Chồng tôi - "em chã"

Trang My,
Chia sẻ

Hoa phát điên khi suốt ngày mẹ chồng thì: Con đang ở đâu? Làm gì? Mấy giờ về? Đi đến đâu rồi… còn Minh thì răm rắp khai báo và miêu tả chi tiết địa điểm cho mẹ.

Hoa dùng dằng cau mặt rồi hét lớn: “Sao anh cứ bám lấy váy mẹ thế nhỉ? Em quá chán vì suốt ngày anh cứ lặp đi lặp lại cái điệp khúc mẹ anh, mẹ anh lắm rồi. Nếu anh không thể rời được mẹ, anh còn lấy em về làm cái gì? Em thật hết chịu nổi anh rồi…”.

Nói một hơi dài, Hoa lên xe, phóng thẳng ra ngoài đường. Chưa bao giờ cô thấy bất lực và chán nản với thói “em chã” của chồng đến vậy. Suốt 4 năm cưới nhau, bao nhiêu ấm ức dồn nén, bao nhiêu tủi hờn, cô độc, Hoa dốc sạch ra ngoài mặc kệ Minh, khuôn mặt thuỗm ra vì không hiểu.

Từ ngày còn yêu nhau, Hoa đã lờ mờ nhận ra rằng người yêu mình “dựa bóng” mẹ rất nhiều. Mỗi lần đi chơi, hẹn hò với Hoa, Minh không bao giờ chủ động. Chỉ đến khi Hoa gọi điện thì Minh mới ấp úng: “Anh hỏi mẹ đã nhé” hoặc “anh tham khảo ý kiến mẹ rồi trả lời anh”… 27 tuổi đầu, Minh chưa bao giờ tự ý thức để làm việc gì đó một mình. Hoa nhiều phen nghẹn đắng cổ khi mua cho Minh bất cứ thứ gì Minh đều không dùng chỉ với một lý do: “Mẹ bảo anh không nên tùy tiện dùng đồ của người khác tặng”…
 
 
Vì yêu Minh đủ lâu để không thể từ bỏ mà đến với người khác, Hoa kiên nhẫn với ý nghĩ: “Lấy vợ, có gia đình rồi anh ấy sẽ khác. Mẹ anh ấy cũng sẽ không quá sát sao khi mình là dâu con trong nhà rồi. Chẳng qua do quen với lối sống được mẹ nuông chiều nên anh mới thế..”. Lý do bao biện và cũng là an ủi cho mình cỡ nào thì cuối cùng Hoa cũng nhận ra bản tính của chồng mình không thể thay đổi. Dạo mới cưới nhau, hai vợ chồng son rủ nhau đi chơi thì Minh liên tục nhận được những cuộc điện thoại kiểm tra và phải báo cáo liên tục địa điểm hai đứa di chuyển cho mẹ chồng.

Hoa phát điên khi suốt ngày mẹ chồng thì: Con đang ở đâu? Làm gì? Mấy giờ về? Đi đến đâu rồi… còn Minh thì răm rắp khai báo và miêu tả chi tiết địa điểm cho mẹ và không quên mè nheo mẹ như một đứa trẻ. Lắm khi, mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại là Hoa phát rùng mình. Thành ra mỗi khi hai vợ chồng đáng lẽ phải có thời gian thoải mái ở bên ngoài thì chồng Hoa suốt ngày lấy điện thoại ra, cất điện thoại vào, nói, nói và nói.

Không những thế, để ngày kỉ niệm ngày cưới, Hoa mua tặng chồng một chiếc áo sơ mi, một đôi giầy, nhận quà từ tay vợ, Minh hờ hững cầm sang phòng mẹ rồi quay về mặt rất hớn hở: “Mẹ bảo em đi trả đồ đi. Mẹ bảo anh mặc cái áo màu này không hợp còn đôi giầy mẹ bảo dáng thô…”. Nghe chồng phũ phàng nghe mẹ gạt phắt quà của mình, Hoa giận tím mặt, giật phắt mấy túi đồ trên tay Minh, ném vào cốp xe.

Lấy nhau được năm năm, thế nhưng vợ chồng Phương dường như không bao giờ có được những giây phút riêng tư với nhau. Tuần trăng mật của hai vợ chồng son lúc nào cũng kè kè… mẹ chồng bên cạnh. Mỗi lần hai vợ chồng âu yếm nhau là mẹ chồng tìm mọi cách ngồi xen vào giữa. Phương tỏ ra tức giận thì chồng cười hềnh hệch: “Mẹ thương anh, cưng anh như cục vàng nên em đừng so đo làm gì”.
 

Nào Phương có dám và cũng không muốn so đo với mẹ chồng nhưng mỗi lần thấy chồng muốn mua một món đồ cá nhân nào đó lại cum cúp cầm tiền sang phòng mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ xem cái này có được không rồi mua cho con nhé!” thì Phương giận đến phát khóc. Hóa ra trong cái nhà này, Phương là khúc gỗ, là nắm đất vô tri chứ không phải là vợ của anh. Đụng một tí là mẹ chồng lại xuýt xoa: “Ôi con tôi! Khổ chưa!” hay “mẹ bảo con rồi đừng đụng vào việc gì cả Cứ để đấy cái Phương nó làm. Con biết gì đâu…”. Cứ thế tính “em chã” của chồng Phương ngày càng khiến cô khó chịu.

Đi làm về, anh chạy ùa vào phòng mẹ chào hỏi, nói chuyện đến hàng tiếng đồng hồ. Lắm hôm mẹ chồng có món gì ngon là lại thủ thỉ hai mẹ con đóng cửa phòng, mẹ bón, con ngoan ngoãn ăn và lau miệng, thậm chí xúc miệng cho thật sạch để khỏi bị vợ phát hiện mới trở về phòng.

Có những khi công việc dồn dập cộng thêm việc nhà khiến Phương mệt bã người mẹ chồng mặc kệ, còn chồng Phương vẫn thói quen hàng tiếng “vấn an” trong phòng mẹ chồng trong khi anh chỉ vừa sổ mũi, hắt hơi là mẹ anh chạy đôn chạy đáo như anh mắc phải bệnh khó chữa. Được thể, chồng Phương càng trở nên rề rề, uốn éo.

“Cứ tình trạng này có lẽ đến 70 tuổi thì chồng tôi vẫn ‘em chã’ thế. Lúc này chưa có con thì còn thấy chịu đựng được nhưng không biết lúc có con rồi tôi có thể nín nhịn và chịu đựng thế này được nữa không?!”, chị Phương than thở.

Chia sẻ