Chủ bệnh viện làm giả 6.500 kết quả xét nghiệm COVID-19, trục lợi 350.000 USD
Cảnh sát Bangladesh vừa bắt giữ chủ một bệnh viện với cáo buộc làm giả hàng nghìn hồ sơ chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19.
Một chủ bệnh viện ở Bangladesh đã bị bắt vì tội gian lận với cáo buộc phát hành hàng nghìn kết quả xét nghiệm COVID-19 giả để đánh lừa bệnh nhân, trục lợi khoảng 350.000 USD trong một vụ lừa đảo trên diện rộng. Vụ việc đã làm lung lay niềm tin của người dân vào ngành y tế nước này.
Nhà chức trách Bangladesh cho biết, Mohammad Shahed, 43 tuổi, người đã trốn lệnh truy nã trong 9 ngày qua, đã bị bắt giữ khi cố gắng vượt sông sang nước láng giềng Ấn Độ. Đối tượng bị cáo buộc cung cấp cho bệnh nhân kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 giả. Shahed cũng bị buộc tội lừa dối người dân trong quá trình điều trị COVID-19.
Các hồ sơ, giấy tờ cho thấy, bệnh nhân đã phải trả tiền cho việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dù Mohammad Shahedsau đã cam kết với Chính phủ rằng, bệnh viện do đối tượng làm chủ sẽ cung cấp miễn phí các dịch vụ đó.
Theo giới chức Bangladesh, hai cơ sở y tế thuộc sở hữu của Shahed đã tiến hành khoảng 4.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thực tế nhưng làm giả kết quả xét nghiệm của 6.500 người khác. Một phiên tòa vào ngày 16/7 đã cho phép cảnh sát nước này tạm giam Shahed trong 10 ngày để thẩm vấn phục vụ quá trình điều tra.
Đối tượng Mohammad Shahed (giữa) bị bắt giữ. (Ảnh: AP)
Shahed không phải là người đầu tiên ở Bangladesh bị bắt vì hành vi gian lận y tế trong đại dịch COVID-19. Tuần trước, chủ của một cơ sở xét nghiệm tư nhân khác đã bị bắt vì cung cấp chứng nhận thử nghiệm COVID-19 giả mà không tiến hành việc xét nghiệm thực tế cho người dân.
Các chuyên gia lo ngại rằng, những chiêu trò gian lận này có thể khiến người dân Bangladesh không được xét nghiệm COVID-19. Từ tháng 3, Chính phủ Bangladesh đã tiến hành xét nghiệm trung bình từ 13.000 - 17.000 người mỗi ngày, một con số tương đối nhỏ đối với một quốc gia có dân số hơn 168 triệu người.
Những người đi xét nghiệm đã phải chờ đợi trong sự bực bội, thậm chí phải chờ qua đêm. Vụ bê bối mới có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trong công tác xét nghiệm và khiến tình hình dịch bệnh ở Bangladesh trở nên tồi tệ hơn.
Theo thống kê của trường Đại học Johns Hopkins, hơn 193.500 người ở Bangladesh đã nhiễm COVID-19, trong đó có trên 2.400 trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do khả năng xét nghiệm còn bị hạn chế tại Bangladesh.