Chủ công ty sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh có thể bị phạt đến 15 năm tù
Quá trình điều tra, các cơ quan chức năng xác định đủ yếu tố để xử lý hình sự doanh nghiệp sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngày 14/2, Sáng ngày 14/2, ông Hoàng Đại Nghĩa (Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng đã niêm phong toàn bộ hàng hoá, máy móc của Công ty TNHH Việt Hàn, trụ sở đóng trên địa bàn xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội để phụ vụ công tác điều tra việc doanh nghiệp này sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh để tuồn ra thị trường bán cho người tiêu dùng.
Theo ông Nghĩa, khi có kết quả điều tra cuối cùng mới có cơ sở để xử lý những đối tượng liên quan.
Việc làm của Công ty TNHH Việt Hàn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona (Covid-19) đang có diễn biến lây lan phức tạp.
Trao đổi với Báo Trí Thức trẻ dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Văn Phòng luật sư Tinh thông luật) phân tích, hành vi sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh của Công ty TNHH Việt Hàn hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả".
Mức xử phạt cho người đứng đầu doanh nghiệp này từ 1 năm đến 15 năm tù giam.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 192, Bộ luật hình sự thì bị phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Riêng với nam nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp xuất hiện trong clip, khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang vận hành máy sản xuất khẩu trang giả thì được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức, bởi anh ta thừa biết hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội.
Cơ quan chức năng, Tòa án sẽ căn cứ từng vai trò của nhân viên này để áp dụng hình thức xử lý phù hợp.
"Tôi đánh giá hành vi dùng giấy vệ sinh để sản xuất khẩu trang bán ra thị trường của doanh nghiệp là vô đạo đức, vô nhân tính, thể hiện sự ích kỷ. Họ lợi dụng tình hình dịch bệnh lây lan, người dân lo lắng để trục lợi, cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm để răn đe", luật sư Bình nói.