"Chồng con là cái nợ nần..."

Thùy Dung,
Chia sẻ

Nhiều người phụ nữ đang biện minh rằng việc gắn kết với một người đàn ông khiến họ không còn được tự do như trước, họ bị ngăn trở về nhiều mặt và thậm chí không còn sống là mình.

Hôm qua, tôi có nói chuyện với một chị bạn, đã lấy chồng được một thời gian khá lâu. Chị tới trễ buổi hẹn vì phải chăm thằng nhóc tắm rửa và ăn uống trước khi cô gia sư của cậu bé đến. Vừa tới nơi, chị ngồi phịch xuống ghế, bắt đầu câu chuyện bằng việc than thở, rằng chồng con là cái nợ nần... Đã vài năm trời chúng tôi chưa gặp nhau, thực lòng cũng không muốn sa đà vào chủ đề gia đình bí sử ấy, nhưng tôi vẫn chọn cách im lặng lắng nghe. 8 năm trước, chị bỏ việc theo chồng vào ra Bắc sống, lạ nước lạ cái, thêm vướng bận chuyện gia đình sinh con, chị bằng lòng với vai trò nội trợ thay vì ra đường kiếm tiền với chồng. Bẵng đi một thời gian, chị bỗng cảm thấy “buồn chân buồn tay” khi chứng kiến bạn bè, những người phụ nữ đồng trang lứa với chị đang ngày ngày vẫy vùng ngoài xã hội. Chị tiếc ngẩn ngơ cái thời vàng son và ra vẻ trách hờn chuyện chồng con ngăn trở sự nghiệp của chị.

Lại nhớ đến một cô bạn cùng lớp hồi cấp 3 của tôi, đã sớm theo chồng bỏ cuộc chơi ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Những hẹn hò bị gác lại, nỗi lo lắng làm việc phụ giúp gia đình chồng, bị ép “lớn sớm” bằng những lời giục giã sớm cho mẹ có cháu bồng cháu bế, bữa trước gặp lại, bạn tôi đã thành một người phụ-nữ-đích-thực từ lúc nào. Mấy đứa nhìn bạn ngán ngẩm, trách bao bữa họp lớp hay liên hoan vui vui chẳng đến tham gia. Cô bạn lại lôi chồng con ra làm cớ. Tôi chẳng biết cuộc sống gia đình đã “ngốn” của cô bạn bao nhiêu thời gian. Chỉ dám nghĩ thầm, nếu là chồng cô bạn, hẳn tôi sẽ buồn lắm khi nghe được những lời đó.
 

Tôi tin rằng hai người bạn tôi vừa kể trên không phải là trường hợp hiếm hoi của mẫu phụ nữ đóng thuyền và than thuyền chật. Hôn nhân là chuyện của cả đời. Họ may mắn hơn nhiều người được lựa chọn người mình thương, được sống gắn bó với họ. Nhưng chính vì sự may mắn đó, trong họ lại xuất hiện thêm một nỗi lo mới, nỗi lo muôn thuở của chị em phụ nữ, lo chồng con... ngáng đường. Thiết nghĩ, phụ nữ tham gia vào chuyện nội trợ trong gia đình là điều dễ hiểu. Người ta chẳng đã nói, đằng sau một người đàn ông thành công là một người phụ nữ biết chăm sóc đó sao. Vậy hà cớ gì mà bạn từ bỏ chức danh người phụ nữ đó?

Nhiều người phụ nữ đang biện minh rằng việc gắn kết với một người đàn ông khiến họ không còn được tự do như trước, họ bị ngăn trở về nhiều mặt và thậm chí không còn sống là mình. Tôi tin rằng chỉ có hai kiểu phụ nữ có thể hùng hồn nói ra những điều như vậy. Thứ nhất là những người phụ nữ không thực sự yêu chồng con và chỉ sống vì trách nhiệm hoặc những gì na ná vậy. Thứ hai là những người phụ nữ bị cùm kẹp trong vòng quản lý quá chặt của chồng, của gia đình chồng. Với kiểu nạn nhân thứ nhất, tôi nghĩ rằng thật đáng buồn khi họ không nhận ra rằng chăm sóc gia đình không phải là thiên chức của người phụ nữ mà nên là một phần niềm yêu thích của họ. Riêng với kiểu thứ hai, tôi lại cho rằng họ xứng đáng để nhận được sự cùm kẹp đó. Tại sao ư? Đời người sống được mấy mươi năm, sao để người khác nắm quyền điều khiển, vui thì họ hưởng, buồn thì ta lo. Đành rằng ai cũng muốn hi sinh vì chồng, vì con, nhưng thay vì ù ù cạc cạc nghe theo tất cả, hãy đưa ra ý kiến của mình và cùng nhau chia sẻ. Người phụ nữ hiện đại sẽ ngoan ngoãn trước mặt chồng, nhưng ngoan có chừng mực, ngoan một cách thông minh.

Chồng con chưa từng và mãi mãi không phải cái nợ nần như trong câu ca dao đùa vui cổ. Chồng con là một phần quan trọng trong cuộc sống gia đình của người phụ nữ. Chỉ cần một chút khéo léo trong việc quán xuyến chuyện nội trợ, chỉ cần một chút tâm lý trong việc đề nghị chồng sẻ chia gánh nặng cùng, chỉ cần tìm lại được năng lượng như hồi... chưa chồng, tôi tin rằng người phụ nữ nào cũng có thể thành công. Hơn thế nữa, sau những phút giây căng thẳng bên ngoài xã hội, sẽ thoải mái biết bao khi ta trở về nhà và bắt gặp những nụ cười, những câu chuyện thân thuộc của chồng của con.

Nếu bạn chẳng thể giỏi giang và có lắm thời gian nhàn rỗi như nhiều người, trước khi quở trách chồng và con trước mặt người khác, hãy tự xét đến khả năng của mình, hãy nghĩ xem bạn đã biết cách tận dụng và phát huy hết khả năng của mình chưa. Nếu bạn không thể tìm thấy mình như ngày trước khi cưới, đó hẳn là bởi tự bản thân bạn đã đánh mất nhuệ khí làm việc của mình rồi. Gia đình là chốn để về, chứ không phải nơi giam chân.

Chia sẻ