh nhân Kh cần phải phẫu thuật nhiều lần mới hy vọng cải thiện một phần chức năng tự chủ của hậu môn.

Qua thăm khám, bác sỹ bệnh viện TWQĐ 108 chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp độ IV, hoại tử rộng vùng cơ hậu môn và tầng sinh môn. Các bác sỹ đã cắt lọc búi trĩ hoại tử, làm hậu môn nhân tạo đại tràng sigma. Chị Kh đang chờ phẫu thuật những lần tiếp theo.

Chị Kh không ngờ, chỉ vì dùng thuốc nam mà hậu quả lại nặng nề như vậy.

PGS.TS Triệu Triều Dương – Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: "Bệnh nhân Kh cần phải phẫu thuật nhiều lần mới hy vọng cải thiện một phần chức năng tự chủ của hậu môn. Di chứng rất nặng nề sau điều trị nguy cơ bệnh nhân bị hẹp hậu môn, rối loạn chức năng hậu môn do tổn thương cơ thắt hậu môn và có thể phải tạo hình cơ thắt hậu môn bằng cơ thon.

PGS.TS. Triệu Triều Dương cũng khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức, tìm hiểu thuốc trước khi sử dụng. Hiện nay, các phương pháp không rõ nguồn gốc, thiếu cơ sở khoa học, nhiều người dân đã tin dùng và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như trường hợp của bệnh nhân Kh, hậu quả để lại nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ

Bệnh trĩ giai đoạn sớm thường không có biểu hiện khó chịu gì đối với người bệnh. Giai đoạn sau, bệnh nhân có triệu chứng đi tiêu ra máu, đặc biệt là máu đỏ tươi sau phân. Lượng máu theo phân tùy theo mức độ bệnh và ít khi gây ra mất máu ồ ạt.

Chữa bệnh trĩ bằng cách bôi thuốc nam vào hậu môn, người phụ lãnh hậu quả nặng nề - Ảnh 2.

Sau một thời gian, búi trĩ sẽ to lên, sa ra ngoài. Lúc đầu, hiện tượng này chỉ xảy ra khi đi đại tiện, nhưng về sau sẽ xảy ra liên tục. Giai đoạn trĩ lòi ra, người bệnh có cảm giác đau, vùng hậu môn bị sưng, phù nề, ngứa. Sau vài ngày sẽ bớt đau và sưng, trĩ trở vào trong hậu môn. Một số trường hợp búi trĩ bị lở loét hoặc hoại tử từng vùng, thậm chí tạo ra áp xe vùng hậu môn và vùng chậu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt không điều độ, thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động, đặc biệt là người làm việc văn phòng. Người bệnh chèn ép, gây áp lực lên hậu môn, mắc tiêu chảy kéo dài, xơ gan, táo bón lâu ngày không điều trị dứt điểm cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Cơ thắt hậu môn bị thoái hóa, nhão, đặc biệt là ở người già. Quá trình mang thai, sinh nở là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh.

Bệnh trĩ nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc và sinh hoạt hằng ngày.

Chia sẻ