Chọn ngày giờ “tốt” để sinh: Lợi hay hại?
Đứa trẻ sinh ra đúng chỉ định y khoa dù không hợp “giờ tốt” nhưng sẽ được hưởng “lợi thế” ngay từ đầu, đó là dòng sữa non của mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh...
“Ngày giờ sinh ảnh hưởng đến cả cuộc đời đứa nhỏ nên dù nghe người ta nói sinh kiểu tự nhiên, ngày giờ tự nhiên thì con dễ nuôi hơn nhưng tôi vẫn quyết cho con ra đời đúng giờ vì đây là quý tử, vợ chồng tôi lấy nhau 3 năm mới có...” chị N.T.M.H (32 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) quả quyết khi ngồi chờ khám thai tại Bệnh viên Phụ sản Từ Dũ.
Chị đang đợi chồng vào thuyết phục bác sĩ (BS) về chuyện này, nếu không xong thì quyết đi tìm một BV tư nhân để được như ý. Chị tiết lộ rằng một “thầy” rất thân quen với gia đình đã bảo nếu con chị tuổi Mùi thì sẽ... yểu mệnh nên chị quyết định cho em bé ra đời trước giao thừa, tức sớm gần 2 tuần so với ngày dự sinh.
Nhân viên trực tổng đài tư vấn của một đơn vị phụ sản tư nhân kể rằng chị đã không ít lần nhận được cuộc gọi nhờ tư vấn cách chọn một ngày sinh khác so với ngày dự sinh. Thậm chí có người còn hỏi “BS có thuốc gì để tôi... sinh chậm vài ngày không vì ngày thứ tư sau ngày dự sinh mới là ngày tốt?”. Nhiều người sẵn sàng chọn một đơn vị y tế khác để sinh nếu nơi họ đang theo dõi thai từ chối việc chọn ngày sinh.
Đứa trẻ sinh ra đúng chỉ định y khoa dù không hợp “giờ tốt” nhưng sẽ được hưởng “lợi thế” ngay từ đầu, đó là dòng sữa non của mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh... Ảnh minh họa
“Quá trình tử cung co bóp để đẩy đứa trẻ ra khỏi cơ thể mẹ khi sinh thường sẽ giúp phổi đứa bé được bung ra, giãn nở tốt hơn... và đó cũng là lý do em bé sinh thường dễ dàng cất tiếng khóc chào đời hơn” - BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, giải thích.
Không chỉ là cách sinh, cái lợi về hô hấp còn ở chỗ trẻ sinh đủ ngày, đủ tháng. Vị BS trực tổng đài tư vấn trên cho biết nhiều bà bầu đòi sinh ở những tuần thai 35, 36 và nghĩ rằng chỉ sớm 2-3 tuần thì không sao. Họ không biết rằng nhiều bà mẹ khác bị dọa sinh non, phải cực khổ dưỡng thai qua mốc 35 tuần ấy, nếu dưỡng không được thì em bé phải được tiêm thuốc để phổi trưởng thành sớm, đồng nghĩa với khả năng đối mặt với một số nguy cơ khác. Sinh sớm dù chỉ vài tuần theo cách không tự nhiên, trẻ còn có nguy cơ bị ngạt sau sinh, một trong những biến chứng nguy hiểm nhất đe dọa tính mạng và có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.
Tại các bệnh viện, ngay cả trường hợp có chỉ định buộc sinh mổ, BS cũng đợi đến lúc thai phụ vào giai đoạn chuyển dạ mới tiến hành phẫu thuật bắt con. “Cuộc sinh càng gần với tự nhiên nhất thì càng tốt cho 2 mẹ con. Sản phụ đã chuyển dạ thì sau sinh, tử cung sẽ co hồi tốt hơn, ngăn ngừa được nguy cơ tai biến, nhất là băng huyết sau sinh. Cuộc mổ vì thế sẽ an toàn hơn và sản phụ cũng mau hồi phục hơn” - BS Thông cho biết.
Đứa trẻ sinh ra đúng chỉ định y khoa dù không hợp “giờ tốt” nhưng sẽ được hưởng “lợi thế” ngay từ đầu, đó là dòng sữa non của mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh, được mẹ ôm ấp “da kề da” sớm - một yếu tố quan trọng đã được Bộ Y tế khuyến cáo các đơn vị y tế áp dụng nhằm giúp thân nhiệt trẻ ổn định và tạo mối liên kết mẹ - con từ sớm.
Nhiều chuyên gia y tế đặt vấn đề: Với những bất lợi trước mắt và nhiều mối nguy tiềm tàng cho cả người mẹ và em bé như đã xảy ra, liệu việc chọn “giờ tốt” để sinh con theo cách trái tự nhiên là giải pháp phù hợp?