“Chồng mình còn không thương mình thì đòi hỏi gì ở thiên hạ”
Câu nói đanh thép trong bài viết về sự chia sẻ trong gia đình cũng thay lời nhắn nhủ của tác giả về hôn nhân hiện đại.
Trầm cảm sau sinh và sự vô tâm của người chồng là những cụm từ được nhắc tới nhiều lần trong mấy ngày gần đây, cũng vì bài học đau xót về vụ án một em bé 33 ngày tuổi phải chết oan ức vì mẹ ruột. Có lẽ, hơn bao giờ hết sự gắn kết và sẻ chia của các thành viên trong gia đình đang được mọi người quan tâm và coi trọng vai trò của nó.
Nữ tác giả Tuệ Nhi – chủ nhân của rất nhiều bài quan điểm sắc sảo về hôn nhân – tình yêu – gia đình, mới đây đã tiếp tục làm dậy sóng cộng đồng mạng bởi một bài viết đanh thép về chủ đề nóng hổi này. Bằng việc kể lại một câu chuyện nhẹ nhàng về một cặp vợ chồng trẻ mới lên chức bố mẹ, Tuệ Nhi đã gửi gắm vào đó thông điệp rõ ràng và thẳng thắn về sự cảm thông của người đàn ông dành cho vợ mình sau khi họ làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của phụ nữ.
Nguyên văn bài viết đang gây sốt này:
Anh minh họa
Đây là vợ tôi, vì hai vợ chồng đều không hợp tính bố mẹ nên sau khi cưới được mấy tháng chúng tôi xin ra ở riêng. Nhưng từ ngày biết vợ tôi có bầu thì mẹ tôi lại chủ động qua thăm con dâu liên tục. Bầu càng to, bà càng mang lắm đồ ăn thức uống, nhìn cái tủ lạnh tôi còn phát sợ đừng nói đến vợ đang nghén xanh mặt mày. Nhưng khổ nỗi không ăn bà lại giận, mặt nặng mày nhẹ. Thành ra đêm về tôi lại thay vợ ăn cho vừa lòng mẹ.
Mấy tháng cuối, mẹ tôi gần như sang định cư, phải chứng kiến tận mắt con dâu ăn thì bà mới yên tâm. Cứ mấy hôm mẹ tôi lại hỏi, thằng cu của bà tăng được mấy lạng rồi, cho đến ngày đẻ, vợ tôi tròn như cái cối xay, con trai tôi 3 cân rưỡi thì bà mới vui vẻ ra mặt. Tôi biết vợ cũng khó chịu lắm, ăn uống đi đứng đều bị mẹ chồng để ý nhắc nhở chút một. Nhưng biết làm gì hơn, vì âu cũng là cháu bà, bảo bà không lo sao được. Nên đêm về chỉ biết ôm lấy vợ động viên an ủi. Vợ thèm cái gì linh tinh thì lén mua về giấu diếm mang lên phòng cho vợ thỏa lòng.
Ba tháng vợ tôi ở cữ, nó còn kinh khủng hơn 9 tháng vợ tôi mang thai. Tôi đi làm bận rộn cả ngày nên việc nhà chỉ nhờ bà nội bà ngoại qua thăm nom để ý. Vợ tôi gặp mẹ đẻ thì vui nhưng thấy mẹ chồng là căng thẳng, vì bà nội lúc nào cũng lo cháu trai đói sữa, chân giò bà ninh cho cả tháng. Bà sang thì cháu bà ăn nằm thế nào vợ tôi cũng chiều theo ý bà hết. Mà mấy cụ hay có bài ca "ngày xưa chúng tao đẻ cả chục đứa cũng có sao đâu, nuôi dễ như nuôi con ngan con vịt…", rồi chê vụng trách dại đủ đường. Có hôm tranh thủ trưa tạt qua nhà, thấy vợ nước mắt giọt ngắn giọt dài thui thủi trong phòng mà thấy thương đến tội. Lại chẳng biết làm gì, chỉ biết ôm lấy vợ bảo: "thôi em đừng nghĩ, có gì không nói được với mẹ thì nói với anh để anh lựa lời, chứ đừng giữ ấm ức trong lòng sinh bệnh lại khổ".
Ảnh minh họa
Đêm hôm thì bà về, lúc ấy vợ mới tươi tỉnh trở lại. Nhưng con lại quấy khóc, cứ chợp mắt được tí lại pha bình sữa, lại thay cái bỉm, quay đi quay lại cũng hết cả đêm. Mấy tháng đầu vì chưa thích nghi được với cuộc sống con thơ nên cả hai vợ chồng đều rất mệt mỏi. Có những lúc tôi cũng sợ phải về nhà, sợ phải đứng giữa hai người đàn bà, sợ cái cảm giác vừa đặt lưng xuống giường thì lại giật mình nghe tiếng con khóc. Nhưng nghĩ đời vợ vượt cạn được mấy lần, mình không săn sóc lúc này thì lúc nào mới gọi là đồng cam cộng khổ.
Thằng cu được hơn ba tháng, trộm vía cũng bụ bẫm cứng cáp, vợ bảo có thể tự xoay xở được nên chỉ cuối tuần bà nội mới tạt qua chơi với cháu rồi về. Tôi hỏi vợ liệu có làm được hết không, vợ bảo: "chỉ cần chồng quan tâm, luôn làm chỗ dựa vững vàng cho em thì mọi chuyện em đều cáng đáng được".
Thế rồi cô ấy lại một tay chăm sóc cho cả gia đình từ đầu đến cuối. Không muốn chồng cơm hàng cháo chợ, sáng tôi đi làm tranh thủ mua mớ rau, trưa về đã có cơm lành canh ngọt chờ sẵn. Tối đến hai vợ chồng lại thủ thỉ chia sẻ. Vợ kể chuyện con cái, thuốc men bỉm sữa, tôi kể chuyện đồng nghiệp cơ quan .
Mấy hôm nay trên facebook rầm rộ bàn tán vụ một bà mẹ trẻ vì trầm cảm sau sinh mà hại chết con mình. Tôi nói: "Anh không nghĩ trầm cảm sau sinh lại nghiêm trọng vậy. Anh cứ nghĩ nó chỉ như kiểu vui buồn nóng giận thất thường thôi chứ". Vợ tôi bảo: "Em không bất ngờ, vì trước cũng đọc trên báo nhiều vụ như vậy. Có người thì vì chồng bồ bịch còn ôm cả con nhảy cầu tự tử, có người thả con vào chum nước mà lúc hỏi vẫn ngẩn ngơ không nhớ gì. Ai đẻ rồi mới hiểu trong thời kì ấy tâm trạng của phụ nữ bất ổn đến đáng sợ".
Tôi chen ngang: "Anh thấy đầy bà đẻ rồi mà vẫn chửi rủa người ta độc mồm độc miệng, chả thấy có chút thông cảm gì". Vợ tôi quay ra cười buồn: "Đời mà anh, đến chồng mình còn không thương xót mình thì đòi hỏi chi ở thiên hạ. Cứ thử nghĩ mà xem, sao cả làng cả nước đều ăn ở một cái chợ, uống chung một cái giếng. Mà có người chết già người chết trẻ, người mạnh khỏe người lại ung thư. Nên người trầm cảm hay không trầm cảm còn do hoàn cảnh sống xung quanh họ và do bản chất, thể trạng riêng của từng người. Chuyện đó với phụ nữ giống như một nỗi ám ảnh vậy. Thay vì nói những lời vô tâm cay độc, tốt hơn người ta nên nhìn lại gia đình mình, đối đãi cân bằng làm sao để không vấp lại vào vết xe đổ". Tôi tặc lưỡi: "Vậy chồng mà vô tâm thì chẳng khác gì tiêm thuốc độc cho vợ".
Thằng cu no sữa say ngủ, vợ cũng thiếp ngủ theo. Nhưng tôi cứ ngồi lặng người đi nhìn vợ. Không hiểu tại sao mọi thứ cứ đổ hết lên vai những người đàn bà như vậy. Bầu bí thế nào, sinh con chăm con thế nào cũng là trách nhiệm của họ, lỗi lầm chỉ mình họ. Phụ nữ trở nên bế tắc cô độc ngay trong chính mái ấm của mình. Con gái lấy chồng thì như bát nước hất đi, sướng không về khoe, sao khổ dám chạy về nhà đẻ khóc lóc. Người nào may mắn thì gặp được bố mẹ chồng tâm lý thương yêu. Người nào không thì tốt vậy tốt nữa vẫn phải chịu cái cảnh khác máu tanh lòng trách chê xỉa xói. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn nằm ở người chồng, người đẩy họ xuống bờ vực hay kéo họ ra khỏi bờ vực.
Nhiều ông vợ đẻ vẫn mặc nhiên ôm điện thoại nhiều hơn ôm con, mặc nhiên cả chuyện bồ bịch gái gú để giải quyết sinh lý. Hay mặc nhiên nghĩ bản thân chỉ cần kiếm tiền thôi là đủ… cứ thế vô tư, cứ thế vô tâm sống ngoài sự hẫng hụt, mệt mỏi, tổn thương của vợ mình. Để rồi một ngày khi nước mắt rơi xuống, tiền bạc không thể hong khô được nữa, khi mái ấm đã tan hoang, sự hối tiếc cũng đã quá muộn màng.
Mong sao tiếng chuông cảnh tỉnh này sẽ đụng chạm đến tâm tính của mỗi người chồng. Đụng chạm đến sự nhân đức bao dung của mỗi người làm cha mẹ trong ngôi nhà có kẻ làm dâu. Mong sao những người phụ nữ sẽ được yêu thương trân trọng nhiều hơn, để cuộc chiến chống lại căn bệnh trầm cảm sau sinh sẽ không chỉ là cuộc chiến âm thầm đơn độc, sẽ không có đứa trẻ vô tội nào phải chết oan trong sự vô thức tai họa khiến lòng người đau xót đến tận trời xanh.