Chú Ba Sài Gòn với nụ cười giòn tan: Cả năm mưu sinh đất khách, Tết đủ tiền về quê sum họp là vui rồi!
Ai bảo Tết nhạt, chứ chú Ba yêu Tết lắm, chỉ bởi có khoảng thời gian này chú mới có được niềm vui bên gia đình, con cái. Dù rằng thứ niềm vui cỏn con này của chú, vẫn còn bị biết bao khó khăn hãm vây, năm này, kéo qua năm khác,...
Những ngày cận Tết, giữa những bôn ba thường nhật, giữa dòng người vội vã đầy lo toan lại xuất hiện một chiếc xe hàng rong lỉnh kỉnh bánh kẹo đủ loại, gây chú ý ở một góc đường Hoàng Diệu. Đó là những loại bánh xưa, gắn liền với nhiều thế hệ học trò mà ngày nay ta hiếm khi thấy nơi nào có bán. Nhưng câu chuyện của những chiếc bánh thơm ngon vẫn chưa thú vị bằng người gắn liền với chúng suốt hơn chục năm nay giữa Sài Gòn nhộn nhịp.
Chiếc xe bánh đủ loại gây chú ý ở góc đường Hoàng Diệu.
Còn đây là chú Ba - chủ nhân của chiếc xe ngập bánh bên trên.
Chiếc xe bánh ấy thuộc sở hữu của chú Ba - cái tên thân thương mà mọi người hay gọi mỗi khi nhắc đến người bán bánh yêu đời ở ngã tư Hoàng Diệu cắt với Nguyễn Hữu Hào, quận 4. Muốn gặp chú, chỉ cần đến đây vì bất kể sáng sớm hay tối muộn, người đàn ông này vẫn túc trực bên chiếc xe của mình như một người bạn thân không rời xa nửa bước.
Hình ảnh chú Ba luôn gắn liền với chiếc xe của mình.
Từ hương vị tuổi thơ cho đến lúc tìm ra “nhân duyên”
Chú Ba quê gốc Bình Định, năm nay cũng ngoài bốn mươi, khuôn mặt hiền hậu và nụ cười luôn túc trực trên môi. Chú Ba lúc nào cũng mặc áo "chim cò", đủ màu sặc sỡ, thi thoảng lại cao hứng ca vài câu giữa con đường náo nhiệt.
Luôn nhiệt tình với khách hàng với nụ cười trên môi.
Chú Ba tự tin hát hò mặc cho người đi đường dòm ngó.
Nồng hậu và yêu đời đến thế song đằng sau khuôn mặt luôn vui cười lại là cuộc sống còn nhiều lo toan. Tuổi thơ của chú là những ngày lao động mệt nhoài do nghỉ học từ sớm. Đến khi có vợ và ba người con, chú Ba cảm thấy loay hoay vì chưa biết phải làm gì để nuôi nấng con nên người. Đó là lúc chú gặp một người bạn làm bánh dưới quê, được mời ăn những mẻ bánh thơm ngon, chú chợt nhận ra hương vị thân quen mà lúc bé chú luôn thích thú mỗi khi nếm thử.
Nhận ra đây là loại bánh rẻ tiền, không tốn nhiều công cũng như vốn liếng để kinh doanh, chú Ba làm liều khăn gói lên Sài Gòn, ban đầu là lấy vài loại bánh đặc sản lên bán, về sau mở rộng thêm nhiều loại khác rồi đóng thành một chiếc xe nho nhỏ, chất hết hàng hóa lên xe, mỗi ngày đi rao khắp các hẻm các quận. Ngờ đâu bây giờ chú Ba gắn bó với nghề cũng gần chục năm, nuôi ba người con ăn học thành tài và giỏi giang.
Bên chiếc xe lỉnh kỉnh là câu chuyện về miếng bánh tuổi thơ của chú.
Nghèo thì cũng đã nghèo, thôi thì mình nghèo có nhau
Mưu sinh vất vả ở Sài Gòn, một mình chú Ba gồng gánh cả gia đình chục năm nay. Khi được hỏi vợ chú sao không vào đây phụ giúp, chú Ba thẳn thắng: “Tui sợ con tui hư lắm, nhìn mấy thằng nhỏ dưới quê không có cha mẹ rồi sa lầy vô mấy cái cờ bạc hại mẹ hại cha làm tui cũng không an tâm. Nên để mẹ nó ở nhà dạy dỗ, tui thì cực khổ mấy cũng được, miễn là tụi nó chịu ăn học đàng hoàng”.
Chú Ba trải lòng về chuyện học hành của các con.
Ai thở than Tết nhạt, sợ Tết, chứ chú Ba thì yêu Tết lắm. Vì Tết là mùa vui, là lúc chú lại được về quê gặp gia đình sau một năm vất vả. Chú chẳng dám sắm gì cho bản thân ngoài dành tiền lấy bánh mỗi sáng, còn lại là tiền dành dụm cho các con, cho căn nhà khang trang và nhất là một chiếc vé về quê ăn Tết.
Chú Ba yêu Tết lắm, vì khi đó mọi người đều có thời gian nghỉ ngơi dù già trẻ lớn bé, hễ Tết là mọi người trong xóm lại quây quần bên nhau, kể mấy câu chuyện làm ăn xa, đàn bò, thửa ruộng... Năm nào cũng có mấy chuyện, mà kể nhau nghe hoài không hết.
Thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của chú dưới tán cây cùng người bạn.
Chú Ba không sợ nghèo không sợ khó, vì "nghèo thì cũng nghèo rồi", chỉ sợ mình không thể cùng các con đón một cái Tết đoàn viên ấm cúng. Hy vọng chú vẫn luôn giữ được nụ cười thật đẹp ấy trên môi dù cuộc sống mai này có ra sao đi chăng nữa, vì những người lạc quan như chú ít hay nhiều cũng một phần giúp cuộc sống ngoài kia an nhiên hơn.